Chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi: Đảng Dân chủ Mỹ kiếm phiếu bầu cho cả bản thân và ông Tập? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi: Đảng Dân chủ Mỹ kiếm phiếu bầu cho cả bản thân và ông Tập?


Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ -California) tổ chức cuộc họp báo hàng tuần của mình tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 19/05/2022 ở Washington, DC. (Ảnh của Kevin Dietsch / Getty Images)

Bắc Kinh đang đối diện với vô số hỗn loạn, khủng hoảng và thất bại kinh tế trong nội bộ ngay trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20. Họ cần một sự kiện kéo dư luận trong nước ra khỏi biên giới quốc gia. Bà Pelosi ‘tình cờ’ thành toàn cho ông Tập nhờ chuyến đi thăm Đài Loan tốn nhiều giấy mực vừa qua…

Hoa Kỳ nói chung và đảng Dân chủ nói riêng có rất nhiều cách để bảo vệ Đài Loan nếu họ muốn. Con đường đàng hoàng nhất nếu họ muốn là lưỡng hội Hoa Kỳ nên tuyên bố từ bỏ chính sách một Trung Quốc. Đây là đòn giáng mạnh nhất vào tham vọng của Bắc Kinh, sửa lỗ hổng của lịch sử và có cơ sở luật để bảo vệ Đài Loan. Nhưng họ vẫn chưa làm thế.

Kiếm phiếu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Việc rò rỉ thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đi thăm Đài Loan trước chuyến đi Châu Á đã kích thích các nhà ngoại giao sói chiến của Bắc Kinh. Quả nhiên, Bắc Kinh lớn tiếng đe doạ sẽ sử dụng vũ lực của quân đội nhắm vào phái đoàn Mỹ và Đài Loan nếu chuyến thăm diễn ra.

Với diễn biến chính trị như vậy, vì mặt mũi của nước Mỹ, chuyến đi này không thể không diễn ra trong bình yên dù các chính trị gia ở phe đối lập có thấy nó hữu ích hay không.

Ông Joe Biden lúc còn là Phó Tổng thống Hoa Kỳ (phải) và ông Tập Cận Bình (trái) nâng ly chúc mừng trong Tiệc trưa Nhà nước dành cho Trung Quốc do Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chủ trì vào ngày 25/09/2015 tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC. (Ảnh: PAUL J. RICHARDS / AFP qua Getty Images)

Với vai trò là cường quốc số một của thế giới, Hoa Kỳ sẽ không thể nào nhượng bộ trước sự uy hiếp của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi ông Hồ Tích Tiến đã đe dọa rằng Trung Quốc sẽ bắn hạ chuyên cơ chở bà Pelosi lúc đi qua eo biển Đài Loan. Vào thời điểm ấy, nếu Hoa Kỳ không bảo vệ nổi người phụ nữ có quyền lực thứ 3 của đất nước thì đây là một sự việc mất mặt lớn nhất. Trong luật pháp của Mỹ ghi nhận rằng, nếu tổng thống không thể hoàn thành được nhiệm kỳ của mình thì phó tổng thống sẽ là người kế nhiệm, sau đó là chủ tịch Hạ viện. Điều này chứng tỏ bà Pelosi là nhân vật thứ ba trong chính quyền Biden. Trong trường hợp bà Pelosi rút lui, không viếng thăm Đài Loan nữa, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ lùi bước trước Trung Quốc, làm tăng thêm sự hung hãn của Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của mình.

Có một sự thật rằng: eo biển Đài Loan rất quan trọng, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát Đài Loan, Bắc Kinh sẽ nắm quyền kiểm soát những gì ra vào Biển Đông, thiết lập một vòng vây đối với cung đường hàng hải trị giá hàng nghìn tỷ USD này. Việc ủng hộ chính sách một Trung Quốc và chính sách mơ hồ với Đài Loan của Mỹ trong nhiều thập kỷ đã ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền, một ngày nào đó, sáp nhập Đài Loan như cách đã làm với Hong Kong.

Nhưng những gì đã và đang xảy ra với nền dân chủ và an ninh Hong Kong dưới sự trị vì của ĐCSTQ khiến toàn dân Đài Loan phản kháng mạnh mẽ. Họ khó có thể dâng toàn bộ tài sản và tính mạng cho một thể chế chuyên chế, phi nhân tính như Bắc Kinh, họ không thể ngồi chờ kết cục bi thảm như những gì đang diễn ở Hong Kong.

Đài Loan, trong tư thế như vậy, cần bất kỳ thái độ hỗ trợ nào từ Mỹ và mọi quốc gia trên khắp toàn cầu. Đảng Dân chủ Mỹ không bỏ lỡ cơ hội này.

Trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, đảng Dân chủ đang trên đà mất điểm trầm trọng, thể hiện một chút gì đó ở Đài Loan trong khi không thay đổi chính sách một Trung Quốc hoặc chính sách mơ hồ với quốc đảo này có thể là điểm cộng duy nhất.

Chỉ sau 2 năm lèo lái nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã liên tiếp tạo khủng hoảng chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự ở Mỹ cũng như khắp toàn cầu. Ví dụ như thảm họa Afghanistanchính sách ngoại giao với Ảrập Xêút. Trong lòng nước Mỹ, lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, kinh tế rơi vào suy thoái, khủng hoảng giá xăng dầu, khủng hoảng năng lượng, bạo lực và ma tuý tràn lan,... tất cả đang biến Mỹ lao dốc về con đường của một quốc gia đang phát triển. Với các thất bại lớn như vậy, việc kiếm phiếu bầu từ chuyến đi của bà Pelosi sang Đài Loan là một suy luận hợp lý. Người Mỹ hiện coi Trung Quốc là mối nguy số một chứ không phải Nga, bất cứ chính sách nào cương quyết hơn với Trung Quốc đều nhận được tán thưởng từ cử tri.

Ngoài việc bắn hạ máy bay của Đài Loan hoặc tấn công vũ lực vào đảo này sau chuyến thăm của Mỹ, Trung Quốc có nhiều lựa chọn khác. Nhưng về cơ bản, lực bất tòng tâm.

Họ có thể trả đũa bằng cách phong tỏa Đài Loan về căn bản khiến hòn đảo phải khuất phục. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra dưới sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Lý do cho các cuộc tập trận về quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ là 48% lượng hàng hóa vận chuyển bằng container của thế giới đi qua Eo biển Đài Loan. Bằng cách phong tỏa Eo biển này, Trung Quốc sẽ làm tắc nghẽn các lô hàng trên toàn thế giới. Đây là điều mà cả Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đều sẽ 'không khoan nhượng'.

Ngoài hành động quân sự, Trung Quốc có thể áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc cấm xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn. Trên thực tế, việc chấm dứt xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ là một ân huệ cho những ai muốn Hoa Kỳ cắt giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc và tái phát triển hoạt động sản xuất của mình. Khoảng 20% ​​GDP của Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu với gần 17% kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việc ngừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gây thiệt hại trực tiếp khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc trong khi tác động gây ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế nước này sẽ còn lớn hơn.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ được xác định ở Washington chứ không phải Bắc Kinh. ĐCSTQ giờ đây không còn lựa chọn nào tốt hơn là đưa ra những lời lẽ phản đối mạnh mẽ và nhiều sự đe dọa 'vu vơ' hơn, biến họ từ một nước muốn trở thành cường quốc trên thế giới thành một chú chuột náo loạn om sòm.

Kiếm tiền và thêm lá phiếu ủng hộ từ các hãng vũ khí

Trong tình thế Trung Quốc luôn muốn uy hiếp và đưa ra các răn đe nhằm khiến Đài Loan sợ hãi và phải khuất phục những yêu cầu vô lý của ĐCSTQ với một quốc gia độc lập, Đài Loan luôn cần có một sự chuẩn bị về phương tiện chiến đấu quân sự và quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới nhằm đảm bảo được độc lập chủ quyền dân tộc. Việc ký kết hợp đồng thương mại vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan không chỉ giúp Đài Loan có khả năng phòng thủ mà còn giúp Mỹ kiếm thêm doanh thu từ buôn bán vũ khí. Các hãng vũ khí cũng luôn là các nhà tài trợ lớn cho các hoạt động tranh cử của đảng Dân Chủ.

Vào ngày 16/07 (CNA) Chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua đề xuất cung cấp cho Đài Loan 108 triệu USD các phương tiện chiến đấu quân sự và phụ tùng, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần như một phần của thỏa thuận, Lầu Năm Góc cho biết.

Gói vũ khí sẽ nâng cao khả năng của các lực lượng vũ trang Đài Loan trong việc "đối mặt với các mối đe dọa hiện tại và tương lai" bằng cách đóng góp vào việc bảo trì "phương tiện, vũ khí nhỏ, hệ thống vũ khí chiến đấu và các hạng mục hỗ trợ hậu cần", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc) cho biết trong một tuyên bố báo chí. Các hạng mục sẽ bao gồm các phụ tùng thay thế và phụ tùng chưa được phân loại cho xe tăng và phương tiện chiến đấu, trong khi Mỹ cũng sẽ cung cấp các hình thức hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần và các hình thức hỗ trợ có liên quan khác.

Theo DSCA, thỏa thuận ước tính trị giá 108 triệu USD này sẽ giúp Đài Loan "hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy", đồng thời tăng cường khả năng tương tác với Mỹ và các đối tác khác.

Hai binh sĩ hải quân Đài Loan giương cao quốc kỳ trên chiếc tàu cao tốc đặt mìn bản địa đầu tiên trong một buổi lễ chính thức tại xưởng đóng tàu ở Suao, thuộc huyện Yilan, Đài Loan vào ngày 15/12/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Đây không chỉ là minh chứng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của Đài Loan, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Trương Đôn Hàm (張 惇 涵) cho biết trong một tuyên bố báo chí, mà còn là một phương thức thể hiện khả năng phòng thủ, sự độc lập và chủ quyền của một quốc gia dù nhỏ bé với 23 triệu dân trước cường quốc Trung Quốc và thông báo cho các đối tác toàn cầu về khả năng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Như vậy, nhờ sự uy hiếp của Trung Quốc đối với Đài Loan mà nhu cầu “tự phòng vệ” của Đài Loan trở nên càng cấp bách hơn. Đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa về quân sự với tần suất cao của Trung Quốc, Đài Loan cần sự hỗ trợ từ phía quốc gia có phương tiện quân sự cùng nguồn cung cấp đầy đủ bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo sẵn sàng chiến đấu như Mỹ. Từ khi chính phủ ông Trump nhậm chức vào tháng 01/2017, vào tháng 06 cùng năm đã tuyên bố bán gói vũ khí quân sự đầu tiên cho Đài Loan, trong 3 năm rưỡi qua, chính phủ ông Trump đã phê duyệt tổng cộng 11 gói vũ khí quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu F-16V, máy bay không người lái...

Ngày 09/06/2022, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Âu Giang An đã phát biểu trong cuộc họp báo ngoại giao thường lệ, Bộ Ngoại giao bày tỏ hoan nghênh và cảm ơn chính phủ Mỹ đã liên tục dựa theo “Luật Quan hệ Đài Loan” và “6 điều đảm bảo”, thực hiện lời hứa an ninh với Đài Loan. Bà Âu Giang An nói, đây là lần thứ tư trong vòng 1 năm rưỡi sau khi ông Joe Biden lên nhậm chức tổng thống, và cũng là lần thứ 3 trong năm 2022, Mỹ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan, cho thấy rõ sự xem trọng cao độ của chính phủ Mỹ với nhu cầu quốc phòng của Đài Loan.

Điều này không chỉ giúp thắt chặt mối quan hệ về thương mại của Mỹ và Đài Loan mà còn khiến mối quan hệ ngoại giao của hai nước ngày càng bền vững hơn nữa, từ đây sẽ gắn kết cho hoạt động cung ứng chip của Đài Loan và Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới.

Đưa ngành sản xuất chip công nghệ cao của Đài Loan về Mỹ khi hỗn loạn gia tăng

Trên thực tế, Đài Loan là quê hương của nhiều nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là Tập đoàn TSMC. IC Insights, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết: “Hiện tại, không có cơ sở sản xuất vi mạch (hay vi mạch tích hợp) nào có thể ‘vượt mặt’ Đài Loan... Trung Quốc đang tồn tại một vấn đề lớn là nước này không có khả năng sản xuất các thiết bị vi mạch tiên tiến phục vụ hệ thống điện tử trong tương lai, và họ tin rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua việc chiếm lấy Đài Loan bằng bất cứ giá nào”. Khao khát sở hữu nền công nghiệp vi mạch dẫn đầu thế giới ở Đài Loan là một động lực to lớn thúc đẩy Bắc Kinh xâm lược quốc đảo này. Tuy nhiên, khao khát xâm chiếm lại trở thành nguồn cơn khiến Đài Loan càng ngày càng tránh xa với Trung Quốc hơn và luôn thể hiện chủ quyền của mình.

Thay vì trở thành đối tác với Trung Quốc và từ bỏ nền dân chủ của mình, Đài Loan chọn con đường đối đầu và mở rộng mối quan hệ ngoại giao với quốc gia có thể kiềm chế được Trung Quốc: Hoa Kỳ.

Qua đại dịch, chúng ta đã nhìn thấy tầm quan trọng của chip và sự phụ thuộc của các quốc gia lớn như Mỹ, Đức,.. vào chip vì nhu cầu sản xuất smartphone, tablet mà loại chip cao cấp do TSMC đang sản xuất. Trong lúc đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ từ tháng 5 năm 2020 với Huawei đã làm thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện tại, TSMC và đối thủ Hàn Quốc Samsung là hai công ty duy nhất có khả năng sản xuất con chíp 5 nanomet - loại tiên tiến nhất thế giới thời điểm này. TSMC đang chuẩn bị cho các chip 3 nanomet thế hệ mới và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2022 và việc phát triển này càng khiến TSMC thống trị thị trường chip trên toàn thế giới.

Logo của nhà máy sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung vào ngày 25/03/2021. (Ảnh của SAM YEH / AFP qua Getty Images)

Sự kết hợp giữa quốc gia có nền sản xuất chip hàng đầu và quốc gia có nền kinh tế phát triển, thị trường cung cầu mạnh mẽ sẽ là một bước tiến có lợi cho cả đôi bên, là một “mũi tên bắn trúng 2 đích”, làm sự thân thiết của hai quốc gia càng bền chặt hơn nữa.

Tuy sau cuộc viếng thăm của bà Pelosi, Đài Loan có nguy cơ rơi vào sự uy hiếp ngày càng táo bạo hơn nữa của Trung Quốc, nhưng bù lại, vì những cống hiến của bà trong sự nghiệp 20 năm “ủng hộ vững chắc cho sự tham gia quốc tế của Đài Loan”, những hợp đồng cung cấp chip có vẻ hướng về phía Hoa Kỳ nhiều hơn các nước khác trên thế giới. Bà Nancy Pelosi và Tổng thống Thái Anh Văn đã tổ chức một cuộc họp kín sau cuộc họp báo chung của họ. Sau đó, nữ nghị sĩ đến từ California đã tiết lộ trong một buổi truyền thông rằng hai người đã nói về khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại. Bà Pelosi cũng cho biết thêm, Đạo luật Khoa học và CHIPS hiện đang chờ Tổng thống Joe Biden ký sau khi Hạ viện thông qua đạo luật vào ngày 28/07 trước chuyến viếng thăm Đài Loan và các công ty công nghệ Đài Loan có thể hưởng lợi từ mối quan hệ của 2 quốc gia và đạo luật này.

“Đây là điều mở ra cánh cửa cho chúng tôi, một lần nữa, có những trao đổi kinh tế tốt đẹp hơn”, bà Pelosi nói, lưu ý rằng bà biết một số công ty Đài Loan đã có kế hoạch đầu tư vào sản xuất ở Hoa Kỳ. Bà cũng cho biết luật sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ song phương “gia tăng”.

Thông qua một chuyến đi của bà Pelosi, Mỹ đã khẳng định lại bản thân ở vị trí cường quốc số một của thế giới nhân tiện ở thời điểm trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, Đảng Dân chủ đi bước đi này để lấy lại sự tín nhiệm của người dân trước nguy cơ mất lưỡng viện vào tay Đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ cũng có thể kiếm thêm những lá phiếu bầu mới từ những công ty cung cấp vũ khí thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại về vũ khí với Đài Loan. Cùng đó là việc lấy lòng các công ty sản xuất cung ứng các thiết bị điện thoại, tablet, laptop nhờ mang lại hợp đồng chip điện tử cao cấp nhất đang khan hiếm kể từ đợt đại dịch vừa qua.

Bà Pelosi ‘tình cờ’ thành toàn cho ông Tập?

Chưa rõ hiệu quả của chuyến đi này với đảng Dân chủ có tốt như tính toán của họ hay không. Tuy nhiên với Đài Loan, căng thẳng gia tăng bởi sự hung hăng hơn của Trung Quốc. Hiển nhiên, Bắc Kinh cũng không muốn bị coi là con hổ giấy. Ngoài ra, Bắc Kinh đang cần lý do để kéo dư luận trong nước, đang chỉ trích các thất bại của ĐCSTQ, tập trung vào ‘thâu tóm’ Đài Loan.

Sự thật là, Bắc Kinh đang trong mớ bòng bong của các cuộc khủng hoảng kép: ngân hàng, tài chính và bất động sản, thất nghiệp tăng cao kỷ lục ở thanh niên, chính sách ‘zero Covid’ gây oán thán ngập trời, … Cuộc đấu đá nội bộ trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 cũng ngày một nóng. Một thống kê của chính Uỷ ban Thanh tra nhà nước của ĐCSTQ cho biết hơn 5 triệu cán bộ của ĐCSTQ đã bị ‘trừng trị’ (bao gồm cả tử hình, bỏ tù, kỷ luật..) trong 10 năm ông Tập Cận Bình tại vị. Cuộc chiến ngày một nóng, cơ hội bước vào nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập xuất hiện nhiều rủi ro vì các thất bại kinh tế xã hội này.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cũng giống như đảng Dân Chủ Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mất điểm trầm trọng. Cả hai đều cần tạo ra một sự kiện lấy điểm trước thềm bầu cử, một sự kiện khiến đối truyền thông mà họ sở hữu có cớ để phủ sóng các bài viết về sự kiện, các bài ca ngợi lòng dũng cảm chính trực của họ.

Và rất tình cờ, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vừa giúp mình, vừa giúp người theo cách như thế.

   Mời xem thêm »


© Minh Đăng
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages