Facebooker này đã đề nghị tống cổ ông Tung ra khỏi hàng ngũ sử gia Việt Nam, bởi không thể nào chấp nhận suy nghĩ của ông Tung – nhân vật giữ vai trò Chủ biên môn sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Giới sử học Việt Nam nên bàn bạc với giới sử học Trung Quốc để thống nhất quan điểm, nội dung... rồi mới dạy cho học sinh về những vấn đề có liên quan đến lịch sử Việt – Trung. Phong nhấn mạnh, không thể để một người như ông Tung đứng trên bục giảng. Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo cần phải bày tỏ chính kiến về suy nghĩ của ông Tung (2)!
Còn Ngô Nguyệt Hữu kích động công chúng ra sao?
Hữu bày tỏ sự lo ngại rằng dường như ông Tung có “vấn đề nghiêm trọng” về “tư duy tiếp cận lịch sử” nên mới khuyên, đề cập về cuộc chiến cách nay 40 năm giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần tránh dùng những từ như “giặc”, “khát máu”,... vì những từ này chỉ bộc lộ định kiến, áp đặt, thiếu khách quan, thiếu tính thuyết phục, trong khi đang rất cần hòa giải từ lịch sử. Hữu nhấn mạnh, lịch sử là nhật ký của một quốc gia, một dân tộc, thời điểm Trung Quốc bắn giết người Việt, Trung Quốc đích thị là giặc, là khát máu. Tại sao đề nghị không gọi những kẻ đốt phá, cướp đất của mình là chúng, là tàn bạo (3).
Chẳng lẽ chất vấn ông Tung, rằng tại sao ông âm mưu liên kết, chủ trương tìm kiếm sự đồng thuận với ngoại bang về quan điểm mới dạy lịch sử vệ quốc cho hậu bối lại bị xem là… lưu manh? Không lẽ chỉ nhận định, suy nghĩ của ông Tung là tư duy nô lệ, cho rằng chỉ Việt gian mới ve vuốt ngoại bang, sợ hãi lịch sử đến như vậy, rồi lên án việc dùng uyển ngữ giảm nhẹ sự hy sinh của tiền nhân để đổi lấy điều viển vông “hoà giải không kích động hận thù”, khuyến cáo ông Tung không thể dẫn dụ hậu sinh theo lối đó lại là… “kích động công chúng”?
***
Trước làn sóng gọi mình là “sử nô”, trên trang facebook cá nhân có tên là Phạm Tứ Kỳ, ông Tung biện bạch thêm rằng: Che giấu, xuyên tạc lịch sử là có tội với tiền nhân nhưng sử dụng lịch sử để kích động hận thù là có tội với thế hệ tương lai. Ông Tung post kèm một tham luận mà ông sẽ trình bày tại “Hội thảo Khoa học Quốc gia: 40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, kèm cam kết “sẵn sàng đón nhận mọi trao đổi, góp ý nghiêm túc nhưng không chấp nhận những công kích hoặc chửi bới thiếu văn hóa”.
Đã có khá nhiều facebooker vào trang facebook của ông Tung góp nhiều ý. Chẳng hạn Mạc Yên cho rằng, dạy theo “phương châm hòa giải” là dạy học trò làm chính trị chứ không phải học sử, môn sử sẽ không giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc độc lập. Phía Trung Quốc chỉ mong người Việt tự trang bị tâm thế “hòa giải” để họ yên tâm tiến hành các cuộc chiến tàn bạo khác. Đó cũng là lý do Viet Nghia Trần tin rằng, học sinh không thấu cảm được, chẳng thà không dạy, để chúng tự tìm hiểu còn hơn làm chúng hoang mang hoặc bị lạc hướng.
Hoc Tieu thì nêu thắc mắc, tại sao ông Tung chỉ chủ trương dạy sử theo hướng “hòa giải, hòa bình, hữu nghị” đối với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc mà không đề nghị dạy sử theo hướng đó về cuộc chiến 20 năm với Việt Nam Cộng hòa? Tương tự, Thanh Hoa hỏi: Chúng ta đối với ngoại bang – Trung Quốc ra sao? Chúng ta đối với đồng bào miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc? Như vậy có nhất quán hay không? Chưa kể chúng ta luôn xác định Pháp, Mỹ là “giặc”, thêm mắm, thêm muối khi kể tội ác nhưng đối với Trung Quốc lại khác, tại sao?
Giống như Hoc Tieu, Thanh Hoa, Sơn Nguyễn hỏi trổng: Bọn nào viết sử theo kiểu kích động hận thù với Pháp, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhất? Nguyễn Ngọc Quyết thì đặt ra hàng loạt câu hỏi với ông Tung: Việt Nam vốn là một quốc gia độc lập, dạy sử như thế nào thuộc thẩm quyền của Việt Nam. Tại sao giới sử học hai nước cần ngồi lại với nhau để thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản trong dạy sử cho học sinh. Ai cho giới sử học quyền thỏa thuận dạy cái gì? Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra sự thật lịch sử giới sử học còn nhiệm vụ gì khác?
Cho dù những góp ý, trao đổi như đã kể hết sức nghiêm túc, không có bất kỳ biểu hiện nào là thiếu văn hóa nhưng ông Tung không trả lời bất kỳ ai.
***
Tuần này, song song với việc hệ thống truyền thông chính thức được phép “ôn cố” về cuộc chiến tranh vệ quốc cách nay 40 năm, ở Hà Nội còn có “Hội thảo Khoa học Quốc gia: 40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc” với những sử gia như Phạm Hồng Tung.
Có gì mới ở đó? Ngoài quan điểm viết sử, dạy sử theo hướng “hòa giải, hòa bình, hữu nghị” đối với Trung Quốc, còn một điểm khác, trước giờ không mới nhưng luôn đúng, ông Vu Duong Ninh, một sử gia kỳ cựu, viết trên facebook về hội thảo này: Các bạn nên biết tổ chức một sự kiện, chịu bao gậy chỉ huy, mỗi lúc một khác. Nên thông cảm với Viện Hàn lâm, có tổ chức sau 40 năm còn hơn không. Suy ra từ đường phố Hà Nội: Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng / Giao thông hỗn loạn, liệu đàng mà đi (4).
40 năm – dù lúc nói, lúc nín, khi nói thì úp úp, mở mở từng khiến người Việt bất bình, nghi ngại nhưng có một thực tế là nhiều nhân chứng về cuộc chiến vệ quốc, về tội ác xâm lược nếu chưa chết thì cũng đã già yếu. 40 năm – với chủ trương cùng ngồi, cùng thảo luận với các sử gia Trung Quốc để xác định nên dạy sử cho các thế hệ hậu sinh của Việt Nam thế nào đã đặt một dấu chấm than rất to cho độc lập, chủ quyền, ý thức dân tộc!
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét