Mạc Văn Trang - Nét chữ, nết người - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Mạc Văn Trang - Nét chữ, nết người


Học sinh đã trưởng thành viết thư thăm hỏi, chúc Tết cô giáo cũ là một việc riêng tư, bình thường. Nhưng việc đó đối với ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim nguyên thủ quốc gia, lại là một sự kiện thú vị, khiến thiên hạ bàn tán. Trong đó có người tâng bốc là “vận nước đang lên”, lại có nhiều bình luận tiêu cực, tùy hứng…

Nguyễn Phú Trọng - Nét chữ, nết người 

Nhân rỗi rãi, tháng Giêng là tháng ăn chơi, nên nhà cháu xin có vài lời bình về bức thư này trên cơ sở “phân tích sự kiện” khách quan.

1. Công nhận chữ ông Trọng viết đều, đẹp, chỉn chu, chữ ký cũng chân phương, tròn trịa…. Hẳn hồi học Tiểu học, cậu bé Trọng luôn là học sinh ngoan hiền, giữ “Vở sạch, chữ đẹp”, được cô giáo yêu mến và nêu gương cho các bạn trong lớp “học tập, làm theo”… Niềm tự hào từ thuở thơ bé ấy, vẫn âm ỉ trong ông, và nay đứng đầu Đảng, Nhà nước, ông tin rằng, cứ phát huy NÊU GƯƠNG, “học tập làm theo”… là đảng, nhà nước, xã hội sẽ “trong sạch, vững mạnh”, sẽ “kiểm soát được quyền lực”. Do vậy, ông mới chỉ đạo ra cái “Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Và ở đâu ông cũng rao giảng đạo đức, lấy “Đức trị” thay cho cái với ông rất xa lạ, đáng sợ, đáng ghét là: Nhà nước pháp quyền, Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự.

2. Ngoài 70 tuổi, lại quyền cao, chức trọng, nhưng ông vẫn nhớ đến Cô giáo dạy hồi Tiểu học cách đây mấy mươi năm, với niềm kính yêu đặc biệt. Điều đó chứng tỏ ông là người nặng tình cảm, sống DUY TÌNH. Cho nên “xây dựng đảng”, giữ “kỷ cương phép nước” ông cũng duy tình. Ông bảo “vô cùng đau xót” khi một đảng viên, một quan chức bị kỷ luật, bị kết án, mặc dù những phần tử đó đã tha hóa, tham nhũng, phản dân, hại nước, là “giặc nội xâm”, là “sâu, chuột”, bị nhân dân căm ghét, nguyền rủa! Chống tham nhũng với ông không phải là thượng tôn pháp luật, thực thi công lý, làm trong sạch đội ngũ quan chức và xã hội, mà chỉ là “kỷ luật một người để cứu muôn người”! Tức là ông nghĩ, có muôn thằng tham nhũng, nhưng ông chỉ kỷ luật một thằng, thế là muôn thằng còn lại sẽ được cứu, vẫn nguyên chức vụ, tài sản… Thế thì muôn thằng tham nhũng được cứu mới tín nhiệm ông, muốn ông tiếp tục lãnh đạo, để giữ “cái bình” cho “lũ chuột” ung dung ẩn náu, phè phỡn trong đó…

3. Cuối thư gửi Cô Giáo, ông Trọng viết: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”. Lưu giữ những kỷ niệm ấu thơ là điều quý giá. Nhưng khi một người thực sự trưởng thành sẽ thấy nhiều điều bố mẹ, thầy cô dạy bảo hồi bé thơ, sẽ trở nên xa lạ trong thời đại mới; nhiều cái có khi còn nực cười… Nhưng với ông Trọng, tất cả đều “không bao giờ phai mờ”… Tức ông là người NỆ CỔ, TRUNG THÀNH tuyệt đối với những gì đã học, đã thuộc, đã nhớ, đã tin. Chính vì vậy, những điều ông đã học về “Lý luận xây dựng đảng”, “Chủ nghĩa Mac – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”, những “Nghị quyết” của Đảng từ các nhiệm kỳ xa xưa, ông đã học, đã nhớ, sẽ “không bao giờ phai mờ”; ông tuyệt đối trung thành và tuân theo những thứ đã học, đã có, đã tin… Hễ nghĩ khác, nói khác, làm khác đi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái”! Với cá nhân ông, việc trung thành tuyệt đối với vợ, không bồ bịch; trung thành tuyệt đối với những điều đã học cũng hay, không sao cả. Nhưng với cương vị người đứng đầu Đảng , Nhà nước mà ai nghĩ khác ông, nói khác ông, làm khác ông là bị quy cho “suy thoái” thì rất tai hại.

4. Cả nội dung và hình thức lá thư cho thấy ông Trọng là người rất NỆ CỔ. Nệ cổ cho nên ông rất SỢ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO. Ngày nay, chúc Tết cô giáo hay bạn bè, không ai lại viết thư dài dòng bằng tờ giấy gấp tư như ngày xưa nữa. Người ta gửi cho nhau những tấm Thiếp chúc mừng tươi mới, hấp dẫn với lời lẽ chân tình giản dị. Nhưng ông vẫn viết thư như ngày xửa, ngày xưa! Ngay trong Lời Chúc Tết lúc giao thừa năm Kỷ Hợi, ông cũng giữ nếp xưa, lại còn bắt chước, “học theo thơ Bác Hồ”:
“học theo thơ Bác Hồ tôi cũng xin nôm na có mấy vần:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
Cả nước hân hoan mừng Xuân mới
Khải hoàn ta viết tiếp bài ca.
Chào thân ái!”.

Nhiều người dân, mỗi lần nghe ông nói, họ sốt ruột, vì cứ lặp đi lặp lại, ề à, chẳng thấy gì mới. Hình như ông sợ nêu ra vấn đề mới, sợ đối thoại với những cử tri mới, nên lần nào tiếp xúc cử tri cũng thường ở chỗ ấy, cũng mấy đại biểu cử tri “chuyên nghiệp” ấy phát biểu… Ngay vấn đề quốc gia đại sự sôi sục, ông cũng nói “Tình hình biển Đông không có gì mới”… Ông rất sợ cái gì khác lạ, nên mới nói “Không cho phép ai làm trái đường lối của Đảng”. Như vậy trái với nguyên tắc: Người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Người dân chỉ cần quan tâm đến Hiến pháp và Pháp luật, chứ có cần “thuộc lòng” đường lối của Đảng như ông Trọng không?

Tóm lại, “nét chữ là nết người”, qua bức thư Chúc Tết cô giáo cũ của ông Trọng, cho thấy, ông là một học trò ngoan ngoãn, lễ phép, vở sạch chữ đẹp, kính yêu thầy cô với tình cảm rất sâu nặng và tuyệt đối trung thành với những gì đã học, đã có, đã tin… Với một cá nhân bình thường, những điều đó có thể rất hay. Nhưng với một nhà lãnh đạo quốc gia thì những nét tính cách đó ảnh hưởng thế nào, chắc bà con cũng biết..


© Giáo sư Mạc Văn Trang
    SVVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages