Thông tin từ Asia Maritime Transparency Initiative làm lộ ra có hai diễn biến trong vài tuần qua.
Một là hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, mà đã được hé lộ qua Twitter và Facebook mấy ngày vừa rồi.
Hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
'Đe dọa' dự án Nam Côn Sơn
Theo trung tâm nghiên cứu này, tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, kể từ ngày 16/6, đã đi tuần ở khu vực cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý.
Các chuyến đi của tàu Haijing 35111 xoay quanh lô 06-01, ở phía tây bắc Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh, Vanguard Bank).
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, là dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tập đoàn BP và Tập đoàn Statoil.
Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh.
Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK.
Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam.
Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan.
Theo thông tin trước đây của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, lô 06.01, bao gồm mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ, nằm ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370km.
Cần biết rằng vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung Quốc từng gây đe dọa, buộc Việt Nam sau đó ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol, công ty Tây Ban Nha.
Nhưng Rosneft của Nga vẫn tiếp tục thăm dò ở mỏ khí Lan Đỏ và Phong Lan Đại, cũng thuộc lô 06-01.
Theo Asia Maritime Transparency Initiative, vào tháng 5/2019, Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18/5.
Tàu Sea Meadow 29 và tàu Crest Argus 5 - là loại tàu AHTS chuyên dụng, cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí - đã đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06-01 từ tháng Năm để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5.
Asia Maritime Transparency Initiative cho hay tàu Trung Quốc Haijing 35111 đã có hành vi "đe dọa gần các tàu này nhằm ra oai với họ".
Ví dụ, ngày 2/7, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 "đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý".
Tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiếp tục hoạt động quanh giàn khoan Hakuryu-5, nhưng hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Diễn tiến hiện nay cũng làm bộc lộ lợi thế của các đảo nhân tạo do Trung Quốc đơn phương xây ở Trường Sa thời gian qua. Sau khi vây quanh lô 06-01 gần một tháng, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đã đi về căn cứ của Trung Quốc ở Đảo Đá Chữ Thập từ 12/7 đến 14/7, có lẽ để tiếp vận, rồi lại trở lại bao vây giàn khoan Hakuryu-5.
Xuất hiện tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8
Vào ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, bắt đầu thăm dò ở một khu vực gần lô 06-01.
Hoạt động của tàu này đã được những người như ông Ryan Martinson ở U.S. Naval War College và nhiều người khác công bố trên Twitter và Facebook.
Tàu Haiyang Dizhi 8 đang làm hoạt động thăm dò ở hai lô Riji 03 và Riji 27.
Hồi năm 2012, Trung Quốc tuyên bố mời thầu với hai lô này cùng 7 lô nữa ngoài khơi Việt Nam, nhưng không công ty nào tham gia.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá hai lô Riji 03 và Riji 27 nằm trong 200 hải lý của Việt Nam.
Ít nhất 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi theo bảo vệ tàu Haiyang Dizhi 8.
Để phản ứng lại tàu Haiyang Dizhi 8, Việt Nam đã cử tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc.
Ít nhất hai tàu Việt Nam, KN 468 và KN 472, đã rời Vịnh Cam Ranh, đi theo phía Trung Quốc từ ngày 4/7.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá tình hình hiện thời tạo ra rủi ro "đụng độ ngẫu nhiên mà có thể làm tăng căng thẳng".
Cũng đang có sức ép đòi Trung Quốc và Việt Nam ngừng im lặng mà phải thừa nhận vấn đề đang xảy ra.
Ngày 16/7, người phát ngôn Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
"Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình."
"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam."
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét