Xung đột vũ trang bùng nổ, Trung Quốc lập tức thất thế
Tháng 6/1840, hạm đội Anh gồm hơn 40 tàu - gồm tàu hơi nước, pháo hạng nặng, pháo Congreve, và 4.000 binh sĩ được trang bị súng trường tầm xa có độ chính xác cao, tiến về vùng biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, leo thang xung đột vũ trang trong Chiến tranh nha phiến thứ nhất.
Nhận chỉ thị từ ngoại trưởng Henry John Temple, quân viễn chinh Anh phong tỏa các cửa biển ở Quảng Châu, Hạ Môn,... cắt đứt tuyến hàng hải thương mại của Trung Quốc.
Ngày 5/7, Anh bắt đầu tấn công huyện Định Hải ở ven biển tỉnh Chiết Giang. Sáng sớm hôm sau, lực lượng Anh tấn công vào thị trấn, tri huyện Định Hải nhảy xuống biển tự vẫn, còn tổng binh Trương Triều Phát tử trận từ trước đó.
Chiến dịch Định Hải là một đòn choáng váng với Trung Quốc, khi hải quân Thanh tại Định Hải bị tiêu diệt toàn hạm đội trong vòng 9 phút, trong khi các chiến hạm Anh trúng... 3 phát đạn, không có thương vong.
Ngày 20/7, tin Định Hải thất thủ truyền về Bắc Kinh. Trước khi chiến sự bùng phát, Trung Quốc vẫn coi quân đội Anh là một lực lượng man di đến từ phương xa và không gây ra bất kỳ đe dọa nào.
Đến thời điểm Định Hải bị công phá, ngoại trừ vùng biển tỉnh Quảng Đông được tổng đốc, khâm sai Lâm Tắc Từ tăng cường hoạt động phòng thủ, các vị trí ven biển Trung Quốc khác tương đối lỏng lẻo. Lâm cũng là người đứng đầu chiến dịch chống buôn lậu thuốc phiện quyết liệt của chính phủ Thanh tại Quảng Đông năm 1839, động thái được cho là nguồn cơn khiến các nhà buôn Anh đòi hỏi London can thiệp để bảo vệ lợi ích.
Tháng 8/1840, hạm đội của Anh công thành chiếm đất với tốc độ kinh ngạc, và áp sát cửa biển Thiên Tân vào ngày 11/8. Tổng đốc Trực Lệ Kỳ Thiện - một quý tộc thuộc Chính Hoàng Kỳ của triều đình Thanh - có cuộc gặp với tư lệnh Anh và chuyển thư của Anh tới vua Đạo Quang.
Đạo Quang ban đầu chủ trương trả đũa quân sự nhằm vào người Anh, nhưng đã trở nên khiếp sợ khi thấy hạm đội của Anh tiến đến Thiên Tân, chỉ cách Bắc Kinh hơn 130km. Trước sức ép quân sự của đối phương, triều đình phúc đáp yêu sách của người Anh ngày 20/8, cho phép thông thương, cách chức Lâm Tắc Từ và điều Kỳ Thiện làm đặc phái viên tới đàm phán tại Quảng Châu, nhằm đổi lại việc Anh rút lực lượng trở lại phía Nam. Tháng 10/1840, Kỳ Thiện nhận chức tổng đốc Lưỡng Quảng, đại diện triều đình trong đàm phán Trung-Anh.
Tranh vẽ hạm đội Anh chiếm đảo Chusan, Trung Quốc, ngày 5/7/1840 (Nguồn: National Army Museum, London) |
Ngày 29/11/1840, vòng đàm phán Trung-Anh vừa bắt đầu tại Quảng Châu đã nhanh chóng đi vào bế tắc do bất đồng lớn trong đòi hỏi giữa đôi bên. Một tháng sau đó, Kỳ Thiện gửi báo cáo đầu tiên về Bắc Kinh.
Cho rằng những yêu cầu của người Anh là quá đáng - tương tự những điều khoản trong Hiệp ước Nam Kinh mà hai nước ký sau này, khi Trung Quốc thất trận, Đạo Quang ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Các tỉnh duyên hải miền Đông được lệnh tăng cường phòng thủ bờ biển, đồng thời tổng đốc Lưỡng Giang Yilibu - một thành viên hoàng tộc - dẫn quân tiến đến vùng Chiết Đông (tỉnh Chiết Giang), chuẩn bị chiến dịch tái chiếm Định Hải.
Ngày 30/12, báo cáo thứ hai của Kỳ Thiện đánh giá đàm phán không có kết quả và được triều đình chỉ thị "không được tỏ ra yếu thế". Lực lượng ba tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu được điều động để tiếp viện cho Quảng Đông. Trong quá trình đàm phán, Kỳ Thiện cũng liên tục điều động lực lượng từ các địa phương trong tỉnh Quảng Đông về Hổ Môn để sẵn sàng cho chiến sự, khiến binh lực tại đây lên tới 11.000 người. Hổ Môn trở thành pháo đài có hỏa lực mạnh nhất của phía Trung Quốc trong Chiến tranh nha phiến.
Ngày 6/1/1841, Đạo Quang ra lệnh "đại quân thảo phạt" người Anh. Một ngày sau đó, tướng Anh Charles Elliot quyết định "đánh xong mới đàm" và tái khởi động quân sự. Quân Anh tấn công bất ngờ vào các pháo đài Đại Giác, Sa Giác ở Hổ Môn khiến quân triều đình thương vong hơn 700 người, 11 tàu thuyền gồm soái hạm, tàu kéo,... bị đánh chìm. 38 lính Anh bị thương.
Chiến dịch của Anh buộc Kỳ Thiện phải trở lại bàn đàm phán chỉ 2 ngày sau khi Đạo Quang ban hành mệnh lệnh tấn công. Đàm phán kéo dài đến 25/1/1841, Kỳ Thiện cùng Charles Elliot ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ, với điều khoản đầu tiên là "nhường" đảo Hồng Kông cho Anh. Tuy thỏa thuận chưa được nhà vua phê chuẩn và không được đóng dấu của triều đình, do đó không có giá trị pháp lý, song tình hình thực địa đã cho phép quân Anh chiếm lĩnh Hồng Kông ngay trong ngày 26/1.
Chiến dịch Hổ Môn: Hòa ước đầu tiên
Vụ Kỳ Thiện tự ý ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ với Elliot khiến Bắc Kinh nổi giận. Đạo Quang cách chức Kỳ Thiện, đồng thời bổ nhiệm Dịch Sơn làm tướng quân, Long Văn và Dương Phương làm tham tán đại thần đến chỉ huy chiến sự tại Quảng Đông.
Ngày 23/2, quân triều đình tấn công pháo đài Hổ Môn. Mặc dù quân đội Trung Quốc được ghi nhận nỗ lực, song kết quả không giành được chiến thắng và pháo đài này vẫn thất thủ. Ba ngày sau đó, Anh huy động hải quân, lục quân đánh phá một loạt pháo đài ở tuyến đầu của Hổ Môn, áp sát đe dọa trực diện Quảng Châu. Thủy sư đề đốc Quan Thiên Bồi của Trung Quốc tử trận.
Ngày 21/5, Dịch Sơn điều động 1.700 binh sĩ đột kích tàu Anh bằng hỏa công, nhưng bị quân Anh đẩy lùi vào rạng sáng hôm sau. Đến ngày 24, Anh phát động tấn công Quảng Châu, chiếm lĩnh các điểm cao và phá vỡ các pháo đài ở phía đông, bắc thành Quảng Châu, đồng thời nã pháo vào thành phố. Những vùng yếu địa xung quanh Quảng Châu hoàn toàn thất thủ, buộc 18.000 quân Thanh rút lui vào nội thành. Trong tình hình quân đội "vỡ trận", Dịch Sơn - một hoàng thân cùng họ với nhà vua - đã giương cờ trắng đầu hàng.
Dịch Sơn chấp nhận các điều kiện của Anh, ký kết Hòa ước Quảng Châu. Người Anh thắng thế, ra yêu sách buộc các nhà buôn ở Quảng Châu chi trả 6 triệu lượng bạc trắng "phí chuộc thành". Trong khi đó, Dịch Sơn tìm cách tránh sự trừng phạt của Bắc Kinh bằng cách làm báo cáo giả, biến thảm bại trong chiến dịch Hổ Môn thành một chiến tích buộc quân Anh rút lui.
Người Anh tiến vào Nam Kinh, Trung Quốc thỏa hiệp
Mặc dù thu về nhiều lợi ích cho London, Charles Elliot bị ngoại trưởng John Temple đánh giá là quá bảo thủ. Ngày 31/5/1841, Henry Pottinger được bổ nhiệm thay thế Elliot giữ chức vụ Toàn quyền, phụ trách sự vụ Trung Quốc.
Nhậm chức từ tháng 8/1841, ngày 21/8, Pottinger chỉ huy hạm đội 37 tàu, 2.500 quân nhân xuất phát từ Hồng Kông tiến về phương Bắc, tấn công thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và chiếm cứ núi Cổ Lãng.
Hạm đội Anh tiếp tục di chuyển tới Chiết Giang, một lần nữa chiếm lĩnh Định Hải vào ngày 1/10. Trước đó, quân Anh đã phải từ bỏ địa bàn này vào tháng 2 cùng năm do dịch bệnh lây lan. Ngày 10/10, quân đội triều đình tiếp tục thất thế tại Trấn Hải (nay thuộc thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang); ngày 13 Anh chiếm được Ninh Ba và tạm ngưng chiến dịch để chờ đợi viện binh.
Sau loạt chiến bại ở Phúc Kiến, Chiết Giang, vua Đạo Quang tiếp tục bổ nhiệm Thượng thư Bộ lại Dịch Kinh làm Dương Uy tướng quân tiếp quản chiến sự Chiết Giang, đồng thời liên tục tập trung quân lực để phản kích.
Tháng 3/1842, Dịch Kinh đánh giá binh lực đã đủ, quyết định phản công quân Anh từ hai đường thủy, bộ nhằm tái chiếm Ninh Ba, Trấn Hải, Định Hải. Đêm ngày 10/3, quân triều đình tấn công Ninh Ba và Trấn Hải bất thành, bị buộc thoái lui, còn chiến dịch Định Hải bị trì hoãn bởi ngược gió.
Ngày 15/3, quân Anh đồn trú tại Ninh Ba phản kích tại một loạt vị trí xung quanh thành phố. Quân Thanh tiếp tục thua thảm và phải rút về phòng thủ ở bờ tây sông Tào Nga.
Chiến dịch phản công được trù bị kỹ lưỡng của Dịch Kinh thất bại khiến Tử Cấm Thành rối loạn. Tử Cấm Thành một lần nữa phải tính đến phương án hòa đàm, vua Đạo Quang cử tướng Kỳ Anh tới Giang Nam để đàm phán với quân Anh.
Trên đà thắng lợi, Anh từ bỏ Ninh Ba vào tháng 5/1842 và tập trung quân lực tiến về phía Bắc. Tháng 6, Henry Pottinger chỉ huy hạm đội gồm 73 tàu chiến, lục quân 12.000 binh sĩ di chuyển trên Trường Giang, chuẩn bị cắt đứt tuyến giao thông vận tải đường thủy lớn nhất của Trung Quốc Đại lục.
Ngày 21/7, Anh bắt đầu tấn công thành phố Trấn Giang, bờ đông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bất chấp quân đội Thanh chống trả quyết liệt, lực lượng vượt trội của Anh vẫn chiếm được cứ điểm này với 169 thương vong. Quân triều đình trong thành phố thiệt hại 30% lực lượng.
Ngày 2/8, quân Anh bắt đầu rời Trấn Giang tiến công Nam Kinh. Thời điểm này, phía Trung Quốc quyết định cầu hòa.
Ngày 4/8, người Anh đổ bộ vào Nam Kinh, bắt đầu quan sát địa hình và tuyên bố tấn công thành phố này. Dưới áp lực từ những pháo hạm hùng hậu của hải quân Anh, Kỳ Anh, Yilibu cùng tổng đốc Lưỡng Giang Ngưu Giám chính thức thỏa hiệp, bắt đầu vòng đàm phán với Anh tại Nam Kinh.
Ngày 29/8, Kỳ Anh đại diện Trung Quốc ký kết Điều ước Nam Kinh với Henry Pottinger - hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên mà Bắc Kinh ký với phương Tây.
Đáng chú ý, các đại diện Trung Quốc dường như đã một lần nữa vượt quyền nhà vua, bởi đến ngày 31/8, Đạo Quang mới ban lệnh chấp nhận ký kết thỏa thuận với Anh. Chiếu chỉ được đưa tới Nam Kinh ngày 7/9/1842, chính thức khép lại Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.
Theo Điều ước, chính phủ Thanh chấp nhận cắt Hồng Kông cho Anh, đồng thời mở các thương cảng Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Thượng Hải, Ninh Ba cho tất cả các thương nhân. Trung Quốc cũng phải bồi thường chiến phí nặng nề 21 triệu lượng bạc.
Các báo cáo của Trung Quốc ngày nay cho rằng, Chiến tranh nha phiến là cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội và quần chúng Trung Quốc, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước cao. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại bởi chính phủ Thanh dao động liên tục giữa hai phe chủ hòa và chủ chiến, trong khi các tướng lĩnh không đủ năng lực, chiến lược và chiến thuật quân sự lạc hậu, khí tài lỗi thời. Hậu Chiến tranh nha phiến thứ nhất, Trung Quốc dần dần rơi vào trạng thái của một xã hội phong kiến bán thuộc địa.
*Kỳ sau: Có gì trong Điều ước Nam Kinh và Trung Quốc đã tự đánh mất mình như thế nào?
Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét