Nhận diện phụ huynh thí sinh ‘thủ khoa’ ở Sơn La - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Nhận diện phụ huynh thí sinh ‘thủ khoa’ ở Sơn La


Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.

Cho dù liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 nhưng tuần này, một số cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn tìm cách này hay cách khác bạch hóa một phần danh tính thí sinh và nhân diện của phụ huynh những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm.

Tuy hệ thống truyền thông chính thức chỉ bật mí… chức vụ của cha mẹ 44 thí sinh được sửa bài thi, nâng điểm ở Sơn La, không nêu đầy đủ danh tính, song chừng đó đủ hâm nóng dư luận. Công chúng sôi sùng sục vừa vì những thí sinh thi ba môn, tổng số điểm thực đã đạt chỉ có… 1/30 mà trở thành thủ khoa, vừa vì tất cả những thí sinh này đều là con, cháu cán bộ, đảng viên thuộc đủ mọi ngành, ở đủ mọi cấp.

Đó cũng là lý do nhiều người sử dụng Internet nhận xét giống như Nguyễn Thiện: Không thấy cháu nào có bố mẹ là công nhân hốt rác làm việc ở Công ty Vệ sinh Môi trường của tỉnh cả (1)! Bởi con cháu cán bộ, đảng viên từng được cán bộ, đảng viên ví von như một thứ… hồng phúc của dân tộc, rất nhiều người bày tỏ ước muốn phủi sạch thứ “phúc” này ở cả hiện tại lẫn tương lai.

Do cám cảnh, có những facebooker như Đào Tuấn, phân tích các nghịch lý ở thời của… “hồng phúc”: Trong khi nhiều phụ huynh bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời để kiếm tiền nuôi con ăn học, rồi ra Văn Miếu, lên chùa Ba Vàng, khấn vái cho con đỗ đạt thì có người… “gắp điểm bỏ tay các… hồng phúc”. Trong khi nhiều đứa trẻ kết quả thi đạt 30/30 điểm vẫn trượt khỏi đại học thì có những “hồng phúc” thi ba môn chỉ 1 điểm vẫn là… thủ khoa. Trong khi con cháu thường dân đậu đại học vẫn phải nhập ngũ thì các “hồng phúc” của “hồng phúc” nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo rồi “cả lò các hồng phúc trở thành… hồng phúc”. Trong khi con cháu thường dân tốt nghiệp đại học hạng thủ khoa nhưng không tìm được việc làm, phải về nhà nuôi heo viết tâm thư cho “hồng phúc” thì “hồng phúc” bảo buồn vì “hồng phúc của hồng phúc” bị… nâng điểm (2)...

Trên mạng xã hội, trường hợp nam sinh ở Sơn La, thi ba môn chỉ đạt 1/30 điểm nhưng được sửa bài thi, nâng điểm và trở thành… Thủ khoa của trường Sĩ quan Lục quân 1 được nhiều người xem như điển hình đồi bại không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Đào Tuấn bình: Có nghĩa là cậu thủ khoa ấy đ.. thèm động bút để đánh vài dấu “x” vào bài thi trắc nghiệm nên ông Vũ Đình Ánh cay đắng than rằng, việc biến 0 điểm thành 9 điểm là bài toán mà không học sinh chuyên toán nào giải được, bản chất vụ sửa - nâng điểm là tham nhũng quyền lực, họ đang dùng giả dối, tiền bạc dựng thang cho con cháu của họ. Tương tự, Nguyen Dan mỉa mai: Thi trắc nghiệm mà bài thi không đạt điểm nào là một thứ… tài năng đặc biệt. Dan khẳng định: Chọn bừa, đánh dấu bậy cho cả trăm câu mà không đúng câu nào là chuyện không dễ chút nào (3)!

***

Việc báo chí bạch hóa một phần kết quả điều tra vụ sửa bài thi – nâng điểm cho 44 thí sinh tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 ở Sơn La, tiếp tục được mổ sâu, bàn kỹ. Canh Le cho rằng, “một thằng quan chức tham nhũng rao giảng về ‘phê và tự phê’, ‘trong sạch. vững mạnh’,… có ‘quan hệ biện chứng’ với một thiếu nữ chỉ 17 tuổi, trở thành ‘thủ khoa’ nhờ sửa bài – nâng điểm, chỉ dẫn người khác về ‘cách thức học tập’ của mình”. Bởi ông Trọng từng… dạy, “phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về tham nhũng”, nên Canh Le đề nghị, “cũng phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về dối trá”: Cộng sản dối trá dẫn tới chính quyền dối trá, quan chức dối trá, dân chúng dối trá. Thượng bất chính, hạ tắc loạn! Dối trá đã di căn sang thế hệ trẻ. Đó không phải “chuyện lẻ tẻ” nữa. Tương lai quốc gia giờ thực sự đáng lo (4)!

Cũng với cách nhìn như thế, Nguyen Son nhắc mọi người nên ngẫm kỹ hơn. Gian lận thi cử như đang thấy hiện nay chắc chắn khởi đi từ tình trạng hàng loạt viên chức vốn không đủ thời gian họp hành song vẫn gom nhặt được đủ loại học vị, học hàm mà chẳng ai thắc mắc họ học hành, nghiên cứu vào lúc nào (?). Đó cũng là hệ quả từ thực trạng nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á nhưng chẳng có thành tựu nào trong nghiên cứu khoa học. Thời gian vừa qua, điểm tuyển sinh của các trường đại học thuộc quân đội, công an rất cao nhưng thí sinh xin dự tuyển chủ yếu chỉ là học sinh các tỉnh. Nếu thẩm tra lại kết quả thi cử của những năm trước nữa, số trường hợp gian lận thi cử sẽ không ngừng ở mức như đã biết. Luồn lọt, chạy chọt để thăng tiến, dối trá không chút ngập ngừng vốn có quá trình, đã trở thành truyền thống và một thứ “hồng phúc” quốc gia (5)!

Thay vì chỉ trích, có vài facebooker như Trần Mạnh an ủi những thí sinh đang phải đối diện với hậu quả của việc sửa bài thi – nâng điểm chẳng may bị lộ. Theo Mạnh, khi cha mẹ đã là quan, họ có thể sắp xếp để con cái ngồi vào những vị trí mà người thật sự giỏi phấn đấu cả đời cũng chẳng có chỗ. Đó chính là con đường mà cha mẹ những thí sinh ấy từng đi: Không có bằng cấp song nhờ lý lịch tốt, hiểu cơ chế nên ai cũng tốt nghiệp đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ. Sửa bài thi – nâng điểm chẳng qua chỉ là một kiểu “trưởng giả học làm sang” để có thêm chuyện mà vênh vang. Do đó cứ yên tâm về quê tịnh dưỡng hoặc đi du lịch, vừa chờ thiên hạ quên như đã quên nhiều chuyện, vừa chờ cha mẹ tự kiểm – rút kinh nghiệm xong ắt sẽ xếp đặt giống như ông bà nội ngoại đã từng xếp đặt cho cha mẹ (6).

Trần Mạnh bảo thế không ngoa. Đó là thực trạng mà nhiều người, thuộc nhiều giới tuyệt vọng kêu Trời, bởi mức độ suy đồi càng ngày càng trầm trọng nhưng không chặn được. Bất kể số người bất bình tăng không ngừng thì thiên hạ cũng chỉ có thể phản ứng như Trần Thái Hòa: Nhìn đám con cái của giới ‘tinh hoa’ trở thành ‘hồng phúc’ của dân tộc, lãnh đạo đất nước mà thấy ớn, sợ (7). Hay như Phuc Kim Đinh, sửa khẩu hiệu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, thành: “Quan giàu. nước mạt, xã hội tanh bành, dân chửi ấu dâm (8)! Đến giờ, vẫn chưa có gì lay chuyển được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, khiến những viên chức hữu trách cảm thấy phải xử lý đến nơi, đến chốn tất cả các bên tham gia gian lận thi cử. Truy cứu trách nhiệm hình sự cả phụ huynh những thí sinh được sửa bài – nâng điểm.

Có thể do liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018, một số facebooker như Le Duc Duc mới nửa đùa, nửa thật: Sau danh sách “con đồng chí nào” ở Sơn La, tuần tới sẽ là danh sách “con đồng chí nào ở Hòa Bình hoặc Lạng Sơn”... Phụ huynh ngồi chờ “điểm danh” như vậy rồi… tăng xông và chết thì báo chí ráng mà chịu trách nhiệm nha (9). Hoặc dọa già, dọa non như Hoàng Tư Giang: Đừng chê chuyện giấu danh sách thí sinh dính tới gian lận điểm. Việc báo chí khui, công bố nhỏ giọt tên các phụ huynh của những thí sinh dính dáng tới gian lận điểm thi mới là một kiểu tra tấn tinh thần… vô đối (10). Tác động từ tạo và giữ “hồng phúc dân tộc” hóa ra phong phú, đa dạng đến mức khó tưởng!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages