NATO: Âu Mỹ đồng sàng dị mộng - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

NATO: Âu Mỹ đồng sàng dị mộng


Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg nhân thượng đỉnh NATO trong ngày 14/06/2021. © Reuters

Hội nghị thượng đỉnh NATO được mở ra hôm nay 14/06/2021 tại Bruxelles dưới dấu ấn của sự hòa thuận trở lại giữa Mỹ-châu Âu. Cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều khẳng định quyết tâm hàn gắn mối quan hệ sau bốn năm dưới chính quyền Trump. Tuy nhiên, trong toàn cục hữu hảo đó, giới quan sát ghi nhận giữa châu Âu và Hoa Kỳ, mọi sự không hoàn toàn suôn sẻ, cả trên những vấn đề nội bộ lẫn những ưu tiên chiến lược.

Về nội tình Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, hồ sơ đóng góp tài chánh của các thành viên chẳng hạn, dù không còn được dùng làm vũ khí công kích như dưới thời Donald Trump, nhưng vẫn là một vấn đề. Tương tự như người tiền nhiệm, tổng thống Joe Biden cũng muốn các đồng minh đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc phòng, ít ra là theo đúng cam kết.



Vào năm 2014, các thành viên NATO đã cam kết dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quân sự. Từ đó đến nay, đã có khoảng 260 tỷ đô la đã được bổ sung vào ngân sách, một bước tiến đáng kể. Tuy vậy, chỉ có vài nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hy Lạp, Estonia, Ba Lan… là đã thực hiện cam kết này, trong lúc nhiều quốc gia vẫn chưa tôn trọng lời hứa về chi tiêu quân sự.

Đáng chú ý hơn cả là ưu tiên về chiến lược khác nhau giữa Mỹ và các thành viên châu Âu, mà nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề Trung Quốc, kế đến là đối sách nhắm vào Nga.

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 13/06, nhân thượng đỉnh NATO ở Luân Đôn vào tháng 12 năm 2019, tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump đã cố gắng đạt được một vài dòng về Trung Quốc từ các đồng minh trong tuyên bố đúc kết hội nghị, lần đầu tiên nói đến các “cơ hội và thách thức” mà Bắc Kinh đặt ra.

Lần này, ông Joe Biden có ý định tiến xa hơn và không ngần ngại gây sức ép với các đồng minh trong khối. Trả lời báo Le Figaro, bà Alexandra de Hoop Scheffer thuộc Quỹ Nghiên Cứu Marshall tại Đức đánh giá châu Âu đã lơ là quyết tâm của Mỹ và chỉ mới nhận thức rõ điều này trong vài ngày qua khi cần phải hoàn thiện văn bản sẽ công bố sau cuộc họp của NATO. Cho đến chiều hôm qua, tức là 24 tiếng đồng hồ trước khi hội nghị kết thúc, văn kiện vẫn chưa được thống nhất.

Phải nói là mối quan ngại mà Bắc Kinh làm dấy lên tại phương Tây không thiếu. Trong một bài phỏng vấn mới đây dành cho tờ báo Đức Die Welt, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nêu bật : “Nga và Trung Quốc gần đây đang hợp tác ngày càng nhiều hơn, cả về chính trị lẫn quân sự. Đây là một nhân tố mới và là một thách thức nghiêm trọng đối với NATO”.

Jens Stoltenberg đã liệt kê từ những cuộc tập trận chung, những chuyến bay đường trường của các loại máy bay chiến đấu, các chiến dịch trên biển, cho đến những trao đổi kinh nghiệm “trong lĩnh vực sử dụng các hệ thống quân sự và kiểm soát trên Internet”.

Đối với một số nhà quan sát, quan ngại của Mỹ không hẳn là của các đồng minh châu Âu. Theo ông Ian Bond, giám đốc bộ phận chính sách đối ngoại tại trung tâm tham vấn châu Âu – Center for European Reform, vào lúc có đồng thuận rộng rãi trong chính giới Mỹ theo đó sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đe dọa Hoa Kỳ, thì về mặt nguyên tắc, châu Âu không phản đối việc Trung Quốc trở thành siêu cường, miễn là nước này vẫn tôn trọng các chuẩn mực quốc tế.



Mối quan tâm số một của châu Âu vẫn là Nga, nước vẫn gia tăng các hành động khiêu khích, từ việc bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny, triển khai quân đội ở biên giới Ukraina cho đến việc hỗ trợ lãnh đạo Belarus. Trong bối cảnh căng thẳng này, các nước Đông và Trung Âu chẳng hạn, rõ ràng là thích NATO dồn sức bảo vệ họ chống lại Nga hơn.

Hôm 10/06/2021, trước khi qua Anh dự thượng đỉnh G7, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ ý dè dặt trước khả năng NATO đưa Trung Quốc lên hàng ưu tiên: “Về địa lý, Trung Quốc không thuộc vùng Đại Tây Dương, trừ phi là bản đồ của tôi có vấn đề. Vì vậy tôi cho rằng Trung Quốc không phải là trọng tâm của vấn đề”. Nguyên thủ Pháp nhắc lại : “NATO được xây dựng để đối đầu với khối Hiệp Ước Vacxava và đã được cấu trúc về mặt ý thức hệ trong cuộc đối đầu đó”.

   Mời xem thêm »


© Trọng Nghĩa
    RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages