Nhà văn Trần Thị Trường - Tám mảnh ghép trên đất Mỹ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Nhà văn Trần Thị Trường - Tám mảnh ghép trên đất Mỹ


Hai mươi năm, từ ngày con gái là giáo viên tiếng Anh lấy chồng rồi theo chồng về Mỹ, cứ hai năm một lần tôi lại có dịp đặt chân lên vùng đất xa xôi này.

Tác giả trên đất Mỹ.
Với cái nhìn của người đã có 5 năm sống ở châu Âu, và đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi vẫn phải nói rằng, nước Mỹ là nơi gây cho tôi nhiều ngạc nhiên hơn cả.

1. Mỹ là quốc gia có diện tích lớn, với 17 triệu km². Mặt trời ở Cali thức dậy sau New York 3 tiếng, và luôn chậm hơn Hà Nội 15 tiếng. Nước Mỹ có 50 bang, nhưng như ngài đại sứ M.W.Marine đã nói với những nhà báo trong chuyến thăm Mỹ năm 2005 thì chỉ cần đến 3 bang Washington DC, New York, và California là thấy được nét chủ đạo về văn hoá và đời sống Mỹ. Tôi đã trải nghiệm cả ba nơi này.

Điều đầu tiên tôi thấy là nước Mỹ ở nơi nào cũng sạch. Mọi con đường trông như những dải lụa màu xám, hai bên phủ đầy bóng cây.

Có thể nói không ngoa rằng ở đây ngay đến thùng rác cũng biết chỗ đứng của mình, sao cho đẹp và hợp vệ sinh. Bởi người Mỹ, ngay từ tuổi mẫu giáo đã được giáo dục kỹ về việc phải vứt rác và phân loại rác sao cho đúng cách. Các cửa hàng luôn khuyến khích người tiêu dùng đem đồ dùng cũ như chai, lọ, vỏ hộp.. đến để đổi lấy phiếu tặng thực phẩm, hạn chế dùng túi đựng bằng chất không phân hủy...

Mỹ là quốc gia sử dụng rất nhiều xăng dầu, bởi mỗi gia đình đều có ít nhất một ô tô nhưng do mật độ cây xanh cao, đường sá chuẩn, động cơ được chạy đúng công suất nên không tạo ra nhiều khí thải thừa. Cộng thêm độ ẩm rất thấp, không gian thoáng đãng nên con người luôn sảng khoái. Con gái tôi sống ở Mỹ đã trên 20 năm, thế mà trừ 2 lần sinh con, chưa phải dùng một viên thuốc nào.

2. Để tạo cho trẻ ý thức tự lập và biết tư duy độc lập ngay từ khi chào đời người Mỹ đã cho con nằm nôi, không chung giường với bố mẹ. Đến khi lớn hơn cũng không chung phòng và đến khi 18 tuổi thì được khuyến khích rời nhà để ở trong ký túc xá hoặc thuê nhà sống riêng.

Ở tuổi phổ thông, nếu học trường công, học sinh không phải đóng tiền. Vào đại học nếu học giỏi được cấp học bổng, nếu nhà nghèo không có tiền học được vay ngân hàng với lãi suất thấp. Khi ra trường có việc làm mới phải trả tiền vay. Bạn của con gái tôi vay để học xong bằng tiến sỹ, ra trường lập gia đình, có con, tiền vay mới trả xong. Nhưng thu nhập của tiến sỹ cho phép chị đồng thời mua nhà và trả các khoản nợ cũ. Thu nhập của chị ngang mức lương tổng thống.

Một hàng xóm là luật sư thuộc một hãng luật nổi tiếng nhất nước Mỹ thì có thu nhập gấp 10 lần tổng thống hiện thời (khoảng 20 triệu USD/ năm, bao gồm lương và tiền cổ phần). Nhưng thu nhập cao đồng nghĩa với những căng thẳng và áp lực trong công việc.

Các vụ kiện về vi mạch điện tử, về quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, về xâm phạm riêng tư… của các ông lớn như Google, Apple, Facebook… là một những ví dụ sinh động về độ khó của vụ việc và về trình độ của luật sư. Ở đây, luật sư không chỉ "tính giờ ăn tiền" mà luôn phải chuẩn bị sẵn tâm thế bồi hoàn nếu "lời cãi" không có cơ sở thuyết phục…

3. Người trẻ Mỹ không phải ai cũng thuận lợi. Tôi đã gặp những người suốt đời trong các nhà hàng, tiệm sửa xe, nhà kho, hay lao động nặng, khuân vác giúp việc ở siêu thị.

Thu nhập trung bình của họ chừng từ 2.000 - 3.000 USD/ tháng. Đấy là đội ngũ những người thu nhập thấp, được nhà nước giúp đỡ một phần phí bảo hiểm sức khỏe. Hầu hết người Mỹ phải đi thuê nhà.

Cha mẹ chỉ cho con cái một chút vốn liếng khởi đầu, mà trong rất nhiều trường hợp như tôi thấy, cha mẹ chẳng cho gì cả, con cái cũng phải thấy là chuyện bình thường.

Những cung đường nước Mỹ.

Tài sản được hưởng từ bố mẹ chỉ có sau khi bố mẹ qua đời. Nhưng có không ít trường hợp, các ông bố bà mẹ lại viết di chúc, để lại phần lớn tài sản của mình cho nhà thờ hoặc những tổ chức ủng hộ người nghèo. Họ không muốn con cái mình trở thành những công dân ỷ lại.

4. Lòng tự trọng và sự sòng phẳng của người Mỹ rất cao, ngay cả trong những giao tiếp hàng ngày. Rủ nhau đi ăn, nhưng ai thích gì gọi nấy và tự thanh toán, không ai vì thế mà mất vui.

Mời nhau đến nhà dùng bữa, ngay lập tức người được mời hỏi nên mang theo thứ gì đến cho phù hợp với khẩu vị bữa ăn chung, và để đỡ đi một phần công việc cho chủ sự. Cho nên, những bữa ăn như thế, cuộc vui kéo dài mà chủ khách đều không mệt.

Người Mỹ tôn trọng tuyệt đối sự riêng tư, nếu người ta không tự nói thì có 4 câu không bao giờ được hỏi: Bao nhiêu tuổi? Có gia đình chưa? Con cái thế nào? Thu nhập bao nhiêu? Theo đảng phái/ tôn giáo nào?…

Ở Mỹ đàn ông cũng cùng vợ nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp vệ sinh. Nhiều người còn ở nhà chăm sóc con cái khi vợ mình có thu nhập tốt hơn mình, nhưng cũng không vì thế mà người vợ nhìn chồng bằng con mắt khác.

5. Người Mỹ tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Ra đường tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh vượt đèn đỏ. Ngay cả ở những con phố nhỏ, ở các vùng hẻo lánh, qua những nơi giao cắt nhau không đèn tín hiệu, các phương tiện giao thông cũng luôn chủ động dừng lại vài giây để quan sát và nhường đường cho người đến trước. Ai vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu bằng lái trong ít nhất 6 tháng và phạt rất nặng.

Còn nếu đỗ xe sai quy định, hay quá giờ cũng bị phạt đau không kém. Tôi có lần để xe 13 phút ở chỗ vốn chỉ được để 10 phút, bị phạt 40 USD. Xót quá! Về nhà không dám nói với con. Bởi nói ra, tụi nhỏ sẽ rất buồn, không phải vì mẹ nó phải mất tiền, mà vì nó sẽ bảo không tôn trọng luật là không tự trọng.

6. Những người già ở Mỹ mà tôi quen biết đều khiến tôi nể trọng vì sự tự tin, tự tại của họ. Người mẹ 90 tuổi có thể sống một mình trong căn nhà rộng rãi tít trên đồi cao, nơi bà thích, với nguồn lương hưu ít ỏi, trong khi gia đình con trai sống dưới thung lũng điện tử thu nhập cao ngất trời.

Vì bận việc, con trai ít khi thăm mẹ, nhưng không vì thế mà mẹ coi con là bất hiếu. Ở đây, tôi thấy cha mẹ coi trọng sự lựa chọn về cách sống, và thói quen của con cái… Họ không phụ thuộc vào con cái.

Dĩ nhiên, điều ấy có được nhờ hệ thống y tế, an toàn xã hội luôn được duy trì. Nếu người già ốm cần sự chăm sóc y tế thì chỉ một cuộc điện thoại, thậm chí có cả máy bay xuất hiện kịp thời…

Những người già không có nhà riêng, không có khả năng chi trả các khoản thì tuỳ mức độ mà cộng đồng hoặc nhà nước sẽ giúp đỡ. Còn khỏe thì xếp hàng, không đi được sẽ có các tình nguyện viên đưa/ nhận khẩu phần ăn hàng ngày ở các tổ chức tôn giáo từ thiện, tối ngủ ở nhà xã hội.

Nhưng vẫn có những người không thích như vậy, họ lang thang ở những con phố đông người qua lại, nơi khí hậu ấm áp để chơi nhạc, hát hò, làm xiếc… kiếm từng xu lẻ. Tôi đã hỏi và biết rằng, những người này thích được tự do tuyệt đối để thể hiện bản thân.

Nhờ đi bộ từ nhỏ, ham làm việc và vận động, có ý thức về giữ gìn sức khỏe nên người già ở Mỹ… rất khỏe. Không chỉ cố tổng thống thứ 41 Hoa Kỳ G.W.H. Bush mới nhảy dù thể thao ở tuổi 90, mà ở chỗ tôi, những người Mỹ độ tuổi đó vẫn lái xe đi chợ, đi làm từ thiện đến khi mắt không còn nhìn rõ đường nữa mới thôi.

7. Từ thiện là một phần cuộc sống của người già ở Mỹ. Gần đây, do du lịch nhiều, người Mỹ biết người châu Á thường ăn thịt chó, có những trại chó chờ mổ thịt lên tới hàng trăm con, thế là một Hội nhân đạo mang tên "Humane Society International" đã lên kế hoạch giải cứu những con chó khỏi bị giết thịt.

Rất nhiều người đã góp tiền cho hội nhân đạo này, trong đó ông Simon Cowell, giám khảo chương trình "American Idol" nổi tiếng, góp tới 42.000 USD… Với rất nhiều người già, có điều kiện và cơ hội làm từ thiện là hạnh phúc.

8. Tôi là một người già, nên những quãng thời gian ở Mỹ là lại quan sát, trò chuyện, tìm hiểu những bạn già quanh mình. Nói chung là tôi thích họ và nể họ.

Nhưng là một nhà văn Việt Nam, nên dù có sống ở đất Mỹ tiện nghi thì tôi vẫn luôn nhớ quê hương mình. Một bạn già người Mỹ từng hỏi tôi, nếu bây giờ phải quyết định sống phần đời còn lại ở Việt Nam hay Mỹ thì sẽ quyết định như thế nào? Tôi trả lời ngay: Việt Nam! Quê hương mình vẫn luôn có những gắn kết máu mủ và thiêng liêng với mình. Mà quê hương mình chuẩn bị đón Tết Âm lịch rồi...

Ngồi ở Mỹ, viết những dòng này, tôi thấy sống mũi cay cay!

Nhà văn Trần Thị Trường

(ANTG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages