Ngày 30/1, Tòa án Thượng thẩm Berlin kết án ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, cư ngụ ở Praha (Cộng hoà Séc), với mức án năm năm tù vì tham gia cùng một nhóm mật vụ Việt Nam tiến hành bắt cóc cựu cán bộ dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Từ Berlin, nhà báo tự do Hiếu Bá Linh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại:
“Vụ xử này kéo dài ba tháng, hôm qua thứ hai (30/1) vụ xử kết thúc. Toà án đã kết án năm năm tù đối với bị cáo Lê Anh Tú về hai tội danh.
Tội danh thứ nhất là hoạt động gián điệp, tội danh thứ hai là tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - tức là tiếp tay trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”
Ông Hiếu, người quan sát toàn bộ phiên toà từ phòng xử án cho biết bên công tố trưng ra rất nhiều bằng chứng chứng minh bị cáo Lê Anh Tú tham gia vào vụ bắt cóc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Các bằng chứng cho thấy ông Tú là người theo dõi hành tung của ông Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương khi cô này tới Đức để cả hai gặp nhau, Tú cũng chính là tài xế đưa hai người vào Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Berlin sau khi mật vụ Việt Nam bắt cóc họ.
Ông này cũng bị cho là người cầm lái một chiếc xe hơi khác cùng với một đoàn xe hộ tống chở hai người này từ Brno (Cộng hoà Séc) đến khách sạn Borik ở thủ đô Bratislava của Slovakia, nơi mà Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn tuỳ tùng đón sẵn, ông Hiếu Bá Linh dẫn tin từ toà nói.
“Khách sạn Borik là của Chính phủ Slovakia. Nơi đây phái đoàn Tô Lâm gặp Bộ Nội vụ Slovakia để nói chuyện. Thực ra cuộc nói chuyện này chỉ là dàn cảnh để đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Tức là Tô Lâm mượn chuyên cơ của Slovakia để ra khỏi vùng Schengen bay tới Moscow (Nga-PV). Cuộc gặp gỡ với Bộ Nội vụ Slovakia nhằm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi vùng Schengen” - ông Hiếu Bá Linh giải thích.
Lê Anh Tú là bị cáo thứ hai bị toà án Đức kết tội vì tham gia vụ bắt cóc đình đám, khiến quan hệ Việt Nam - Đức bị đóng băng trong một thời gian dài.
Người thứ nhất là ông Nguyễn Hải Long, bị kết án ba năm 10 tháng tù hồi năm 2018.
Ông Hiếu Bá Linh cho biết, ông Long nhận án nhẹ hơn vì đã nhận tội “có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đồng thời thừa nhận “làm việc cho cơ quan tình báo Việt Nam” và xin khoan hồng, trong khi Lê Anh Tú cùng luật sư chối tội.
“Trường hợp bị cáo Lê Anh Tú, ngay từ đầu toà đã gợi ý để nhận tội và toà cũng nói là sẽ xét mức án thấp hơn nếu nhận tội. Tuy nhiên, Lê Anh Tú không đồng ý nhận tội.”
Luật sư của Lê Anh Tú tại tòa cho rằng thân chủ của mình có tham gia vào vụ bắt cóc nhưng với vai trò thụ động vì là tài xế của Đào Quốc Oai, người đã thuê chiếc xe thứ hai cho Tú sử dụng trong vụ bắt cóc.
Tuy nhiên, bên công tố trưng ra bằng chứng về việc chính Tú liên lạc trực tiếp với Trung tướng Đường Minh Hưng, người từ Việt Nam sang Berlin để trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc.
Ông Hiếu Bá Linh cho rằng, mặc dù đến nay đã có hai người bị kết án vì bắt cóc cựu quan chức dầu khí, tuy nhiên rất khó để ông Trịnh Xuân Thanh được Nhà nước Việt Nam trả tự do và cho quay lại Đức.
Trong thời gian diễn ra phiên xét xử, theo ông Hiếu, toà có viết thư đề nghị Bộ Ngoại giao Đức cập nhật tình trạng của Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam thì được cơ quan này cho biết gần đây nhân viên ngoại giao của nước này ở Hà Nội đã được gặp riêng Trịnh Xuân Thanh bên lề một phiên toà mà cựu viên chức dầu khí này tham gia với tư cách nhân chứng.
“Bộ Ngoại giao cho biết là cho tới nay không có một dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ thả Trịnh Xuân Thanh,” ông Hiếu Bá Linh nói.
Vào giữa tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề cập đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và người đồng cấp Phạm Minh Chính ngay tại Hà Nội, tuy nhiên không đạt được kết quả gì.
Việc thả Trịnh Xuân Thanh khó xảy ra khi ông Trọng còn tại vị và Bộ trưởng Tô Lâm vẫn nắm Bộ Công an, ông Hiếu Bá Linh nhận định.
Phóng viên RFA gửi email tới luật sư riêng của Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, để đề nghị bình luận về phiên toà, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Hà Nội, quan hệ ngoại giao Việt - Đức dường như đang được hồi phục. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có kế hoạch thăm Việt Nam vào ngày 13/2 tới, tuy nhiên gần đây có thông tin chuyến thăm bị huỷ bỏ.
“Hồi đầu tháng 12, Tổng thống Đức lên lịch trình thăm Malaysia và Việt Nam…. Mới đây chuyến đi Việt Nam đã bị huỷ bỏ mặc dù Tổng thống Đức vẫn đi Malaysia. Phủ Tổng thống không cho biết lý do tại sao.”
Ông Hiếu Bá Linh cho biết truyền thông Đức không nhắc đến việc huỷ chuyến thăm này vốn dự kiến bắt đầu ngày 13/2.
Tuy nhiên, theo ông, quan hệ Việt - Đức đã qua thời điểm xấu nhất với việc Thủ tướng Đức đến Hà Nội vào giữa tháng 11 năm ngoái.
Trong khi Việt Nam vẫn phủ nhận vụ bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú, bằng việc kết án Lê Anh Tú, tòa án Đức một lần nữa khẳng định vụ bắt cóc là có thật và do cơ quan mật vụ Việt Nam tổ chức.
© RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét