Liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục lãnh đạo thế giới? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục lãnh đạo thế giới?


Liệu Chính phủ Biden có thực hiện được ý muốn hay lại lâm vào “bế tắc” như các chính phủ tiền nhiệm trước đây?


Tổng thống Joe Biden muốn thực hiện chính sách 'nước Mỹ trở lại' tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới nên tình trạng đối đầu Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt.


Như thế liệu Chính phủ Biden có thực hiện được ý muốn hay lại lâm vào “bế tắc” như các chính phủ tiền nhiệm trước đây?


Chính phủ Obama


Chiến lược xoay trục Thái Bình Dương mở đầu những thay đổi về chính sách đối ngoại, chuyển trọng tâm về khu vực Á Châu, bao vây kinh tế và kềm hãm tình trạng trỗi dậy của Bắc Kinh.


Về quân sự Chính phủ Obama vẫn lún sâu vào chiến tranh Trung Đông, mà ngân sách quốc phòng thì không được Quốc Hội đồng ý tăng thêm.



Nên giữa tháng 4/2012 Trung cộng xâm chiếm Bãi cạn Scarborough thuộc Phi Luật Tân, họ còn liên tục xây dựng các đảo với phi trường quân sự trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà hề gặp phản ứng quân sự nào từ phía Mỹ.


Về thương mại, Chính phủ Obama tập trung mọi nỗ lực hoàn tất Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng rồi Thượng Viện từ chối mang ra thảo luận, Ứng cử viên Sander Bernie công kích đi ngược lại quyền lợi công nhân, Ứng cử viên Hillary Clinton hứa không tiếp tục tham gia, còn Ứng cử viên Donald Trump tuyên bố bỏ ngay trong ngày đầu nhậm chức tổng thống.


Trung cộng thì đưa ra Chiến Lược Công Nghệ "Made in China 2025", Chiến lược Vòng Đai Con Đường và vận động thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).


Họ sử dụng sức mạnh kinh tế để mua chuộc các quốc gia chậm phát triển, thay đổi lề luật quốc tế, biến các tổ chức như Liên Hiệp Quốc hay tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thành các tổ chức do Bắc Kinh chỉ đạo.


   Mời xem thêm »


Ngày 3/9/2016, thế giới được chứng kiến cảnh Tổng thống Obama dùng cửa hậu của Air Force One đặt chân xuống thành phố Hàng Châu tham dự Hội Nghị thượng đỉnh G20.


Bà Susan Rice Cố vấn An ninh Quốc gia khi nhấc dây chắn đi bộ đến đoàn xe chở ông Obama thì bị một viên chức ngoại giao Trung cộng chỉ tay về phía bà lớn tiếng ngăn cản.


Như vậy phương thức ngoại giao ‘chiến binh sói’ không phải mới được Trung cộng sử dụng gần đây với Úc, Anh, Pháp, và một số quốc gia tự do.


Mà đã bắt đầu từ thời Tổng thống Obama, cho thấy sự thất bại toàn diện của Chiến lược xoay trục, và phương cách ngoại giao mềm yếu mà Mỹ sử dụng trong giai đoạn này.


Với Chính Phủ Trump


Giới chức Bắc Kinh không thể đoán được phản ứng của Tổng thống Trump khi bị “ngoại bang” đối xử thiếu lễ độ, nên suốt 4 năm từ 2017 đến 2020 họ đã không dám dở trò ngoại giao ‘chiến binh sói’ với Chính quyền của ông.



Rút kinh nghiệm từ các Chính Phủ tiền nhiệm một mặt Tổng thống Trump buộc các quốc gia đồng minh phải chia sẻ gánh nặng quân sự với Mỹ và thương lượng lại các Hiệp Định thương mãi mà ông cho là không công bằng với người Mỹ.


Tổng thống Trump đã không gây thêm bất cứ cuộc chiến nào, mà ngược lại ông còn làm trung gian tạo quan hệ ngoại giao giữa Do Thái và các quốc gia Hồi giáo, xây dựng một nền hòa bình ở Trung Đông.


Nhờ thế Chính phủ Trump đã có khả năng để chuyển nguồn lực quân sự về Châu Á thực hiện Khung Chiến Lược Ấn Độ Thái Bình Dương, xây dựng thành công Bộ Tứ An Ninh, gồm Nhật, Ấn, Úc và Mỹ.


Hàng không mẫu hạm và chiến hạm Mỹ thường xuyên tuần tra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, chiến hạm của các quốc gia Nhật, Úc, Anh, Pháp và Đức cũng bắt đầu tuần tra hai vùng biển nói trên.


Hoa Kỳ còn hướng đến việc xây dựng những kế hoạch khác như riêng năm 2020 đã dành 153 triệu Mỹ Kim cho các dự án hợp tác cho các quốc gia trong khu vực sông Cửu Long, Miến Điện, Lào, Thái, Cam Bốt và Việt Nam.


Chiến lược của Chính Phủ Trump là tập trung đối đầu với Bắc Kinh, nên rất hòa hoãn với với các nước cựu thù là Nga, Bắc Hàn và ngay cả Iran.


Mục tiêu chính của chính sách đối đầu Mỹ-Trung vẫn là bảo vệ quyền lợi công nhân Mỹ bằng cách đánh thuế hàng hóa nhập cảng từ Trung cộng, ngăn chận gián điệp mạng hay việc đánh cắp công nghệ Mỹ…


Phía Bắc Kinh Chiến lược “Vành đai Con đường” bị cầm chân, Chiến lược "Made in China 2025" không còn nghe đến, Tập Cận Bình chuyển sang Vạn lý trường chinh, trường kỳ kháng chiến chống Mỹ.


Vì đụng đến quyền lợi và niềm tin của nhiều chính trị gia, giới tư bản, giới truyền thông, giới khoa bảng nên những chính sách thời Tổng thống Trump đã gặp không ít chỉ trích và chống đối nhưng hầu như đã được Tân Chính phủ Biden “tiếp thu” một cách trọn vẹn.


'Nước Mỹ trở lại'


Trước Quốc Hội Ngoại trưởng Antony Blinken nói rõ ông ủng hộ Tổng thống Trump là cần cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng đồng thời Mỹ phải tăng cường xây dựng quan hệ với các nước đồng minh.



Tứ Giác An Ninh trước đây được chủ tọa bởi các giới chức trong Chính phủ nay được tăng cường với sự chủ tọa của Tổng thống Biden và 3 Thủ tướng, Nhật, Ấn và Úc.


Khung Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng được mở rộng xây dựng một thế liên minh từ Á sang Âu, bao vây không chỉ Trung cộng, mà cả Bắc Hàn, Nga và Iran, nên kết quả là liên minh gồm Trung cộng và ba quốc gia nói trên đã được thành hình.


Nhưng tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Brussels, Bỉ ngày 24/3/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ không buộc các nước bạn đồng minh phải rơi vào tình thế lựa chọn đứng về phía Mỹ hay đứng về phía Trung cộng.


Ngày 1/2/2021, Bắc Kinh đứng đằng sau cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện mở lại Hành Lang Kinh Tế Trung–Miến tạo con đường vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa giữa Vịnh Bengal và tỉnh Vân Nam.


Sau hai tháng phía quân đội đã bắn chết trên 520 người, trong số có cả trẻ em, nhưng Liên Hiệp Quốc đã bị Trung cộng, Nga, Ấn Độ và Việt Nam ngăn chận nên vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể nào.


Tình trạng yếu kém của Liên Hiệp Quốc, một tổ chức quốc tế mà ngân sách phần lớn phụ thuộc vào đóng góp của Mỹ, cho thấy việc cải tổ tổ chức này như Chính phủ Trump từng đòi hỏi là vô cùng cần thiết.


Ngày 7/3/2021, chừng 220 ‘tàu dân quân’ Trung cộng tiến vào bên trong khu vực Đá Ba Đầu, trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam và trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.


Sự kiện này làm chúng ta nhớ lại vào tháng 4/2012 Trung cộng cho các ‘tàu dân quân’ chiếm Bãi cạn Scarborough, nếu họ tiếp tục chiếm Bãi Đá Ba Đầu Chính phủ Biden sẽ ứng xử cách nào?


Vào ngày 18/3/2021, trước ống kính truyền hình Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Dương Khiết Trì sử dụng ngoại giao ‘chiến binh sói’ ngay tại Alaska, ngay trên nước Mỹ, Dương Khiết Trì tay chỉ về phía phái đoàn ngoại giao Mỹ gằn giọng đáp trả Ngoại trưởng Antony Blinken.


Chỉ mới vài căng thẳng mà đảng Dân Chủ đã lo xảy ra chiến tranh, Dân biểu Gregory Meeks, Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện cho biết Quốc Hội đang xem xét hủy bỏ Đạo Luật cho phép Tổng thống quyền tuyên chiến được ban hành năm 2001, trao trả quyền tuyên chiến cho Quốc Hội Hoa Kỳ.



Các chính trị gia đảng Dân Chủ cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Biden chia sẻ quyền kiểm soát và sử dụng vũ khí nguyên tử với Quốc hội Mỹ, thay vì chỉ Tổng thống (hoặc Phó tổng thống) giữ quyền nhấn nút bom nguyên tử như hiện nay.


Đối nội là chính


Đối với cử tri Mỹ các chính sách đối nội mới quyết định kết quả các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội, tăng trưởng kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp, nạn lạm phát, mở cửa biên giới, cắt giảm khí thải và nhiều chính sách khác đang được dư luận Mỹ quan tâm.


Ngày 25/3/2021, trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc Tổng thống Joe Biden cho biết:


"Trung cộng muốn đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn nhất, quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới, với sự giám sát của tôi điều đó sẽ không xảy ra, Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế."


Cách suy nghĩ của ông Biden thuần về tăng trưởng kinh tế, nếu so GDP Mỹ vào năm 2020 là 20,930 tỷ Mỹ Kim còn của Trung cộng là 15,420 tỷ Mỹ Kim, với mức độ tăng trưởng như hiện nay còn chừng chục năm nữa Trung cộng có thể vượt qua Mỹ.


Chính phủ Biden thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu với gói kích cầu lên đến 1,900 tỷ Mỹ Kim đã được Quốc Hội thông qua và một số gói khác hiện đang được thảo luận có thể lên đến 4,000 tỷ Mỹ Kim.


Muốn tăng cầu thì cần có nguồn cung, chưa nói đến khoản tiền từ đâu và sẽ ảnh hưởng kinh tế như thế nào, về nguồn cung cấp hàng hóa thì một phần sẽ được nhập cảng từ Trung cộng, nên thật khó cho Mỹ thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.


Cái vòng lẩn quẩn này đã được 3 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, Jim Inhofe và Rick Scott tìm cách giải quyết bằng Dự luật quan hệ thương mại Trung cộng (China Trade Relations Act), tước địa vị Tối Huệ Quốc mà Mỹ đã ban cho Trung cộng dưới thời Tổng thống Bill Clinton.


Theo Dự Luật này thương mại Mỹ-Trung sẽ được Quốc Hội cứu xét hằng năm dựa trên những tiêu chuẩn phía Mỹ đưa ra Bắc Kinh phải theo đó mà áp dụng.



Nếu được thông qua Dự luật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhà tư bản, những người sẽ đóng góp tài chính tranh cử cho các chính trị gia chủ trương tự do thương mại, nên Dự luật chắc chắn sẽ bị họ phủ quyết.


Tiếp tục đối đầu…


Sau hơn 70 ngày nhậm chức Tổng thống Joe Biden đưa ra nhiều hứa hẹn với nhiều mục tiêu muốn đạt được, nhưng tình hình cho thấy ông Biden cũng đang gặp nhiều khó khăn.


Nếu ông Biden không làm được những gì ông đã hứa thì cử tri Mỹ sẽ quyết định một chính phủ mới tiếp tục đối đầu với Trung cộng không chỉ về kinh tế mà về mọi phương diện để Mỹ có thể tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo thế giới.


   Mời xem thêm »



© Nguyễn Quang Duy
    Melbourne, Úc Đại Lợi
    2/4/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages