Ngân hàng thế giới cập nhật về kinh tế vĩ mô Việt Nam - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Ngân hàng thế giới cập nhật về kinh tế vĩ mô Việt Nam


Ngân hàng thế giới cập nhật về kinh tế vĩ mô Việt Nam

CÓ GÌ MỚI?

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, bắt đầu từ cuối tháng 4 năm 2021 khiến Chính phủ phải nhanh chóng ứng phó bằng việc đóng cửa trường học và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới.

Trong tháng 4 năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, trong khi doanh số bán lẻ phục hồi sau hai tháng giảm liên tiếp.

Xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao nhờ vào sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại sau hai tháng tăng.



Giá cả tăng 0,5% trong tháng 4 năm 2021 so với tháng trước, do tiêu dùng tư nhân phục hồi sau khi kết thúc đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba.

Ngân sách thặng dư trong 4 tháng đầu năm 2021 do thu ngân sách tăng 7,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm lại góp phần làm giảm tổng chi ngân sách.

Trong thời gian tới, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư. Nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể muốn xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

NHỮNG DIỄN BIẾN KINH TẾ GẦN ĐÂY

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, lây lan trong nước từ cuối tháng 4 năm 2021. Đợt bùng phát này đang ảnh hưởng đến nhiều vùng và ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các cơ quan chức năng đã ngay lập tức tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và phòng ngừa về y tế công cộng như đóng cửa trường học. Các biện pháp truy vết, xét nghiệm và cách ly tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 10 tháng 5, tổng số ca nhiễm từ trước đến nay là 3.489 ca, và chỉ có 35 ca tử vong (Hình 1).

Tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã tăng tốc vào tháng 4, với 506.000 liều được tiêm, so với khoảng 50.000 liều vào cuối tháng 3. Chính phủ thông báo sẽ phân bổ 12,1 nghìn tỷ đồng (hơn 520 triệu USD) để mua thêm vắc xin COVID-19.

Trước khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, mức độ di chuyển đã được cải thiện nhanh chóng, nhưng đang giảm xuống do những biện pháp hạn chế mới

Trong phần lớn thời gian của tháng 4, hầu hết các chỉ số di chuyển được cải thiện đáng kể khi đợt bùng phát COVID-19 thứ ba được kiểm soát. Các chỉ số này cũng tăng đột biến vào cuối tháng khi Việt Nam bước vào đợt nghỉ lễ dài thứ hai trong năm nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động. Tuy nhiên, các chỉ số này đang giảm xuống trong tháng 5 do thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại

Sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ nhu cầu vững chắc trên thị trường thế giới và nhu cầu trong nước đang phục hồi

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% (so với tháng trước) và 24,1% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 4 năm 2021 (Hình 3). Tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái phần lớn xuất phát từ hiệu ứng cơ sở thấp do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt phong toả liên quan đến đại dịch vào tháng 4 năm 2020. Sản



Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cũng phản ánh sự phục hồi của tiêu dùng trong nước bên cạnh nhu cầu cao về các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao từ khu vực kinh tế đối ngoại. Các phân ngành năng động nhất bao gồm đồ uống, quần áo và thiết bị gia dụng, kim loại cơ bản, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, và máy móc, thiết bị. Chỉ số PMI tăng từ 53,6 trong tháng 3 lên 54,7 trong tháng 4, đánh dấu sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong sáu tháng liên tiếp.

Doanh số bán lẻ tăng trở lại trong tháng 4

Doanh số bán lẻ tháng 4 năm 2021 đã tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba vào cuối tháng 1 năm 2021. Sự phục hồi này nhờ mức tăng trường 1,9% (so với tháng trước) của doanh số bán lẻ hàng hóa, trong khi dịch vụ tăng 3,8% (so với tháng trước). Tuy nhiên, giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn so với tháng 1 năm 2021 (Hình 4).

Thương mại hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ nhu cầu cao từ Hoa Kỳ và các đối tác thương mại lớn khác

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ 3,4% (so với tháng trước) trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng 2,6% trong tháng 4 năm 2020 (Hình 5). Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 26% và 31% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng thương mại được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc, và cả EU, ASEAN và Hàn Quốc nhưng với mức độ thấp hơn.

Tốc độ tăng trưởng hai con số (so với cùng kỳ năm trước) được ghi nhận trên tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021. Có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất là nhóm hàng máy móc, tiếp theo là máy tính và điện tử, và điện thoại. Giày dép và hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ (lần lượt tăng 19% và 10% so với cùng kỳ năm trước). Các nhà xuất khẩu nước ngoài tiếp tục chứng tỏ năng động và có khả năng chống chịu tốt hơn doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do bùng nổ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, phản ánh sự phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và hàng hóa trung gian nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn ổn định trong 4 tháng đầu năm

Việt Nam thu hút 2,2 tỷ đô la Mỹ vốn FDI vào tháng 4 năm 2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này một phần phản ánh sự biến động hàng tháng trong giá trị đăng ký của một số dự án lớn riêng lẻ. Trong 4 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát tăng tốc trong tháng 4 năm 2021 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau khi làn sóng dịch COVID-19 thứ ba được kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% (so với tháng trước), chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao, bao gồm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đồ dùng và thiết bị gia dụng (Hình 7). Điều này phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba ở trong nước.

Tín dụng tăng nhanh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao hơn trong những ngày nghỉ lễ

Tín dụng cho nền kinh tế tăng 2% (so với tháng trước), phản ánh nhu cầu tín dụng tăng do các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong đợt nghỉ lễ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 (Hình 8). Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm cũng tăng từ 0,29% trong tháng 3 lên 0,48% trong tháng 4.

Ngân sách nhà nước thặng dư trong 4 tháng đầu năm 2021

Tình hình tài khóa đã được cải thiện khi ngân sách nhà nước thặng dư khoảng 80 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Thu ngân sách đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm và cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, Chính phủ đã chi 463,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước. Nguyên nhân chính của việc giảm chi là do giải ngân các dự án đầu tư công chậm lại, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án sử dụng vốn ODA chỉ giải ngân được bằng một phần ba giá trị giải ngân trong cùng kỳ năm 2020.



Trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước đã vay từ thị trường trong nước 26,3 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với tháng 3. Trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ huy động được tổng cộng 65,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 17,8% kế hoạch năm 2021. Tất cả trái phiếu đều được phát hành với kỳ hạn từ 5 năm trở lên và lãi suất bình quân đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 2,36%, cao hơn khoảng 9 điểm cơ bản so với tháng 3. Điều này khẳng định xu hướng tăng chi phí vay vốn được quan sát kể từ tháng 1 năm 2021.

Cần theo dõi:

Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư đã làm gia tăng mạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, buộc Chính phủ phải đóng cửa trường học ở nhiều tỉnh và tái áp dụng các biện pháp phòng ngừa về y tế và hạn chế đi lại. Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ. Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.

Nguồn và ghi chú:

Tất cả dữ liệu đều từ Haver và lấy từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK), ngoại trừ: Thu, chi ngân sách của Chính phủ (Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)), FDI (Bộ KH&ĐT và Báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD năm 2020); PMI (khảo sát do Nikkei và IHS Markit thực hiện; Chỉ số quản lý thu mua được lấy từ cuộc khảo sát 400 doanh nghiệp công nghiệp và dựa trên năm chỉ số với các trọng số như sau: Đơn hàng mới, Sản lượng, Việc làm, Thời gian giao hàng của nhà cung ứng (và Mức tồn kho). Chỉ số này được điều chỉnh theo mùa. Một PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng khi so sánh với tháng trước đó; dưới 50 thể hiện thu hẹp và ở mức 50 cho thấy không có sự thay đổi). Dữ liệu trong lĩnh vực tài chính bao gồm thông tin tín dụng (Ngân hàng

dụng (Ngân hàng Nhà nước, FiinResearch), tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 và tháng 4 năm 2021 (do cán bộ Ngân hàng Thế giới tính toán dựa trên dữ liệu từ Bộ KH & ĐT); số ca nhiễm COVID- 19 đã được xác nhận và số lượng liều vắc xin COVID-19 đã tiêm, và chỉ số về mức độ di động trong cộng đồng của Google (đường cơ sở là giá trị trung bình, cho ngày tương ứng trong tuần, trong khoảng thời gian 5 tuần từ ngày 3/1 đến ngày 6/2/2020 và các giá trị thay đổi mỗi ngày được so sánh với giá trị cơ sở cho ngày trong tuần) (World Bank High Frequency & COVID data dashboard); và Trái phiếu Chính phủ (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội).

SA = Điều chỉnh theo mùa; NSA = Không điều chỉnh theo mùa.

Bấm vào link này để tải xuống The World Bank




   Mời xem thêm »


© The World Bank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages