Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, 5 người này đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia như thành lập tổ chức phản động “Liên minh dân tộc Việt Nam” nhằm tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng Cộng sản, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng vào ngày 20/1/2019, Human Rights Watch ra thông cáo báo chí lên án phiên toà xử 5 nhà hoạt động và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho những người này: “5 nhà hoạt động đã bị mất tự do chỉ đơn giản vì họ đòi có đổi mới chính trị và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Các vận động hoà bình cho đổi mới và dân chủ không thể coi là tội phạm và Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho họ”.
Mặc dù phía tòa án Việt Nam nêu ra lý do hoãn phiên xử phúc thẩm 5 thành viên Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết vào ngày 21/1/2019 vì có một luật sư vắng mặt và xin hoãn phiên tòa, nhưng rất có thể nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt đầu biết sợ do lo ngại kết quả xử phúc thẩm này (thường là y án) sẽ khiến cộng đồng nhân quyền quốc tế phẫn nộ và ảnh hưởng tới số phận còn đang rất chơi vơi của EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU).
Cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ tin tức nào từ Cộng đồng châu Âu về việc có trình cho Nghị viện châu Âu bản EVFTA hay không trong một cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần trước, dù lẽ ra động thái này đã diễn ra từ cuối năm trước theo chiến dịch vận động và những tính toán thực dụng của phía Việt Nam.
Cũng vào tuần trước, 18 tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, tố cáo tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam và đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua EVFTA. Bức thư này nêu tên các nhà hoạt động và blogger có tiếng mà chính quyền Việt Nam cần phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện có tên của ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ cùng với trên 100 tù nhân lương tâm khác.
Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở châu Âu. Rõ ràng là tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng ghê gớm của chính thể độc đảng ở Việt Nam, cộng hưởng với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, đã khiến phát sinh hiệu ứng nước tràn ly và nhiều chính phủ đã phải bày tỏ thái độ phản ứng trực tiếp với sự trơ tráo của Hà Nội.
Ngay trước mắt là đợt sát hạch của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào tháng Giêng năm 2019. Nếu Việt Nam không ‘bảo vệ thành công’ (cách dùng từ của báo Công An Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - sau khi đoàn công tác của Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ này, kết thúc hai ngày giải trình trước Ủy ban Chống tra tấn quốc tế mà không chịu thừa nhận bất cứ hành vi nào về rất nhiều vụ tra tấn dã man của công an Việt Nam đối với người dân), một kết luận tiêu cực hoặc rất tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ bổ túc một cơ sở quan trọng, hoặc như một điều kiện cần, để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác thẳng thừng EVFTA trong cuộc họp vào tháng Ba năm 2019.
Thường Sơn
VNTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét