Tài Ngoại Giao của Joe Biden Đã Lộ Rõ Trong Thực Tế - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Tài Ngoại Giao của Joe Biden Đã Lộ Rõ Trong Thực Tế



Sau 6 tháng nhậm chức TT Joe Biden đã không thực hiện được những lời đã hứa, tình hình kinh tế, xã hội Hoa Kỳ vẫn chưa được sáng sủa. Báo cáo Tháng Năm của Bộ Lao Động cho thấy giá sinh hoạt của Hoa Kỳ đã tăng 5% so với năm trước, đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ năm 2008. Vấn đề di dân vẫn tồi tệ, hàng ngàn người vẫn tiếp tục tràn qua biên giới, xâm nhập vào nội địa Hoa Kỳ mỗi ngày mà không bị bắt giữ. Kamala Harris được giao trách nhiệm giải quyết vấn đề di dân này, nhưng đã không làm gì, mãi tới đầu tháng Sáu, bà ta mới đi thăm Guatemala và Mexico. Chuyến đi của Kamala Harris bị chỉ trích nặng nề, ngay cả những nhà làm chính sách cho đảng Dân Chủ hoặc truyền thông thiên tả như CNN cũng phải thừa nhận rằng “chuyến công du của Kamala Harris đã thất bại.”

Thời gian gần đây, nhóm tin tặc đã tấn công mạng điều hành của công ty Colonial Pipeline và JBS gây ra tình trạng thiếu xăng dầu, thịt heo, thịt bò. Cả hai công ty này đã phải trả hàng triệu dollars cho bọn tin tặc để được tiếp tục hoạt động. Theo báo cáo sơ khởi của FBI, nhóm tin tặc có cơ sở hoạt động tại Nga.



Trong tuần lễ từ ngày 11/6 tới 16/6, Joe Biden đã có ba cuộc họp quan trọng đáng quan tâm trong chuyến công du Âu Châu với tư cách là Tổng Thống. Thứ nhất là hội nghị G-7 tại Cornwall, Anh Quốc, tiếp theo là hội nghị NATO tại Brussels, thủ đô của Bỉ và ngày hôm nay là cuộc họp thượng đỉnh với Putin tại Geneva.

Những cam kết của Joe Biden tại Hội Nghị G-7

G-7 là một tổ chức quốc tế gồm 7 quốc gia có nền kinh tế vững mạnh nhất trên thế giới là Anh, Pháp, Ý, Canada, Đức, Nhật và Hoa Kỳ. Một điểm đáng lưu ý là Trung Cộng (TC) có nền kinh tế lớn thứ hai sau Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa được gia nhập vào tổ chức này. Hội Nghị G-7 năm nay được tổ chức từ ngày 11/6 tới ngày 13/6. Ngoài 7 lãnh đạo của các quốc gia trong nhóm G-7 còn có sự tham gia của 4 khách mời là lãnh đạo của Ấn Độ, Nam Phi, Australia và Đại Hàn.

Breitbart News, Reuters, BBC News cũng như một số cơ quan truyền thông đã đưa nhiều thông tin về Hội Nghị G-7, bao gồm những vấn đề: Trung Cộng, Covid và Khí Hậu. Những điểm chính được ghi nhận như sau:

Các nhà lãnh đạo G-7 đưa kế hoạch Tái Kiến Thiết Một Thế Giới Tốt Hơn (Build Back Better World) giúp xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, . . . cho những quốc gia kém mở mang với dự định ngân quỹ khoảng 40 nghìn tỷ dollars cho tới năm 2035. Giới báo chí cho rằng kế hoạch này nhằm cạnh tranh với Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường của TC, một quốc gia đã trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự trong 40 năm qua.

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-7 đã kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid 19. G-7 đã chỉ trích Trung Cộng về vấn đề vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc thiểu số ở Tân Cương. G-7 tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả các hình thức cưỡng bức lao động cho việc sản xuất “cung ứng cho toàn cầu.”

Nhằm đối phó với đại dịch, G-7 hứa sẽ cung cấp 1 tỷ liều thuốc chủng ngừa Covid 19 cho 92 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong số 1 tỷ liều thuốc chủng này, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 580 triệu liều thuốc, Joe Biden tuyên bố “Hãy để tôi nói rõ, cũng như 80 triệu liều thuốc mà chúng tôi đã công bố trước đây, Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm nửa tỷ liều thuốc nữa mà không có một ràng buộc nào.” Theo ước tính của Tòa Bạch Ốc, mỗi liều thuốc chủng ngừa của Pfizer là 7 dollars, 500 triệu liều thuốc sẽ tốn khoảng 3 tỷ 500 triệu dollars.

Hội nghị thượng đỉnh G7: Những điểm chính từ cuộc tụ họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại Vịnh Carbis

G-7 cam kết loại bỏ các nhà máy nhiệt điện, đẩy mạnh đầu tư vào “Cách Mạng Xanh” và giúp 54 quốc gia kém phát triển tại Phi Châu. Lãnh đạo các quốc gia G-7 sẽ tăng cường Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lên tới 100 tỷ dollars. Quan tâm của G7 về “Cách Mạng Xanh” là đẩy mạnh việc tôn trọng những thỏa thuận của Paris Climate Agreement (Thỏa Thuận Biến Đổi Khí Hậu.) Trung Cộng và Ấn Độ là hai quốc gia đã gây ra nạn ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới nhưng đã không thực hiện những lời hứa trong thỏa thuận mà lại được hưởng lợi hàng trăm triệu dollars mỗi năm từ ngân quỹ quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu.

G-7 đã có cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc. Joe Biden phải dùng mấy tấm thẻ ghi sẵn những câu trả lời cho báo chí và những điểm quan trọng, phần lớn là chỉ trích TT Trump. Joe Biden chỉ trả lời vài câu hỏi cho phóng viên Bloomberg, Reuters, Wall Streeet Journal và NBC. Khi phóng viên hỏi thêm, Joe Biden nói “Xin lỗi, tôi phải ngừng tại đây, tôi sẽ bị rắc rối với nhân viên nếu tôi không làm đúng như vậy.” Thật là tệ hại, Joe Biden đã hành xử như một cậu học trò, sợ bị phạt nên phải làm đúng như đã được hướng dẫn. Ông ta còn lầm lẫn Libya và Syria, đã nói sai tới 3 lần. Rõ ràng Joe Biden đã quên, không nhớ rằng Libya ở Bắc Phi còn Syria là một quốc gia ở Trung Đông.



Nhiều kinh tế gia và một số nhà vận động xã hội đã phê bình: “Hội nghị G-7 năm nay cũng như nhiều hội nghị G-7 trước đây, chỉ là những cuộc nói chuyện, không có hành động cụ thể.” (theo CNBC)

Joe Biden hứa tiếp tục yểm trợ khối NATO

Hội nghị NATO đã tổ chức vào ngày Thứ Hai 14/6. Cần lưu ý rằng sau chiến tranh, nhiều quốc gia Âu Châu đã bị tàn phá, để có điều kiện tái kiến thiết xứ sở và sản xuất lương thực, Hoa Kỳ đã đứng ra yểm trợ cho những quốc gia này. Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949 với 12 thành viên là Anh, Băng Đảo (Iceland), Bỉ, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo, Na Uy, Pháp và Ý. Mục đích của khối NATO là chống lại nguy cơ bành trướng của cộng sản Liên Xô sau chiến tranh, bảo đảm an ninh cho khu vực Bắc Đại Tây Dương. Các thành viên đồng ý rằng cuộc tấn công vũ trang chống lại một quốc gia thành viên thì sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại khối NATO và họ có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau. Khi khối cộng sản Đông Âu tan rã vào thập niên 90, nhiều quốc gia trong khối cộng sản này đã gia nhập khối NATO để được bảo vệ, nâng số thành viên khối NATO từ 12 quốc gia lên tới 30 quốc gia như hiện nay.

Binh sĩ NATO tại Kabul, Afghanistan. Ảnh chụp năm 2014. AFP PHOTO/Staff Sgt. Perry Aston/US Air Force

Trong bản thông báo chung, khối NATO đã khẳng định: “NATO là một Liên Minh phòng thủ, sẽ tiếp tục nỗ lực vì hòa bình, an ninh và ổn định trong toàn khu vực Âu Châu. NATO phải đối mặt với các mối đe dọa, cạnh tranh có hệ thống từ các cường quốc quyết đoán và độc tài. Các hành động gây hấn của Nga, của Trung Cộng, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid là những đe dọa chúng ta phải đối mặt và phải giải quyết.” Tuy nhiên Tổng Thư Ký khối NATO Jens Stoltenberg nói: “NATO sẽ không bước vào một thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, và Trung Cộng không phải là đối thủ, cũng không phải là kẻ thù của NATO.”

Về ngân sách quốc phòng, năm 2020 đã có 10 quốc gia đạt được mục tiêu 2% GDP hoặc nhiều hơn, bao gồm Pháp và Na-Uy. Hoa Kỳ đã xử dụng 3.7% GDP cho ngân sách quốc phòng, trong khi các quốc gia khác, kể cả Đức, Ý, Tây Ban Nha đã xử dụng mức trung bình 1.77% GDP. Đức là một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh nhất Âu Châu nhưng năm 2019 Thủ Tướng Đức Angela Merkel tuyên bố là “nước Đức không thể chi tới 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, phải chờ tới năm 2031 mới có thể làm được.” Bà Thủ Tướng này rất mưu mô, muốn lợi dụng Hoa Kỳ giữ an ninh cho Âu Châu trong khi bà ta vẫn duy trì liên hệ giao thương với Nga và Trung Cộng.

Joe Biden hứa sẽ tăng thêm binh sĩ, hỗ trợ an ninh cho Âu Châu, và sẵn sàng chi ra nhiều tỷ dollars cho G-7 cũng như NATO.

Cuộc họp thượng đỉnh với Putin

Sau khi tham dự hội nghị G-7 và NATO, Joe Biden đã có cuộc họp với Vladimir Putin sáng, ngày 16/6. Cuộc họp dự định kéo dài khoảng 4 hoặc 5 tiếng nhưng chỉ kéo dài khoảng hai tiếng, những vấn đề được đem ra thảo luận là: Iran, Bắc Hàn, Syria, kiểm soát vũ khí, Covid 19, biến đổi khí hậu, tấn công an ninh mạng. Khi Joe Biden hỏi “Liệu chúng ta có thể đưa ra một thỏa thuận về an ninh mạng để đem lại an toàn trật tự hay không?” Putin đã phủ nhận không có bất kỳ một liên quan nào đến những cuộc tấn công mạng. Cuộc họp được kết thúc mà Joe Biden đã không có một lời phản đối mạnh mẽ gì đối với Putin về các cuộc tấn công an ninh mạng hoặc sự xâm lược của Nga tại Ukraine.

Một số truyền thông thiên tả và CNN cho rằng Joe Biden đã có một cuộc họp “thân thiện” với Putin. Trước đây Joe Biden chê “Trump không sẵn sàng đối đầu với Putin” nhưng trong cuộc họp thượng đỉnh này, Putin là người chiến thắng, còn Joe Biden chẳng đạt được gì. Nhà báo Joel Pollak của Breitbart News nhận định “Joe Biden đã trao cho Putin gần như mọi thứ mà Putin muốn, ông ta đã đặt Putin lên địa vị cao hơn tất cả các nhà lãnh đạo khác, kể cả đồng minh của Hoa Kỳ. Cuộc họp thượng đỉnh này rõ ràng là một thảm họa khi Putin một mình xuất hiện trong cuộc họp báo với một diễn đàn dành cho riêng mình.”



Khi có một phóng viên hỏi về vấn đề nhân quyền tại Nga, Putin liền đưa phong trào Black Lives Matter làm bằng chứng là Hoa Kỳ đã vi phạm nhân quyền. Ông ta nói “Gần đây Hoa Kỳ phải đối mặt với những sự kiện khủng khiếp là người da đen bị sát hại. Tôi không muốn đưa ra một lời phê bình nào, chúng tôi thông cảm với người Mỹ, nhưng chúng tôi không muốn điều này xảy ra trên lãnh thổ của chúng tôi, và chúng tôi luôn cố gắng hết sức để ngăn chặn.”

Cuộc họp thượng đỉnh của Joe Biden với Putin rất nhàm chán, nhiều nhà báo cho rằng ông ta đang cố gắng làm hài lòng Putin. Trong cuộc họp báo riêng, Joe Biden đã thú nhận một sự thật rất phũ phàng, ông ta nói “Tôi sẽ trả lời các câu hỏi, và như thường lệ, tôi sẽ gọi những người có tên trong danh sách mà tôi đã được cung cấp.”

Đảng Dân chủ và nhóm truyền thông thiên tả luôn đánh giá cao về tài năng của Joe Biden và Kamala Harris, nhưng trên thực tế họ đã tỏ ra quá yếu kém, không có khả năng thực hiện tối thiểu những điều đã cam kết với quốc dân. Quả thực, đây là điều đáng lo ngại cho tương lai của đất nước Hoa Kỳ.

   Mời xem thêm »


© Nguyễn Kim
    Thế Giới Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages