Tô Lịch, ‘hồng phúc dân tộc’ và mafia… - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Tô Lịch, ‘hồng phúc dân tộc’ và mafia…


(Hình: Trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)

Trang web của báo điện tử có tên Doanh nhân và Xã hội đã bất khả dụng (1). Người ta chú ý đến trang web này sau khi Tòa soạn đăng bài: “Con ông Chung khởi nghiệp” (2). Không rõ bài viết này có phải là nguyên nhân khiến Doanh nhân và Xã hội trở thành bất khả dụng hay không nhưng hai ngày sau khi Con ông Chung “khởi nghiệp” được nhiều người dùng mạng xã hội dẫn lại. Doanh nhân và Xã hội đột nhiên… trắng xóa!

Tuy Doanh nhân và Xã hội chẳng còn gì để xem nhưng “Con ông Chung khởi nghiệp” vẫn còn đây đó trên Internet (3). “Con ông Chung” – nhân vật chính trong bài là Nguyễn Đức Hạnh, 20 tuổi, Giám đốc Công ty Arktic, quý tử của ông Nguyễn Đức Chung (Cựu Thiếu tướng công an. Hiện là Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Đại biểu cho Hà Nội tại Quốc hội, Chủ tịch thành phố kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội).

“Con ông Chung khởi nghiệp” lập lại nhiều chi tiết mà cả người sử dụng mạng xã hội đã kháo với nhau từ lâu và báo giới cũng đã từng đặt vấn đề: Công ty Arktic có trụ sở nằm tại 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội là một trong những sản nghiệp của gia đình ông Chung (bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông Chung và Nguyễn Đức Hạnh – con trai ông Chung là chủ Siêu thị Minh Hoa, có cùng địa chỉ với Công ty Arktic). Dưới thời ông Chung, chính quyền thành phố Hà Nội quyết định chỉ mua RedOxy-3C (một hóa phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) từ Công ty Arktic dù doanh nghiệp này là… chim non, vừa… ra ràng (4).

“Con ông Chung khởi nghiệp” xới lại những thắc mắc kiểu như: Tại sao khi khai báo nhập cảng, Công ty Arktic khai giá mua chỉ có 90 tỉ đồng/420 tấn RedOxy-3C nhưng chính quyền thành phố Hà Nội vui vẻ trả 158 tỉ đồng. Đã có người thử tính thuế và các chi phí khác để chứng minh, những thương vụ mua – nhập – độc quyền cung cấp RedOxy-3C cho chính quyền thành phố Hà Nội đã giúp Công ty Arktic lãi ròng hàng chục… tỉ đồng.

Cho dù chỉ khơi lại chuyện cũ nhưng “Con ông Chung khởi nghiệp” làm bật ra thêm một nghi vấn mới trong việc sử dụng công quyền để bảo vệ lợi ích băng nhóm theo kiểu mafia: Sự kiện Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơn một triệu khối nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch chính là “độc chiêu” nhằm loại trừ đối thủ, bảo vệ thị trường cho Công ty Arktic độc quyền cung cấp hóa phẩm xử lý nước ao hồ, sông rạch ô nhiễm…

***

Tô Lịch là tên một trong những chi lưu của sông Hồng, nối sông Hồng và sông Nhuệ. Do quản trị tồi, sông Tô Lịch đã bị lấp một đoạn nên chỉ còn thông với sông Nhuệ. Những đoạn còn lại, có chỗ trở thành mương, thành cống ngầm, đoạn còn giữ dáng dấp của sông thì ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước đến không khí vì đủ thứ chất thải lưu cữu hàng thế kỷ.

Gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu cải tạo đoạn sông Tô Lịch may mắn còn hiện hữu, vừa nhằm chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết một đại họa về môi trường, gia tăng khả năng thoát nước cho nội đô, giảm ngập lụt. Tuy nhiên vấn nạn nan giải nhất vẫn còn nguyên: Nước sông vẫn đặc quánh, đen thui, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, sông Tô Lịch vẫn là nơi thiên hạ ngán ngại khi phải qua lại…

Cách nay khoảng ba tháng, báo chí Việt Nam đồng loạt đề cập đến sự kiện, thông qua Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật, Công ty Cải thiện Môi trường Nhật - Việt (JVE) tình nguyện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Sau đó, JVE bắt đầu lắp đặt hệ thống sục khí nano và sử dụng các vật liệu tự nhiên được gọi là bioreactor tại một đoạn sông Tô Lịch gẩn ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi trong hai tháng nhằm chứng minh, có thể làm sạch sông Tô Lịch chỉ bằng việc kích thích sự phát triển của vi sinh vật có sẵn trong môi trường, thúc đẩy các chất gây ô nhiễm tự phân hủy, phát triển lượng vi sinh vật hữu ích giúp sông tự làm sạch...

Tiến trình thử nghiệm của JVE kéo dài chừng hai tháng… Thế rồi tuần trước, khi nước đã trong, mùi hôi đã giảm đáng kể chỉ còn chờ nghiệm thu thì Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơ một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nước quá lớn và dòng chảy quá mạnh đã khiến toàn bộ vi sinh vật - có thể giúp JVE thành công trong việc thuyết phục cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam giã biệt RedOxy-3C hay những loại hóa phẩm tương tự, chuyển qua ứng dụng công nghệ của Nhật, vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường - trôi sạch!

***

Công ty Thoát nước Hà Nội đã biện giải rằng, quyết định xả hơn một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm “bảo đảm an toàn thoát lũ cho hồ Tây trong mùa mưa”. Đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật tỏ ra rất sòng phẳng khi xác nhận Công ty Thoát nước Hà Nội có báo trước cho JVE nhưng chỉ mười đến 15 phút sau khi gửi tin nhắn, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nên JVE không thể nào ứng phó để bảo vệ hoạt động thử nghiệm của mình (5).

Song nhiều người am tường hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không xem vụ xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, xóa sạch hoạt động thử nghiệm của JVE là trục trặc đáng tiếc. Qua facebook, Tiến sĩ Lương Ngọc Huỳnh, than: “Các bạn Nhật khổ rồi!”. Trong “Các bạn Nhật khổ rồi!”, ông Huỳnh kể rằng, ở Hà Nội có một hội mà giới chuyên môn thường gọi là “Hội Quỷ Môn Quan”. Hội này có hơn chục giáo sư, tiến sĩ tạm gọi là hội đồng khoa học và hoàn toàn không có thiện chí với những công nghệ mới nếu họ không được tham gia bàn và cãi. Kế đó là các hệ thống quản lý ngành vô cùng lắt léo và bên trong có vấn đề.

Tiến sĩ Huỳnh nói thêm, ông chính là một nạn nhân: Đầu thập niên 2010, nhiều nhóm, nhiều doanh nghiệp đồng loạt giới thiệu hàng loạt công nghệ làm sạch nước nhân dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tiến sĩ Huỳnh và nhóm của ông cũng giới thiệu công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel… Sau nhiều cuộc họp, nhiều buổi báo cáo, tổ chức thử nghiệm cho “Hội Quỷ Môn Quan” xem xét, bởi công nghệ mà nhóm của ông Huỳnh giới thiệu đưa ra chi phí ở mức thấp nhất (8.000 đồng/khối nước), chất lượng nước lại đạt mức từ B2 trở lên (có thể dùng để tắm giặt), họ được cho phép thử nghiệm tại một đoạn sông Kim Ngưu. Sau ba ngày, chẳng biết vì sao, nước bẩn từ khắp nơi đột nhiên đổ vào khu vực thử nghiệm…

Đích thân ông Nguyễn Văn Lạng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, người trực tiếp theo dõi hoạt động thử nghiệm) điều tra nguyên nhân và lý do cũng y hệt như lý do mới xóa sạch hoạt động thử nghiệm của JVE: Tự nhiên Công ty Thoát nước Hà Nội thấy… cần mở các… cửa cống! Tất nhiên, sáu tháng vật lộn với “Hội Quỷ Môn Quan”, bốn tỉ cho cho thử nghiệm, giới thiệu công nghệ mới, làm sạch nước của ông Huỳnh và bạn bè trôi sạch.

Ông Huỳnh bảo ông nhớ mãi lời một thân hữu: Huỳnh ạ! Em muốn yêu nước thì em phải… làm đơn! Sống ở Hà Nội rất lâu ông Huỳnh mới nhận ra, thủ đô Việt Nam “có hoàng thành kiên cố, phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, họ không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận!”. Đó cũng là lý do ông tâm tình: Tôi rất thương các bạn Nhật (6)!

***

Chuyện Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo hệ thống công quyền tại Hà Nội dùng RedOxy-3C để xử lý nước ô nhiễm, chỉ mua hóa phẩm này từ Công ty Arktic đã rõ. Báo giới chỉ chưa thể làm rõ tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại chọn Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water làm đối tác xử lý nước hồ, lọc nước và ngay sau đó, Công ty Watch Water dành cho Công ty Arktic độc quyền phân phối hóa phẩm RedOxy-3C?

Tương tự, tại sao tổ chuyên gia được tuyển lựa để “theo dõi các hoạt động và kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu bằng chế phẩm RedOxy-3C” chưa báo cáo kết quả, chính quyền thành phố Hà Nội đã hối hả thúc ép mua vài trăm tấn heo đó, tổ này có nhiệm vụ thẩm định kế hoạch, phương án thử nghiệm, kiểm tra giám sát RedOxy-3C?

Cứ như những gì đã xảy ra, Tô Lịch còn lâu mới trong xanh, thơ mộng vì có những trở ngại tuy đã rõ nhưng chưa được làm cho rõ hơn để truy cứu trách nhiệm vì dấn tới là đụng vào “hồng phúc dân tộc” và đụng vào những băng nhóm dùng quyền lực để kiếm tiền và dùng tiền kiếm được để khuynh loát toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages