Xung đột Nga - Ukraine, thêm một chia rẽ trong khối ASEAN - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Xung đột Nga - Ukraine, thêm một chia rẽ trong khối ASEAN


Hình minh hoạ: Cột khói bốc lên sau khi máy bay Nga oanh tạc một khu vực ở thành phố Lviv, Ukraine, hôm 26/3/2022

ASEAN vẫn bất lực trước vấn đề Myanmar

Prak Sokhonn, đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã có chuyến thăm tới Myanmar từ ngày 21 đến ngày 23/3 vừa qua (1). Ông ta đã tiến hành hội đàm với người đứng đầu lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing, người đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.

Nhóm phụ trách thông tin của chính quyền quân sự Myanmar cho biết hai bên đã thảo luận về “tình hình biểu tình và bạo lực xuất phát từ bất đồng chính trị” và hợp tác nhân đạo. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, người Brunei, cũng có mặt tại cuộc họp cùng với Ngoại trưởng của chính quyền quân sự Myanmar Wunna Maung Lwin. Tuy nhiên, ông Sokhonn đã không gặp gỡ nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ Aung San Suu Kyi.



Sokhonn đã trở thành đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar sau khi Campuchia đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay. Việc bổ nhiệm ông diễn ra sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến thăm Myanmar để gặp người đứng đầu cuộc đảo chính vào tháng 1/2022 để làm trung gian cho các cuộc đàm phán. Chuyến công du của Prak Sokhonn đã khiến những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar thất vọng vì chuyến công du này chủ yếu tập trung vào giới tướng lĩnh, trong khi hầu hết các cuộc gặp với những bên liên quan khác đều bị hủy bỏ. Các cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra ở Myanmar hôm 22/3 để phản đối chuyến công du của ông Prak Sokhonn. Các nhà hoạt động và các nhóm phản đối đã chỉ trích ông ưu ái giới tướng lĩnh cầm quyền và coi thường những người đang bị quân đội đàn áp (2). Theo Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Prak Sokhonn đã cho thấy "một sự nghiêng hẳn về phía quân đội". Ông nêu rõ: "Với việc vội vã đến Myanmar để gặp các đại diện quân đội cấp cao nhất mà không có thỏa thuận rõ ràng cho việc thúc đẩy 'đồng thuận 5 điểm', hoặc thậm chí là khả năng gặp gỡ tất cả các bên liên quan... Prak Sokhonn đang trao cho quân đội tính hợp pháp" (3).

Trong khi đó, một nhóm được gọi là Cơ quan điều phối cuộc đình công chung, trong một tuyên bố đã thay mặt cho 36 nhóm xã hội dân sự phàn nàn rằng các khuyến nghị của các nước thành viên ASEAN đã bị một phái viên ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar phớt lờ. Tuyên bố có đoạn: "Chuyến thăm Myanmar của đặc phái viên ASEAN không thể hiện sự tôn trọng tiếng nói và yêu cầu của người dân Myanmar... ASEAN thật đáng xấu hổ” (4).

Thong Mengdavid, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mekong tại Viện Tầm nhìn châu Á, nói rằng Campuchia đang bị mắc kẹt, vì ASEAN trở thành “con tin” của cuộc khủng hoảng Myanmar. Ông nói: “Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Myanmar là sự chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp của chính quyền quân sự và sự bất đồng giữa các nhóm sắc tộc” (5).

Mengdavid cho rằng Campuchia phải duy trì mô hình giải quyết xung đột từng bước để có được sự tin tưởng từ chính quyền quân sự, đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân Myanmar thông qua “Phương thức ASEAN” và hỗ trợ nhân đạo. Ông nói thêm: “Quá trình này sẽ cần nhiều thời gian không chỉ trong giai đoạn Campuchia làm chủ tịch, mà… sẽ trở thành vấn đề khó xử lý cho Indonesia trong năm tới”.

Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn (trái) bắt tay tướng Min Aung Hlaing tại Naypyidaw, Myanmar hôm 21/3/2022. AFP

Chia rẽ trong vấn đề Biển Đông

ASEAN lần đầu tiên đối mặt với sự rạn nứt kể từ sau vụ việc vào năm 2012 khi Campuchia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào thời điểm đó, không thể lãnh đạo nhóm 10 thành viên đưa ra một tuyên bố chung. Điểm gây tranh cãi chính là các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn bị Philippines và Việt Nam phản đối.

Sau đó, ASEAN ngày càng trở nên phân cực do sự hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển Đông Nam Á. Do thiếu đoàn kết, vị thế và lập trường chung của ASEAN càng bị thách thức trước các động thái của Mỹ nhằm chống lại Bắc Kinh, trước tiên là dưới thời Tổng thống Barack Obama và sau đó là Tổng thống Donald Trump. Khi căng thẳng giữa hai siêu cường gia tăng, ASEAN đã bị cả hai bên thúc ép và bị “lôi bè kết phái”.

Campuchia và Lào đã trở thành đồng minh trung thành của Trung Quốc, trong khi Singapore ngày càng nghiêng về Mỹ, còn các thành viên khác ở “khoảng giữa”. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã ủng hộ Trung Quốc, nhưng gần đây nước này đã chuyển sang hướng khác là dựa vào hiệp ước liên minh với Washington. Do chính sách quản lý độc đoán và đàn áp chính trị của mình, Thái Lan buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng họ vẫn tham gia với Washington như một đồng minh hiệp ước để ngăn Bắc Kinh lợi dụng Bangkok.

Đến năm 2019, ASEAN đã có thể tập hợp lại. Dưới sự chủ trì của Thái Lan, ASEAN đã đưa ra Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm giành lại quyền tự chủ và không gian trong tương quan với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) của chính quyền Trump. Trong năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã có thể ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, không lâu sau khi lấy lại niềm tin, ASEAN đã bị lung lay bởi cuộc đảo chính quân sự của Myanmar vào tháng 2/2021 và cuộc nội chiến sau đó.

Các chính phủ Đông Nam Á đã đưa ra phản ứng trái ngược nhau đối với chế độ độc tài quân sự của Myanmar. Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore kêu gọi quay trở lại quá trình dân chủ và các điều kiện trước cuộc đảo chính. Các nước còn lại trong ASEAN lại im lặng trước tình hình Myanmar. Gần ba tháng sau, ASEAN đã đưa ra “Đồng thuận 5 điểm” để làm trung gian và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa các bên, do một đặc phái viên của ASEAN dẫn đầu. Đề xuất này gần như chưa đạt được tiến triển nào.

Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến hôm 26/10/2021: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tham gia Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc. AFP

Tiếp tục chia rẽ về vấn đề Ukraine

Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine từ ngày 24/2 có ảnh hưởng sâu sắc đối với Đông Nam Á, cả với tư cách là một khu vực địa lý nói chung và cả với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một tổ chức khu vực. Mặc dù khu vực này tương đối cách xa cuộc chiến hỗn loạn của Nga ở Ukraine, nhưng ASEAN đã vấp phải những chia rẽ nội bộ mới bắt nguồn từ cuộc xung đột đang bùng phát ở châu Âu. Kết quả là cách tiếp cận đồng thuận lâu nay của ASEAN nhiều khả năng sẽ ngày càng trở nên mơ hồ trong việc tìm kiếm các phương thức hợp tác mới và hiệu quả hơn giữa các quốc gia thành viên cùng chí hướng.

Tương tự như các rạn nứt trước đây, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã trở thành một vết rạn khác. Phản ứng ban đầu của ASEAN trước sự xâm lược của Nga vào Ukraine mang tính chiếu lệ và thảm hại. Họ kêu gọi các biện pháp ngoại giao và giải pháp hòa bình, nhưng không lên án sự xâm lược sai trái của Nga. Lập trường của ASEAN đã làm suy yếu các nguyên tắc cốt lõi của khối là duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp.



Ngày 2/3, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đưa ra một nghị quyết không ràng buộc để lên án Nga vì "hành động gây hấn chống lại Ukraine", Lào và Việt Nam nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi 8 quốc gia thành viên ASEAN khác nằm trong số 141 quốc gia đã bỏ phiếu tán thành, trong đó có cả Campuchia. Chỉ có năm thành viên LHQ phản đối cuộc bỏ phiếu, đứng đầu là Nga. Singapore đã đi đầu ASEAN trong việc biến lá phiếu thành hành động, áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với Nga. Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nhưng các văn bản của họ không lên án cụ thể Nga.

Ngày 24/3 vừa qua, Đại hội đồng LHQ tiếp tục ra Nghị quyết kêu gọi Nga lập tức ngừng chiến ở Ukraine. Nghị quyết nhận được 140 phiếu thuận, năm phiếu chống và 38 phiếu trắng. Việt Nam và Lào là hai quốc gia tiếp tục bỏ phiếu trắng, còn các quốc gia ASEAN còn lại bỏ phiếu thuận.

Rạn nứt trong ASEAN sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine không theo đúng các khuôn mẫu trước đó. Khi đề cập đến lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc đảo chính của Myanmar, Campuchia ủng hộ Bắc Kinh và lực lượng quân đội Myanmar, nhưng họ lại không ủng hộ Nga. Lào dường như có lập trường ủng hộ cả ba - các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cuộc đảo chính của Myanmar và cuộc xâm lược của Nga. Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đều bày tỏ quan ngại về vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông, việc quân đội Myanmar tiếp quản chính quyền và lật đổ chính phủ dân cử, cũng như cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Thái Lan tỏ ra mềm mỏng trước sự hiếu chiến ở Biển Đông của Trung Quốc và cuộc đảo chính của Myanmar, đồng thời bày tỏ lập trường phản đối một cách thận trọng chống lại cuộc xâm lược của Nga. Bản thân Myanmar là một trường hợp đặc biệt. LHQ vẫn công nhận đại sứ Myanmar thuộc chính phủ dân sự, trong khi ASEAN cho đến nay đã không cho phép chính quyền quân sự Myanmar đại diện cho đất nước này trong các cuộc họp lớn, mà thay vào đó yêu cầu một ứng cử viên “phi chính trị”. Vì vậy, Myanmar đã bỏ phiếu chống lại Nga tại LHQ, trong khi quân đội Myanmar ủng hộ Điện Kremlin.

Trong bối cảnh có nhiều tranh cãi và tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi sự thiếu thống nhất, ASEAN dưới sự chủ trì của Campuchia sẽ khó có thể tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm với các cường quốc trong năm nay, ngay khi các hạn chế COVID-19 có thể được nới lỏng để cho phép các cuộc họp trực tiếp. Một số đối tác đối thoại quan trọng có thể tẩy chay các cuộc họp nếu những nhân vật khác chọn tham gia. Đây là thời điểm khủng hoảng đối với ASEAN, khi mà lập trường mập mờ không thể giúp họ vượt qua những xáo trộn này.

ASEAN cần phải xem xét lại “nguyên tắc đồng thuận”

Sự chia rẽ trong các quyết định tập thể của ASEAN đến từ “nguyên tắc đồng thuận” của khối này.

Đã có những ý kiến cho rằng ASEAN cần xem xét huỷ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN, vì điều này cản trở các quyết định quan trọng của ASEAN . (6)



Hiện nay, có hai giai đoạn chính khi việc xây dựng đồng thuận trong quá trình ra quyết định của ASEAN trở nên rất khó khăn; ở quá trình thiết lập chương trình nghị sự và quá trình sau khi ra quyết định. Quá trình xây dựng chương trình nghị sự của ASEAN bao gồm một loạt các giai đoạn trong đó các quốc gia thành viên của ASEAN đề xuất một số trường hợp cần thảo luận, tuy nhiên, Chủ tịch ASEAN sẽ xác định xem những trường hợp đó có đủ điều kiện để thảo luận trong các cuộc họp của ASEAN hay không. Do đó, cần hiểu rằng chỉ chủ tịch ASEAN của năm đó mới xác định những trường hợp hoặc vấn đề nào cần được đưa ra bàn. Tuy nhiên, chủ tịch ASEAN có xu hướng không chỉ ưu tiên các chương trình nghị sự được coi là cần thiết cho các thành viên mà còn là các trường hợp không gây ra tranh chấp hoặc quan điểm khác nhau giữa các nước thành viên hoặc quốc gia của chủ tịch. Vai trò của chủ tịch ASEAN ảnh hưởng đến việc thiết lập các chương trình nghị sự, bằng cách liên kết các vấn đề khác nhau để tạo ra một gói mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Do đó, có thể cho rằng chủ tịch ASEAN không thể đặt ra bất kỳ chương trình nghị sự nào không mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên ASEAN, do ưu tiên đồng thuận. Có thể lấy ví dụ khi một số đề xuất về các vấn đề Biển Đông trong năm 2011 và 2012 bị Chủ tịch ASEAN từ chối vì cho rằng đề xuất của Philippines sẽ làm leo thang tranh chấp lãnh thổ và đề xuất của Philippines và Việt Nam cũng bị từ chối vì đã được chủ tọa coi là không chấp nhận yêu cầu của Philippines và Việt Nam. Đây là một vấn đề rất nan giải vì khi đó chủ tịch ASEAN hoặc chính ASEAN không thể ký kết một thỏa thuận như vậy để có một vấn đề quan trọng được thảo luận trong các cuộc họp cấp cao của ASEAN. Đây là cách truyền thống đồng thuận của ASEAN trong việc thiết lập chương trình nghị sự làm lu mờ quyết định về ưu tiên hoặc lựa chọn chương trình nghị sự.

Đối với quá trình sau khi ra quyết định, chắc chắn, chúng ta đang giả định rằng nếu trong quá trình ra quyết định, các quốc gia thành viên ASEAN không đạt được sự đồng thuận. Nếu trường hợp này xảy ra, sự đồng thuận được coi là có vấn đề về cơ bản không phải vì không có giải pháp hoặc ASEAN không thể làm gì với vụ việc, mà còn ASEAN hạn chế nằm ở chỗ nếu không thể đạt được thỏa thuận, các quốc gia thành viên ASEAN đồng ý bất đồng và theo đuổi lợi ích cá nhân của họ. Trong trường hợp này, nếu không đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên ASEAN thì ASEAN không thể làm gì được. Điều này dẫn đến một vấn đề mà tất cả các quá trình từ thiết lập chương trình nghị sự đến quá trình ra quyết định đều trở nên vô ích.

   Mời xem thêm »


© Trần Hoàng Hải
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages