Cửa sông Hậu nhân tạo Kênh Tắt:Đặc thù, Tương tác, Bồi lắng - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Cửa sông Hậu nhân tạo Kênh Tắt:Đặc thù, Tương tác, Bồi lắng


Hình 1a là ảnh vệ tinh bờ biển huyện Duyên Hải, với tình hình bồi lở trong 31 năm (1989 - 2020). Trong Hình có luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt. Vòng tròn là đầu trổ ra Biển Đông cửa kênh Tắt, nằm trong khu vực kè gồm có kè Bắc được xây dựng ban đầu để bảo vệ cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, và kè Nam để bảo vệ thêm về sau cửa ra cửa kênh Tắt (Hình 1b).


Tóm tắt


Cửa Kênh Tắt là một thành phần của Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án này là một câu chuyện dài, khởi đầu năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở. Bài viết này nhận định về những đặc thù của cửa sông Hậu nhân tạo trổ ra Biển Dông, khảo sát sự tương tác của nó với dòng chảy ven bờ huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và sự bồi lắng ở cửa sông nhân tạo này. Bài viết minh chứng quyết định đầu tư vào Dự án Luồng vào sông Hậu là một sai lầm.


1. Về nguồn gốc cửa kênh Tắt và cửa nhân tạo Kênh Tắt


Mặc dù có nhiều ý kiến phản biện của nhiều nhà khoa học am tường và sự dè dặt của các Bộ ngành có liên quan về tính khả thi, tính bền vững và tác động tiêu cực đến môi trường và sinh kế của người dân, Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu vẫn được phê duyệt chủ trương đầu tư và sau đó Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư. Chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Tổng dự toán trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi là 3148,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư được duyệt là 10319,2 tỷ đồng, cao hơn 3,28 lần.



Được theo dõi Dự án ngay từ đầu, tác giả đã nhiều lần góp ý với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải bằng văn bản, đồng gửi đến Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những ý kiến này đã được ghi lại trong hai bài viết Luồng hàng hải vào sông Hậu và cảng biển Trà Vinh. Trao đổi và kiến nghị (2013) [2] và Luồng kênh Quan Chánh Bố, bài học và kiến nghị (2019) [3].


Hai lý do chủ lực mà Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra là với Dự án, (1) tàu có trọng tải đến 20.000 tấn sẽ vào đến cảng biển Cần Thơ; (2) sẽ không phải chi cho nạo vét luồng vì bồi lắng không đáng kể, hai điểm yếu cơ bản của luồng Định An.


Luồng hiên nay gồm có (1) một đoạn luồng sông Hậu trước khi đến Kênh Quan Chánh Bố tại cửa Đại An dài 16,2 km; (2) 20 km luồng theo Kênh Quan Chánh Bố kể từ đây: (3) 8,7 km Kênh Tắt đào mới; (4) cửa Kênh Tắt trổ ra Biển Đông và một luồng biển đào tiếp ra đến phao số 0 dài 7,7 km [4].


Kênh Tắt được đào mới hoàn toàn, cắt đôi huyện Duyên Hải, cắt đứt QL 53 và ĐT 931, thông ra Biển Đông ở một vị trí mà Cục Hàng Hải Viêt Nam được các công ty tư vấn cho là ít bồi lắng nhất dọc theo bờ biển của huyện Duyên Hải, từ xã Trường Long Hòa đến xã Đông Hải. Nơi trổ ra là xóm Mù U, thuộc xã Dân Thành.


Đáy Kênh Tắt rộng 85 mét. Bề rộng mặt kênh hiện nay rộng hơn tính toán ban đầu do mái bị sạt lở vì nền đất yếu. Đáy của luồng biển mở rộng dần từ 85 ra 150 mét.


Hình 1a là ảnh vệ tinh bờ biển huyện Duyên Hải, với tình hình bồi lở trong 31 năm (1989 - 2020). Trong Hình có luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt. Vòng tròn là đầu trổ ra Biển Đông cửa kênh Tắt, nằm trong khu vực kè gồm có kè Bắc được xây dựng ban đầu để bảo vệ cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, và kè Nam để bảo vệ thêm về sau cửa ra cửa kênh Tắt (Hình 1b).


Hình 1a là ảnh vệ tinh bờ biển huyện Duyên Hải, với tình hình bồi lở trong 31 năm (1989 - 2020). Trong Hình có luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt. Vòng tròn là đầu trổ ra Biển Đông cửa kênh Tắt, nằm trong khu vực kè gồm có kè Bắc được xây dựng ban đầu để bảo vệ cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, và kè Nam để bảo vệ thêm về sau cửa ra cửa kênh Tắt (Hình 1b).


2. Quá trình hình thành, đặc thù của cửa biển nhân tạo Kênh Tắt


Việc hình thành cửa Kênh Tắt, các đê/kè bảo vệ và luồng biển đã trải qua nhiều phương án, từ “đê chắn cát” đến “đê chắn sóng” rồi “kè chắn sóng”; được xây dựng biệt lập rồi “cộng sinh”, như thể hiện qua các Hình 2a, b, c.



Chắp vá, bị động, chưa đủ độ chín trong nghiên cứu là điều cảm nhận được khi theo dõi các phương án. Tác giả đã tìm hiểu về cả hai phía, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Cục Hàng hải Việt Nam, và hiểu rằng không có đánh giá tác động môi trường của từng phương án và sau mỗi lần thay đổi. Mặc dù vậy báo cáo ĐTM của Dự án vẫn được Bộ GTVT phê duyệt và sau đó Bộ này phê duyệt đầu tư Dự án.


+ Hoàn toàn nhân tạo là đặc thù thứ nhất của cửa Kênh Tắt.


Nhiều nhà khoa học chuyên sâu về khoa học vùng cửa sông thống nhất cho rằng cửa Kênh Tắt sẽ là một cửa Định An mới, và sẽ có những dải chắn ngang luồng. Trong khi đó chủ đầu tư vẫn cho rằng luồng không cần nạo vét vì bồi lắng không đáng kể.


+ Giải pháp “cộng sinh” với Cảng Than Duyên Hải là đặc thù thứ hai.


Quá trình sông và quá trình biển không trực tiếp giao thoa với nhau tại cửa và qua cửa lan truyền trong luồng. Quá trình này đi qua một vùng đệm là khu vực kè.



Bên phải của luồng biển được Kè Nam che chắn. Bên trái luồng để mở ra một không gian trong đó có luồng tàu và vùng xoay trở cho tàu chuyên chở than có trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn được nạo vét sâu -9,5 mét. Hình 1b hay Hình 2c.


Cho tới nay chưa thấy hai chủ đầu tư, Cảng Than và Dự án Luồng, nghiên cứu dòng chảy của luồng sông Hậu và dòng chảy của luồng phục vụ cảng than. Bài toán dòng chảy trong khu vực kè phức tạp nhưng cần được giải để làm rõ cơ chế bồi lắng bùn cát dưới sự chi phối của triều Biển Đông và của dòng chảy của sông Hậu; giống và khác nhau với cơ chế bồi lắng tại các cửa sông Hậu tự nhiên, và trách nhiệm của mỗi bên trong nạo vét. Khẳng định rằng “không phải nạo vét luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt” qua đó cũng sẽ rõ đúng sai.


+ Đặc thù thứ ba là cửa Kênh Tắt trổ ra Biển Đông tại một địa bàn mà địa mạo không ổn định.


Tư vấn lựa chọn Xóm Mù U là nơi trổ ra cửa kênh Tắt vì cho rằng đây là nơi bồi tụ trầm tích ít nhất dọc theo bờ biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, và mặt khác khoảng cách bờ của các đường đẳng sâu sâu hơn -10 mét là ngắn nhất. Hình 3a, 3b.



Ít bồi tụ có nhiều lý do, có thể vì trầm tích không về đến, như mô phỏng của Portcoast cố gắng “minh chứng” [5], Hình 4, mà cũng có thể vì bồi và lở xen kẻ nhau theo mùa gió trong năm và theo chu kỳ.



Qua ảnh vệ tinh sưu tầm được và theo hiểu biết của người dân địa phương, bãi biển ở Xóm Mù U thuộc trường hợp bồi lở xen kẽ, biến động mạnh trong mùa gió chướng, đặc biệt khi gió chướng trùng hợp với triều cường, cùng lúc tác động.


+ Trực diện đương đầu với gió chướng và triều cường, được khu vực kè che chắn là đặc thù thứ tư.


Không được che chắn, từ bao đời nay mỗi tháng người dân Xóm Mù U, xã Dân Thành đều phải trực diện với sóng, gió và triều cường. Mỗi năm vào mùa gió chướng, triều cường đẩy sóng lên cao, thấp là 1-1,5 mét, cao có thể hơn 2 mét, vỗ vào bờ.


Ngày 08/07/2007 tác giả đã đến khảo sát bãi triều không xa nơi dự kiến Kênh Tắt sẽ trổ ra, ở đó có nhà của “chú ba Mù U”. Vào đỉnh triều nhà của chú còn cách mép nước khoảng 50 đến 70 mét, chú cho biết (Hình 5a).


Ngày 16/04/2014, tác giả trở lại khảo sát thực địa, tại cùng địa điểm, tìm hiểu các thay đổi sau bảy năm. Chú Ba cho biết bây giờ không chờ đến triều cường, gió chướng nữa, chỉ con nước lớn thôi là nước đã vào gần tới nhà rồi. Nước lên nhanh hơn nhưng xuống chậm hơn, chú nhận xét (Hình 5b).




Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2011, gió chướng và triều cường đã đánh chìm một tàu hút cát đang thổi nền cho Nhà Máy Nhiệt điện Duyên Hải bắt đầu được xây dựng, và đánh sạt góc Đông Nam giáp với Xóm Mù U.


Từ đó quyết định xây dựng khu vực kè để bảo vệ Cảng Than và cửa ra cửa kênh Tắt là có thể hiểu được. Nhưng có bảo vệ được hay không, đến đâu, cần được nghiên cứu căn cơ hơn vì có thể lợi bất cập hại.


Khu vực kè nay hiện nay đã hoàn tất và là một không gian hầu như khép kín ngoài khoảng hở giữa Kè Bắc và Kè Nam. Kênh Tắt đã thông ra biển qua khu vực kè.


Trong đợt gió chướng xảy đến cùng lúc với triều cường vào những ngày cuối tháng 01/2017 (lúc này khu vực kè đã xây dựng xong) sóng to đã đánh phủ một đoạn kè Bắc vào lúc cao điểm.


Hình 6a là ảnh vệ tinh [6] Landsat 8 ngày 29/01/2017 toàn cảnh bờ biển huyện Duyên Hải. Hình 6b nhìn cận cảnh bờ biển xã Dân Thành. Hình 6c là cận cảnh khu vực kè.


Mùa gió chướng và triều cường cuối tháng 1/2017 cho thấy nước có hàm lượng bùn cát cao bị dồn ứ lại bên trong khu vực kè bởi gió chướng, triều cường và hai kè Bắc và Nam.



3. Tương tác giữa luồng biển Kênh Tắt và dòng chảy ven bờ huyện Duyên Hải


Nước sông Hậu qua luồng biển Kênh Tắt tương tác với dòng chảy ven bờ huyện Duyên Hải được che chắn bởi khu vực kè.


Khu vực kè có diện tích mặt nước rộng 610 ha. Chân Kè Bắc và chân Kè Nam trên đất liền tại bờ biển xã Dân Thành cách nhau 2500 mét. Khoảng cách giữa đầu hai kè về phía biển là 530 mét. Kè Nam dài 2900 mét thẳng góc với bờ. Chiều rộng bề mặt Kênh Tắt tại cửa vào khoảng 250 mét. Đáy Kênh Tắt ở cửa là 85 mét.


Vị trí của khu vực kè và Trung tâm Nhiệt điện Than Duyên Hải (chiếm lĩnh mặt tiền của xã Dân Thành và bịt cửa ra của một dòng nước mà đầu kia ăn thông ra sông Long Toàn) được chỉ ra trong Hình 7a và thể hiện trong Hình 7b.



Nguồn: Google Earth


Với kích thước như mô tả, “cắm vào” bờ biển, khu vực kè tác động lên dòng chảy ven bờ trong năm qua hai mùa gió Đông Bắc và Tây Nam và hai mùa nước sông Hậu nghèo và giàu bùn cát là điều tất yếu với những hình thái khác nhau.


Với hai khoảng hở, vùng nước bên trong khu vực kè là nơi trao đổi nước hai chiều giữa Biển Đông và sông Hậu.


Các ảnh vệ tinh trong bốn năm qua, nhìn toàn cảnh và nhìn cận cảnh dưới đây, cung cấp những thông tin hết sức cần thiết về sự tương tác này.


Nhìn toàn cảnh, Hình 8a và Hình 8b là ảnh vệ tinh bờ biển Duyên Hải lúc chưa có cửa Kênh Tắt và khu vực kè, lần lượt vào thời điểm nước sông Hậu ít và nhiều hàm lượng bùn cát. Trong cả hai hình nước Kênh Quan Chánh Bố liên thông với sông Long Toàn trổ ra cửa Cung Hầu.



Hình 9a và Hình 9b là cục diện bờ biển huyện Duyên Hải sau khi có cửa Kênh Tắt và khu vực kè, vào thời điểm nước sông Hậu ít bùn cát, các ngày 2020.02.07 và 2018.02.12. Cục diện đối chiếu là Hình 8a.


Trong cả hai trường hợp, khu vực kè hoặc đã cản trở, hoặc đã đẩy dòng chảy ven bờ ra xa bờ và một phần bùn cát đã chảy vào bên trong khu vực kè (sẽ nhìn cận cảnh dưới đây).



Hình 10a và Hình 10b là cục diện bờ biển huyện Duyên Hải sau khi có cửa Kênh Tắt và khu vực kè, vào thời điểm nước sông Hậu bắt đầu có nhiều bùn cát, các ngày 2018.10.31 và 2019.12.19. Cục diện đối chiếu là Hình 8b.


Khác hẳn với cục diện trong Hình 8b, trong cả hai trường hợp, Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt đã cung cấp bùn cát từ sông Hậu cho Biển Đông.



Nhìn toàn cảnh, cửa Kênh Tắt và khu vực kè đã tác động lên bờ biển huyện Duyên Hải về dòng chảy cũng như về vận chuyển bùn cát ven bờ là không thể phủ nhận.


Nhìn cận cảnh tác động của luồng biển Kênh Tắt và khu vực kè được thể hiện trong các Hình 11 a, b, c, d, e, f dưới đây:



Hình 11a, 11b và 11c là các tình huống nước sông Hậu đổ về nhiều, giàu bùn cát, qua cửa Kênh Tắt và luồng biển dọc theo kè Nam đổ ra Biển Đông. Nước sông Hậu trổ ra khoảng hở của khu vực kè và hòa dần vào dòng chảy ven bờ.


Hình 11d, 11e và 11f là các tình huống ngược lại, nước sông Hậu đổ về ít, nghèo bùn cát. Vào thời điểm này, ở các cửa sông tự nhiên Định An và Trần Đề, nước biển theo triều vào sâu trong đồng bằng.



Hình 11d đặc biệt thú vị ở chỗ tại cửa của khu vực kè, vừa có dòng chảy vào khu vực kè, sát kè Bắc, vừa có dòng chảy ra ép sát kè Nam. Nước đậm bùn cát trong khu vực kè là do ứ lại trước đó bởi gió chướng và triều cường (Hình 6b và 6c).


Trong các Hình 11e và 11f dòng chảy ven bờ hướng Đông Bắc–Tây Nam gặp Kè Bắc, bọc theo kè này, đến cửa ra của khu vực kè thì một phần chảy vào bên trong theo luồng biển về phía cửa Kênh Tắt. Trong trường hợp 11f dòng chảy ngược vào bên trong xa hơn trường hợp 11e, tỏa ra theo hình cánh quạt sang phía Cảng Than. Đây là lúc bùn cát lắng đọng trong khu vực kè, trước tiên là trong luồng biển Kênh Tắt. Sau đó dòng chảy bọc Kè Nam và tiếp tục hành trình dọc bờ biển xã Dân Thành, rồi xã Đông Hải.


4. Bồi lắng bùn cát tại cửa và trong luồng biển Kênh Tắt


Qua các khảo sát trên đây, bồi lắng bùn cát trong luồng biển từ cửa ra Kênh Tắt, ra khỏi khu vực kè, đến phao số 0 là điều được chờ đợi.



Số liệu thực đo trong các Thông báo hàng hải (TBHH) do Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) công bố là một nguồn thông tin hiếm hoi và quý báu cho việc tìm hiểu sự bồi lắng bùn cát trong luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt.


Trong bài viết này sự bồi lắng bùn cát tại cửa và trong luồng biển Kênh Tắt được khảo sát từ những thông tin từ 11 TBHH từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2021. Hình 12a là số liệu đo đạc luồng biển Kênh Tắt trong báo cáo ngày 31/3/2021.



Có 5 đoạn từ phao số 0 (“0”) đến “12” (tại cửa ra cửa kênh Tắt). Năm đoạn này được thể hiện trong Hình 12b trên đó có vị trí của 12 phao. (A) và (B) là hai đoạn nằm ngoài kè, từ “0” đến chỗ mở của khu vực kè. Tại (C) luồng cho tàu than bắt đầu tách ra.


Trong Hình 12b, trên mỗi đoạn (A) – (E) có ghi 3 số: chiều dài của đoạn mà đáy cạn hơn -6,5 mét, độ sâu nhỏ nhất ở tim luồng, và độ sâu nhỏ nhất. (T) hoặc (P) được đọc là “nằm sát bờ trái hoặc bờ phải” của luồng.


Tình hình bối lắng trong luồng biển trong Báo cáo 31/3/2021 được tóm tát trong Bảng dưới đây:



Các TBHH khác được phân tích với cùng cách làm trên đây cung cấp Bảng bồi lắng bùn cát tại cửa và trong luồng biển Kênh Tắt dưới đây.


Tình hình bồi lắng bùn cát tại cửa và trong luồng biển Kênh Tắt (2019 - 2021)


Nguồn số liệu: Thông báo Hàng hải Việt nam


Các số liệu trích dẫn nguyên gốc từ các Thông báo Hàng hải cung cấp những thông tin hết sức đáng quan ngại về bồi lắng bùn cát tại cửa ra sông Hậu nhân tạo và luồng biển Kênh Tắt. Trong TBHH tháng 3/2021:


Trên tổng chiều dài 7700 mét từ phao số 0 đến phao số 12, tổng chiều dài của 5 đoạn mà đáy luồng cạn hơn -6,5 mét là 6170 mét. Hơn 80% tổng chiều dài của luồng biển Kênh Tắt có độ sâu không đạt chuẩn -6,5 mét, mặc dù TBHH ngày 14/10/2020 cho biết đã nạo vét duy tu 1720 mét giữa phao số 5 + 300m và phao số 7 - 700m, độ sâu nhỏ nhất luồng đạt -6,5 mét so với số 0 Hải đồ.


Bồi lắng bùn cát trong 5 tháng nếu đúng như vậy thì quả thật là rất nhanh.


5. Nhận xét, trao đổi và đề xuất


(1) Từ khi mở ra cửa sông Hậu nhân tạo Kênh Tắt những đổi thay dọc theo bờ biển huyện Duyên Hải là không thể phủ nhận.


Cảng than choTrung tâm nhiệt điện Duyên Hải tự nó đã xáo trộn dòng chảy ven bờ, nhưng chính luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt mới làm sâu sắc thêm những biến đổi.


(2) Vì vậy, cho dù luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt đã được đào, vẫn cần nghiên cứu, đánh giá hệ[NNT1] quả một cách căn cơ và toàn diện, trước nhất về những biến động vùng duyên hải từ cửa Cung Hầu đến cứa Định An.


Hình 13a là ảnh vệ tinh Landsat 8 ngày 19.04.2017 vùng cận duyên tỉnh Trà Vinh. Trong hình, Vùng 1 là vùng duyên hải tỉnh Trà Vinh sau khi có cửa KênhTắt và khu vực kè; Vùng 2 là vùng giao thoa giữa dòng chảy ven bờ và dòng chảy bên trong khu vực kè qua khoảng hở; Vùng 3 là vùng nước ở cửa Định An. Hình 13b nhìn cận cảnh Vùng 2.



Lý giải được ý nghĩa và sự tồn tại của ba vùng, đặc biệt vùng 2 và vùng 3 sẽ cung cấp thêm thông tin về tác động của cửa sông Hậu nhân tạo và khu vực kè từ cửa Cung Hầu đến cửa Định An.


(3) Khẳng định Dự án luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt là không cần nạo vét là phản khoa học. Học phí phải trả là quá cao.


Tổng vốn đầu tư toàn bộ Dự án được duyệt là 10319,2 tỷ đồng, Dự án đã được Kiểm toán nhà nước xem xét và chỉ ra nhiều sai phạm. Đã chi từ ngân sách nhà nước bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Chỉ biết là Cục Hàng hải Việt Nam đang xin cấp thêm cho “giai đoạn 2”.


Tác giả vừa được Bộ trưởng GTVT cho biết “Kinh phí vừa qua gần 2000 tỷ là kè bờ Kênh Quan Chánh Bố để không còn sạt lở, đảm bảo Kênh Quan Chánh Bố đạt độ sâu -6,5 mét (…)”.


Tác giả sẽ tiếp tục làm rõ việc bồi lắng, sạt lở bờ suốt dọc luồng sông Hậu.


(4) Dự án Luồng sông Hậu đăt ra vấn đề trách nhiệm giải trình của các cấp, các cá nhân có liên quan đã phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư cho Dự án.


Cử tri rất mong đợi Quốc Hội và Chính phủ sớm thể chế hóa trách nhiệm giải trình này. Không chỉ đối với dự án luồng sông Hậu! Không thể để hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước trôi ra sông ra biển.


   Mời xem thêm »



© Nguyễn Ngọc Trân
    Đất Việt
Chú thích:
[1] :- Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản đồn bằng sông Cửuc Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007).


[2] :- Nguyễn Ngọc Trân, Luồng hàng hải vào sông Hậu và Cảng biển Trà Vinh. Trao đổi và kiến nghị,


[3] : - Nguyễn Ngọc Trân, Luồng kênh Quan Chánh Bố, bài học và kiến nghị, 18.04.2019,


[4] :- Xem trong https://www.vms-south.vn/thong bao-hang-hai


[5] :- Trao đổi với Công ty tư vấn Portcoast năm 2007, tác giả cho rằng phải làm lại mô phỏng vì các kết quả trình bày là phi thực tế, ngụy tạo.


[6] :- Trong bài tác giả đã sử dụng ảnh vệ tinh Landsat, https://earthexplorer.usgs.gov/ và ảnh vệ tinh Google Earth, https://www.google.com/earth/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages