Một luật sư phân tích với BBC về điều ông cho là "sự bất nhất" của chính quyền khi công bố mức "hỗ trợ 7 triệu đồng/m2"cho người dân Vườn rau Lộc Hưng trong lúc nhà hoạt động nói người dân sẽ "không chấp nhận" mức này.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng thu gom đồ đạc còn sót lại sau vụ cưỡng chế |
Theo truyền thông Việt Nam, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh vừa thông báo chính sách hỗ trợ người dân ở Vườn rau Lộc Hưng. Cụ thể là "sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu đất công trình công cộng ở phường 6."
Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền thông báo đã hoàn thành việc cưỡng chế 112 căn nhà "xây trái phép" ở khu vực này hôm 8/1.
"Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó sẽ báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể," theo báo Thanh Niên.
Đến sáng 9/1, toàn bộ khu vực Vườn rau Lộc Hưng đã bị phá hủy hoàn toàn
'Ở nhờ trên chính đất của mình'
Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC hôm 14/1:
"Để nói chuyện hôm nay thì phải nhìn lại chuyện cũ. Theo tìm hiểu của tôi, đất Vườn rau Lộc Hưng có diện tích khoảng gần 5 hecta, nhưng sau này vườn rau bị thu hẹp và thành một khu dân cư với nhiều nhà mới, nhà xây dạng nhiều phòng trọ, được sang tay đổi chủ nhiều lần. Nhưng cũng còn những cư dân sinh sống cố cựu từ năm 1955 đến nay."
"Sau ngày 30/4/1975, người dân ở đây cũng nộp thuế trồng rau. Thuế được chia làm hai mùa, sáu tháng mùa nắng và sáu tháng mùa mưa. Trong đó sáu tháng nắng thì họ phải nộp thuế gấp đôi sáu tháng mưa."
Người dân Lộc Hưng không có đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính trong lúc nhà cửa của họ thì bị san phẳng, không còn có thể nhìn lại vị trí nhà của mình nằm ở đâu nữa chỉ sau vài ngày."
luật sư Phạm Công Út
"Người dân đã ba lần đăng ký kê khai việc sử dụng đất qua các thời kỳ, nhưng chỉ nhận được sự im lặng của cơ quan hữu quan. Vậy là họ trở thành người ở nhờ trên chính đất của họ vì không được cấp sổ đỏ, cũng như không được chuyển nhượng, thừa kế. Tất nhiên, họ cũng không được cấp phép xây dựng."
"Phía nhà nước thì cho là đất của mình, phía người dân thì cho là đất của họ, hai bên đã bất hợp tác như thế kéo dài hơn 40 năm nay."
"Ngày 4 và ngày 9/1/2019, lực lượng cưỡng chế của quận bất ngờ đến cưỡng chế tháo dỡ hơn 100 căn nhà xây cất không phép của người dân mà không bằng quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, không bằng các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính trong việc xây dựng và cũng không bằng "quyết định cưỡng chế", mà chỉ với "thông báo cưỡng chế" trong thời gian 90 ngày. Thông báo cưỡng chế lại chỉ do chủ tịch phường ký tên..."
"Tất cả những điều đó khiến người dân ở đây không có đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính trong lúc nhà cửa của họ thì bị san phẳng, không còn có thể nhìn lại vị trí nhà của mình nằm ở đâu nữa chỉ sau vài ngày."
"Đến khi dư luận phản ứng dữ dội, Ủy ban Nhân dân phường lại ra thông báo "hỗ trợ" cho người dân trực tiếp canh tác trồng rau 7.055.000 đồng/m2, nghĩa là những người sang nhượng đất và cất nhà sau này mặc nhiên bị loại khỏi danh sách "hỗ trợ".
"Thông báo về việc "hỗ trợ" ghi "người canh tác từ trước đến ngày 3/1/2019" nghĩa là đất canh tác đã biến thành đất nhà ở thì không được "hỗ trợ". Nghĩa là phần đất đó có thể xem như người dân bị mất trắng."
"Theo các văn tự mà người dân ở đây có được, nguồn gốc đất ở đây thuộc sở hữu của Hội Truyền giáo, sau này là của Toà Tổng giám mục."
"Năm 1955, người dân di cư từ miền Bắc vào đã được Toà tổng Giám mục cho họ thuê để trồng rau, có trả tiền thuê hàng năm. Sau tháng 4/1975, phía Giáo hội không đòi lại đất thuê và cũng không tranh chấp với người thuê."
"Như vậy, khu đất này thuộc quyền sử dụng đất của người dân ở đây một cách lâu dài, trước khi có luật Đất đai, và cũng không thuộc trường hợp nhà nước trưng thu, trưng mua. Mà có sự hiểu lầm là đất của đài Phát tín thuộc chế độ cũ nên mới xem đất đó thuộc quyền sử dụng của Nhà nước và tự đưa ra dự án xây nhà cho cán bộ nhân viên ngành bưu điện, sau đó là dự án nhà cao tầng giữa ngành bưu điện với công ty tư nhân, và nay là cụm trường học..."
"Và bây giờ, chính quyền ra thông báo mà không cần biết người sử dụng đất ở đây có chấp nhận "bồi thường" hay không, chưa nói đến việc chỉ là "hỗ trợ", Luật sư Phạm Công Út nói với BBC.
'Sẽ không chấp nhận'
Hôm 14/1, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người lui tới Vườn rau Lộc Hưng từ 5 năm qua, nói với BBC:
"Theo tôi, với thông báo "hỗ trợ", chính quyền vẫn cố tình làm ngơ và đánh lạc hướng đòi hỏi thực sự của bà con Lộc Hưng hơn 10 năm nay."
"Từ khi bà con bắt đầu phản đối và khiếu kiện quy hoạch có từ năm 2002. Yêu cầu duy nhất mà đến nay bà con vẫn nhất quán là "công nhận quyền sở hữu" của bà con ở khu đất này dựa theo giấy tờ gốc và luật Đất đai 1993. Những năm trước Nhà nước đã liên tục đưa người xuống ra giá đền bù, 8 năm trước là mức 3 triệu đồng/m2 nhưng bà con không đồng ý."
"Người dân khu vực này lập luận rằng Nhà nước phải công nhận tính hợp pháp của họ trước. Còn mức đền bù như thế nào thì bàn sau."
"Nhưng trong đợt này, chính quyền lấy lý do cưỡng chế xây trái phép, sau đó cưỡng ép người dân phải chấp nhận mức giá mà họ đưa ra. Dường như trong vụ này, Nhà nước vẫn cố tình đánh tráo vấn đề công nhận. Do vậy họ không dùng từ "đền bù" mà dùng từ "hỗ trợ".
"Theo như tôi hiểu, đa phần người dân ở đây sẽ không chấp nhận mức "hỗ trợ" như họ đã từng không chấp nhận mức đền bù 8 năm trước."
"Họ chỉ yêu cầu nhất quán một điều là Nhà nước phải làm đúng luật trước khi đưa ra những mức thỏa thuận. Đó là điều Nhà nước đang cố tình làm ngơ."
"Theo tôi, để xử lý vụ này, chính quyền hãy sòng phẳng và công khai đối thoại với người dân. Nếu chỉ biết dùng bạo quyền để cưỡng hành thì chỉ gieo thêm mầm móng cho sự rối loạn xã hội."
Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án 'mơ hồ'
'Quốc hữu hóa đất đai'
Trước đó, hôm 6/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM bình luận với BBC:
"Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước "xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý". Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền "quốc hữu hóa" đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ."
"Đối với người dân thì họ suy nghĩ rất đơn giản và rất chính đáng rằng đất của họ khai hoang, nhận chuyển nhượng từ người khác thì Nhà nước phải thừa nhận đó là tài sản của họ. Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước về đất đai chứ không được thực hiện với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai."
"Nghĩa là Nhà nước không có quyền thu hồi của người này để giao cho tổ chức, cá nhân khác. Bất kể đất thu hồi đó được sử dụng vào mục đích công cộng hay kinh doanh thương mại. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, nhà nước buộc phải trưng dụng, trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân."
"Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không."
Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật Việt Nam của Bộ Tư pháp hôm 13/1 đăng ý kiến bạn đọc: "Cưỡng chế vào dịp cận kề Tết là điều không nên chút nào. Một gia đình xây dựng nhà trên đất công, họ sinh sống ở đó khá lâu, cuộc sống cũng khốn khó, giờ cận kề Tết huy động lực lượng đến đập phá tan tành quả là điều không hay ho gì. Người thi hành công vụ họ cũng không muốn làm, còn gia đình bị cưỡng chế thì mất nơi an ấm để ăn Tết."
"Dù có thể là họ sai, nhưng khi cơ quan công quyền làm đúng thì người dân bị hụt hẫng đến nhường nào. Đó là khi ngày cận Tết họ mất đi mái nhà, mất đi nơi thờ cúng, mất đi sự đoàn viên."
Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong khu vực có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
"Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay," theo website của Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình hồi tháng 8/2018.
Người dân Lộc Hưng nói suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết dù đã hai lần có văn bản từ văn phòng thủ tướng chính phủ.
Ben Ngô
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét