Giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục hành động, họ ghét sự độc đoán? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục hành động, họ ghét sự độc đoán?


"Việt Nam là một trong 5 quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới, và có thể danh sách sẽ còn tiếp tục thu hẹp", một nhận định từ Jay Nordlinger, biên tập viên của Tạp chí quốc gia [*].

Hình minh họa
Một chia sẻ ngắn nhưng nhiều dữ liệu, bởi Jay Nordlinger là một trong số những nhà báo quốc tế từng tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Ông viết, "tôi nghĩ về Việt Nam, về chiến tranh, nhưng chưa nghĩ về vùng đất này sau năm 1975". Có lẽ, Jay Nordlinger cũng như nhiều người nước ngoài khác, chỉ biết Việt Nam là vùng đất chiến tranh, và nhiều người nhầm tưởng hiện giờ vẫn như vậy, mặc dù bản thân cuộc chiến đó đã khép lại gần ½ thế kỷ.

Jay Nordlinger hỏi Mai Khôi, một nữ ca sĩ bất đồng về cái gọi là vai trò của chiến tranh trong đời sống giới trẻ hiện giờ. Đáp lại, nữ ca sĩ này cho rằng, nó lờ mờ, nhưng hầu như - thế hệ của cô (U40) đều không nghĩ về chiến tranh. Và những gì có thể có ích (hoặc nghĩ một cách ích lợi nhất) là "sự thay đổi", Mai Khôi khẳng định với Jay Nordlinger: Chúng tôi không muốn sống dưới hệ thống này nữa.

Nhắc một chút về nữ ca sĩ này, cô là ca sĩ nhạc pop, một người yêu thích ông B. Obama và đảng Dân chủ Mỹ, cô có vẻ ảnh hưởng bởi khẩu hiệu tranh cử của vị cựu Tổng thống này - "Change we can believe in" (Chúng ta tin vào sự thay đổi), một khẩu hiệu lấy cảm hứng từ nhà đấu tranh nhân quyền người Mỹ Martin Luther King: Tôi xin hứa với các bạn - Tôi xin hứa - là tôi sẽ hành động.

Mai Khôi, bằng cách nào đó đã "mạo hiểm mọi thứ để chống lại chế độ độc tài tại đất nước này", theo Jay Nordlinger. Có lẽ, ông nhận thấy điều này qua âm điệu và lời lẽ những bài hát của Khôi.

Và ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào con đường đó.

Trở lại với câu chuyện của Jay Nordlinger, ông cho biết, tiếp xúc với nhiều nhà bất đồng chính kiến, thì họ đều ghét sự cứng nhắc của chế độ chuyên chế, nhưng điều họ ghét nhất là sự độc đoán. Và sự thay đổi của chế độ độc tài, theo ông là "khó lường".

Mai Khôi, chống lại sự kiểm duyệt, chống lại sự áp đặt và quản lý cứng nhắc.

Và nhiều người trẻ cũng trở nên nổi loạn vì điều đó (quản lý cứng nhắc và áp đặt).

Jay Nordlinger nhắc lại câu chuyện vào năm 2007, khi ông là một phần của một nhóm nhỏ các nhà báo được gặp gỡ với Tân thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Tấn Dũng. Và ông Thủ tướng này được nhận định bởi Jay Nordlinger như sau:

Dũng đã làm thủ tướng được 06 tháng, đã làm phó thủ tướng được khoảng 10 năm. Quan chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người giới thiệu ông nói rằng, Dũng là nhà lãnh đạo đầu tiên được sinh ra sau cuộc cách mạng tháng Tám (1945). Dũng liên tục mỉm cười - mỉm cười và mỉm cười. Một màn trình diễn tuyệt vời.

Ông nói với chúng tôi rằng Việt Nam đã đi từ một nền kinh tế theo kế hoạch sang cơ chế thị trường. Có 8.000 dự án đầu tư nước ngoài tại đất nước của mình. Và, Việt Nam hạnh phúc khi được tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tại một thời điểm, ông mô tả Việt Nam là một nhà nước log-cabin (nhà nước lắp ghép). Hiểu nôm na là một bang log-cabin, của người dân, bởi người dân, và vì người dân.

"Dũng mỉm cười - mỉm cười và mỉm cười. Tôi không biết làm thế nào ông ta có thể cười lâu như vậy, và rộng như vậy. Và sau khi anh ấy đã nói điều gì hoặc đưa ra quan điểm gì đó - ông ấy sẽ phát ra một tiếng thì thầm. Đó là một loại tiếng thì thầm khẳng định, nghe như tiếng mmh, mmh."

"Dũng nói về mối liên kết giữa các quốc gia trên thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau. Và sau khi nghe rất nhiều chủ nghĩa tự do cổ điển - ở Viện Doanh nghiệp Mỹ - tôi tự hỏi: Những yếu tố nào của Chủ nghĩa Cộng sản vẫn hấp dẫn giới cầm quyền Việt Nam? Và những gì đã xảy ra đối với tự do tôn giáo và báo chí?".

Jay Nordlinger đặt câu hỏi này đến ông Dũng, đáp lại, ông Dũng "cười", và có một "chút do dự". Ông Dũng nói rằng, "chúng tôi là một chính phủ xã hội chủ nghĩa, và chúng tôi tiếp tục theo đuổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội."

Cái mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà ông Dũng có phần do dự đó được mô tả qua khẩu hiệu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Dũng nói như vậy với Jay Nordlinger, và rằng, "ở Việt Nam, đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo đất nước, và chủ nghĩa xã hội là mục đích của chúng tôi. Đây là sự lựa chọn lịch sử của người dân Việt Nam. Chúng tôi đã chọn con đường này trên cơ sở tự nguyện."

Kết quả của cuộc nói chuyện, Jay Nordlinger cho biết, ông đã nói với Dũng rằng, "không còn nghi ngờ gì nữa, đối với Việt Nam, cũng như đối với nhiều quốc gia, đây là cả một thời gian thú vị và đầy hy vọng. Sự kìm kẹp và áp bức vẫn còn, nhưng nó lỏng lẻo hơn.".

Đó là những gì diễn ra trong nhiệm kỳ của Dũng, còn giờ đây, có vẻ Jay Nordlinger đã "vỡ mộng", khi ông thừa nhận rằng, trong hai năm qua, sự lỏng lẻo đã đã thắt chặt trở lại. Rất nhiều nhà phê bình chính phủ đã bị cầm tù, bao gồm cả các thành viên của Hội Anh em Dân chủ. Và ông "đặt tên cho một trong số tác phẩm của ông ngày hôm nay: Trương Minh Đức.

Jay Nordlinger nhận định sâu cay rằng: "Việt Nam là một trong năm quốc gia Cộng sản còn lại trên thế giới, và danh sách có thể tiếp tục thu hẹp."

Một bài viết ngắn, với những cung bậc rất riêng của Jay Nordlinger, nhưng chừng đó cũng đủ thấy rằng, sự "khó lường" trong diễn biến chính trị của Việt Nam, sự ổn định và thống nhất dường như không tồn tại bền vững. Đó có thể là "tư duy nhiệm kỳ", và sự trồi sụt về nhân quyền ở Việt Nam đã cho thấy điều đó. Cam kết nhân quyền hay không cam kết không còn quá quan trọng, áp lực quốc tế hay không quốc tế cũng không còn quá quan trọng. Bởi có lẽ, quan trọng nhất là giới trẻ không còn thích sự áp đặt của hệ thống hiện thời, họ vẫn đang hành động.

Một lớp nhà hoạt động nhân quyền chìm lẫn nổi vẫn gia tăng, số tù nhân lương tâm chính trị bị bắt giam ngày một trẻ hóa. Điều không thể ngờ được cách đó vài thập niên.

Việt Nam sẽ phải thay đổi, bởi người trẻ, một quy luật tất yếu, và sự kiềm kẹp cũng sẽ tạo nội lực cho sự chuyển đổi này diễn ra chậm hơn, nhưng nó vẫn cứ… diễn ra như một quy luật tất yếu.

Thật vậy!

Hoa Nghi

* Tạp chí quốc gia (NR) là một tạp chí của Mỹ (thành lập vào năm 1955) tập trung vào các tin tức và bình luận liên quan đến vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa. Kể từ khi thành lập, tạp chí đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa bảo thủ ở quốc gia này.

(VNTB) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages