Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu: Nguy cơ hay bình thường mới? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu: Nguy cơ hay bình thường mới?


Hình minh họa:

Có một số khoảnh khắc chính trị thật khó quên. Tôi vẫn nhớ rõ từng đứng ở quảng trường Place de l’Opéra ở Paris chứng kiến Jean-Marie Le Pen phát biểu tại một cuộc mít tinh trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002. Bên cạnh tôi là các thành viên của đảng Forza Nuova, một đảng cực hữu của Ý. Đó có vẻ là một thời điểm mới và nguy hiểm đối với nền dân chủ của châu Âu.

Gần 20 năm sau, các đảng cực hữu đã là một thành phần quen thuộc hơn trong bối cảnh chính trị châu Âu. Tại Pháp, Marine Le Pen, con gái của Jean-Marie, hiện lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National). Đảng này đã thất vọng vào cuối tuần này khi không giành được quyền kiểm soát bất kỳ vùng nào của Pháp sau các cuộc bầu cử. Nhưng đảng của Le Pen đã mạnh hơn đáng kể so với 20 năm trước. Marine sẽ đại diện đảng tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới và vẫn có cơ hội chiến thắng dù mong manh.



Hầu hết các nước EU hiện đều có một đảng cực hữu đáng kể. Tất nhiên, thuật ngữ “cực hữu” đang gây tranh cãi. Một số thích các cách gọi như “dân túy cánh hữu”. Nhưng các đảng chính ngồi cùng nhóm cực hữu trong Nghị viện châu Âu có những đặc điểm khá nhất quán, bao gồm sự thù địch gay gắt đối với người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo; luận điệu chống lại tầng lớp tinh hoa; ủng hộ các thuyết âm mưu; bảo thủ về văn hóa; theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và không thích EU. Họ cũng thường xuyên gợi lại chủ nghĩa phát xít của những năm 1930 – cho dù đó là chế độ Vichy ở Pháp, Mussolini ở Ý, Franco ở Tây Ban Nha hay Đức Quốc xã ở Đức và Áo.

Cái bóng của những năm 1930 vẫn bao trùm lên phái hữu châu Âu. Điều này giải thích cho sự phẫn nộ ở EU khi đảng Tự do của Áo lần đầu tiên tham gia một chính phủ liên minh vào năm 2000 và nỗi sợ hãi khi Le Pen cha vào tới vòng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002. Khi đó, sự lựa chọn có vẻ rõ ràng. Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu sẽ phải bị đè bẹp nếu không nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm.

Gần 20 năm sau, tình hình còn mơ hồ hơn nhiều. Phe cực hữu đã thiết lập được chỗ đứng trên khắp Châu Âu. Nhưng nó trông giống như một căn bệnh mãn tính hơn là một mối đe dọa chết người.

Chúng ta đã biết rằng các đảng cực hữu có thể tham gia vào các chính phủ mà nền dân chủ vẫn không bị sụp đổ như đã từng xảy ra vào năm 1933 khi Hitler thành lập một liên minh cầm quyền ở Berlin. Thay vào đó, các đảng cực hữu đã tham gia vào các liên minh cầm quyền ở Áo, Ý, Estonia và Phần Lan – rồi sau đó bị mất quyền lực. Thay vì sụp đổ, nền dân chủ đã thích ứng.

Đôi khi các đảng cực hữu thỏa hiệp về một số đòi hỏi cực đoan của họ và mất đi sự ủng hộ – đó là những gì đã xảy ra với đảng True Finns (Người Phần Lan chân chính). Hoặc họ vướng vào các vụ bê bối và mất đi sự ủng hộ của người dân cũng như quyền lực – như đã xảy ra với đảng Tự do ở Áo và đảng Ekre ở Estonia.

Nhưng quá trình thích ứng của nền dân chủ diễn ra theo cả hai cách. Nhiều đảng chính thống đã áp dụng các chính sách từng được phe cực hữu ủng hộ nhằm thu hút cử tri của họ. Liên minh cầm quyền ở Đan Mạch ngày càng có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề di cư, đe dọa đưa những người tị nạn trở lại Syria với lý do không thuyết phục rằng Syria hiện “an toàn”. Tại Pháp, một bộ trưởng nổi tiếng trong chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí còn cáo buộc Le Pen “mềm mỏng” đối với chủ nghĩa Hồi giáo.

Quốc gia tiếp theo nơi một đảng đôi khi được dán nhãn “cực hữu” có thể tham gia liên minh cầm quyền là Thụy Điển, nước có chính phủ vừa sụp đổ. Đảng Dân chủ Thụy Điển, một đảng từng bị coi là khó được chấp nhận vì có nguồn gốc từ chủ nghĩa tân Quốc xã, giờ sắp có cơ hội tham gia chia sẻ quyền lực. Đảng Dân chủ Thụy Điển đã mềm hóa các luận điệu và hình ảnh của họ. Nhưng bất kỳ chính phủ liên minh nào mà họ tham gia đều có thể đưa ra các lập trường về các vấn đề như nhập cư và Hồi giáo mà cách đây một thập niên có lẽ là không thể tưởng tượng được.

Những người theo chủ nghĩa tự do sẽ thấy quá trình này đáng buồn, thậm chí đáng báo động. Nhưng, theo nhiều cách, đó là cách thức hoạt động của nền dân chủ. Tình cảm, thái độ của người dân thay đổi, và các đảng chính trị phải thích ứng theo.



Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để hoàn toàn lạc quan về khả năng của nền dân chủ châu Âu trong việc thu nạp chính trị cực hữu. Có hai bài kiểm tra lớn có thể diễn ra trong tương lai. Thứ nhất, điều gì sẽ xảy ra khi một đảng cực hữu cầm quyền, không phải trong một chính phủ liên minh mà một mình? Thứ hai, điều gì sẽ xảy ra nếu một trong các cường quốc lớn của Liên minh Châu Âu nghiêng hẳn về cánh hữu? Điều này có thể xảy ra ở Ý nếu chính phủ tiếp theo dựa trên hai đảng cực hữu chính – đảng Anh em nước Ý và đảng Liên đoàn phương Bắc. Điều đó cũng có thể xảy ra ở Pháp, nếu Le Pen thắng cử tổng thống.

Các bằng chứng từ Hungary và Ba Lan cho thấy những gì mà phe cực hữu có thể làm khi không bị các đối tác liên minh kiềm chế là không mấy tươi sáng. Viktor Orban ở Hungary đã làm theo các sách lược cổ điển của các nhà độc tài trong việc vô hiệu hóa giới truyền thông và các tòa án để tự mình củng cố quyền lực. Khi Angela Merkel từ chức thủ tướng Đức vào cuối năm nay, Orban sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của EU – điều có thể phản ánh điều gì đó bên cạnh sức hấp dẫn nội tại của ông ta đối với các cử tri.

Khó khăn của EU trong việc chung sống với một nhà lãnh đạo cực hữu thể hiện ở mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa Orban và hầu hết các nhà lãnh đạo EU khác. Nhưng Hungary là một quốc gia nhỏ, vì vậy tác động của nó lên toàn thể EU có thể quản lý được. Nếu Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới thì cú sốc sẽ được cảm nhận trên khắp lục địa này. Có thể hình dung khả năng EU sẽ tan rã dưới tác động của nó. Ngoài ra, EU cũng có thể đi theo mô hình của các nền dân chủ tại các quốc gia thành viên và được quản lý bởi một liên minh không hề dễ chịu giữa các chính trị gia cực hữu và các chính trị gia dòng chính.

   Mời xem thêm »


© Phan Nguyên
    Nghiên Cứư Quốc Tế
Nguồn: Gideon Rachman, “Democracy in Europe adjusts to the far right”, Financial Times, 28/06/2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages