Tự do báo chí dưới thời Tổng thống Trump. - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Tự do báo chí dưới thời Tổng thống Trump.


Tổng thống Donald Trump phát biểu về việc bảo vệ những người cao tuổi của Mỹ khỏi đại dịch COVID-19 tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC vào ngày 30 tháng 4 năm 2020. Mandel Ngan | AFP | Getty Images


Chúng ta thường nghe nói: “Người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”, nó có thể đúng ở nhiều nước nhưng không đúng ở Mỹ.


Tổng thống Mỹ có quyền ký sắc lệnh và Quốc Hội Mỹ có quyền ban hành đạo luật, nhưng người dân có quyền thách thức mọi sắc lệnh và đạo luật để luật pháp phải luôn trong vòng Hiến Pháp cho phép.


Tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ nêu rõ: “Quốc hội không được quyền ra luật… ngăn cản tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc ngăn cản hội họp ôn hòa, hoặc cấm đoán người dân khiếu nại về việc làm của chính phủ.”



Khái niệm đã thế nên một bài viết ngắn không thể đi sâu vào chi tiết của từng vấn đề, tôi chỉ xin đưa ra một bức tranh tổng quát để có thể hình dung được quyền tự do báo chí tại Mỹ.


Quyền lực thứ tư…


Phán quyết liên quan đến hai tờ the New York Times và the Washington Post khi họ cho đăng những tài liệu tối mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Pentagon Papers) có thể xem là phán quyết cốt lõi của quyền tự do báo chí tại Mỹ.


Các tài liệu tối mật này cho thấy nhiều đời Tổng thống Mỹ, từ 1945 đến 1967, đặc biệt là hai ông Kennedy và ông Johnson, đã lừa dối Quốc hội, công chúng và các nước đồng minh về nguyên nhân chiến tranh và khả năng Mỹ chiến thắng tại Việt Nam.


Các tài liệu này được một người làm việc trong nhóm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, ông Daniel Elisberg sao chép và vào năm 1971 đã giao cho hai tờ báo nói trên.


Các tài liệu này không liên quan đến thời kỳ của Tổng thống Nixon, nhưng đang thời chiến tranh, việc phổ biến tài liệu mật được đánh giá có lợi cho phía đối phương, nên Chính phủ Nixon đã ra lệnh cho hai tờ báo phải ngừng đăng.


Tờ the Washington Post không đồng ý đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện và thắng kiện với ý kiến các thẩm phán như sau:


“(Theo Tu chính án thứ nhất) các bậc tiền nhân lập quốc đã trao cho chúng ta quyền tự do báo chí. Quyền mà báo chí cần phải có để có thể thực thi vai trò căn bản về truyền thông trong nền dân chủ của chúng ta, báo chí là để phục vụ cho việc quản trị quốc gia, không phải để phục vụ cho nhà cầm quyền”.


Bởi vậy báo chí Mỹ được xem là quyền lực thứ tư nhằm kiểm soát và cân bằng quyền lực của hành pháp, lập pháp và tư pháp.


Tự do và cạnh tranh


Ở Mỹ cứ 2 người thì có 1 người công khai ghi danh với một đảng chính trị, bởi thế các cơ quan truyền thông tư nhân Mỹ thường phục vụ những khách hàng có chung một khuynh hướng chính trị.


Mỗi tờ báo lại phục vụ nhu cầu của khách hàng một cách khác nhau, nên cùng một tin tức nhưng hai tờ báo có thể đưa tin hai cách khác nhau, chưa kể chủ đích và quan điểm chính trị mỗi tờ báo mỗi khác.



Chính phủ Mỹ không có cơ quan truyền thông riêng, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự Do là hai cơ quan truyền thông nhận ngân sách từ chính phủ, nhưng mục đích là phục vụ người ngoại quốc, không phải là phục cụ những người sống ở Mỹ.


Tin xấu về chính phủ mới thực sự là tin, ước tính trên 90% tin về Tổng thống Trump là tin xấu hay được diễn tả một cách không tốt về ông, nhưng không riêng gì ông Trump mà các Tổng thống trước đây cũng cùng chung hoàn cảnh.


Cách đưa tin chọn lọc như vậy không phải chỉ mới xảy ra dưới thời ông Trump, như Mậu Thân 1968 báo chí Mỹ, và ngay cả các sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, gần như không đưa tin những cuộc thảm sát do cộng sản gây cho thường dân tại Huế.


Quyền tự do thông tin và cạnh tranh tự do là bản chất của báo chí Mỹ. Hiểu được điều này mới hiểu được tại sao có hiện tượng một bên quy kết cho bên kia là “cuồng” hay “cuồng chống”.


Những điều mà một phía không biết hay không muốn biết tới đều dễ dàng bị cho là tin giả.


Một bên cho rằng tất cả những tố cáo gian lận bầu cử đều là tin giả, còn bên kia suốt 4 năm trời liên tục đưa tin ông Trump đã thông đồng với Nga đánh cắp ghế Tổng thống của bà Clinton.


Bên nào cũng cho rằng là mình đúng bên kia sai, dựa vào báo chí để chứng minh là nguồn tin mình có được là đúng, rồi cho rằng bên kia không chịu theo dõi thông tin.


Quyền lực thứ năm…


Sang thế kỷ thứ 21, sự bùng nổ của mạng xã hội là nhờ Quốc Hội Mỹ năm 1996 đã ban hành Đạo luật khuôn phép trong Truyền thông (47 U.S.C. § 230).


Theo điều mục 230 thì một trang web là một diễn đàn nơi mà chủ trang web không phải chịu trách nhiệm trước luật pháp, về thông tin của các bên thứ ba đăng tải.


Ông Julian Assange một nhà báo người Úc là người sáng lập WikiLeaks một trang web chuyên loan tải các tài liệu rò rỉ của các chính phủ và các đại công ty.


Trong năm 2010, WikiLeaks đã phổ biến chừng 470,000 tài liệu bí mật về hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và khoảng 250,000 tài liệu bí mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ.



Ngày 16/03/2016, WikiLeaks phổ biến trên 30,000 điện thư (emails) và văn bản từ hộp thư cá nhân của bà Hillary Clinton, trong số có 7,570 điện thư khi bà giữ chức Ngoại Trưởng Mỹ.


Nhiều điện thư có liên quan đến Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ và chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Clinton.


Ông Trump sử dụng các thông tin do WikiLeaks đưa ra để tấn công bà Clinton, nên nhiều người tin rằng đây là một yếu tố giúp ông Trump thắng cử.


Chính phủ Obama cho rằng WikiLeaks đã có được những điện thư này từ tin tặc làm việc cho tình báo Nga.


Còn Bộ Tư Pháp Mỹ truy tố ông Julian Assange đã vi phạm luật Mỹ (tội gián điệp) vì đã bẻ khóa, đột nhập và phát tán những tài liệu mật.


Ông bị Thụy Điển kiện với cáo buộc tấn công tình dục nên đã trốn vào tòa Đại sứ Ecuador ở London, đến tháng 4/2019 ông rời tòa Đại sứ Ecuador và bị cảnh sát Anh bắt chờ giải giao theo yêu cầu của Mỹ.


Ông Julian Assange nhiều lần thông báo ông và các cộng sự viên WikiLeaks chỉ đưa tin từ bên thứ ba mà không hề bẻ khóa đột nhập vào kho tài liệu của bất cứ quốc gia hay tổ chức nào.


Vừa rồi ông cho công bố một ghi âm điện thoại ông đã báo cho luật sư Cliff Johnson của Bộ Ngoại giao (thời bà Hillary Clinton) biết các tài liệu của Bộ đã bị bên thứ ba lấy cắp đưa lên mạng, trang WikiLeaks tìm thấy và sẽ phổ biến các tài liệu này.


Ông và gia đình ông, các chính gia ở Úc và cả Liên hiệp Quốc cũng xin Tổng thống Trump ân xá vì những nguồn tin WikiLeaks loan tải là trung thực và chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo điều mục 230 của Mỹ.


Ảnh hưởng tin giả


Mặc dù chỉ phổ biến trên 3,000 tài liệu liên quan đến Việt Nam nhưng WikiLeaks đã gây được ảnh hưởng khá sâu đậm trong niềm tin của người Việt về “mật ước Thành Đô”.


Ngày 01/12/2010 blogger Kami phổ biến câu chuyện WikiLeaks sẽ công bố một tài liệu mật về Hội Nghị Thành Đô năm 1990 theo tài liệu này đến năm 2020 Việt Nam thành 1 tỉnh tự trị của Trung Hoa.



Bài viết đánh đúng vào tâm lý, tình cảm và niềm tin người Việt về cuộc họp bí mật tổ chức tại Thành Đô ngày 3 và 4/9/1990, đến nay vẫn chưa được hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam công bố nội dung cuộc họp.


Câu chuyện “mật ước Thành Đô” đã nhanh chóng được nhiều người biết tới, bước sang năm 2021 vẫn còn người tin.


Câu chuyện “mật ước Thành Đô” chỉ quanh quẩn trong phạm vi người Việt với nhau, câu chuyện “ông Trump thông đồng với Nga” được cả thế giới biết đến mới được xem là “tin giả” ảnh hưởng nhất từ trước đến nay.


Chính Phủ ông Obama phải cử công tố viên đặc biệt điều tra hơn 3 năm trời vẫn không tìm thấy bằng chứng, rồi Chính Phủ ông Trump lại cử thêm công tố viên đặc biệt khác để điều tra nguồn gốc tạo ra “tin giả” này.


Ông Trump và truyền thông


Trở lại với nước Mỹ, tự do báo chí và truyền thông mạng đã lột trần nhiều góc cạnh của các chính trị gia và hệ thống chính trị Mỹ.


Ông Trump một người làm truyền thông, hiểu tâm lý và tình cảm quần chúng Mỹ, biết khai thác mạng xã hội, lại không bị vướng mắc vào hệ thống chính trị, nên được nhiều người Mỹ ủng hộ khi ông ra tranh cử.


Trong lần tranh cử tổng thống 2016 chỉ bằng Tweeter ông tạo ra nhiều tranh cãi buộc báo chí phải theo dõi đưa tin.


Mấy năm qua ông liên tục cập nhật thông tin gởi đến cử tri qua những tweet ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề cần thông báo, nên chỉ riêng tài khoản @realDonaldTrump đến nay đã có trên 88.5 triệu người theo dõi.


Ông thường xuyên công kích báo chí và các đại công ty công nghệ Google, Facebook và Tweeter, nên tạo ra nhiều tranh cãi và nhận thức mới về tự do báo chí và truyền thông mạng.


Như ông thẳng thừng tuyên bố truyền thông ảnh hưởng đến bầu cử và chính trị của Mỹ, người ghét ông cũng đồng ý vì như đã nói bên trên việc WikiLeaks phát tán điện thư của bà Clinton đã giúp ông thắng cử.


Còn những người ủng hộ ông Trump thì cho rằng việc báo chí cánh tả dấu nhẹm tin tức về ông Hunter Biden lợi dụng quyền thế Phó Tổng Thống của cha để làm ăn với Trung cộng nhiều người không biết nên mới bầu cho ông Joe Biden.



Thử thách của quyền tự do


Mạng xã hội (Internet) là phát minh của Chính phủ Mỹ được đưa ra cho công chúng sử dụng nhằm giúp thế giới ngày càng mở rộng hơn về mọi mặt, nhất là về tự do ngôn luận và thông tin.


Mục đích trên đã không đạt được khi các quốc gia độc tài xây dựng tường lửa chặn người dân nước họ quyền tự do truy cập.


Mục đích trên lệch hướng khi các đại công ty công nghệ mạng, như Google và Facebook vì lợi nhuận kiểm duyệt những thông tin theo lệnh của các quốc gia độc tài và xóa những tài khoản của những người bất đồng chính kiến.


Google, Facebook và Tweeter còn thu thập thông tin người dùng để bán cho bên thứ ba sử dụng, vi phạm về quyền thông tin cá nhân.


Mục đích trên đã hoàn toàn bị đảo ngược khi các đại công ty Google, Facebook, Tweeter kiểm duyệt, chặn thông tin, can thiệp vào bầu cử và chính trị Mỹ.


Trong cuộc bầu cử Twitter đã sử dụng điều mục 230 nói bên trên để ngăn chặn các bài trên báo The New York Post về các giao dịch kinh doanh của ông Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden.


Google, Facebook, Tweeter còn kiểm duyệt và dán nhãn các thông tin mà họ tự đánh giá là sai lạc ngay cả các thông tin do ông Trump đưa ra.


Quyền lực thứ năm lọt vào tay vài đại công ty độc quyền công nghệ đang khuynh đảo thế giới, họ chặn ý kiến của ông Trump thì họ sẽ chặn ý kiến của bất cứ Tổng thống Mỹ, chính trị gia Mỹ hay bất cứ ai mà họ đánh giá là không đáp ứng được quyền lợi của họ.


Đó không phải chỉ còn vi phạm quyền tự do ngôn luận, mà vi phạm quyền tự do chính trị, quyền cao quý nhất mà người Mỹ có được.


Tổng Thống Trump, Quốc Hội và Bộ Tư Pháp đang tìm cách để thay đổi điều mục 230 nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do chính trị.


Thời đại Tổng thống Trump là thời kỳ bộc lộ những vấn nạn, những thách thức mà nước Mỹ cần phải vạch trần, phải hiểu rõ và phải giải quyết để bảo vệ tự do cho Mỹ và cho thế giới.


* Bài viết phân tích và thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.


Đọc thêm »



© Nguyễn Quang Duy
    Melbourne, Úc Đại Lợi
    31/12/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages