Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đang sử dụng công nghệ mới để theo dõi, quấy rối công dân - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đang sử dụng công nghệ mới để theo dõi, quấy rối công dân


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại buổi công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/3/2021


Một trong những xu hướng nhân quyền mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu ra tại buổi công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/3 là việc các chính phủ độc tài đang sử dụng những công nghệ mới để theo dõi, quấy rối công dân và truyền bá những thông tin sai lệch trong nước và nước ngoài. Tình hình này được phản ánh rõ nét trong phần trình bày về Việt Nam của báo cáo.


Theo dõi chặt chẽ người dân sử dụng internet


Báo cáo về tình hình thực hiện nhân quyền quốc gia lần thứ 45 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng một loại các biện pháp hạn chế quyền tự do internet. Các biện pháp đó gồm kiểm duyệt nội dung trực tuyến, ngăn chặn các website trong nước và nước ngoài bị cho không phù hợp; hạn chế và làm gián đoạn quyền truy cập vào internet, bắt giữ và áp đặt các bản án hình sự đối với những người đăng tải những thông tin chỉ trích Chỉnh phủ hoặc bày tỏ quan điểm khác biệt trên internet. Đặc biệt, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam đang “dày công” kiểm soát thông tin cá nhân và việc sử dụng internet hàng ngày của người dân.



“Chính phủ cấm truy cập trực tiếp vào internet thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và yêu cầu họ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và không gian làm việc cho các nhân viên an ninh để họ có thể giám sát các hoạt động internet. Bộ Công an từ lâu đã yêu cầu các “đại lý internet”, bao gồm cả các quán cà phê internet, đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng, lưu trữ hồ sơ các trang web mà khách hàng truy cập và tham gia vào các cuộc điều tra của chính phủ về hoạt động trực tuyến. Các quán cà phê internet tiếp tục cài đặt và sử dụng phần mềm được chính phủ phê duyệt để theo dõi các hoạt động trực tuyến của khách hàng” – báo cáo viết.


Tại một quán cafe internet ở Việt Nam. Ảnh AFP


Báo cáo cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục gây áp lực với Facebook và Google, yêu cầu họ xóa các “tài khoản giả” và các thông tin “độc hại” trong đó có các tài liệu chống Nhà nước.


“Vào tháng 10/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo Google đã gỡ bỏ gần 8.200 video clip, YouTube chặn 19 kênh YouTube, và Facebook đã chặn gần 2.500 liên kết, 249 tài khoản giả mạo và 249 liên kết nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ.” – báo cáo cho biết và thêm rằng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xây dựng hẳn một đơn vị, có tên gọi là Lực lượng 47, để tìm kiếm những thông tin sai lệch và hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước.


Đối xử phi nhân tính với tù nhân chính trị


Một vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác được báo cáo chỉ ra đó là tình trang đối xử phi nhân tính đối với tù chính trị, trong đó có việc hạn chế khẩu phần ăn, cung cấp thức ăn bẩn hay đơn giản chỉ là cố tình giam giữ tù nhân xa nhà.


“Khẩu phần ăn của tù nhân chính trị dường như hạn chế hơn so với những người khác. Các cựu tù nhân chính trị cho biết họ chỉ nhận được hai bát cơm nhỏ và rau hàng ngày và những thức ăn này thường trộn với các vật lạ như côn trùng hoặc đá. Người thân của nhiều nhà hoạt động bị cầm tù đã hoặc đang bị bệnh, cho biết, điều trị y tế là không đầy đủ và dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài”- báo cáo viết.



Báo cáo cũng đưa ra ví dụ về trường hợp người nhà của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ đã phải gửi đơn đến Trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cáo buộc rằng, những người bảo vệ nhà tù đã hành hung ông Độ, bắt ông vào biệt giam, cho ông thức ăn trộn lẫn với chất thải của người và yêu cầu trại giam chấm dứt tình trạng đối xử phi nhân tính này.


“Chính quyền nhà tù cũng thường giam giữ tù nhân chính trị ở nơi xa nhà, khiến cho gia đình họ khó thăm viếng và cũng không thường xuyên thông báo cho người thân của họ khi chuyển họ đến một trại mới” – báo cáo cho biết và đưa ví dụ vợ ông Võ Thượng Trung khi đến thăm chồng tại một nhà tù ở tỉnh Đồng Nai vào ngày 27/2/2020 thì mới biết ông Trung đã được chuyển đến Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, cách đó gần 540 km. Một ví dụ khác là nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy vốn sinh sống và bị bắt tại Hà Nội thì được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh để giam giữ vào tháng 5/2020.


“Chính quyền Biden-Harris sẽ nhân đôi nỗ lực của chúng tôi để hỗ trợ các nhà báo, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động chống tham nhũng, các nhà tổ chức công đoàn và những người ủng hộ khác trên khắp thế giới, những người hy sinh mọi thứ để bảo vệ nhân quyền” – Trích phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại buổi công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới ngày 30/3/2021.


Xét xử không công bằng


Theo báo cáo, tình trạng thiếu công bằng trong xét xử và sự thiếu độc lập của cơ quan tư pháp, những rào cản đối với luật sư vẫn là những vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.


“Thẩm quyền của Đảng đặc biệt nổi bật trong các vụ án cấp cao khi chính quyền buộc tội một người với tội tham nhũng, thách thức hoặc gây tổn hại cho Đảng hoặc nhà nước, hoặc cả hai. Các luật sư bào chữa thường xuyên phàn nàn rằng, trong nhiều trường hợp, có vẻ như các thẩm phán đã quyết định tội danh trước khi phiên tòa diễn ra” – báo cáo viết và cũng cho hay việc chính quyền gây áp lực đối với luật sư, không cho họ bào chữa cho các nhà hoạt đông tôn giáo, dân chủ hoặc trừng phạt họ vì các hoạt động này tiếp tục được ghi nhận.


Cơ quan điều tra khám xét văn phòng làm việc của luật sư Trần Vũ Hải. Ảnh nguoiduatin/ RFA biên tập


“Tiếp tục có những báo cáo đáng tin cậy rằng chính quyền gây áp lực buộc các luật sư bào chữa không bào chữa cho các nhà hoạt động tôn giáo hoặc dân chủ và đặt câu hỏi về động cơ của họ để làm như vậy” – báo cáo khẳng định đồng thời cho biết chính quyền cũng hạn chế, sách nhiễu, bắt giữ và loại bỏ các luật sư nhân quyền đại diện cho các nhà hoạt động chính trị mà điển hình là vụ việc kết tội luật sư Trần Vũ Hải vợ ông vì tội chiếm đoạt thuế vì ông đề nghị được bào chữa cho nhà hoạt động Trương Duy Nhất.


“Ví dụ là vụ Luật sư Trần Vũ Hải. Ngày 21/2, tòa phúc thẩm tại Khánh Hòa giữ nguyên mức án tù đối với luật sư Trần Vũ Hải và vợ bị kết án từ tháng 11/2019 đến 12 đến 15 tháng tù về tội ‘trốn thuế’. Những cáo buộc đó được đưa ra vào tháng 7/2019 để Bộ Công an từ chối yêu cầu bào chữa cho nhà hoạt động bị cầm tù Trương Duy Nhất của ông Hải. Họ cũng cho phép công an khám xét văn phòng của ông Hải và tịch thu các tài liệu nhạy cảm liên quan đến việc bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có ông Trương Duy Nhất”- báo cáo viết.


“Những quốc gia nơi sự bất đồng quan điểm được hoan nghênh, nơi các quan chức tham nhũng và lạm dụng bị trừng phạt, nơi luật lao động được tôn trọng, nơi mọi người thuộc mọi thành phần đều có khả năng tiếp cận và cơ hội bình đẳng - những quốc gia đó có nhiều khả năng hòa bình, thịnh vượng và ổn định. Họ ít có khả năng rơi vào xung đột hơn. Họ có nhiều khả năng có nền kinh tế đang phát triển và trở thành thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của chính chúng ta” - Trích phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại buổi công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới ngày 30/3/2021.


Đồng Tâm – hội tụ những bất thường về tố tụng


Vụ việc Đồng Tâm không chỉ được báo cáo đưa ra như một ví dụ về sự đụng độ giữa người dân địa phương và chính quyền về vấn đề thu hồi đất đai không thỏa đáng, dẫn đến bạo lực mà còn nhiều lần được đề cập làm ví dụ về “những bất thường nghiêm trọng” trong quá trình xét xử, tố tụng tại Việt Nam. Bất thường được nhìn thấy ở nhiều góc độ, từ những thủ thuật tra tấn bị cáo đến việc ngăn cản người nhà và luật sư bào chữa thực hiện những quyền hợp pháp của họ.


Phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà nội ngày 7/9/2020. Ảnh: congluan.vn


“Một trong những người dân làng Đồng Tâm bị bắt giam và sau đó được thả sau cuộc đụng độ ngày 9/1/2020 cáo buộc rằng các thẩm vấn viên của Bộ Công an đã tra tấn nhiều người trong số 29 bị cáo bằng nhiều cách khác nhau, kể cả điện giật, dí thuốc lá làm cháy da ở nhiều vùng trên cơ thể, trấn nước, và các phương pháp khác không để lại dấu vết vật lý” – báo cáo cho biết.


Cũng theo báo cáo, trong thời gian diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm vào tháng 9/2020, các lực lượng an ninh đã ngăn không cho người dân Đồng Tâm, người nhà của các bị cáo và các nhà hoạt động nổi tiếng rời khỏi nhà của họ. Tại phiên tòa một số quyền của bị cáo và luật sư đã không được bảo đảm. Ví dụ theo luật pháp Việt Nam, bị cáo có quyền trao đổi với luật sư nếu họ đang bị xét xử về tội hình sự có thể dẫn đến bản án 15 năm hoặc lâu hơn nhưng các luật sư bào chữa tại phiên tòa xét xử vụ việc Đồng Tâm cho biết “ban đầu công an đã ngăn cản họ nói chuyện với thân chủ và chỉ cho phép họ làm vậy sau nhiều lần yêu cầu và có đơn chính thức gửi đến tòa án.”



Và tình trạng chính quyền lạm dụng sử dụng các video clips để thao túng phiên tòa cũng như cảm nhân của công chúng về nghi phạm và vụ án trong các phiên tòa ở Việt Nam cũng được sử dụng tại phiên tòa xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm.


“Trong phiên tòa xét xử 29 người dân thôn Đồng Tâm vào tháng 9/2020, công tố đã phát nhiều video clip trong đó các bị cáo tỏ ra thú nhận về những tội danh đã gây ra cho họ. Luật sư tư vấn pháp lý cho các bị cáo đã phản ánh trên mạng xã hội rằng video bóp méo các bị cáo – những người đã bị ép phải thú nhận trên video” - báo cáo cho biết.


   Mời xem thêm »



© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages