Hình minh họa |
Nghe tin có 36% đảng viên BCHTWĐ không đồng ý cách chức Tất Thành Cang tôi cũng thấy rất lạ và chưa biết có chính xác hay không. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết sai phạm của Tất Thành Cang rất kinh khủng, từ đảng viên đến toàn thể nhân dân ai cũng biết, cũng rõ. Thế nhưng, có một điều rất lạ là kể từ hội nghị lấy ý kiến về kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng đến nay chưa có lần nào số phiếu không đồng ý cách chức lại cao đến như vậy. Vậy thì nguyên do nào đã dẫn đến hiện tượng này?
Xét về mặt công lao, chức quyền, thế lực thì ông Cang chưa là cái “đinh rỉ” gì để mọi người phải nể, phải sợ.
Về tuổi đời, công trạng, ông này thuộc thế hệ 7X như chúng ta và trưởng thành, leo cao từ chút phong trào sinh viên thời bình chứ không phải vào sinh, ra tử như các bậc đi trước. Phong trào sinh viên thì ai cũng biết, chức năng chính là cổ động, hô khẩu hiệu và làm được vài việc nhỏ như nhặt rác, vớt bèo, hướng nghiệp, từ thiện và biểu diễn văn nghệ quần chúng … Tuy nhiên, vì từ trước tới nay đảng luôn cho rằng đoàn viên là cánh tay phải đắc lực nên những cán bộ này mới có cơ hội leo cao, luồn sâu.
Về chức tước, đúng là ông này thăng tiến nhanh như diều gặp gió trước hàng triệu thanh niên trí thức cả nước. Từ một cán bộ đoàn, học được vài chữ về khoa học chính trị, chưa biết mô tê gì về quản lý kinh tế nhưng đùng một cái được điều về làm chủ tịch một quận, bí thư quận cả hàng chục năm trời rồi đột nhiên nhảy sang chức giám đốc sở giao thông (mù tịt về kiến thức cầu đường) và sau đó nhảy vọt lên ghế cao Phó bí thư thường trực thành uỷ một thành phố lớn nhất nước.
Ngày xưa, ngày trước muốn lên được chức đó phải đạt cỡ trạng nguyên, tiến sĩ khoa học hoặc tướng lĩnh đã dày dạn trận mạc, chiến tích đầy mình, còn như ông này học vị còn làng nhàng, kinh nghiệm còn học việc, thế mà đã leo cao đến vậy, phải chăng có thế lực nâng đỡ, phải chăng đảng đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu?! Tuy nhiên, ở cái ghế phó bí thư, UVBCHTW thì cũng chưa có gì gọi là lớn để những đảng viên khác đặc biệt là đảng viên các tỉnh thành khác phải nể, phải sợ.
Về thế lực, ngày trước N T Dũng tạo được một “guồng máy” hầu như khắp các tỉnh thành, các bộ thông qua biện pháp “thả lỏng” cho họ muốn làm mưa, làm gió gì thì làm. Khi các lãnh đạo của các bộ, các tỉnh thành được tự do hoành hành, vơ vét được rất nhiều của cải, họ biết ơn, họ vâng lời và cùng ông Dũng bảo vệ quyền lộc của mình cho nên đám này có đứng xung quanh bảo vệ cho ông ta cũng là điều dễ hiểu. Còn ông Cang, mới leo đến chức PBT một thành phố, may ra chỉ có chút tầm ảnh hưởng ở địa phương và được vài kẻ ở TW ủng hộ, chưa có cơ hội để tạo được vây cánh như ông Dũng, ông Thăng, vậy thì vì sao lại có đến 36% bảo vệ?
Về thời thế. Phải nhận định rằng thời thế của ông Dũng, ông Thăng, ông Hải đã hết, chống tham nhũng giờ đây đã trở thành một cuộc chiến sinh tử của đảng, nhằm lấy lại chút niềm tin nơi nhân dân và đứng sau Cụ là một dàn quyền lực vô đối. Vậy nhóm 36% ấy là những ai, địa bàn nào mà dám đi ngược lại đường lối của đảng? Vậy 36% kia là gì, đại diện cho ai, đứng về thế lực nào mà lại dám bỏ “phiếu chống” như vậy?
Phải chăng thế lực này đang cùng tay trùm muốn làm loạn và quay trở lại nắm đảng, nắm chính quyền?!
LS Nguyễn Duy Bình
(FB Nguyễn Duy Bình)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét