Nhà thờ Bùi Chu và việc bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Nhà thờ Bùi Chu và việc bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo


Nhà thờ Bùi Chu (Hình: Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu - Facebook)



Sự kiện "hạ giải" Nhà thờ Bùi Chu hay "vệ sinh" Vườn xuân Trung Nam Bắc (của họa sĩ Nguyễn Gia Trí) cần được ghi nhận như những cảnh báo cuối cùng trong việc gìn giữ các di sản kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, còn tồn tại không nhiều cả về số lượng, chất lượng. Sự kiệc này cũng phản ánh các bất cập trong chính sách bảo tồn công trình tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, nổi bật là Công giáo.

Cùng với nhà ở và công trình công cộng-hạ tầng, công trình tín ngưỡng-tôn giáo là một trong ba thể loại nền tảng của di sản kiến trúc một quốc gia. Thiên tai và điều kiện khí hậu tự nhiên có tác động quan trọng đến duy trì chất lượng và tuổi thọ công trình, tuy nhiên nhân tố chính quyết định tồn tại của di sản là con người, với hoạt động chiến tranh, phát triển kinh tế và/hoặc đô thị, nhãn quan của chính quyền về kiến trúc - đặc biệt là đối với công trình tôn giáo và trụ sở quyền lực. Một ví dụ nổi bật là năm 1931, Stalin cho phá hủy toàn bộ Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ (1883), nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính Thống giáo Nga ở Moscow, cũng là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Nga mới đã phải cho phục dựng lại nguyên bản với một kinh phí không nhỏ.

Ngược lại, năm 1905, chính quyền Pháp ban hành luật thế tục, phân chia rõ giữa quyền lực Nhà nước và Giáo hội Công giáo, qua đó quốc hữu hóa toàn bộ các nhà thờ (công trình và đất) ở Pháp. Các nhà thờ lớn (cathedral) đã được xếp hạng di sản được trực tiếp quản lý bởi chính quyền trung ương (Bộ Văn hóa), phần còn lại (cathedral và church) thuộc quản lý của chính quyền thành phố hay địa phương các cấp. Các giáo xứ được toàn quyền sử dụng nhà thờ cho hoạt động tôn giáo và tham quan, nhưng việc duy tu định kỳ và bảo tồn kiến trúc thuộc về trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương, cả về nhân lực và tài chính. Việc này chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của luật tư hữu về đất đai rõ ràng, sự tin tưởng, tôn trọng giữa chính quyền và Giáo hội trong việc quản lý, duy trì nguyên trạng tài sản và tự do hoạt động tôn giáo.

Sau năm 1954 ở miền Bắc và nhất là 1975 ở miền Nam, các công trình tín ngưỡng tôn giáo (đình, chùa, đền và tất nhiên nhà thờ), các công trình công cộng xây dựng bởi người Pháp, Mỹ, các công trình theo Trào lưu Hiện đại sáng tạo bởi kiến trúc sư Việt Nam ở miền Nam (như Thư viện Quốc gia Sài Gòn) chịu nhiều định kiến chính trị, mà các nhận định của KTS Ngô Huy Quỳnh là ví dụ tiêu biểu (sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam, 2001). Sự mở cửa đất nước và "hòa giải" với văn hóa dân tộc đã giải thoát cho các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo đình, đền, miếu, chùa: từ việc trả lại chức năng, mở lại hoạt động, xếp hạng di sản, cấp kinh phí duy tu đến việc xây dựng hàng loạt với qui mô lớn gần đây với mức đầu tư rất lớn, kèm theo nhiều hoạt động mê tín biến tướng. Sự "hòa giải" với các cựu thù đã đưa đến việc trùng tu toàn bộ Nhà hát lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều công trình "kiến trúc thuộc địa" khác, và được xếp vào di sản kiến trúc chung của Việt Nam.

Vấn đề còn tồn tại hiện nay chính là việc vượt qua được mối quan hệ "tế nhị" giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo, để đánh giá công tâm và xác nhận di sản kiến trúc cho bản thân các công trình nhà thờ đặc sắc, cũng như của các tôn giáo khác (Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài) nếu phù hợp tiêu chí, như trường hợp Tòa thánh Tây Ninh. Làm được điều này trước mắt sẽ tạo động lực về mặt tinh thần và nền tảng về luật pháp cho việc duy trì và trùng tu các công trình nói trên.

Các nhà thờ Công giáo có qui mô và chất lượng nghệ thuật kiến trúc cần được xếp vào di sản và được bảo vệ, được xây dựng chủ yếu trong thời kỳ Pháp thuộc, rất thú vị là với phong cách thật đa dạng. Nhà thời Lớn Hà Nội (1997) có phong cách Gô-tích, Nhà thờ cửa Bắc (1932) là Art Décor, Nhà thờ Bùi Chu (1885) thì kết hợp giữa phong cách Ba-rốc và vật liệu Việt, Nhà thờ Phát Diệm (1898) lấy cảm hứng từ kiến trúc đình chùa miền Bắc với chất liệu đá và gỗ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn pha trộn giữa kiến trúc Ro-man, Gô-tích và gạch đỏ nhập từ Pháp, Nhà thờ Lớn Nam Định (1895) xây dựng toàn bộ bằng đá theo phong cách Roman và được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nhiều nhà thờ mới sau này lại với phong cách hoàn toàn hiện đại phù hợp với phát triển của xã hội. Tất cả đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của Giáo hội công giáo.

Nếu thấy được những khó khăn để tìm kiếm tư liệu thiết kế gốc từ Pháp, đơn vị thi công phù hợp và nhất là nguồn kinh phí khổng lồ (dự trù 200 tỉ ĐVN) cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, được quyên góp hoàn toàn bởi Tòa giám mục và giáo dân, sẽ hoàn toàn hiểu được quyết định của Giáo xứ Bùi Chu về cách thức "hạ giải" nhà thờ của mình.

Trùng tu một di sản "sống" là công việc tỉ mỉ, phải có phương pháp khoa học để giữ lại tối đa tính nguyên bản của di sản đồng thời vẫn bảo dảm được an toàn và công năng. Điều này cần được thực hiện qua nhiều bước nghiên cứu tư liệu, hiện trạng, chẩn đoán bệnh chính xác bởi chuyên gia chuyên ngành, thi công bởi những đơn vị kinh nghiệm, sử dụng đúng vật liệu,.. vì vậy thời gian thực hiện có thể rất dài với kinh phí phù hợp. Như vậy, một giáo xứ hay toàn bộ giáo dân Việt Nam cũng rất khó đóng góp đủ. Vai trò điều phối của nhà nước là rất cần thiết cho việc tập hợp đủ kinh phí từ các nguồn khác nhau : tài chính công, đóng góp từ hảo tâm cá nhân, từ tổ chức quốc tế hay quốc gia khác. Đặc biệt nên áp dụng mô hình của các nước phát triển : miễn thuế doanh nghiêp hay thu nhập cá nhân của công ty hay của người giàu đã đóng góp tiền cho việc trùng tu di sản. Kinh phí nước Pháp cho việc bảo trì và trùng tu di sản khoảng 350 triệu euros/năm, nhưng vẫn phải dựa thêm vào các nhà tài trợ và phát hành sổ xố di sản. Việc kêu gọi đóng góp để sửa chữa cho Nhà thờ Đức Bà Paris là một minh chứng cụ thể.

Trước mắt trong trường hợp Bùi Chu, việc giáo xứ quyết định ngưng "hạ giải" là rất phù hợp. Vì lý do an toàn, có thể dùng nhà thờ khác hoặc dựng một nhà thờ tạm để phục vụ cho việc hành lễ (như trường hợp nhà thờ của thành phố Kobe (Nhật Bản) sau vụ động đất lớn năm 1995), trong thời gian thực hiện toàn bộ tiến trình trùng tu một cách bài bản khoa học, mà có thể kéo dài đến 5-10 năm.


Lê Sơn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages