Chưa biết lần này ông Nguyễn Phú Trọng có phản ứng gì không. Nhưng ông Trọng có thể nhìn sang nước Philippines coi ông Tổng Thống Rodrigo Duterte đang làm gì.
Ông Rodrigo Duterte cũng nhiều lúc rất thân thiện với Trung Cộng, vừa để dụ Bắc Kinh bỏ tiền vào giúp làm con đường xe lửa ở vùng quê hương ông; cũng vừa để chọc tức Mỹ; vì người Mỹ vẫn không ngớt chỉ trích ông cho phép cảnh sát giết những người tình nghi buôn ma túy mà không cần xét xử.
Nhưng ông Duterte vừa cho thấy khi Trung Cộng xâm phạm chủ quyền vùng biển của Philippines thì người làm tổng thống nước này dám lên tiếng phản đối.
Thứ Sáu tuần trước, ông Duterte tố cáo Trung Cộng đang cho cả đoàn thuyền đánh cá tới vùng đảo Pag-Asa, một hòn đảo lớn phía Đông quần đảo Trường Sa mà Philippines đã chiếm giữ từ lâu.
Ông Duterte nói rất mạnh cho Tập Cận Bình nghe: “Hai nước chúng ta là bạn. Nhưng đừng có đụng tới Đảo Pag-asa! Nếu các ông động đậy, sẽ có chuyện ngay! Tôi sẽ ra lệnh cho binh sĩ của tôi: ‘Chuẩn bị đội quyết tử!’”
Prepare for suicide mission! Giống như đội Thần Phong Quyết Tử của Nhật Bản vào cuối Đại Chiến Thứ Hai. Nghĩa là biết rằng mình sẽ chết, nhưng chết vinh quang khi bảo vệ tổ quốc.
Ông Duterte không thể nào không nổi giận. Cuối Tháng Ba, mười mấy chiếc thuyền của Trung Cộng đã ngang nhiên đến chung quanh đảo Kota mà Philippines coi là của mình, ông Duterte chưa nói gì hết. Nhưng bây giờ, quân đội Phi đang sửa chữa một phi đạo trên đảo Pag-asa, thì họ phát hiện khoảng 200 thuyền đánh cá Trung Hoa, chắc chắn có vũ trang, tới chung quanh! Chính phủ Phi cho con số 275 chiếc thuyền kể cả những thuyền hải giám của lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Chính sách của Trung Cộng lâu nay là “chiếm biển” bằng thuyền đánh cá hoặc giàn khoan dầu! Họ cứ cho người Trung Hoa tới khai thác vùng biển trong Đường Lưỡi Bò, nước nào coi hòn đảo là của mình cũng mặc kệ.
Đảo Pag-asa, tiếng Tagalog nghĩa là Hy Vọng; người Việt gọi là đảo Thị Tứ, là hòn đảo lớn nhất do Philippines chiếm đóng, rộng hơn 37 mẫu Tây (ha). Việt Nam vẫn coi Thị Tứ thuộc nước mình. Từ năm 1933 chính quyền Pháp đã nhập đảo này vào tỉnh Bà Rịa.
Năm 1956, một luật sư người Phi chiếm lấy hòn đảo không người ở, và năm 1978 chính phủ Phi đưa hòn đảo vào thị xã Kalayaan ở Palawan, nằm trong vùng Biển Tây của họ, nơi người Việt mình vẫn gọi là Biển Đông.
Ngày Thứ Ba, 9 Tháng Tư, ông Duterte nhân lễ “Ngày Dũng Cảm” (Araw ng Kagitingan) đã lên tiếng kêu gọi tình yêu nước và ca ngợi quân đội Phi. Ngày đó là kỷ niệm trận đánh Bataan, nơi quân đội Philippines và Mỹ đã tử thủ ba tháng trời trước sức tấn công vũ bão của quân Nhật đang tới chiếm Philippines. Sau cùng họ hết đạn phải đầu hàng, và bị quân Nhật dẫn đi trên con đường sau đặt tên là Con Đường Chết Pataan. Nhưng nhờ đức dũng cảm kiên trì của họ mà quân Mỹ có đủ thời giờ di tản, rời bỏ Philippines, chờ ngày trở về phục hận.
Trong buổi lễ, ông Duterte nói, “…tôi hy vọng tất cả chúng ta được tấm gương này phấn khích để giữ đức kiên cường, giống như tổ tiên ta cùng các đồng minh đời trước; để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền tự do mà nhân dân ta được hưởng ngày hôm nay.”
Nhân dịp này, ông Duterte cũng nói ông “thực tình yêu quân đội (Talagang mahal ko kayo) vì trong hai năm cầm quyền việc gì ông giao cho, họ cũng hoàn tất. Ông nêu trường hợp đã nhờ các tướng lãnh đánh tham nhũng tại Cục Hải Quan và thành công!
Ông Duterte báo trước sẽ bổ nhiệm thêm quân nhân khi đuổi bớt các quan chức tham nhũng! Hiện nay trong chính phủ của ông các tướng lãnh đang cầm đầu các Bộ Nội Vụ, Bộ Xã Hội, Bộ Môi Trường, Bộ Quốc Phòng, và Hải Quan!
Ông Duterte đã lớn tiếng cảnh cáo Trung Cộng. Không biết ông sẽ làm gì tiếp nhưng riêng ý kiến lập “đội quyết tử” của ông đã khích động dân và quân đội Phi. Người làm tổng thống một nước tự do dân chủ không có thể nói bừa bãi, vì người dân có quyền lên tiếng nói. Một giáo sư đại học, ông Segundo Eclar Romero, cũng là nhà bình luận đã viết một bài khuyên ông Duterte nên làm gì.
Ông Segundo Eclar Romero viết rằng Tổng Thống Duterte nợ nhân dân sau khi hứa lập một đội quyết tử để bảo vệ tổ quốc. Ông đề nghị ngài tổng thống trả món nợ đó, hãy đích thân đến thăm đảo Pag-Asa! Hãy cắm một quốc kỳ Philippines trên hòn đảo này và tiến sang đảo Subi Reef, cách Pag-Asa 26 cây số. Ông Romero hãy ngủ lại một đêm trên hòn đảo này, và chính nhà báo Romero tình nguyện tháp tùng ông tổng thống, nếu ông dám đi, để cùng những người lính đồn trú trên đó uống rượu bia và giao đấu với nhau; cho họ được giải trí sau những ngày dài “trấn thủ lưu đồn!”
Đề nghị thứ hai của ông Romero là xin Tổng Thống Duterte lập tức cho phép các quân nhân xung phong tình nguyện vào “Đội Quyết Tử!” Phải huấn luyện họ kỹ, cũng như Nhật đã huấn luyện các phi công Kamikaze ngày xưa.
Nhưng ông Romero hoài nghi, không tin ông Duterte dám chấp nhận lời thách đấu của mình! Ông nghi ngờ rằng thái độ cứng rắn của Duterte chỉ là biểu diễn, để giúp các ứng cử viên của đảng ông thêm phiếu trong cuộc bầu cử Tháng Năm sắp tới!
Ông Duterte đã báo trước sẽ chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ; mà vì lý do sức khỏe ông có thể sẽ rút lui trước khi mãn nhiệm. Ông cũng từng nói thẳng đã chán làm tổng thống rồi, vì nhiều chương trình của ông không được guồng máy nhà nước thực hiện, nguyên nhân cũng bởi đám quan chức tham nhũng!
Nhưng người dân Philippines vẫn có dịp hào hứng khi thấy ông tổng thống của họ tỏ ra không hèn nhát, khiếp nhược! Ông dám nói những lời mà người dân nào cũng muốn nói thẳng vào mặt quân xâm lược. Họ càng hào hứng khi có những nhà trí thức dám lên tiếng thách thức ông tổng thống – mà không lo bị tù vì “âm mưu lật đổ chính quyền!” Tự do dân chủ thật cho con người được sống thật với tấm lòng của mình!
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có dám nói thẳng vào mặt Trung Cộng như ông Duterte mới nói hay không? Cộng Sản Việt Nam có bao giờ dám cho người dân được tự do lên tiếng như chính quyền Philippines hay không?
Ai cũng có thể đoán trước, cả hai câu trả lời đều là “không!”
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét