Mỹ-Trung đàm phán sụp đổ vì không hiểu nhau? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Mỹ-Trung đàm phán sụp đổ vì không hiểu nhau?


Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) đối mặt với các quan chức đàm phán của Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer

Dù phía Mỹ có gây sức ép thế nào cũng không thể buộc Trung Quốc thay đổi mô hình phát triển kinh tế vì giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc tin vào ‘tính ưu việt’ của con đường riêng của họ, hai học giả nhận định trong một bài báo.

Trong bài viết có tựa đề ‘Hiểu về sự chia rẽ Mỹ-Trung trong thương mại’ đăng trên tạp chí chuyên ngành về quan hệ quốc tế Diplomat, Giáo sư Lưu Bảo Thành tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh và Giáo sư Hilton L. Root thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhận định rằng Mỹ-Trung chỉ có thể đạt được thỏa thuận thương mại nếu như Mỹ yêu sách những điều ‘khả thi’ đối với Trung Quốc.

Bài phân tích nêu rằng khi cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, trong tuần đầu tiên của tháng Năm, các nhà đàm phán Hoa Kỳ đã báo cáo tiến triển về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng và luật thương mại để giảm trộm cắp tài sản trí tuệ. Lúc đó, Trung Quốc dường như sẵn sàng tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ, thu hẹp sự mất cân bằng thương mại, mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ và giảm việc bán phá giá hàng hóa – tức là những hàng hóa được trợ cấp nên có giá rẻ nhân tạo.

Ở Trung Quốc cũng vậy, kỳ vọng dâng cao. Đầu tháng 4, Tân Hoa Xã đưa tin rằng vòng đàm phán thứ tám đã đạt được tiến bộ mới trong các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, nông nghiệp và thực thi.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, các cuộc đàm phán đã trở nên hụt hơi và sau đó bị đình trệ hoàn toàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thêm thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc còn Trung Quốc cũng trả đũa bằng thuế quan của riêng mình và áp lực từ cả hai phía leo thang.

Bây giờ Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán thương mại. Để tránh một thất bại khác, hai giáo sư đã chỉ ra trong bài báo những điều gì hai bên cần hiểu về sự sụp đổ của vòng đàm phán cuối cùng.

Theo họ, nếu một thỏa thuận đạt được thì cần phải có sự hiểu biết nhiều hơn về những điều khoản nào mà các thành phần chủ chốt ở Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận, và vấn đề nào mà lãnh đạo Trung Quốc xem là là nền tảng cho các triết lý kinh tế cốt lõi của họ mà họ không sẵn sàng từ bỏ.

Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng nguyên nhân khiến cuộc đàm phán sụp đổ là do thành phần cứng rắn tại Mỹ vốn lo lắng về tham vọng bá quyền của Trung Quốc hơn là thương mại; những người khác thì đổ cho ‘Trung Quốc tham lam’, mà họ cho là rút lại những cam kết mà đã đồng ý trước đó. Về phía Trung Quốc, có những cáo buộc cho rằng các tuyên bố của chính quyền Trump là không trung thực và cố tình gây nhầm lẫn và rằng Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra thêm các yêu sách mới, bao gồm cả việc thực thi các cải cách thị trường ngay lập tức.

Quá tự tin?

“Điều rõ ràng là cả hai bên đều quá tự tin. Cả hai đều hiểu hành vi và thông điệp của đối phương thông qua lăng kính của nền văn hóa chính trị của chính họ. Điều này khiến mỗi bên đánh giá quá cao đòn bẩy của mình và cuối cùng, cáo buộc đối phương trở cờ,” bài phân tích viết.

Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ rằng ‘không có gì là nhỏ nhặt trong ngoại giao’. Bất kỳ vấn đề nào, dù nhỏ đến đâu, đều rất quan trọng nếu nó liên quan đến chính phủ nước ngoài. Theo hai tác giả bài viết trên Diplomat, ngay cả khi có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như ông Tập Cận Bình đang cầm cương thì Bộ Chính trị và Quốc vụ viện, cùng với Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản phải phê chuẩn bất kỳ bản thỏa thuận nào, nếu không nó sẽ không có giá trị.

Nhìn vào thành phần phái đoàn đàm phán Trung Quốc, rõ ràng nước này đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề ở cấp độ kỹ thuật như thương mại, tài chính, tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng không sẵn sàng đi sâu vào các cải cách mang tính hệ thống hoặc các cơ chế thực thi, bài báo nói.

Nhà đàm phán chính của Trung Quốc, phó Thủ tướng Lưu Hạc là tâm điểm chú ý của truyền thông, nhưng trách nhiệm của ông chỉ giới hạn ở thương mại, tài chính và công nghệ. Người không có mặt là phó Thủ tướng Hàn Chính, người giám sát Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), vốn chịu trách nhiệm về những vấn đề cấu trúc như trợ cấp hay quy hoạch công nghiệp. Ủy ban giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC) phải báo cáo với Ủy viên Quốc vụ viện Vương Dũng, người bảo vệ mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan này không có mặt trong các cuộc đàm phán.

Sự chia rẽ về cải cách hệ thống nằm ở đằng sau các chi tiết kỹ thuật về thuế quan và hạn ngạch. Nó nằm ngay giữa quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng con đường phát triển và hệ thống kinh tế của Trung Quốc phát triển và cùng nhau bắt rễ; rằng mỗi bên đóng góp vào sự thành công của nhau. Hơn nữa, thông qua mô hình kinh tế của mình, Trung Quốc tìm cách đưa ra các giải pháp phát triển cho các nền kinh tế mới nổi khác và một ‘định mệnh chung’ cho thế giới. Như thế, Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng mất tiền cho các khoản đầu tư ở nước ngoài khi họ xây dựng các liên minh và các mối quan hệ đối tác thương mại trên toàn thế giới và tự coi mình là đối thủ của hệ thống trật tự quốc tế tự do của Mỹ, bài báo nhận định.

Mô hình vượt trội?

Do đó, nếu một thỏa thuận đạt được, theo ý kiến của hai học giả vừa kể, điều quan trọng là đừng coi nhẹ chuyện nhiều học giả Trung Quốc, chẳng hạn như kinh tế gia nổi tiếng Hồ An Cương thuộc Đại học Thanh Hoa, tin rằng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của họ sẽ vượt trội hơn bất kỳ nền kinh tế thị trường tự do nào chỉ dựa trên chủ nghĩa cá nhân.

Chế độ kinh tế của Hoa Kỳ, họ lập luận, khuyến khích các cá nhân hành động theo các khía cạnh thấp nhất của bản chất con người. Họ cũng không tin rằng nó hoạt động tốt trong giai đoạn đầu phát triển. Các cá nhân vì lợi ích của mình có thể làm tốt hơn những người quên mình vì một nhóm gắn kết, nhưng về lâu dài, khi có xung đột giữa các nhóm, những người có tinh thần tập thể sẽ đánh bại những cá nhân ích kỷ. Mô hình xã hội chủ nghĩa, họ lập luận, đưa ra một con đường thay thế khả thi với hiệu quả xóa đói giảm nghèo vượt trội ở giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế.

Họ cũng tin rằng nỗ lực của ông Trump để kiềm chế các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ bóp nghẹt những phẩm chất vốn làm cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất lại và thuận lợi cho tương lai. Tân Hoa Xã đã đi xa hơn, nói rằng các yêu sách của Mỹ đối với các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc là ‘vi phạm chủ quyền và tương đương với cuộc xâm lược’.

“Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản có sự gắn liền mạnh mẽ nhất với công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, mô tả mối quan hệ với Mỹ là không đi đến chỗ tốt hay xấu, không có tuần trăng mật hay thù nghịch. Sẽ có những cuộc chạm trán không vui, ông cảnh báo, nhưng ly hôn là không thể. Thông điệp kiềm chế của Đặng có nghĩa là một thỏa thuận vẫn có khả năng nhưng chỉ khi Mỹ tránh chơi quá tay và không tính toán sai cách ra quyết định ở Trung Quốc,” bài báo viết.

Trung Quốc đã sửa đổi luật đầu tư nước ngoài, mở thêm nhiều lĩnh vực cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho phép các dịch vụ tài chính nước ngoài hoạt động tự do hơn và thiết lập một tòa án sở hữu trí tuệ chuyên biệt. Họ cũng bày tỏ sẵn sàng mua thêm hàng hóa của Mỹ, như nông sản và khí đốt tự nhiên. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng nỗ lực thúc đẩy phát triển các công nghệ cốt lõi thông qua các khoản trợ cấp và chính sách hỗ trợ. Điều này là điểm mà họ không thể đàm phán, tờ Diplomat phân tích.

Thiếu tôn trọng Trung Quốc?

Ông Lưu Hạc cho rằng sự thiếu tôn trọng lẫn nhau là lý do chính cho sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán. Nếu ông ấy mang về một thỏa thuận do Mỹ áp đặt thì ông ấy sẽ bị lên án là người bán rẻ đất nước, giống như trường hợp của Lý Hồng Chương của triều đình Mãn Thanh vào năm 1901. Sau thất bại của phong trào khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn của các nông dân chống phương Tây và sau khi liên quân tám nước tiến vào Bắc Kinh, ông Lý đã ký với phương Tây một hiệp ước được cho là ‘bất bình đẳng’. Hiệp ước này được cho là đầu hàng các nước phương Tây và là hiện thân của ‘bách niên quốc sỹ’ – tức thời kỳ nỗi nhục trăm năm của Trung Quốc.

Về pháp trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cả hai bên đều đồng ý về nguyên tắc rằng việc ra luật về điều này là cần thiết, nhưng Trung Quốc thiếu năng lực thể chế pháp lý và tư pháp cần thiết. Đây là lý do tại sao Trung Quốc tiếp tục yêu cầu cả hai bên nhận ra ‘khác biệt trong phát triển quốc gia và trong giai đoạn phát triển’. Vì vậy, một thỏa thuận bảo vệ quyền trí tuệ phải bao gồm các chương trình đào tạo chung nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung hơn giữa các chuyên gia pháp lý hai nước. Nhưng một lần nữa, Trung Quốc không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không công nhận mong muốn của họ muốn ngang hàng với Mỹ về kinh tế thông qua bất kỳ cơ chế nào họ muốn, kể cả các doanh nghiệp nhà nước.

“Hoa Kỳ phải tự tìm hiểu về lý do tại sao, về mặt lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã lãnh đạo nền kinh tế của họ và tại sao Trung Quốc hướng đến điều mà ông Tập gọi là ‘Vạn Lý Trường Chinh mới’, hướng tới sự tự lực để củng cố lòng trung thành của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Đối với người Trung Quốc, điều này có nghĩa là niềm tự hào về truyền thống Nho giáo của họ và sự hài hòa của nó với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Tinh thần chấp nhận khó khăn và sẵn sàng tuân theo chính quyền của người dân Trung Quốc vượt xa trí tưởng tượng của hầu hết người Mỹ,” hai giáo sư phân tích trên tờ Diplomat.

Vẫn theo hai ông, người dân Trung Quốc, bằng sự đồng thuận vững chắc, đồng ý rằng cấu trúc kinh tế hiện tại của họ có thể đưa họ đến tầm vóc kinh tế lớn hơn ở quy mô toàn cầu, và các doanh nghiệp nhà nước của họ sẽ góp phần tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh. Những rủi ro của một cuộc chiến công nghệ chỉ càng củng cố quyết tâm của họ. Trung Quốc sẽ không thay đổi con đường phát triển cơ bản của mình cho đến khi có bằng chứng kinh tế thuyết phục để chứng minh rằng mô hình của họ chắc chắn sẽ thất bại. Trong khi đó, họ coi những lời chỉ trích của Hoa Kỳ là giáo điều và không có cơ sở. Một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc sự đại thất bại của một số sáng kiến sẽ có hiệu quả hơn nhiều trong việc mang lại sự thay đổi, cũng theo hai giáo sư này.

Chỉ với thời gian và bằng chứng, không phải là đơn thuốc mà nước ngoài kê cho, sẽ cho biết mô hình kinh tế nào phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc. Hiện tại, Hoa Kỳ phải hiểu rằng họ chỉ có hai lựa chọn. Vì cả hai bên đều có những thế mạnh mà bên kia không có - Trung Quốc có năng lực sản xuất và lượng người dùng và khách hàng lớn; Hoa Kỳ dẫn đầu về sáng tạo và nghiên cứu - không bên nào có thể giành chiến thắng dứt khoát từ cuộc chiến tranh kinh tế không hồi kết, hai học giả chỉ ra trong bài viết.

“Kết quả tốt nhất cho cả hai bên là theo đuổi một thỏa thuận trong lĩnh vực khả thi và biến những lời hứa mơ hồ thành những thỏa thuận có thể kiểm chứng bằng ngôn ngữ và cơ chế thực thi,” tác giả bài nhận định trên Diplomat nói.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages