Họ nức nở tán tụng, khen rằng đó là đỉnh cao trí tuệ, là sáng suốt, là phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đời sống và xã hội Việt Nam, là lực đẩy mọi mặt, v.v…
Cái trò mèo khen mèo dài đuôi, phò mã tự khen tốt áo thì không ai lạ, chỉ có điều, nói một đằng, làm một nẻo. Kiểu cách nói-làm ấy, đúng với bản chất của họ, kể từ ông đầu bạc trắng tới thằng nhãi ranh “hồng phúc của dân tộc” tóc đen sì. Chỉ có điều, phần kinh tế thị trường thì họ hưởng, còn đuôi xã hội chủ nghĩa thì dân chịu.
Với doanh nghiệp và dân trong nước, lúc nào họ cũng ép buộc, hô hào phải nghiêm túc thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết không được trật. Nhưng khi yêu cầu thế giới, yêu cầu các nước công nhận thì họ chỉ đòi quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Cái đuôi tự rụng mất. Vẫn để đuôi, có mà đến tết công gô cũng chả ma nào nó thừa nhận.
Luôn luôn leo lẻo kinh tế thị trường nhưng khi cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì chính phủ và Bộ Giao thông vận tải dứt khoát không chịu tổ chức đấu thầu mà cứ khăng khăng chỉ định thầu, phải giao cho ACV (một doanh nghiệp nhà nước, sân sau của các đầy tớ).
Không kinh tế thị trường gì sất, tao làm thế, làm gì được tao. Đơn giản, bởi vì cho ACV làm thì mới được chia chác, chứ đấu thầu thì còn chó gì mà chấm mút.
Giờ lại thêm vụ quy hoạch báo chí. Cần hiểu rằng báo chí là một phần của văn hóa nhưng thực hiện báo chí lại là một phần của kinh tế. Nó hay thì nó sống được, dở thì sẽ chết. Nó chịu sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường. Mấy bố nhà nước lại cứ đeo cho nó cái đuôi, chả giống ai, cứ muốn hà hơi thổi ngạt cho đứa này, đồng thời đòi tiêm thuốc độc với đứa khác. Cho sống thì được sống, bắt chết sẽ phải chết. Thời buổi 4 chấm 0, 5 chấm 0 mà cứ khư khư đười ươi giữ ống tư duy quản lý báo chí theo kiểu thừa tướng Lý Tư thời Tần bên Tàu cách nay đã hơn 2.000 năm thì quả thật không còn gì để nói với các bố.
Hãy để báo chí vận hành, tồn tại theo kinh tế thị trường và pháp luật. O ép hoặc hô hấp cho nó, nó đều quặt quẹo chẳng ra gì đâu.
Vứt mẹ nó cái đuôi đi, thì con khỉ mới tiến hóa thành người được.
Nguyễn Thông
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Nhà thầu đòi bồi thường 81 triệu đô la
Nhà thầu gói CP03 thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vừa yêu cầu TP Hà Nội bồi thường 81 triệu đô la (hơn 1.800 tỷ đồng) do liên quan đến việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công.
Làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về tiến độ tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, đại diện nhà thầu gói CP03 (tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội) liên danh Huyndai – Ghella (Hàn Quốc, Ý) nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi công 4 nhà ga ngầm S9, 10, 11, 12.
Hai vấn đề lớn nhất đang làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án là thiếu mặt bằng và chậm giải ngân, thanh toán chi phí cho các nhà thầu. Cụ thể, hiện cả 4 ga ngầm nêu trên đều chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng. Bên cạnh đó, Hiệp định vay vốn cho dự án với ADB – nhà tài trợ chính, đã hết hạn từ 30/6/2018, đến nay vẫn chưa được ký lại.
Các vấn đề trên khiến đơn vị thi công các ga ngầm gặp vấn đề về tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bên trong việc thực hiện mục tiêu hoàn thành Dự án đúng tiến độ.
Đại diện nhà thầu gói CP03 cho biết, đến nay đơn vị này đã hai lần gửi cho chủ đầu tư dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội thanh toán các chi phí cho nhà thầu. Ngoài ra, đơn vị này cũng yêu cầu TP Hà Nội bồi thường 81 triệu đô la.
Trao đổi với báo chí, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư đang chậm thanh toán cho các nhà thầu 206 tỷ đồng; chậm thanh toán cho tư vấn 72,4 tỷ đồng.
“Việc chậm thanh toán như trên không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Dự kiến trong tháng 4/2019, Chính phủ sẽ bố trí vốn để giải ngân cho các nhà thầu và tư vấn”, đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội nói.
Về phía nhà thầu thi công gói CP03 thuộc liên danh Huyndai – Ghella (Hàn Quốc, Ý) đề nghị TP Hà Nội bồi thường 81 triệu đô la, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội giải thích lý do liên quan đến việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công.
“Tuy nhiên số liệu này là do Nhà thầu tự cung cấp, chưa được đánh giá, xác nhận, kiểm chứng của Tư vấn Systra hay Chủ đầu tư. Hiện Ban đang yêu cầu Nhà thầu báo cáo, giải trình để làm rõ và phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục theo Hợp đồng và quy định của Việt Nam”, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói và cho biết, Ban cũng đã báo cáo UBND TP Hà Nội về nội dung này.
Quang Phong
Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét