ASEAN sẽ ngả theo ai? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

ASEAN sẽ ngả theo ai?



Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng những người đồng nhiệm Teodoro Lopez (trái) của Philippines và Saleumxay Kommasith (Lào) tại họp báo của ASEAN và Trung Quốc ở Vientiane, Lào hôm 20/2/2020

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/7 là bài cuối cùng trong chuỗi 4 bài mà giới chức Nhà Trắng đưa ra nhằm xác định lập trường của Mỹ về Trung Quốc. Trong bài phát biểu này, Pompeo đã kêu gọi các nước “yêu chuộng tự do trên thế giới” hãy hợp tác cùng nhau “buộc Trung Quốc phải thay đổi”.

Cả 4 bài phát biểu, khi được xâu chuỗi lại, có thể cho thấy Washington đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trên bình diện tư tưởng, đồng thời tìm cách thống nhất các hành động của Mỹ chống Trung Quốc và coi đó là hạt nhân trong việc tạo lập kế hoạch ứng phó phối hợp toàn cầu. Bằng việc gợi lên hình ảnh Chiến tranh Lạnh, một cuộc chiến ý thức hệ giữa tự do và chuyên chế, Pompeo có niềm tin sẽ “bảo vệ được tự do bởi chính sự lôi cuốn ngọt ngào của tinh thần tự do”. Thế nhưng ông cũng nhấn mạnh cách tiếp cận mới của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không theo kiểu kiềm chế thời Chiến tranh Lạnh.




Không giống với Liên bang Xô viết trước đây, Trung Quốc giờ đây đã gia nhập hệ thống quốc tế và một điều đơn giản là việc cô lập Trung Quốc là điều không thể. Để nhấn mạnh thêm về tình hình thế giới ngày càng phức tạp hiện nay trong bối cảnh Mỹ không còn mặn mà với vai trò dẫn dắt thế giới, Pompeo tuyên bố các nước sẽ tự phải quyết định theo cách của riêng mình trong vấn đề giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, cũng như chủ quyền kinh tế trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Về cơ bản, các bài phát biểu về lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc lần này cho thấy hình ảnh một nước Mỹ đang đấu tranh vì tự do cho toàn cầu, đồng thời cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang tìm cách củng cố chế độ chuyên chế của họ và lợi dụng thế giới để làm lợi cho riêng họ.


Trên bình diện quốc tế, đã có những động thái muốn xét lại vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Anh, Ấn Độ và Australia đều đã nghiêng theo lập trường của Mỹ. Cụ thể, London đã có những động thái ngăn cản hoạt động đầu tư kinh doanh của Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc; Canberra cũng noi theo Mỹ chính thức bác bỏ những đòi hỏi, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; New Delhi cũng đang cân nhắc lại chính sách không liên kết mà họ đã theo đuổi từ lâu sau khi những cuộc đụng độ ở biên giới xảy ra gần đây với quân đội Trung Quốc và việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động trong vùng biển Ấn Độ Dương. Danh sách đối đầu với Trung Quốc có cả Nhật Bản, mặc dù Nhật Bản đi theo con đường kín kẽ hơn, thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế và quốc phòng với các nước Đông Nam Á để cảnh giác trước những chiêu mời gọi của Trung Quốc hay nhằm ứng phó với sự bành trướng của Trung Quốc.


Hình minh hoạ. Lãnh đạo các nước ASEAN chụp hình cùng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ở Singapore hôm 15/11/2018

Bắc Kinh có "nỗi lo chiến lược" là cả thế giới sẽ đoàn kết lại để buộc Trung Quốc tuân thủ những tiêu chuẩn và thông lệ đang tồn tại theo quy chuẩn của một hệ thống toàn cầu do phương Tây dẫn dắt.

Bắc Kinh hiện đang chủ động tìm cách thay đổi hệ thống toàn cầu này sao cho phù hợp hơn với quan niệm của họ về mối quan hệ giữa các thành phần nhà nước, người dân và các ngành sản xuất. Bắc Kinh không muốn bị khóa trong một trật tự dựa trên những luật lệ được xây dựng trên nền tảng sự đồng thuận của các nước Bắc Đại Tây Dương vốn cổ xúy cho các hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội theo kiểu Mỹ và Tây Âu. Chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền với người dân của họ rằng những luật lệ của Phương Tây này giống như sự kìm hãm họ, âm mưu thay đổi chế độ chính trị và từ đó can thiệp vào chủ quyền dân tộc của họ.




Ở Đông Nam Á, Trung Quốc thường xuyên sử dụng các mối quan hệ kinh tế với Campuchia và Lào để làm tổn hại tình đoàn kết của các nước thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khi động chạm đến vấn đề biển Đông hay khi liên quan tới các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Trung Quốc cũng khai thác những mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ các nước kể cả khuyến khích hay can thiệp vào hoạt động của một số công ty nhất định nhằm gây ảnh hưởng tới các quyết định chính trị, cung cấp tài chính và hỗ trợ tinh thần cho các phe nhóm cạnh tranh nhau, đồng thời tham gia cuộc chiến thông tin, làm thổi bùng lên những chia rẽ xã hội và chính trị.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay, chính sách đối ngoại của các quốc gia ASEAN đang thể hiện sự ngập ngừng, do dự. Mặc dù vẫn nắm bắt các cơ hội mà Trung Quốc trao để thu lợi ích kinh tế, nhưng các quốc gia ASEAN vẫn phòng tránh các rủi ro chính trị và an ninh bằng cách cố gắng liên kết với Mỹ. Có 3 nhân tố cho thấy chiến lược cân bằng này của các quốc gia ASEAN: Thứ nhất là vị trí của ASEAN trong hệ thống an ninh khu vực, thường phụ thuộc vào việc liệu một nước thành viên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông hay không, và liệu nước này có thể sử dụng hệ thống an ninh do Mỹ dẫn đầu để làm căn cứ xây dựng chính sách an ninh quốc gia của mình hay không.

Thứ hai là mức độ tham gia của mỗi quốc gia vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, và mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

Thứ ba là liệu có sự luân chuyển năng động của giới tinh hoa ở mỗi quốc gia hay không.

Trong số 5 quốc gia biển vẫn dựa vào hệ thống an ninh do Mỹ dẫn đầu - gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore - 4 quốc gia có mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ hoặc quyền tiếp cận các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Cả 5 quốc gia này đều hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu và có sự luân chuyển đáng kể của giới tinh hoa, khiến Trung Quốc khó can thiệp vào quá trình hình thành các liên minh chính trị-kinh tế lâu dài, vốn sẽ tái định hình các nền kinh tế-chính trị của các nước này.

Trong khi đó, Việt Nam - một quốc gia độc đảng không thể dựa vào Mỹ về mặt an ninh nhưng lại có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và đang lo lắng về việc phụ thuộc quá nhiều về mặt kinh tế vào Bắc Kinh. Điều đó giải thích mối quan hệ thận trọng của Việt Nam với Mỹ trong các vấn đề an ninh, cũng như các nỗ lực của nước này nhằm tăng cường hợp tác an ninh với Nga, Ấn Độ và Nhật Bản, và việc Việt Nam tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).




Ngược lại, Thái Lan là một đồng minh của Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đối mặt với một môi trường quốc tế thuận lợi với một nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, Thái Lan có thể có miếng bánh của mình và sử dụng nó. Có 3 quốc gia lục địa ở ASEAN - gồm Campuchia, Lào và Myanmar - không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng gắn với một hệ thống mà giới tinh hoa chính trị và kinh doanh hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh.

Điểm chung của tất cả các quốc gia ASEAN là thách thức trong việc đáp ứng kỳ vọng của người dân. Về điểm này, các nước ASEAN chủ chốt đã làm tốt trong những năm 2010, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người - theo giá cố định - tăng 23% ở Singapore, 29% ở Thái Lan, 36% ở Malaysia, 42 % ở Philippines, 46% ở Indonesia và 56% ở Việt Nam. Sự cải thiện về mức sống đương nhiên khiến mọi người mong đợi một cuộc sống tốt hơn nữa trong những năm tới. Dù dân chủ hay độc tài, các chính phủ này đã củng cố tính hợp pháp thông qua thành tích kinh tế của mình.

Tuy nhiên, sự kình địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các quốc gia ASEAN này đang lâm vào tình trạng khó phát triển các chính sách đối ngoại của riêng mình. Dịch COVID-19 đang làm thay đổi kỳ vọng của người dân, khi người dân trông chờ chính phủ không chỉ cải thiện sinh kế mà còn bảo vệ cuộc sống của họ. Trong khi một số quốc gia ASEAN như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và các quốc gia khác như Indonesia và Philippines đang gặp khó khăn, điều đáng lo ngại hơn là thiệt hại kinh tế trong dài hạn. Sự gián đoạn đột ngột của nền kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh, và tạo tiền đề cho sự suy thoái kinh tế toàn khu vực.

Hiện tại, các nước ASEAN đang tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và vay thêm nhiều tiền để khôi phục tăng trưởng. Thế nhưng, nhìn về phía trước, nhiều quốc gia trong số này chắc chắn sẽ phải đối mặt với gánh nặng tài chính gia tăng do nguồn thu từ thuế giảm, chi tiêu xã hội cao hơn và nợ nần chồng chất.

Với gánh nặng nợ gia tăng, sa lầy trong suy thoái kinh tế dài hạn và không thể đáp ứng kỳ vọng của người dân về một cuộc sống tốt hơn, các nước ASEAN phải đối mặt với rủi ro cao hơn về thay đổi chế độ. Chính vì vậy, vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách đối ngoại của các quốc gia ASEAN. Vì thế, nếu Mỹ hoặc Trung Quốc tranh thủ được điều này thì các quốc gia ASEAN sẽ ngả theo để bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị của họ.


© Ngô Nhân Dụng
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages