Dạo ấy hai đứa đều dưới tuổi ba mươi, vì chưa lăn lộn với đời nên vẫn có nét ngây thơ của những người đàn bà trẻ con. Chúng tôi sống bám vào hai mảnh ny lông trên vỉa hè thành phố. Hai người cùng hoàn cảnh nên dễ thân nhau, cả hai đứa cùng có lúm đồng tiền trên má.
Chị thật thà bảo tôi:
“Người ta bảo những ai có lúm đồng tiền thì lúc nào cũng dư dả, sao hai đứa mình đói rách quá.”
Tôi ngắm chị. Một khuôn mặt hơi vuông nhưng rất ưa nhìn. Hai mắt sâu và sáng, vầng trán thông minh, mỗi khi cười hai lúm đồng tiền lõm xuống, trông chị rất có duyên. Ngày còn trẻ, chắc chắn có nhiều anh chết vì nụ cười của chị. Bởi vậy khi gặp chị, anh mau mau đón chị về, rồi không cho đi làm nữa, vì giữa chốn ba quân, chị như một bông hoa đẹp mà ai cũng muốn hái.
Tôi không đẹp như chị, chỉ dễ coi, cũng hai lúm đồng tiền trên má. Hai đứa có những bốn cái đồng tiền mà lúc nào cũng túng bấn, phải chia nhau từng đồng tiền vốn, xẻ cho nhau đồng tiền lời để mua thức ăn cho con. Có sống trong cảnh đời ấy mới thấy được lòng dạ con người tốt xấu ra sao. Hoàn cảnh bên ngoài đổi thay như chong chóng, anh em trong gia đình ai cũng lo thủ phận mình, hai điều ấy đã giúp những con người như tôi với chị xích lại gần nhau hơn. Những lúc hai đứa đi kiếm ăn, dồn cả bốn đứa trẻ lại nhờ mẹ tôi trông giúp. Hai đứa lớn đến trường, hai đứa nhỏ nhờ bà cụ già chăm bẵm, mỗi chiều về ngoài quà cho con, chị vẫn không quên mua mớ trầu, mấy quả cau tươi cho mẹ tôi. Có khi cả hai gia đình cùng ăn chung bữa cơm tối, những lúc ấy cả hai đứa cùng cảm thấy sự chia xẻ cái khổ, cái nghèo cho nhau thật là đáng quý. Dưới ngọn đèn điện đỏ quạch, chỉ có đàn bà và trẻ con, không ai nói ra nhưng tôi vẫn nhận thấy nỗi cô đơn và băn khoăn của những cuộc đời không lối thoát.
Không còn gì để bấu víu và tin tưởng, khi tương lai là một chuỗi mịt mù, tăm tối. Đêm nào mẹ con tôi cũng cầu nguyện, ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ, đêm đêm chúng tôi chờ phép lạ, như chờ đợi từ ngày mùng một Tết dài mãi cho đến chiều ba mươi cuối năm, vẫn không có gì hơn. Chị đi chùa, hôm nào có tiền mang theo bó nhang, nải chuối. Không chỉ có Phật mà hễ nơi nào có thánh thần là chị đến, với một niềm hy vọng là anh ấy được mau trở về với chị. Dưới ngọn nến sáng bập bùng dưới chân Đức Mẹ, tôi nhìn nét mặt nghiêng của chị, mờ ảo và đẹp lạ lùng. Chị như một thánh nữ, đôi mắt ứa ra hai giọt lệ long lanh. Chân thành lắm, chỉ là những lời van xin, khấn khứa cầu sự an bình cho kẻ chân mây. Tuy vậy, có những khi thất vọng quá, hai đứa vẫn rủ nhau đi coi bói, bỏ mấy đồng bạc để nghe một niềm hy vọng. Thầy bói không thấy ai giàu, giữa ban ngày ngó lên nóc nhà lổ chổ như sao sa, chẳng thầy nào nói được tương lai của chúng tôi hết. Chị chìa bàn tay còn xinh đẹp cho lão thầy bói nắn đi nắn lại, lật tới lật lui, đo đạc dài ngắn rồi nói nhăng nói cuội. Lúc ấy nét mặt chị thật thành khẩn, để rồi trên đường về chị buồn bã bảo tôi:
“Bồ hên quá, có quý nhân phù trợ, ông ấy lại có đường về, còn mình sao mờ mịt quá.”
Tôi bật cười bảo chị:
“Chuyện, hơi sức đâu mà tin, cứ đợi đến con trăng này xem đương sự có về không đã, biết thế nào là hên với xui.”
Có đến chục con trăng qua đi mà bóng người vẫn biền biệt bóng chim tăm cá. Mỗi lần nói chuyện coi bói hai đứa lại cười, nhớ lại lúc còn đi học, mới biết yêu, vẫn nhờ người ta đoán hộ tình duyên, gia đạo. Lũ nhỏ lớn dần lên, đời chị và tôi vẫn chỉ là những con bài bích, những người chồng thời buổi đó vẫn chưa nhận được con cơ báo hiệu ngày trở lại.
Một hôm, chị nhận được thư anh, chiếc phong bì được xếp bằng giấy học trò như đồ chơi thủ công lại viết bằng mực tím, bút lá tre. Chị mừng mừng tủi tủi nhìn con dấu nhà bưu điện, lá thư vượt đèo, vượt suối đi cả hai tháng trời mới đến tay vợ, và chỉ là những con số không thấy nói nơi người gửi. Đọc thư anh, tả chút thay đổi thời tiết, chị biết anh ở xa lắm. Quê chị miền Tây Nam Phần, ven bờ Cửu Long, từ nhỏ đến lớn chị chỉ đi tới Sài Gòn là hết đất. Thư anh viết có một khuôn mẫu sẵn, không thấy nói gì đến nhớ thương, chị đọc thư khóc mùi mẫn, trách anh vô tình. Ngây thơ như một đứa trẻ, chị bảo tôi:
“Anh dặn mình mạnh dạn đưa các con đi xây dựng vùng kinh tế mới, chỉ có con đường ấy mới mở ngỏ cho anh có cơ hội làm lại cuộc đời. Hãy tin những gì anh nói, ngày về không còn xa”.
Tôi gạt đi, vì trước mắt tôi nhan nhản những gia đình sống lang thang trên hè phố, hoặc trở về làm một cái chái che nắng mưa trên chính nền đất của mình ngày xưa. Tôi khuyên chị:
“Đàn bà chân yếu tay mềm, trường học điện nước lại không có, ai bảo đảm an ninh cho mình giữa nơi đồng không mông quạnh. Họ nói thì mặc họ, tin làm sao được.”
Chị ngây thơ không hiểu những gì anh viết, giá chị hiểu ngược lại thì đâu có chuyện quyết định mẹ con dẫn nhau đi vùng kinh tế mới. Mẹ tôi ái ngại cho chị, có khuyên bảo nhưng chị quả quyết là sẽ tìm thấy tương lai. Tôi phục chị can đảm, vì tôi vẫn ở lại thành phố, bám trụ tấm ny lông trên vỉa hè. Tôi không quen nhìn những con đỉa no máu bám vào chân mình, và cũng không biết làm ruộng. Chị đi rồi, chỉ còn mình tôi lại nhập vào giòng người xoay quanh cái bẫy chuột lớn, lẩn thật nhanh vào những con ngõ thông thương khu chợ mỗi khi bị rượt đuổi. Chúng tôi không phải tội phạm mà lúc nào cũng mang mặc cảm của kẻ bị săn đuổi, không sống bám ai mà vẫn bị liệt vào thành phần cặn bã.
Có những lần tôi lan man nhớ đến người bạn hiền của mình, hình dung ra căn nhà trống trải của mẹ con chị giữa đồng không mông quạnh, đôi tay học trò ấy làm sao vật lộn nổi với những thửa ruộng đầy cỏ lác và đỉa vắt. Sức chịu đựng của chị có ngày cũng hết, tôi nghe tin chị tự tử và được cứu thoát. Ít lâu sau, chị về lại thành phố với nét mặt xanh xao, tiều tụy, đầu cạo trọc như một ni sư. Nguyên nhân làm chị tự tử cũng chỉ vì không chịu nổi cảnh sống quá cùng cực và cô đơn, và cũng vì những lời tán tỉnh lẫn hăm dọa của bọn địa phương. Ra đi thì dễ, nhưng về lại không đơn giản. Không nhà, không hộ khẩu, anh em nhìn chị hờ hững, vì không ai muốn đa mang vào mình những gánh nặng. Hai đứa tôi trở lại khu chợ nhỏ, trở lại với tấm ny lông trên vỉa hè, mỗi lần hàng phượng vĩ ven sông rưng rưng những cánh hoa màu đỏ rực rỡ, tôi thấy chị buồn buồn. Cả hai đứa có một lúc nào đó trong đời, vẫn bâng khuâng nhớ lại mình ngày xưa, tà áo trắng, mái tóc dài xõa trên lưng, nụ cười má lúm đồng tiền dễ thương làm say lòng người bạn trai cùng lớp.
Một thời gian sau, chị lại đưa con về quê chồng, vì người anh chồng đi tập kết về chia điền sản của cha mẹ để lại. Chồng chị được một phần, dĩ nhiên không nhiều lắm nhưng có còn hơn không. Căn nhà của ông bà nội lũ nhỏ dành cho ông anh cả, chị cất tạm một cái chái bên cạnh ngôi nhà từ đường của cha mẹ chồng để lại. Những ngày đầu ở quê chồng, gần gũi với gia đình ông “anh chồng cách mạng”, chị phục lăn ông về những bài học và cách sống của một xã hội tốt đẹp mai sau, khi con người không bóc lột người, mọi sự trên đời sẽ là của chung. Nhưng sau chị mới thấy triết thuyết đi một đàng lòng người lại đi một nẻo. Lúc ngỏ lời nhờ ông anh cứu giúp thằng em trong tù, ông cho chị nhiều bài học mà chính chị không ngờ chồng chị lại nhiều tội đến thế. Chị thấy mình luẩn quẩn, cứ đi từ bế tắc này sang bế tắc khác, chẳng cái nào dễ chịu hơn cái nào. Cuối cùng, chị gom hết vốn liếng, mua một cái ghe nhỏ có mái che, mẹ con dẫn nhau đi buôn bán dọc theo các làng xóm xa xôi, đổi chác sống qua ngày.
Từ một người phụ nữ trí thức thành phố, chị mau chóng trở thành một người phụ nữ miền quê đen đủi, đảm đang. Chân đi đất, đầu quấn khăn rằn, biết chèo xuồng và sống như một người nhà quê thứ thiệt. Trên chiếc ghe chật chội ấy thay cho mái nhà tranh, mẹ con chèo chống, trôi nổi như giề lục bình trôi theo giòng nước. Có chỗ để ngủ, có chỗ nấu ăn, có khạp nước uống, chiếc ghe như một cái nhà lưu động rày đây mai đó, thỉnh thoảng chị mới chèo ghe về chợ Quận, mua hàng hóa và thuốc men để trao đổi với người dân sống ven hai bờ kinh rạch. Lúc ấy, con chị mới được ăn tô hủ tíu, được nhìn ánh đèn điện sáng như trăng ở phố chợ, đôi mắt háo hức nhìn những đứa trẻ cùng cỡ tuổi đến trường.
Theo như chị kể lại, người nông dân quê mình là những người sản xuất ra lúa gạo, lại là những người chịu cảnh bữa đói, bữa no. Gặp lúc được mùa, có chút lúa bán xong phải mua phân, mua giống để dành, sửa cái nhà, cái ghe, sắm bộ quần áo chờ mùa tới. Chẳng may thất mùa lúa đóng thuế không đủ, trong nhà vét không ra hột gạo để ăn. Lại đi vay, nợ mẹ đẻ nợ con, lắm nhà chỉ có cơm ăn với muối xả ớt. Tuy vậy họ vẫn cần nhiều thứ cho sinh hoạt hằng ngày. Cuộn chỉ, cây kim, chai dầu gió, viên thuốc cảm, lúc ốm đau làm gì có bác sĩ, y tá nào mạo hiểm đến đó cứu nhân độ thế, hay để thực thi câu “lương y như từ mẫu” cho họ. Chính lúc ấy, chị trở thành thầy thuốc bất đắc dĩ của đám dân nghèo, bằng chút kinh nghiệm của sự học hành năm xưa, qua mấy cuốn y học thường thức chị được đọc, dẫu không có bằng cấp chuyên môn, chị vẫn là tia sáng trong cảnh tối tăm của đám người nghèo khổ. Người ta đón chiếc ghe của chị để mua viên thuốc cảm, thuốc ho, nhờ chị chữa giùm những chứng bệnh thông thường, vô tình chị trở thành cô bác sĩ của những người dân quê tội nghiệp.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, chồng chị vẫn chưa về dù chị đã hai lần đi xây dựng quê hương mới. Hai đứa con không được đi học, nhưng những buổi tối neo thuyền trên bến sông, dưới ngọn đèn lù mù, chị dạy con học đọc, học viết. Sau này, anh được chuyển dần vào Nam, mỗi lần đi thăm chồng chị gửi ghe cho người bà con, mẹ con dắt nhau đi thăm nuôi. Chị dấu biệt anh về cảnh sống hiện tại, con không được đi học, mỗi lần về anh gửi thêm lá thư cho ông anh Cách Mạng nhờ giúp đỡ vợ con. Chị im lặng không nói, lúc phà về ngang bến bắc Cần Thơ, chị đọc thư rồi xé nhỏ từng mảnh thả trôi theo dòng nước. Bây giờ chị đã trưởng thành, sáu năm trời lận đận chị không còn ngây thơ như dạo trước. Lần chị về thành phố thăm tôi, dẫn theo hai đứa con nay khá lớn, chị hầu như lột xác để trở thành một người phụ nữ thôn quê biết an phận, đen đủi hơn và nét mặt đăm chiêu hơn. Tôi hiểu chị đã trưởng thành, từ những kinh nghiệm suốt sáu năm qua chị gặp phải.
Vẫn mái tóc được bới gọn đằng sau gáy, chiếc áo bà ba đen, nụ cười buồn vẫn còn hũm xuống lúm đồng tiền, có lẽ đấy là nét duyên dáng cuối cùng còn sót lại nơi chị. Hai đứa con chị thật tội nghiệp, chân mốc cời, mặt ngơ ngáo khi gặp lại những đứa bạn ngày thơ ấu, nay đã quá xa lạ. Ở chơi với tôi vài ngày, chúng tôi nhắc lại chuyện cũ. Chuyện nhà ông thầy bói giữa ban ngày mái lá sáng như sao sa, chuyện hai đứa giữa buổi chợ túm bốn góc ny lông chạy như vịt, chuyện về những người đàn ông vắng mặt trong nhà không biết đến mấy mươi trăng mới trở lại.
oOo
Mãi bảy năm sau chiến tranh anh mới được trở về xum họp với vợ con, đúng vào đợt cuối năm, kịp về ăn Tết với gia đình. Lúc thay bộ quần áo cũ ngày xưa, anh ngượng nghịu như người quen đi chân đất lần đầu tiên được mang giày, anh thấy mình trở thành con người khác. Hành trang anh chẳng có gì, cái gì còn xài được anh cho lại bạn bè, hai chữ Tự Do khiến anh hồ hởi, ước thành chim để bay ngay về với vợ con.
Hôm ấy là những ngày cận Tết, trên chuyến phà buổi chiều sang sông, anh nhìn thiên hạ chen chúc nhau, tay xách nách mang, người ta về quê ăn tết, trông ai cũng háo hức lạ. Còn một ít tiền vợ đưa hôm trước, anh mua cho con chục ổi, mấy xấp bánh phồng khoai, bao nhiêu năm tù tội anh chẳng còn gì, chỉ còn tấm thân tàn và túi hành trang rỗng tuyếch. Anh dựa vào lan can chiếc phà đang lướt sóng trên giòng sông Cửu Long, mặt sông như một miếng bông cỏ khổng lồ trải rộng ra từ bờ bên này tới bờ bên kia. Anh hít thở nhiều lần không khí trong lành của dòng sông quê mẹ, mắt nhìn theo giề lục bình lênh đênh trên dòng nước, không biết nó trôi về đâu, với những bến bờ xa lạ.
Cuối cùng anh cũng về tới quê nhà, nơi mà ngày xưa lúc còn chiến tranh, anh ít khi dám trở lại. Con đường cũ vẫn gập ghềnh như ngày nào, ngày xưa đã không ít những chuyến xe bị lật nhào sau tiếng nổ long trời của mìn bẫy, đã không ít những người vô tội chết thảm thiết trên nẻo đường yêu dấu của quê hương.
Bây giờ thì cảnh ấy không còn, nhưng đường xá vẫn lồi lõm còn hằn sâu dấu tàn phá của chiến tranh. Cảnh nào với anh cũng vậy. Miền Bắc heo hút những rừng, những suối, đường xe chạy những cây giang, cây nứa quẹt vào thành xe cào xước. Miền Nam sông rạch chằng chịt, nhà cửa xiêu vẹo vẫn y chang ngày trước. Cha mẹ anh qua đời từ lâu, vợ con anh đã thay anh về quê chồng lập nghiệp, anh thấy lòng mình vẫn ấm áp với hai chữ trở về thật thiết tha.
Khi anh tìm về căn nhà, làng xóm cũ năm xưa, người đầu tiên anh gặp lại là ông anh lớn, người đã theo tiếng gọi núi sông ra Bắc tập kết, nay trở về miền Nam sống trong căn nhà hương hỏa của gia đình. Dạo ông ra Bắc, anh còn nhỏ xíu đang đi học tiểu học, nay gặp lại hai người đã đứng vào hai phía khác nhau. Ông anh là hình ảnh của cha anh hồi trước, cũng chút hom hem khi đôi má hõm xuống bởi thiếu những chiếc răng. Sau vài lời hỏi thăm, anh được thêm những lời khuyên nhủ, y như những bài anh học được trong tù.
Lúc hỏi thăm đến vợ con, anh được biết “thím ấy và các cháu” đang sống trên chiếc ghe nhỏ, cuộc sống bập bềnh như cọng lục bình thả theo nước lớn, nước ròng. Tự nhiên anh muốn khóc, người anh cả lúc đưa anh ra mé sông tìm vợ con, đã hạ giọng nói với anh mà nghe rõ lắm mới thấy có gì rất ngậm ngùi:
“Thôi lỡ rồi, anh cũng không làm lại được mà chú cũng không làm lại được. Nói vợ em thu xếp cho các cháu lên bờ, dầu gì chúng cũng là cháu của anh.”
Ôi tình nghĩa anh em, dẫu có thế nào đi nữa cũng phải có phút giây sống thật với tình máu mủ. Không ai căm thù ai, vì ai cũng chỉ là nạn nhân của lũ kên kên thèm ăn thịt người, xô đẩy nhau chết chất chồng để làm vật tế thần cho chiến tranh.
May là anh về đúng dịp cuối năm, chị neo ghe vào bờ cho con ăn Tết. Dưới hàng dừa lả ngọn trên sông chiều, một làn khói trắng bốc lên trên mặt sông, lòng anh man mác buồn, rồi khi bước qua mấy bậc đá rêu trơn trợt để xuống ghe, tự nhiên anh bật khóc. Chưa bao giờ anh khóc ngon lành như thế, vì không phải lúc nào anh cũng có tự do để khóc, hơn nữa, nỗi đau khổ đã làm mắt anh ráo hoảnh, khô khốc không còn giọt lệ. Anh biết đời anh mất tất cả, chỉ còn chút này thôi. Nhìn vợ trong chiếc áo bà ba đen, hai bờ vai thon mảnh năm xưa nay u lên vì chèo chống nhiều quá, lòng anh như bị sát muối. Hai đứa con lơ láo nhìn cha, chân cẳng chúng nó mốc cời, anh ôm con vào lòng mà không làm sao ngăn được những giọt nước mắt, cứ thế lả chả rơi xuống mái tóc khét nắng của con.
Mùa Xuân ấy vợ chồng con cái anh đón ông bà trên chiếc ghe neo dưới mé sông, vì họ là những người không đất đứng, không có nhà, không có nơi chốn để về khi mùa Xuân tới. Anh còn sống nhiều năm, nhiều tháng chèo chống với vợ trên chiếc ghe thương hồ ấy, chấp nhận hoàn cảnh một cách bình thản vì không còn một chọn lựa nào khác. Hai đứa con được cho lên bờ đi học, tá túc với người bác trong căn nhà của ông bà nội. Dù sao con anh vẫn phải đi học, học gì không biết, nhưng từ trước đến nay, trường học vẫn là cái nôi êm ái nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Vợ anh vẫn là cô bác sĩ bất đắc dĩ của những người dân quê nơi vùng sâu, nhưng từ ngày có anh, chị đỡ vất vả hơn, nét mặt có tươi tắn và nụ cười vẫn còn dấu vết hai lúm đồng tiền in trên má.
Sống trên sông đã quen, người anh cứ bập bềnh, lúc được lên bờ là những ngày ít ỏi của anh trên quê hương. Mỗi lần bước đi anh cứ lảo đảo như người say sóng, chút xíu anh ngã vì lòng cứ mênh mông nghĩ đến một chân trời xa lạ. Anh để lại chiếc ghe cho đứa cháu họ, về ngôi nhà hương hỏa với người anh một thời gian trước lúc đi xa, có dịp sống lại với nhau một thời gian, nhờ vậy họ đã hiểu nhau thêm một chút. Khi chỉ còn hai anh em, không còn lằn ranh nào giữa tình huyết nhục, ông anh của anh đã khóc và mới có dịp nói hết những ray rứt mà ông dấu kín bao nhiêu năm, kể từ năm 54, ông bỏ nhà ra Bắc.
ĐOẠN KẾT
Đó là những gì tôi biết về anh chị, những người bạn cùng hoàn cảnh với tôi, đã không có đất đứng ngay chính trên quê hương của mình. Giờ này anh chị đã có một cuộc sống khá ổn định trên nước Mỹ, tôi không dám bảo nơi đây là đất thiên đường, nhưng nó cũng không phải là hỏa ngục.
Anh chị lập nghiệp trên miền Bắc, mùa Đông có tuyết phủ và mùa hè, trời vẫn mát mẻ với những ngọn thông xanh. Họ gửi cho tôi mấy tấm ảnh, anh tóc đã muối tiêu, chị đã tròn trịa hơn trước, riêng hai đứa nhỏ nay đã lớn, nhận không ra, đứa con gái thật xinh, nụ cười giống hệt mẹ thời còn trẻ. Nghe nói ông anh Cách Mạng của anh đã chết, những năm về sau anh vẫn gửi tiền, gửi quà và thuốc men về cho ông, ít ra nhờ vậy ông cũng được hưởng chút nào của thằng em trong những ngày cuối đời. Những người ở thế hệ anh năm xưa mất đi cũng nhiều, càng về già thì nỗi nhớ quê càng chập chùng, anh vẫn không quên được dòng sông miền quê cũ. Trong tấm hình mới nhất anh chị tặng tôi, chị nép vào vai anh mỉm cười, già rồi mà hai lúm đồng tiền vẫn còn mờ trên má. Chóng thật, mới ngày nào mà đầu đã hai thứ tóc.
Nguyên Nhung
Đặc San Lâm Viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét