Một nguồn tin cho biết sau khi EVFTA bị EU hoãn vô thời hạn, ‘đảng và nhà nước ta’ đã buộc phải cử một số đặc sứ đi thương thuyết trở lại với EU, với chủ đề đàm phán chuyên về cải thiện nhân quyền. Nhưng vào lần này, yêu sách của EU không còn là một khung hoạt động nhân quyền chung chung trong EVFTA, mà EVFTA phải được chi tiết hóa về một lộ trình theo thời gian và cụ thể hóa những việc mà Việt Nam phải thực hiện để cải thiện nhân quyền.
Vì EVFTA.
Tái hiện qua 5 năm?
2014 là năm đầu tiên chứng kiến một sự nhượng bộ đáng kể của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trong cuộc mặc cả trả tự do trước thời hạn cho tù nhân lương tâm (còn gọi là tù nhân chính trị) để đánh đổi lấy TPP (Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình ương). Tổng cộng 12 người bất đồng chính kiến đã được phóng thích khỏi nhà lao trong năm đó - một con số kỷ lục, dù nhiều người đã bị chính quyền tống xuất ra nước ngoài.
Nhưng đến 2019, TPP đã trở thành dĩ vãng, mà chỉ còn lại CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) - thỏa thuận thương mại đã thành hình, đi vào triển khai mà chính quyền Việt Nam đã phải đánh đổi nó bằng việc chấp nhận định chế công đoàn độc lập khi trước đó chính quyền này lo sợ ‘diễn biến hòa bình’ của hoạt động này hơn bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào.
Song CPTPP vẫn chưa đủ. Chưa đủ cho cái miệng tham ăn tục uống của ngân sách và chưa thể thỏa mãn tham vọng trở thành ‘nước hưởng lợi lớn nhất’ của Việt Nam, mà tính thực dụng và thực chất đang trở nên một đòi hỏi cấp bách đối với chân đứng kinh tế đang rệu mục cùng núi nợ nước ngoài ít nhất 105 tỷ USD của chính thể còn đang cầm quyền này. Không chỉ làm mọi cách để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ hàng năm, Bộ Chính trị Hà Nội còn phải giành được EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu) nhằm bỏ túi số xuất siêu mỗi năm đến ba chục tỷ USD, củng cố được nguồn máu cực kỳ quý giá để ngân sách có tiền trả nợ nước ngoài lên đến 10 - 12 tỷ USD/năm và dung dưỡng cái cơ thể gần 3 triệu công chức viên chức cùng hàng triệu nhân sự trong lực lượng vũ trang.
Đó chính là lúc mà hàng loạt điều kiện nhân quyền trong EVFTA sẽ phát huy tác dụng.
Cơ hội nhân quyền từ EU
Khác hẳn với TPP hay CPTPP, trong EVFTA là tiêu chí ‘nhân quyền trên hết’. Quyền làm người và những yêu sách đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải gấp rút cải thiện. Nhân quyền đã không còn là một loại điều kiện phụ được chăng hay chớ, mà đang trở nên điều kiện cần đầu tiên và bắt buộc mà chính quyền Việt Nam, không còn cách nào khác, phải thỏa mãn để có được hiệp định này.
Cú ra đòn hoãn phê chuẩn EVFTA của Liên minh châu Âu (EU) vào tháng Giêng năm 2019, bất chấp một chiến dịch vận động ráo riết của chính quyền Việt Nam và sự thôi thúc của một số doanh nghiệp và nghị sĩ châu Âu trên quan điểm thuần túy lợi ích thương mại mà không có nhân quyền hoặc chỉ ‘nhân quyền cho có’, đã trở thành một bằng chứng hùng hồn nhất về hiện thực và cả tương lai mà trong đó Nghị viện châu Âu sẽ thẳng tay bác bỏ việc thông qua EVFTA bởi chính thể Việt Nam đã chỉ thể hiện như một kẻ chỉ biết ăn không chịu làm, không có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào có thể chứng minh hay nhìn thấy được.
Càng về sau này, EU càng trở nên cứng rắn với thái độ bị xem là ‘lươn lẹo’ của nhà cầm quyền Việt Nam. Khi những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam hầu hết đã đi vào bế tắc, những lời hứa hẹn ngon ngọt hay cam kết nửa vời của những quan chức thật ra chẳng có thẩm quyền gì của Việt Nam đã chẳng còn ma mị được các quan chức EU. Ngay cả việc đoàn Việt Nam đã tưởng như vượt qua được cuộc điều trần EVFTA- nhân quyền vào tháng 10 năm 2018 tại Brusells, Bỉ, Nghị viện châu Âu đã chặn EVFTA lại bằng một bản nghị quyết nhân quyền lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng và đưa ra một ‘tối hậu thư’ về nhân quyền trên hết, để nếu không cải thiện nhân quyền thì Việt Nam sẽ không thể nào có được EVFTA.
Cơ hội được tự do khỏi nhà tù tối tăm tàn ác của một số tù nhân lương tâm cũng vì thế bắt đầu le lói.
Chỉ ít ngày sau cú ra đòn hoãn EVFTA khiến giới chóp bu Việt Nam bị sốc nặng, 9 dân biểu Nghị viện Châu Âu đã gửi một bức thư vào ngày 1/2/2019 tới Nguyễn Phú Trọng - quan chức vừa là Chủ tịch nước vừa kiêm tổng bí thư đảng CSVN, kêu gọi việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hoàng Đức Bình.
Các nghị sĩ châu Âu xác quyết rằng việc Việt Nam bắt giam và xử án tù nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã đi ngược lại các quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.
Ngoài việc kêu gọi trả tự do cho Hoàng Đức Bình, các nghị sĩ còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đảm bảo chắc chắn và trả bồi thường đầy đủ theo luật quốc tế, điều tra những quan chức công an, toà án, và nhà tù chịu trách nhiệm về những đối xử tàn tệ đối với ông Hoàng Đức Bình. Và đặc biệt, các nghị sĩ cũng yêu cầu phải để ông Hoàng Đức Bình được ở trong nước, không trục xuất ông ra nước ngoài như điều kiện để được trả tự do.
Hoàng Đức Bình bị bắt giữ vào tháng 5/2017 và bị kết án tù 14 năm vào tháng 2/2018 theo các điều 330 và 331 của Bộ luật Hình sự về cái gọi là “chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Bất chấp việc công an Việt Nam gia tăng đợt bắt bớ giới bất đồng chính kiến ngay vào những ngày sát tết nguyên đán 2019, nhà hoạt động về môi trường và quyền của người lao động Hoàng Đức Bình và một số tù nhân lương tâm khác vẫn có thể tự do trong năm 2019.
Càng về sau này, mức án tù giam đối với các nhà hoạt động nhân quyền càng chỉ tồn tại như một con số chẳng có ý nghĩa gì. Trước và ngay sau cuộc điều trần nhân quyền - EVFTA vào tháng 10 năm 2018 tại Bỉ, hai nhà hoạt động nhân quyền nổi bật là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được quốc tế gây áp lực đã được tự do khỏi nhà tù Việt Nam, bất chấp mức án tù giam của hai người này lên đến hàng chục năm và hơn thế.
Nhưng nếu cả Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay một số tù nhân lương tâm trước đó như Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần… bị tống xuất ra nước ngoài chứ không được ở lại Việt Nam, hy vọng với những tù nhân lương tâm sau này còn lớn hơn: chính quyền Việt Nam, trước áp lực và đòi hỏi như một điều kiện cần của EU, sẽ buộc phải để họ ở lại quê hương để tiếp tục đấu tranh.
Lối thoát duy nhất
Về thực chất, nhà cầm quyền Việt Nam không còn lối thoát khả dĩ nào với EVFTA ngoài việc phải bắt buộc thực hiện những hành động cải thiện nhân quyền như trả tự do cho một số tù nhân lương tâm, ký kết 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đặc biệt là phải triển khai công ước về quyền tự do lập hội của công nhân, cùng những điều kiện nhân quyền khác mà bản nghị quyết nhân quyền của EU đòi hỏi một cách không thể né tránh.
Một nguồn tin cho biết sau khi EVFTA bị EU hoãn vô thời hạn, ‘đảng và nhà nước ta’ đã buộc phải cử một số đặc sứ đi thương thuyết trở lại với EU, với chủ đề đàm phán chuyên về cải thiện nhân quyền. Nhưng vào lần này, yêu sách của EU không còn là một khung hoạt động nhân quyền chung chung trong EVFTA, mà EVFTA phải được chi tiết hóa về một lộ trình theo thời gian và cụ thể hóa những việc mà Việt Nam phải thực hiện để cải thiện nhân quyền.
Kỳ bầu cử mới vào tháng 5 năm 2019 đang đến rất gần. Nếu không chứng minh được ‘năng lực cải thiện nhân quyền’ với một số lượng hành động đủ nhiều và đủ thực chất, chính quyền Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội EVFTA được phê chuẩn trước kỳ bầu cử này. Thậm chí cơ hội đó sẽ có thể chìm nghỉm trong vũng nước tù nếu một nghị viện châu Âu mới được hình thành và do quá bận rộn với nhiều vấn đề nhức đầu của Lục Địa Già, sẽ chẳng còn mấy thời gian và tâm trí để lưu tâm đến một EVFTA nhỏ nhoi nhưng lại chẳng mang chút hương sắc nhân quyền nào.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét