Ngày 20/6 vừa qua, 103 ngư dân bị giam giữ ở trại Tanjung Pinang, Indonesia đã được về Việt Nam. Tuy nhiên, một số người cho biết chi phí phải đóng để được làm thủ tục về nước không rõ ràng và nhiều lần bị đội giá lên cao. Hiện nhóm người này bị ban quản lý nơi cách ly tập trung yêu cầu đóng thêm khoảng sáu triệu đồng mỗi người. Những thuyền viên này cho hay đó là con số quá cao và họ không còn khả năng chi trả nữa.
Những người không có tiền để làm thủ tục về đợt này vẫn đang bị giam giữ mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia.
Lo được chi phí về nước là “trắng tay”
Ông H, là một người trong nhóm được về Việt Nam hiện đang cách ly ở doanh trại quân đội tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu được giấu tên, phản ánh với Đài Á châu Tự do rằng mọi người muốn về nước phải đóng gần 40 triệu đồng cho một người mô giới để làm thủ tục. Hầu hết ai cũng khó khăn, vét hết tiền của trong nhà mới đủ tiền đóng cho người này.Ông H nói ngư dân cứ nghĩ 40 triệu đã là toàn bộ chi phí. Nhưng khi về đến Việt Nam, họ lại bị yêu cầu tự chi trả thêm chi phí cách ly tập trung 14 ngày với giá gần sáu triệu đồng mỗi người. Đó là con số quá cao, vượt khả năng của họ lúc này:
“Người ta chỉ mới báo giá này. Bọn tôi cũng đang băn khoăn. Về tới Việt Nam là trắng tay, gia đình cũng đã quá đuối sức rồi, đó ngoài khả năng.
Bây giờ có người về không có cái nhà để ở. Nhà thì đã cầm cố. Do bọn tôi cũng đã đi mấy năm nên vợ con có người chờ được, có người cũng đã đi rồi.”
Theo lời ông H, trước khi về Việt Nam, một người làm việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có nhắn tin cho ngư dân nói rằng hãy để một người tên là Hoàng Xuân Triều đứng ra làm giấy tờ thủ tục cho mọi người được về nước, nhưng không nói rõ chức danh của ông Triều là gì, có phải nhân viên Sứ quán Việt Nam hay không.
Ngoài ra, nhân viên Sứ quán cũng căn dặn thêm là không nên đưa thông tin cho báo chí vì việc đó không giúp mọi người được về sớm hơn.
Khoảng cuối năm 2020, ông Triều từng báo giá để được làm thủ tục về Việt Nam 25 triệu đồng. Nhiều người đã đóng tiền nhưng chưa được về vào thời điểm đó do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Đến cuối tháng 5/2021, ông Triều lại thông báo có chuyến bay về, nhưng chi phí lúc này là 35 triệu đồng đối với những người có tên trong danh sách về của Sứ quán Việt Nam. Những ai không có tên trong danh sách lần này nếu muốn về phải đóng 40 triệu đồng “trọn gói”. Có 103 người đã đóng tiền và được về trong chuyến bay ngày 20/6.
Do ông Triều đã từng làm thủ tục về nước cho một số ngư dân về nước trước đây, do tin tưởng nhân viên Sứ quán, và cũng do lo sợ không được làm thủ tục về nước, nên mọi người chỉ chuyển tiền qua ngân hàng cho ông Triều mà không hề đòi hỏi bất kỳ giấy tờ cam kết hay các điều khoản liên quan:
“Bên Đại sứ quán có nhắn tin trả lời là mọi chi tiết về Việt Nam muốn biết rõ thì liên hệ với anh Triều. Đợt đó nhắn tin và gọi điện lại cho Đại sứ quán thì cũng không bắt máy, nhắn tin thì không trả lời. Họ chỉ tóm tắt rằng muốn gì thì liên hệ với anh Triều.”
Phóng viên RFA Liên hệ với ông Hoàng Xuân Triều, ông này trả lời rằng ông đã nói rõ từ đầu là chỉ làm thủ tục cho những ai đóng tiền về được đến Việt Nam, những việc còn lại ông không có trách nhiệm nữa:
“Cái đó chỉ là thỏa thuận với nhau chứ không có cam kết gì hết. Nói thẳng ra là người ta nhờ tôi chứ không phải là tôi yêu cầu người ta đóng tiền. Cho họ về tới đó là được rồi, còn sau này là chuyện của họ, tôi không có biết.
Ví dụ như tôi nhận tiền mà họ không về được thì tôi chịu trách nhiệm, còn về tới đó là cách ly thì họ phải tự chịu trách nhiệm.
Tôi là người hỗ trợ giấy tờ thủ tục để được về sớm với gia đình là mừng rồi, còn đừng bao giờ gọi cho tôi để hỏi về vấn đề đó, tôi đã nói từ ban đầu rồi!”
Không có tiền là chưa được về
Hiện tại, có khoảng hơn 60 ngư dân vẫn còn bị giam giữ tại trại Tanjung Pinang ở Indonesia do không có tiền đóng để làm thủ tục về. Anh T, một người trong nhóm ngư dân chưa được về nước nói với Đài Á châu Tự do về tình cảnh của những người bị kẹt lại:“Tại vì không có tiền đóng để về. Bây giờ tiền vé đến hơn ba mươi mấy triệu lận, toàn là những người có hoàn cảnh khó khăn không.
Nói chung bây giờ ở đây còn lại toàn những người không có tiền, từ đó giờ giờ gia đình không có ai gửi tiền qua luôn, cũng như em bị bắt đến giờ gia đình không có tiền để gởi qua.”
Trên trên web Cổng Thông tin điện tử về công tác Lãnh sự của Bộ Ngoại Giao Việt Nam có thông báo về “Quỹ Bảo hộ công dân”. Quỹ này được thành lập từ năm 2007, với mục đích “bảo hộ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; Hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho công dân, pháp nhân Việt Nam gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà họ không thể tự khắc phục được tại thời điểm đó”.
Một trong các hoạt động hỗ trợ cụ thể mà quỹ này đề cập đến là “Tạm ứng các chi phí chuyên chở, tiền ăn, ở đối với ngư dân chờ làm thủ tục về nước”. Ông T nói không ai biết gì về quỹ bảo hộ này, nhân viên Sứ quán cũng không liên lạc được:
“Đại sứ quán không có đề cập đến chuyện đó. Họ nói là ai có điều kiện thì về trước, còn không có điều kiện thì từ từ giải quyết. Nhưng bây giờ ở đây đã hai năm rồi, có người đã ở gần ba năm.
Bây giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ sao cho được trở về để đoàn tụ gia đình, đi làm ăn thôi.”
Phóng viên Đài Á châu Tự do nhiều lần gọi điện đến số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để xác minh những phản ánh của ngư dân, nhưng không có ai nghe máy, dù đang trong giờ hành chính.
Đại sứ quán không có đề cập đến chuyện đó. Họ nói là ai có điều kiện thì về trước, còn không có điều kiện thì từ từ giải quyết. Nhưng bây giờ ở đây đã hai năm rồi, có người đã ở gần ba năm - Ngư dân
Hồi cuối tháng 5/2021, giới chức Indonesia trả lời phỏng vấn của ban BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự do rằng hiện có hơn 500 ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ rải rác trong các trung tâm giam giữ gần các cảng trên khắp Indonesia. Những người này bị bắt giữ với lý do xâm phạm vùng biển của Indonesia.
Theo luật pháp Indonesia, chỉ có những tài công (người lái tàu) mới bị xét xử, bị tù và trục xuất sau, còn các thuyền viên như ông không phải ra tòa mà chỉ chờ ngày về.
Phát ngôn nhân của Tổng cục Di trú Indonesia, ông Ahmad Nursaleh khẳng định, Việt Nam có trách nhiệm phải hồi hương các ngư dân của mình: “Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú đã liên lạc với phía Việt Nam mỗi khi có thêm người Việt Nam bị bắt giữ. Số lượng của họ tiếp tục tăng mà không rõ khi nào họ sẽ được nhận trở về.” Nhưng trong gần một năm, chính quyền Hà Nội không đưa ngư dân hồi hương.
Báo chí Nhà nước đưa tin vào tháng 12/2020 cho biết, Đại sứ quán Việt Nam đã nhiều tiến hành thăm hỏi và bảo hộ công dân đối với các ngư dân đang bị tạm giữ, thúc đẩy tổ chức các chuyến bay hồi hương sớm.
© Cao Nguyên
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét