Hồi cuối năm 2017, Ban Bí Thư đảng CSVN công bố kết luận ông Tuấn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, cựu bí thư Đảng Ủy, cựu giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa, “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của đảng, nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ” trong giai đoạn từ Tháng Mười, 2010, đến Tháng Mười Một, 2015.
Cụ thể là “cố ý làm trái các quy định của Hội Đồng Thi Tuyển Công Chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011 khi ban hành quyết định thành lập Hội Đồng Tuyển Chọn Cán Bộ, Công Chức của Sở Xây Dựng không đúng thẩm quyền nhằm ưu ái, nâng đỡ không trong sáng trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn.”
Bà Quỳnh Anh sau đó được cấp tốc bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng, cũng được quy hoạch chức danh phó giám đốc sở và kết nạp đảng, tham gia Đảng Ủy Sở Xây Dựng.
Sau vụ bê bối này, ông Tuấn đã bị cách hết các chức vụ trong đảng (nhiệm kỳ 2015-2020), mất chức phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, và được điều động làm “tổ trưởng tổ giúp việc” thuộc Ban Chỉ Đạo Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị và Nhà Ở tỉnh Thanh Hóa.
Đây được cho là vị trí “hữu danh vô thực” và tưởng như hoạn lộ của ông Tuấn đã khép lại nhưng nay ông lại được chuyển công tác về Sở Xây Dựng và “rộ lên thông tin ông sẽ nhận chức danh chánh văn phòng Sở,” theo báo Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Ba, 2019.
Báo này cho hay: “Sáng 31 Tháng Ba, ông Ngô Hoàng Kỳ – chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hóa – cho biết việc ông Tuấn xin chuyển công tác về lại Sở Xây Dựng là nguyện vọng cá nhân. Xét thấy đúng quy định của nhà nước, Văn Phòng UBND tỉnh đã đồng ý cho ông Tuấn chuyển công tác.”
Trước đó, chiều 30 Tháng Ba, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thủy, giám đốc Sở Nội Vụ Thanh Hóa, cho biết: “Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương, giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa lại ‘băn khoăn’ về việc ông Tuấn đang là một chuyên viên, liệu bổ nhiệm lên cấp trưởng, phó phòng của sở thì có đúng quy định. Vấn đề này, chúng tôi đã trả lời rằng hiện không có văn bản nào cấm quy định bổ nhiệm từ chuyên viên lên trưởng, phó phòng, nên vẫn có thể làm bình thường. Hơn nữa, ông Tuấn cũng đã hết thời gian chịu kỷ luật, và có kinh nghiệm vì trước đó đã làm giám đốc Sở Xây Dựng.”
Lâu nay, tỉnh Thanh Hóa được mạng xã hội gọi nửa đùa nửa thật là “vương quốc Thanh Hóa” vì những chính sách và cách hành xử của giới chức địa phương mang tính “phép vua thua lệ làng.”
Việc ông Tuấn bất ngờ được trọng dụng trở lại khiến nhiều blogger đặt câu hỏi: Phải chăng tại Thanh Hóa đang khan hiếm “người tài” hay tại Ủy Ban Nhân Dân và Tỉnh Ủy Thanh Hóa quá “bao dung” với quan chức mắc sai phạm?
Thời điểm vụ bê bối nêu trên xảy ra, năm 2017, “Đại Biểu Quốc Hội” Lưu Bình Nhưỡng được các báo nhà nước dẫn lời phát biểu tại nghị trường: “Vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm sùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc.”
Cũng trong vụ việc này, mạng xã hội và một số báo nhà nước từng nhắc đến sự dính líu của Bí Thư Tỉnh Ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và kêu gọi “xử lý nghiêm khắc” với ông này. Luật Sư Trần Vũ Hải viết trên trang cá nhân hồi Tháng Mười Hai, 2017: “Dân mạng đang nghi ngờ ông bí thư (Trịnh Văn Chiến) là bố của con người đẹp được Phó Chủ Tịch Tuấn ‘nâng đỡ không trong sáng,’ báo chí được dịp bủa vây ông bí thư. Ông Chiến chắc không có đường lui, chờ ngày bị vặt lông, trừ khi lại thuyết phục được người đẹp cung cấp mẫu ADN của hai con để giám định, xác nhận ông không phải là bố đứa con của cô ấy.”
Tuy vậy, đến nay ông Chiến vẫn tại vị và còn được ghi nhận đạt 87/90 “phiếu tín nhiệm cao” hồi Tháng Mười Hai, 2018, theo báo Người Lao Động.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét