The Mountains Sing: Tiểu thuyết Việt Nam đang làm độc giả phương Tây ‘cảm động’ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

The Mountains Sing: Tiểu thuyết Việt Nam đang làm độc giả phương Tây ‘cảm động’


Tiểu thuyết tiếng Anh của một tác giả Việt Nam đang nhận được sự quan tâm tích cực của các nhà phê bình nước ngoài.


The Mountains Sing và tác giả Nguyễn Phan Quế Mai

The Mountains Sing là tựa đề tiểu thuyết đầu tay của nhà văn - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, do nhà xuất bản đặt ở London Oneworld Publications ấn hành năm 2020.

Nhà văn được giải Pulitzer Viet Thanh Nguyen ca ngợi tiểu thuyết The Mountains Sing "cảm động và hấp dẫn".

Báo chuyên ngành xuất bản Publishers Weekly khen sách: "Lá thư tình gửi Việt Nam xuất sắc, không che giấu nỗi đau này sẽ làm độc giả cảm động."

Cuốn tiểu thuyết trải dài cả trăm năm lịch sử Việt Nam, tập trung vào một gia đình họ Trần.

Qua cuộc đời của các nhân vật như Hương và người bà Diệu Lan, The Mountains Sing đề cập đến các biến cố như cải cách ruộng đất ở miền Bắc, chiến tranh với người Mỹ và giữa hai miền Nam - Bắc, và giai đoạn hậu chiến.




Là dịch giả tiếng Anh, bà Nguyễn Phan Quế Mai đã viết The Mountains Sing trực tiếp bằng tiếng Anh.

Hiện đang sống và làm việc ở Indonesia, bà đã dành cho BBC cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết đầu tay này.

Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi đã xây dựng không gian của tiểu thuyết The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang) trong suốt bảy năm. Trước đó, tôi đã lắng nghe rất nhiều những câu chuyện của người Việt từ miền Bắc tới miền Nam, từ trong nước đến hải ngoại. Tôi cũng đã đọc rất nhiều các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu bằng tiếng Việt và tiếng Anh viết về các sự kiện lịch sử Việt Nam, đặc biệt về các sự kiện mà tiểu thuyết của tôi đề cập tới: sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, sự xâm lược của đế quốc Nhật, nạn đói năm Ất Dậu, cải cách ruộng đất, sự chia cắt Bắc Nam, chiến tranh Việt Nam, thời kỳ bao cấp…

Tất cả những câu chuyện và các tác phẩm kể trên đều cung cấp cho tôi những tư liệu quý và thúc giục tôi sáng tạo nên một tiểu thuyết khác biệt, ở đó, những người phụ nữ là trung tâm tác phẩm: họ là những người kể chuyện, dẫn dắt người đọc qua chiều dài gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam, qua sự thăng trầm của bốn thế hệ trong một gia đình người Việt.


Tiểu thuyết này ra đời trong khuôn khổ chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Viết văn mà tôi thực hiện với trường đại học Lancaster (Anh quốc). Đó là lý do tôi viết nó bằng tiếng Anh thay vì tiếng mẹ đẻ của mình. Một lý do nữa để tôi viết bằng tiếng Anh là hiện nay bạn đọc quốc tế biết rất ít về văn học Việt Nam, và văn học tiếng Anh có rất ít các tác phẩm viết qua đôi mắt và trải nghiệm của người Việt trong nước.

Tôi được sinh ra ở một vùng quê nghèo Bắc bộ và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long (thị xã Bạc Liêu). Tôi bắt đầu chập chững học tiếng Anh khi vào lớp 8, với sự giúp đỡ của một người thầy mở lớp dạy tiếng Anh tình nguyện cho các trẻ em nghèo. Vì thế việc sáng tác tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Anh là sự liều lĩnh và thử thách lớn, tuy nhiên, tôi đã học hỏi được rất nhiều và biết ơn cơ hội được đặt một chân vào văn học thế giới qua tiểu thuyết này.

BBC: Tuy đây là tác phẩm hư cấu, bà có hy vọng giải thích một số chương lịch sử Việt Nam qua truyện kể của các nhân vật?

Tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang là sự kế thừa văn hoá kể chuyện của người Việt: tiểu thuyết bắt đầu bằng việc một người bà kể cho người cháu nghe những gì đã xảy ra với gia đình mình trong lúc hai người phải trốn chạy khỏi những trận bom Mỹ dội xuống Hà Nội. Người cháu tiếp tục những câu chuyện ấy của người bà để rồi khi người bà mất đi, cô viết lại những gì xảy ra với gia đình mình. Khi hoàn thành tiểu thuyết, cô đốt bản sao của bản thảo trước ngôi mộ của người bà đã mất để bà có thể đọc ở thế giới bên kia.




Lịch sử của Việt Nam có rất nhiều thăng trầm, có quá nhiều đau thương, mất mát. Với tiểu thuyết này, tôi muốn tái hiện lại những biến cố chính trong chiều dài lịch sử ấy, qua thân phận của những người dân bình thường, những người ấy rất cần được lắng nghe.

Lịch sử Việt Nam cũng vô cùng phức tạp, và vì thế không dễ tiếp cận. Với Những ngọn núi ngân vang, tôi hy vọng bạn đọc sẽ vào vai các nhân vật trong gia đình họ Trần, để từ đó, họ trực tiếp trải nghiệm các biến cố chính của lịch sử, để rồi cảm nhận sự tác động của các biến cố ấy lên số phận con người. Tuy viết về các sự kiện lịch sử, nhưng trọng tâm của quyển sách này là số phận con người và cách con người vượt qua biến cố để giữ gìn không chỉ mạng sống mà còn phẩm giá, tình yêu, tình cảm gia đình và sự bình an trong tâm tưởng.

Bạn đọc quốc tế hầu như chỉ biết về Việt Nam như một cuộc chiến tranh. Qua tiểu thuyết này, tôi muốn khắc họa nên hình ảnh của một Việt Nam giàu truyền thống văn hoá bao gồm truyền thống văn học (kể cả văn học dân gian). Dù phải đi qua rất nhiều thảm kịch, nhưng niềm tin và hy vọng vào tương lai, vào lòng tốt con người là những ngọn đuốc sưởi ấm cho các nhân vật trong tiểu thuyết, giúp họ vượt qua nhiều vực thẳm của bóng đêm.


Nguyễn Phan Quế Mai

BBC: Một bài điểm sách ghi nhận rằng "tha thứ và hòa giải - trong gia đình, giữa người Việt và với ngoại bang - là những chủ đề xuyên suốt" trong tiểu thuyết. Bà có hy vọng độc giả người Việt đồng tình với những gì bà viết trong sách, hay sẽ có những người không tán thành?

Một trong những điều thôi thúc tôi viết quyển sách này là sự chia cắt vẫn còn sâu thẳm giữa cộng đồng người Việt. Tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang nói về gốc rễ của sự chia cắt ấy, về nỗi đau của một gia đình khi họ bị chia lìa bởi lịch sử, để rồi người Bắc kẻ Nam, anh em ruột thịt phải cầm súng ở hai đầu chiến tuyến. Khi tiểu thuyết kết thúc, nỗi đau chia cắt ấy vẫn còn hằn sâu vào từng thành viên gia đình, dai dẳng và khó nguôi ngoai. Với tiểu thuyết này, tôi ước ao người Việt chúng ta lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn các câu chuyện của cộng đồng mình - dù các câu chuyện đó có khác biệt thế nào chăng nữa. Tôi tin rằng khi chúng ta đọc và lắng nghe các câu chuyện của nhau, sẽ có nhiều hơn sự thấu hiểu và cảm thông.




Tôi tin rằng mỗi gia tộc người Việt đều có những trải nghiệm độc đáo, kịch tích và nhiều màu sắc - những trải nghiệm ấy hoàn toàn có thể biến hoá thành một tiểu thuyết hấp dẫn. Và tôi cũng tin rằng không một câu chuyện nào có thể đại diện cho tất cả mọi trải nghiệm của người Việt. Gia đình họ Trần trong tiểu thuyết của tôi là một gia đình được xây dựng nên bởi trí tưởng tượng. Trải nghiệm của họ phản ánh một phần trải nghiệm của gia đình tôi cũng như trải nghiệm của nhiều gia đình mà tôi đã từng tiếp xúc. Nhưng gia đình Trần có một cuộc sống riêng, nơi đó trí tưởng tượng, bắt nguồn từ các sự kiện lịch sử, được phép thăng hoa.

Tôi không dám mong đợi rằng mọi người Việt đều đồng tình với những quyết định, suy nghĩ của các nhân vật trong tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang. Tôi chỉ mong những gì xảy ra trong sách khiến bạn đọc xúc động, để từ đó họ liên tưởng và suy ngẫm tới gia đình họ và quê hương của họ, về những gì ông bà cha mẹ của họ đã phải trải qua để cho họ cuộc sống hôm nay. Tôi viết về sự thảm khốc của chiến tranh và xung đột để nói lên giá trị hoà bình, viết về sự chia lìa để nói về giá trị của sự đoàn tụ, viết về cái chết để nói về giá trị của mỗi phút giây bình thường. Tôi luôn ước ao mọi người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng được hưởng một cuộc sống bình an, nơi họ có thể quây quần bên gia đình, được làm việc, học tập, được trân trọng và được yêu thương


© Lê Quỳnh
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages