Số liệu thất nghiệp tại Việt Nam: “Đẹp” nhưng chưa đúng! - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Số liệu thất nghiệp tại Việt Nam: “Đẹp” nhưng chưa đúng!


Việt Nam,ĐCSVN,Thời Sự Việt Nam,Đời Sống-Xã Hội,
Một văn phòng công ty lữ hành quốc tế vốn luôn bận rộn phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19




Sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa cho biết tại Việt Nam là 2,3% (tương đương khoảng 1,7 triệu người), liệu con số này so với thực tế có chính xác. RFA cùng tìm hiểu trong phần sau:

Còn những khu vực chưa được thống kê

Ông Vũ Hoàng Anh, giám đốc Cty Indochina Charm Travel có trụ sở tại Hà Nội và TPHCM, trong một trao đổi cuối tuần qua với RFA cho biết đại dịch COVID đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp du lịch. Theo quan sát của ông, phải có tới 90% lao động ngành du lịch đã rơi vào tình trạng mất việc hoặc thiếu việc làm. Riêng tại công ty ông- một doanh nghiệp du lịch đã tồn tại hơn 17 năm qua -cũng đã phải cho toàn bộ 30 nhân viên và cộng tác viên nghỉ việc sau một thời gian dài cầm cự.



“Sau tháng 3/2020, Indochina Charm Travel chỉ có thể hỗ trợ nhân viên thêm 4 tháng lương. Bây giờ, về cơ bản công ty chỉ còn một mình tôi” – ông Vũ Hoàng Anh nói.

Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch, tính tới cuối tháng 5/2021, tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%, trong đó 90% lao động nghỉ việc. Tại thành phố du lịch Đà Nẵng, cũng có tới 90% doanh nghiệp du lịch đóng cửa. Tính chung, cả nước có 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc và ước tính có khoảng 40% lực lượng lao động ngành du lịch mất việc – tương đương với khoảng 800.000 việc làm.

Ngành du lịch chỉ là một phần của bức tranh thất nghiệp ở Việt Nam. Trao đổi với RFA, TS Lê Đăng Doanh cho rằng còn một số lượng không nhỏ người lao tại khu vực kinh tế phi chính thức - KVKTPCT) cũng bị thất nghiệp nhưng chưa được thống kê.

“Theo tôi biết con số thất nghiệp của Việt Nam công bố không tính đến khu vực kinh tế phi chính thức như những hộ gia đình, người buôn bán nhỏ , các cửa hàng cửa hiệu đăng ký ở phường thôi chứ không có đăng ký theo luật Doanh nghiệp. Chính số người bị mất công ăn việc làm ở khu vực này mới lớn. Vì vậy, tôi nghĩ con số mất việc làm và thất nghiệp thực sự trong xã hội Việt Nam tác động bởi COVID 19 cao hơn con số 2,3% đó” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam được xem là có tỷ lệ thất nghiệp cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lại chưa được đưa vào các con số thống kê của VN. Ảnh minh họa: AFP

Theo Báo cáo Điều tra Lao động – Việc làm được tổ chức ILO công bố vào năm 2017, Việt Nam có khoảng18 triệu lao động phi chính thức, chưa được thống kê trong lực lượng lao động. Hầu hết việc làm phi chính thức nằm trong các nhóm: công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, và bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô xe máy và dịch vụ lưu trú và ăn uống. Những người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế.

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế độc lập, TS Vũ Đình Ánh giải thích thêm hiện tại Việt Nam chủ yếu chỉ tính tỷ lệ người thất nghiệp dựa trên thống kê người lao động đã có hợp đồng lao động chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). TS Ánh cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp được Tổng cục Thống kê đưa ra mới chỉ được tính ở khu vực kinh tế chính thức và chưa phản ánh được con số thất nghiệp ở khu vực phi chính thức. Ông giải thích:

“Khái niệm mất việc ở Việt Nam chỉ tính đối với những người có hợp đồng chính thức thôi. Họ có hợp đồng lao động, họ đóng BHXH và BHTN nay bị thất nghiệp, đó là phần cơ bản để người ta thống kê. Nhưng bộ phận này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lực lượng lao động.”

Ông Ánh cũng cho biết thêm hiện lực lượng lao động Việt Nam có khoảng 55 triệu người và số người làm việc trong khu vực chính thức (khu vực Nhà nước, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh…) chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng lực lượng lao động của cả nước.



Thậm chí, ông Ánh nói thêm, ngay cả trong khu vực chính thức, đặc biệt trong các DN vừa và nhỏ, không phải NLĐ nào cũng được đóng các loại BHXH, BHTN vì các DN thường sử dụng một bộ phận lao động không ký hợp đồng.

Ngoài ra, còn có hiện tượng DN nợ đóng BHXH, BHTN mặc dù có ký hợp đồng lao động chính thức. Vì vậy, lực lượng lao động được dùng làm cơ sở để thống kê tỷ lệ thất nghiệp, theo ông Ánh, còn khá khiêm tốn.

Do đó, TS Ánh nhận định: “Phương pháp thống kê hiện nay của Việt Nam không bao quát lao động khu vực phi chính thức nên tỷ lệ đấy [tỷ lệ thất nghiệp] rất thấp và về nguyên tắc nó không so sánh được với tỷ lệ thất nghiệp của các nước và biến động của tỷ lệ thất nghiệp đó cũng không phản ánh cái tác động của khó khăn về kinh tế lên thị trường lao động”.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp luôn là một con số rất là nhỏ trong khi chỉ cần ra ngoài đường, chúng ta nhìn thấy các quán nhậu rất đông trong những ngày làm việc bình thường. Trong thời COVID, rất nhiều DN trong các khu công nghiệp phải dừng hoạt động, 80-90% người lao động trong khu vực du lịch, khách sạn bị mất việc làm … thì làm sao tỷ lệ thất nghiệp lại có thể ở mức 2.3%? Con số thất nghiệp 2% của năm ngoái cũng như những con số của những năm trước, gọi là giả thì cũng không đúng nhưng phải đặt 5-7 dấu hỏi đằng sau những con số ấy – TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDS) đã tự giải thể.

Tỷ lệ thất nghiệp VN công bố trong nhiều năm qua đều ở mức khá thấp trong khi các quán cà phê, bia hơi luôn đông đúc trong giờ làm việc. Ảnh: AFP

Tiêu chuẩn quốc tế, nội hàm Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), việc thống kê về tình trạng thất nghiệp của Việt Nam hiện đang áp dụng theo mô hình thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nghĩa là dựa trên ba tiêu chí: Thứ nhất, người lao động hiện tại không có việc làm; thứ hai, người đó mong muốn, sẵn sàng làm việc (làm công ăn lương hoặc làm chủ) và thứ ba, người đó đang đi tìm kiếm việc làm (có một số hoạt động tìm kiếm việc làm trong khoảng thời gian gần thời điểm thống kê).

Lý giải vì sao TCTK áp dụng các tiêu chí như nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng lại cho ra tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam không sát thực và khó so sánh với các nước khác, TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc áp dụng các tiêu chí này đang chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi đặc điểm thực tế của thị trường lao động Việt Nam – mà ông gọi là “tiêu chuẩn quốc tế, nội hàm Việt Nam”.



Ngoài tiêu chí thứ nhất (hiện tại mất việc làm) không thể áp dụng với khu vực phi chính thức như đã phân tích ở phần trên, theo ông, hai tiêu chí còn lại cũng khó sử dụng với khu vực phi chính thức. Ông nói tiếp:

“Mạng lưới an sinh xã hội của VN không với tới đối tượng đó [lao động phi chính thức] nên họ không có kênh để thể hiện họ muốn tìm việc hay họ đang đi tìm việc.Tóm lại, cả ba tiêu chí đó đều bị ảnh hưởng bởi đặc điểm thống kê thất nghiệp và đặc điểm thị trường lao động của VN”.

Với đặc điểm thống kê thất nghiệp và thị trường lao động như hiện nay, TS Vũ Đình Ánh dự đoán, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, con số về tỷ lệ thất nghiệp của VN sẽ tăng nhưng vẫn không phản ánh được tình hình thực tế.

Số liệu không chính xác sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ

Mặc khác, TS Vũ Đình Ánh cho rằng tỷ lệ thất nghiệp là một biến số quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, thậm chí cùng với việc làm, nó được xem là biến số quan trọng nhất ở nhiều quốc gia phát triển.

Do đó, nếu số liệu thống kê không chính xác, sẽ khiến việc đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và thị trường lao động không chính xác, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: các chính sách điều hành không phù hợp; các biện pháp hỗ trợ cho người lao động và những người mất việc làm không kịp thời, không trúng và đặc biệt sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cho khu vực phi chính thức - nơi tạo ra nhiều việc làm nhưng lại có lao động mất việc nhiều nhất.

“Thống kê về tình trạng thất nghiệp như hiện nay sẽ làm cho khó cả công tác điều hành lẫn cả công tác áp dụng các chính sách xã hội đối với những đối tượng bị tổn thương do dịch bệnh”.

Người lao động thuộc khu vực phi chính thức rất cần hỗ trợ nhưng Chính phủ vẫn lúng túng chưa thể đưa các gói cứu trợ đến đúng đối tượng. Ảnh AFP chụp một phụ nữ nhân gạo phát miễn phí tại Hà Nội ngày 27/4/2020

Bên cạnh đó, TS Ánh cũng cho rằng sở dĩ việc triển khai các gói cứu trợ chống COVID-19 của Chính phủ VN từ năm ngoái đến nay còn nhiều lúng túng là do thống kê của Việt Nam chưa “vươn tới” được các đối tượng thuộc khu vực phi chính thức như ông nêu ở trên.

Còn theo TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã tự giải thể (IDS) cho rằng, ngoài việc ảnh hưởng tới các quyết sách kinh tế quan trọng của Chính phủ, con số thất nghiệp theo ông - thấp hơn thực tế như hiện nay - tuy đẹp về mặt thành tích nhưng thực ra lợi bất cập hại. TS Quang A nói:

“Con số sai có thể sẽ gây ra những xáo trộn về mặt xã hội. Còn một mặt trái rất quan trọng nữa là người dân người ta không tin vào những gì các ông [chính quyền] nói. Bây giờ người ta có thể đi so sánh, có thể nhìn vào đời sống thực. Nhìn vào hoàn cảnh của bạn bè người ta, làng của người ta, xóm người ta thì người ta nói rằng các ông chỉ nói dối thôi. Đấy là cái hủy hoại niềm tin của nhân dân vào chính quyền - một điều rất nguy hiểm”.

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages