Võ Xuân Sơn - Gửi ông Trương Quý Dương - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Võ Xuân Sơn - Gửi ông Trương Quý Dương


Tôi không biết hồi đi học ông được dạy như thế nào, nhưng tôi được tiếp xúc với một số người cùng học y khoa với ông, họ đàng hoàng, trách nhiệm, và có tâm lắm. Như vậy, có lẽ ông là trường hợp đặc biệt, khác với họ, và khác với cả phần đông các bác sĩ.

Ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Lam/ Zing
Tôi vẫn thường nói đến lệnh miệng trong y khoa. Đó là một điều cực kì cần thiết, để cứu sống người bệnh trong lúc nước sôi, lửa bỏng. Từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, ngành y đều có truyền thống ra lệnh và chấp hành lệnh miệng.

Bản thân tôi, đã từng ra không biết là bao nhiêu lệnh miệng, trong số đó, cũng có những lần không cứu được bệnh nhân. Chưa bao giờ tôi phủ nhận trách nhiệm về những mệnh lệnh không có bằng chứng ghi lại của mình, cho dù trong một số trường hợp, điều đó có thể mang lại hậu quả không tốt nào đó cho tôi.

Sở dĩ lệnh miệng tồn tại trong ngành y từ hàng ngàn năm nay, như một qui trình làm việc tất yếu, là do người trong ngành y có truyền thống trung thực, dám làm dám chịu trách nhiệm.

Với những gì ông đã hành động, và nói tại Tòa trong mấy ngày qua, ông không thể hiện tính cách cần thiết của người làm trong ngành y, đó là trung thực, dám làm dám chịu. Ông đã nhiễm thói của các quan chức bẩn, khua môi múa mép, trơ trẽn, vô sỉ, khi nói nỗi đau của BS Lương là nỗi đau của ông, còn nỗi đau của ông lại là nỗi đau của ngành y, rồi ông với BS Lương là “tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò”.

Ông đưa BS Lương vào lời khai của ông về thảm họa chạy thận làm gì? Có phải ông mặc định rằng, BS Lương là người gây ra thảm họa, và ông đau với nỗi đau đó? Hèn quá ông Dương ạ. Trơ trẽn, vô liêm sỉ đến cùng cực ông Dương ạ.

Ông đau như thế nào mà suốt thời gian qua, ông không gặp người nhà các nạn nhân tử vong? Nỗi đau của ông lớn đến đâu mà ông không biết tên bệnh nhân tử vong? Ông đau cái gì để có thể đi du hí ở nước ngoài khi “tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò” của ông ra Tòa, gánh trách nhiệm cho ông?

Thôi, chẳng vòng vo làm gì cho mất thời gian, huỵch toẹt ra luôn nhé ông Dương.

Ai mà chẳng biết, trong số máy chạy thận xã hội hóa ở bệnh viện, trong cái tỉ lệ ăn chia 9/1, với giá cao gấp đôi giá lọc thận tại Bạch Mai, có bao nhiêu phần là của các quan chức ở Hòa Bình, ông và ông Tuấn Thiên Sơn cũng chỉ ăn được một phần trong đó. Ai mà chẳng biết, chính vì cái liên minh đó mà ông và ông Tuấn Thiên Sơn mới được bảo kê, không bị truy tố từ đầu. Thôi thì phần đó coi như “đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, không truy cứu làm gì. Khả năng cao là với những tác động của liên minh quyền lợi mà ông là một thành viên trong ấy, người ta sẽ không kết tội ông nặng lắm đâu.

Ai mà chẳng biết việc thay màng lọc chia ra làm 2 lần chỉ là một thủ đoạn để các ông có quyền tự quyết, bớt phải chia chác. Dù giá của màng lọc chỉ có 12 triệu 2 cái, nhưng các ông phù phép nó lên đến hơn 90 triệu, để vừa có quyền tự quyết định, không phải trình, không phải chia chác, nên các ông mới chia quá trình thay màng lọc làm 2 lần, dẫn đến việc phải súc rửa 2 màng lọc ở lần thay thứ nhất.

Chứ thay cả 4 cái một lúc, thì nếu để tổng số tiền dưới 100 triệu để không phải trình, các ông sẽ ăn được ít, mà để cao hơn 100 triệu thì lại phải trình, phải chia chác. Đã dám làm như vậy, và ông thừa biết, đó chính là nguyên nhân đầu tiên, và quan trọng nhất, dẫn đến thảm họa lọc thận Hòa Bình, thì đừng vô sỉ, trơ trẽn khua môi múa mỏ, tìm cách đổ lỗi cho BS Lương nữa.

Ông Dương ạ. Rồi thì vụ án này cũng sẽ qua đi, nỗi đau của gia đình những nạn nhân thảm họa lọc thận Hòa Bình, nỗi đau của BS Lương và gia đình anh ấy cũng sẽ được thần Thời gian xoa dịu. Nếu ông có bị tù đày thì rồi cũng sẽ có ngày ông hết hạn tù và về với cuộc sống bình thường. Hãy làm sao để sau này, người ta nhìn ông với con mắt bình thường, không phải là con mắt khinh thường, thậm chí mọi người có thể ghi nhận công lao thiết lập được hệ thống lọc thận tại Hòa Bình, một tình miền núi nghèo, mà không phỉ nhổ ông.

Gần 2 năm, đủ thời gian để ông suy nghĩ thấu đáo, và hành động như một con người có trách nhiệm, như một thầy thuốc chân chính.

Võ Xuân Sơn

(FB Võ Xuân Sơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages