Paritta Wangkiat - Cùng chung Mekong - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Paritta Wangkiat - Cùng chung Mekong


Paritta Wangkiat, Sharing the Mekong. Bangkok Post – 29 March 2021. Proper 'water governance' across borders is critical as dams and development threaten the environment and livelihood of millions.
Sông Mekong là biên giới Thái Lan-Lào ở Chiang Khan, tỉnh Loei. [Ảnh: 123RF]


‘Cai quản nước’ xuyên biên giới thích đáng rất quan trọng khi đập và việc phát triển đe dọa môi trường và cuộc sống của hàng triệu người.


“Sông Mekong là nguồn thịnh vượng,” tục ngữ nói, và nó từng có thật đối với Pongsak Saitongmart. Một cựu ngư dân 62 tuổi và gia đình 5 người phần lớn dựa vào lợi tức đánh cá và vườn rau tưới bằng nước Mekong.


Sống ở Bung Kan, một tỉnh đông bắc cạnh sông, ông Pongsak đã thấy sự thịnh vượng của ông giảm sút với sự thay đổi của dòng chảy – một hiện tượng ông quan sát trên 2 thập niên qua khi Trung Hoa bắt đầu xây 11 đập trên thượng lưu Mekong. Năm 2019, Lào bắt đầu vận hành Xayaburi, đập đầu tiên được xây trên hạ lưu Mekong.


Số cá giảm khiến cho lợi tức của ông Pongsak tụt dốc. Có lần, ông thức dậy vào buổi sáng và khám phá thuyền của ông đã biến mất vì dòng chảy bất thường trong đêm. Rau cải của gia đình trồng trên bờ sông bị ngập vì mực nước sông dâng lên không thể đoán trước.



Cuối cùng, ông quyết định bỏ nghề đánh cá và làm nghề cạo mủ cao su. Ông không kiếm được nhiều tiền như trước, và phải thức dậy trước khi mặt trời mọc để bắt đầu công việc.


“Gia đình tôi đói hơn. Mặc dù chúng tôi có thể sống, đời sống của chúng tôi không đầy đủ như trước,” ông nói, thêm rằng ông phải cắt bớt tiền túi của con. Thỉnh thoảng ông phải khất trả tiền xe bus cho con, ông nói với Asia Focus.


Không chỉ có gia đình ông. Các ngư dân khác trong làng phải bỏ nhà để tìm việc ở thành phố. Người cha của một gia đình trở thành tài xế taxi ở Bangkok, ông Pongsak nghe nói. Những người khác nhận lương thấp ở các công trường xây cất. Một gia đình dựa vào đánh cá phải vay tiền và cuối cùng phải bán đất để trả nợ.


Khi các đập ở thượng lưu biến năng lượng nước của Mekong để phát triển kinh tế, chúng cũng chuyển thịnh vượng từ túi của các cộng đồng địa phương dựa vào sông. Không có nhà phát triển đập nào đưa ra giải pháp để phục hồi thịnh vượng, trong khi bác bỏ ảnh hưởng tiêu cực do các công trình gây ra.


“Mặc dù đô thị hóa và kỹ nghệ hóa trong lưu vực Mekong gia tăng, chúng tôi tiếp tục thấy nhiều vùng nghèo khó,” Manasvi Srisodapol, đại sứ Thái ở Hoa Kỳ cho biết trong một hội thảo trên mạng về thách thức của khu vực Mekong, do Trung tâm Đông-Tây tổ chức trong tháng qua.


Có nhiều người ở bên lề của phát triển kinh tế, ông cho biết, và khoảng cách chỉ rộng thêm ngoại trừ các quốc gia duyên hà áp dụng một mô hình kinh tế toàn bộ không bỏ sót một ai.


Hầu hết điện do đập Xayaburi sản xuất ở bắc Lào được bán sang Thái Lan.


Kẻ hở tham vấn


Khái niệm ban đầu để xây đập trên dòng chánh Mekong đã không cứu xét việc phát triển toàn bộ, một khái niệm chỉ bắt đầu được cộng đồng quốc tế chú ý đến trong 2 thập niên qua.


Trong thập niên 1990s, Trung Hoa xây đập đầu tiên trên thượng lưu Mekong, gọi là Lancang ở Trung Hoa, để cung cấp điện cho kinh tế ở nam Trung Hoa trong thời kỳ đầu của chánh sách mở cửa. Việc xây thêm đập sau đó mà không có tham vấn với các quốc gia ở hạ lưu: Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.


Các hồ chứa của 11 đập Trung Hoa có thế chứa trên 47 tỉ m3 nước và có thể sản xuất 21.310 MW điện.


Trên 200 đập có công suất 15 MW hay lớn hơn được dự trù, xây cất hay hoàn tất trong hạ lưu vực Mekong ở Thái Lan, Việt Nam, Cambodia và Lào. Đã có trên 100 đập được hoàn tất trên các phụ lưu Mekong và hai – Xayaburi và Don Sahong – trên dòng chánh Mekong ở Lào.



Chánh phủ Lào, trong năm 2007, đưa ra các kế hoạch vận động cho đập Xayaburi có công suất 1.285 MW, do công ty CH. Karnchang Plc của Thái xây và 4 ngân hàng Thái tài trợ. Khoảng 95% điện do đập sản xuất được bán sang Thái Lan.


Sau 3 năm hoạch định và hoàn tất việc đánh giá ảnh hưởng môi trường, chánh phủ Lào thu xếp tham vấn công khai với các chánh phủ và cộng đồng địa phương của các quốc gia ở hạ lưu. Nó là thử nghiệm quan trọng đầu tiên của Thỏa ước Mekong 1995, được ký kết bởi Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.


Tham dự viên trong tiến trình tham vấn đồng ý rằng hệ quả xã hội và môi trường của đập lớn trên dòng chánh ở Lào sẽ đáng kể. Họ không nhất trí về cách thức để tiến hành, thay vào đó đề nghị thảo luận thêm ở cấp bộ trưởng. Nhưng Việt Nam đề nghị rằng quyết định về Xayaburi nên hoãn lại 10 năm.


Tuy thế, chánh phủ Lào tuyên bố tiến trình tham vấn hoàn tất và trong năm 2012 tiến hành việc xây đập, đánh tan sự tin cậy của lân bang.


Lào cũng xây đập thứ hai trên dòng chánh, Don Sahong, trong tỉnh Champasak gần biên giới với Cambodia. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Thêm 9 đập trên dòng chánh và 120 đập trên phụ lưu được dự trù ở hạ lưu vực Mekong để thu hoạch thủy điện.


Là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực và với một ít tài nguyên có thể khai thác, Lào xem thủy điện như cái vé đi đến thịnh vượng qua tầm nhìn “Bình điện của Á Châu”.


Hầu hết các quốc gia Mekong đã mất nhiều thập niên để phục hồi ảnh hưởng của loạt xung đột quân sự và Chiến tranh Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên và nhân lực.


Mekong hùng vĩ là một nguồn còn nguyên vẹn và bị bỏ quên trong lúc xung đột. Nhưng trong 3 thập niên qua, cả Trung Hoa lẫn các quốc gia Mekong đã nhìn vào sông để khai thác tiềm năng của nó.


Nhưng đập thường gây tranh cãi bất chấp nơi nó được xây, và khu vực Mekong không phải là ngoại lệ.



Một nghiên cứu từ năm 2012 đến 2017 của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) – một tổ chức lưu vực sông liên chánh phủ do Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập – cho thấy rằng các đập thủy điện được xây và dự trù trên dòng chánh và phụ lưu trong hạ lưu vực sẽ đe dọa nặng nề sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của khu vực, ảnh hưởng đối với 70 triệu người dựa vào sông.


Theo nghiên cứu, nếu tất cả các đập dự trù được hoàn tất, chúng sẽ làm giảm lượng phù sa đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 97%, ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy sản và phẩm chất nước, do đó phá hoại kinh tế vùng và địa phương.


Hiện nay các đập ngăn chận trên 50% phù sa của Mekong và phù sa cần thiết cho số cá và tiến trình nông nghiệp, nhất là ở Cambodia và Việt Nam, theo Dự án Chánh sách Mekong của Trung tâm Stimson, một nhóm chánh sách công cộng Hoa Kỳ.


Đáng kể hơn, đập cắt đứt đường di chuyển của cá – Mekong sản xuất 20% số cá nước ngọt bắt được trên thế giới. Phúc trình của MRC cảnh báo một sự sụt giảm nghiêm trọng của số cá, nói Thái Lan sẽ mất 55%, Lào 50%, Cambodia 35% và Việt Nam 30%. Khi kết hợp với đe dọa của thay đổi khí hậu, khu vực được dự đoán sẽ đối mặt với lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng làm xáo trộn an ninh lương thực.


“Kết quả là, nhiều người sống trong khu vực sẽ bị đẩy vào nghèo khó, và phần lớn hạ lưu vực Mekong sẽ dễ bị tổn thương hơn với tình trạng khí hậu,” phúc trình năm 2019 của International Rivers (Sông ngòi Quốc tế), một tổ chức phi chánh phủ vận động cho môi trường và nhân quyền, cho biết.



Các dấu hiệu cảnh báo


Một trong các dấu hiệu cảnh báo xảy ra trong năm ngoái, và xuất hiện một lần nữa trong những tháng gần đây, khi sông Mekong, thường có màu nước đục ngầu vì có nhiều phù sa, biến thành màu xanh và bắt đầu khô cạn.


Màu xanh của nước cho thấy ít phù sa, mà các chuyên viên và cộng đồng địa phương đổ cho các đập ở Trung Hoa và Lào.


Ảnh hưởng của Mekong khô cạn nghiêm trọng ở Việt Nam. Trong mùa hè năm ngoái, chánh phủ Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở ĐBSCL, nơi người dân bị hạn hán nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập.


Ít mưa và gia tăng trữ nước ở các đập thượng lưu là những nghi phạm gây ra vấn đề ở ĐBSCL, sản xuất trên 50% gạo xuất cảng của Việt Nam và 70% cá và trái cây xuất cảng, theo Trung tâm Stimson.


“Lũ lụt tự nhiên thường mang phù sa đến khắp ĐBSCL nhưng các đập ở thượng lưu đã giảm lớn lao khả năng của lũ lụt để cung cấp nước ngọt cho ĐBSCL,” Trung tâm nói.


Hà Kim Ngọc, đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ, nói với hội thảo của Trung tâm Đông-Tây rằng trên 20 triệu người Việt Nam dựa vào sông Mekong. Trên 1 tỉ USD thiệt hại vì hạn hán lịch sử làm hư hại mùa màng ở hạ lưu vực Mekong trong năm 2015, 2016 và 2019.



“Nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, nhất là trong việc tăng cường cai quản nguồn nước xuyên biên giới. Vì thế, tất cả các quốc gia duyên hà phải chia sẻ trách nhiệm để sử dụng và quản lý nguồn nước xuyên biên giới một cách khả chấp,” ông Ngọc nói.


Cai quản sông xuyên biên giới có hiệu quả rất cần thiết nếu các quốc gia Mekong muốn thực hiện việc phát triển toàn bộ và khả chấp và thu hẹp khoảng cách phát triển mà các đập thủy điện để lại trong quá khứ.


Tuy nhiên, vấn đề gần đây đã biến thành một trận đấu giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ, hai siêu cường đang tìm cách gia tăng sự hiện diện của họ trong khu vực Mekong. Cả hai đều có tổ chức kình địch hoạt động về cai quản sông xuyên biên giới: Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) và Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-US Partnership (MUSP)).


Được thành lập trong năm 2016, LMC nhấn mạnh đến chia sẻ thịnh vượng, phát triển khả chấp và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa 6 quốc gia thành viên – Trung Hoa và 5 quốc gia Mekong. Trung Hoa hứa trên 12 tỉ USD cho các khoản cho vay chuyển nhượng được chánh phủ hậu thuẫn, tín dụng xuất cảng và hợp tác để xây dựng khả năng qua các dự án kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở.


MUSP được phát động hồi tháng 9 năm ngoái, dựa trên hợp tác trước đây trong Sáng kiến Hạ lưu Mekong bắt đầu từ năm 2009. Sáng kiến mới ít được sự chú ý của nội các của Donald Trump, không quan tâm nhiều đến Đông Nam Á trong suốt nhiệm kỳ.


Nhưng ngay sau khi nội các của Tổng thống Biden làm chủ Tòa Bạch ốc, Washington vực dậy các nỗ lực để tham gia vào khu vực, với nhiều lưu ý dành cho Mekong để ngăn chận sự bành trướng của Trung Hoa.


Qua các tổ chức kình địch, cả Trung Hoa và Hoa Kỳ ủng hộ việc chia sẻ dữ kiện nước trên các diễn đàn riêng biệt. Trung Hoa đã hứa chia sẻ dữ kiện nước quanh năm với MRC, trong khi chánh phủ Hoa Kỳ tài trợ một phần Theo dõi Đập Mekong, một diễn đàn trên mạng do Trung tâm Stimson điều hành, sử dụng dữ kiện vệ tinh để theo dõi mực nước trong hồ chứa ở Trung Hoa và các quốc gia khác.


Ngư dân lưới cá ở ĐBSCL. [Ảnh: Simon Dannhauer]


Tiếng nói của cộng đồng


“Chia sẻ thêm dữ kiện thủy học và phẩm chất nước là một bước đi đúng hướng, Carl Middleton, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội của Khoa Khoa học Chánh trị, Đại học Chulalongkorn, nói.


“Nhưng chia sẻ dữ kiện nước không phải là điểm cuối cùng. Nó là điểm khởi đầu của cái quan trọng hơn, đó là cai quản nước có trách nhiệm, nhất là xuyên biên giới.”


Phát biểu trong một hội thảo về đập Mekong do SEA Junction tổ chức, ông thắc mắc làm thế nào để việc chia sẻ dữ kiện mang lợi ích cho người dân sống ven sông, chẳng hạn như các cộng đồng địa phương đang tìm cách thích ứng với dòng chảy thay đổi. Phải có một điểm vượt qua việc đương đầu của 2 siêu cường.


Ông cũng thúc giục tất cả các bên liên hệ nên kềm chế và thảo luận công khai về tương lai và các giải pháp cho sông Mekong, thay vì chỉ nói về những vấn đề.


“Tôi không nghĩ rằng bất cứ giải pháp nào mà không có Trung Hoa,” ông Middleton nói. “Cuối cùng, nó phải liên quan đến tất cả quốc gia dọc theo sông.”


Trong việc tìm kiếm giải pháp, các cộng đồng địa phương ở hạ lưu phải thành lập một hội đồng nhân dân Mekong để bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe. Họ hy vọng thiết lập một cơ chế để thương thảo với các quốc gia trong việc quản lý sông dựa trên khuôn khổ phát triển toàn bộ và khả chấp.



Hành động phát sinh từ nhiều thập niên gây thất vọng với các chánh sách phát triển của quốc gia đã xem thường ảnh hưởng của đập đối với cuộc sống và gạt qua một bên tiếng nói của cộng đồng địa phương trong các quyết định phát triển.


“Các cộng đồng địa phương phải là trọng tâm và là người thúc đẩy nghị trình phát triển Mekong. Đây không phải là vấn đề chọn lựa giữa Trung Hoa hay Hoa Kỳ. Nó là vấn đề của cuộc sống của họ,” Premrudee Daorong, phối trí viên của Dự án Sevana, một nhóm xã hội dân sự đã theo dõi việc phát triển Mekong trong 2 thập niên, nói.


Dữ kiện nước luôn luôn có sẵn, bà nói, nhưng nằm trong tay của nhà nước và các diễn viên có thế lực không muốn chia sẻ với người dân.


“Đã đến lúc để người dân sử dụng kinh nghiệm trực tiếp của họ trong việc đối phó với khủng hoảng [do đập gây ra], cùng với sự kiện từ dữ kiện, để làm cho tình hình tốt hơn và để bảo vệ tương lai của Mekong và người dân.”


   Mời xem thêm »



© Bình Yên Đông lược dịch
    Mekong-Cửu Long
Nguồn: Paritta Wangkiat, Sharing the Mekong. Bangkok Post – 29 March 2021. Proper 'water governance' across borders is critical as dams and development threaten the environment and livelihood of millions.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages