Mạng xã hội ngày 9-9 bùng nổ vạn lời căm hờn, đau đớn và bất lực khi nghe tin VKS Hà nội đề nghị tử hình 2 người con trai của cụ Kình là Lê Đình Chức và Lê Đình Công, 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.
Theo các luật sư tại toà sáng nay, đại diện VKS thay đổi truy tố tội danh với 19 người từ tội “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” 6 bị cáo bị truy tố tội giết người với 2 án tử hình và 1 án chung thân.
VKS cũng đề nghị hình phạt đối với Lê Đình Doanh, 32 tuổi, con của Lê Đình Công, chung thân; Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi và Nguyễn Quốc Tiến 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 14-16 năm tù.
Các mức án đề nghị nặng nề trên ngay lập tức tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã quá “vội vã” đi đến kết luận trong khi còn quá nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án chưa được điều tra rõ ràng và không có chứng cứ thuyết phục.
TS. Nguyễn Quang A – nhà hoạt động vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam – đề nghị “phải huỷ phiên toà và điều tra sự phạm pháp của công an”.
Dù có những tiên đoán trước rằng án sẽ rất nặng, thế nhưng rất nhiều cảm thấy sốc mạnh khi nghe tin có 2 người bị đề nghị tử hình, nhiều lời bình luận cho rằng 2 án tử hình là sự trả thù từ 3 cái chết của CSCĐ cho nên sau khi giết cụ Kình thì chính quyền cố phải giết thêm 2 người nữa cho cân bằng.
Facebooker Bút Thép bình luận mỉa mai rằng: “So với 200.000 người bị giết hồi Cải cách ruộng đất thì 3 mạng người ở Đồng Tâm là bước tiến hóa lớn của đảng Kong”. Chữ Kong lấy từ phim Vua khỉ King Kong để đặt tên cho Đảng.
Facebook Huỳnh Chí Trung bình luận rằng:
“Sống, nó cướp đất. Chết, nó cướp cả tiền phúng điếu.
Chưa hả giận, nó dựng cả phiên tòa bẩn thỉu hòng tước đoạt sinh mạng cả nhà người ta.”
Đạo diễn Song Chi bình luận:
“Trước kia những người cộng sản VN giết người, giết dân lành vì cái gọi là “lý tưởng”, vì đấu tranh giai cấp, vì mâu thuẫn ý thức hệ. Còn bây giờ, thời bình, cộng sản giết dân chỉ vì tiền, vì đất.
Trước kia, những người bị họ vu oan và giết là phe đối lập, là phe “thua cuộc”, là “lực lượng thù địch”, “thành phần phản động”…, bây giờ chúng giết cả thành phần cốt cán của cách mạng là nông dân, giết cả đồng chí, cả những đảng viên mấy chục năm tuổi đảng và đến hơi thở cuối cùng vẫn tin vào đảng…”
Báo chí Việt Nam trích lời VKS cho đây vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, vì tham lam, coi thường pháp luật các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội gây hoang mang cho nhân dân. Khi công an làm nhiệm vụ, các bị cáo cùng nhau hô hào kích động, tấn công khiến ba chiến sỹ hy sinh. Các bị cáo hành động “có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man“; có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, dưới sự cầm đầu chỉ huy của ông Kình.
Trước đó, đỉnh điểm vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4/2017, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.
Tuy nhiên, cũng dưới thời ông Chung, UBND TP Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an TP Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.
Trong diễn biến khác, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự gồm các tri thức và người dân Việt Nam đã khởi xướng một đơn yêu cầu khẩn cấp gửi các lãnh đạo chính quyền và tiến hành thu thập chữ ký với nội dung sau:
“Coi ông Bùi Viết Hiểu là nhân chứng đặc biệt, phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt; tốt nhất nên chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý” vì ông là người chứng kiến một cảnh sát đã bắn chết ông Lê Đình Kình từ phía trước.
Kiến nghị cũng yêu cầu nhà chức trách tạm ngưng xử vụ án và cử người của Quốc hội giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đồng thời làm rõ cái chết của ông Lê Đình Kình và mở vụ án độc lập điều tra về cái chết của ông Kình cũng như việc “mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu” nếu cần thiết.
Ông Bùi Viết Hiểu: Tôi không thấy ông Lê Đình Kình cầm lựu đạn!
Hôm 8-9, ông Bùi Viết Hiểu, nhân chứng duy nhất ở cùng với thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trước khi bị Cảnh sát cơ động bắn chết cho biết, ông không hề nhìn thấy ông Kình cầm lựu đạn và không ai đưa cho ông lựu đạn cả.
Theo biên bản ghi lại nội dung phiên tòa được luật sư Ngô Anh Tuấn phổ biến, luật sư Hà Huy Sơn hỏi ông Bùi Viết Hiểu về giờ phút cuối cùng của ông Lê Đình Kình.
“Cáo trạng nêu không đúng. Ông Kình bị bắn từ phía trước. Con cháu không bao giờ giao lựu đạn cho ông,” – ông Hiểu đáp.
Luật sư Sơn hỏi: “Vậy ông Kình cầm gì?”
– “Ông Kình cầm gậy đinh ba, phải dựa vào tường“, ông Hiểu trả lời.
“Ông có thấy ông Kình cầm lựu đạn không? – “Không!” – ông Hiểu đáp ngắn gọn.
Cựu binh Qđnd Việt Nam Bùi Viết Hiểu cũng nói rõ về các vết thương của mình:
“Sau khi ông Kình bị chết và chó tha đi thì họ bắn vào chân tôi và bắn thẳng vào ngực tôi nhưng đạn sượt nên không vào tim mà xuống sườn nên không chết.
Tôi bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, hai lỗ đại tràng“
Luật sư Sơn: “Ông có thể mô tả loại súng?”
“Tôi chỉ thấy nòng súng to như cổ tay!” – ông Hiểu nói.
Hỏi : Kinh nghiệm đi bộ đội ông nghĩ đó là loại súng gì?
Đáp: Đây là không phải là súng bộ binh mà là loại súng chạm nổ, chạm đâu nổ đấy để gây sát thương.
Việc có hay không lựu đạn trên tay ông Lê Đình Kình là chi tiết rất quan trọng dẫn đến việc cảnh sát cơ động nổ súng bắn nhiều viên về phía ông, tuy nhiên ông Hiểu khẳng định không có chuyện này.
Có 19 trong 29 bị cáo Đồng Tâm nói bị bức cung, nhục hình qua một câu hỏi của Luật sư Đặng Đình Mạnh.
“Tôi hỏi một câu chung với tất cả 29 bị cáo : Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay.”Luật sư Mạnh đưa ra câu hỏi.
“1,2 … rồi 10 cánh tay giơ lên. Nhưng vẫn có đến 19 cánh tay còn lại vẫn giữ xuôi theo người. Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay.” Luật sư Đặng Đình Mạnh kể lại.
Như vậy chỉ với một câu hỏi vặn ngược mà một sự thật bất ngờ được bộc lộ, đó là có 19 trên 29 bị cáo đã bị bức cung nhục hình.
Ông Lê Đình Công: “Tôi bị đánh mười ngày như một!”
Tối ngày 8-9-2020, luật sư Ngô Anh Tuấn công bố bản ghi chép về phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ hai cho thấy ông Lê Đình Công khai trong giai đoạn điều tra ông bị đánh hàng ngày bằng dùi cui cao su.
“Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh!” – ông Công trả lời câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh về việc có hay không bị cơ quan điều tra bức cung nhục hình.
Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ 7/9.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC hôm 8/9, luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định, với tốc độ xét xử như hiện tại, có thể phiên tòa có khả năng kết thúc sớm hôm thứ Năm 10/9.
Trong một diễn biến khác, mạng xã hội chia sẻ bức hình chụp Luật sư Ngô Anh Tuấn đang thực nghiệm tại hố kỹ thuật, nơi được Bộ Công an nói có 3 CSCĐ chết cháy, bức hình cho thấy một sợi dây điện sát tường vẫn còn nguyên, không hề có vết cháy, hơn nữa bức tường sát mép hố không hề có vết ám khói.
Trước đây rất nhiều người nghi vấn về nguyên nhân cái chết của 3 CSCĐ và đặt câu hỏi tại sao lại không tổ chức thực nghiệm điều tra, bởi lẽ đây là yếu tố quan trọng nhất để chứng minh khi VKS truy tố tội giết người.
‘Đây là phiên luận tội, không phải phiên tòa’
Chia sẻ với BBC từ Hà Nội, bạn trẻ An Nguyên cho biết: “Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án“.
“Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Đây như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự“, cô nhận định.
Còn người dùng Facebook Le Quang cho rằng tòa án Việt Nam có lẽ là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại cho phép chiếu một bộ phim tuyên giáo có dàn dựng ngay trong phiên tranh luận.
Anh viết: “Việc đưa ra một đoạn phim tuyên giáo (đã qua cắt dựng) có thể góp phần tạo ra thông tin ngụy biện gây tổn hại đến uy tín của tòa án, nhân chứng, nạn nhân, nghi can … hơn nữa, nó gây tổn thương đến niềm tin nơi công chúng. Đây là điều mà mọi người bình thường đều hiểu chứ không cần phải có kiến thức chuyên sâu.
Ở những xã hội chặt chẽ, người ta coi trọng tính ‘trang trọng’ và ‘phẩm giá’ của tòa, mọi tài liệu được công bố phải là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ nghiêm túc. Một đoạn phim đã qua dàn dựng được trình chiếu trước tòa có thể coi là nỗi sỉ nhục rất lớn cho bản thân chánh án lẫn cả nền tư pháp.
Nó không khác gì việc chiếu phim khiêu dâm trong phòng hội nghị cả”, người dùng Le Quang nhìn nhận.
Bạn trẻ Chung Sơn nói: “Nhìn vào những gì đang xảy ra, tôi cảm thấy bất lực, giận dữ vì một nhóm người dân đã bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng và cuối cùng bị ghép tội. Tôi không biết mình có thể làm gì được, càng ngày tôi cảm thấy đáng sợ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Tôi không thể nào tưởng tượng chính quyền lật lọng, tráo trở như vậy“.
Là người viết báo, nghiên cứu về chính sách, An Nguyên chia sẻ:
“Sự quan tâm của tôi không nằm ở việc đất đai thuộc về chính quyền hay người dân Đồng Tâm mà ở chỗ 4 giờ sáng ngày 9/1, đã có một cuộc tấn công của lực lượng công an vào nhà người dân. Cuộc tấn công này làm tôi cảm như mình ở một đất nước vô thiên, vô pháp. Tấn công xong thì bắt giam người, bắn chết người và bây giờ mở phiên tòa như thể tội lỗi toàn của nhân dân“.
“Ngày hôm qua sau khi quan sát phiên tòa, tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi cảm thấy giữa người với người nhưng có người lại cùng khổ như vậy. Nếu người ta nghèo, người ta còn có thể bấu víu vào lao động bản thân để thoát nghèo. Nhưng người dân Đồng Tâm, họ không biết bấu víu vào đâu vì làm gì có công bằng, công lý. 29 con người, 29 gia đình đã mất hẳn cuộc đời, tương lai chấm dứt. Bây giờ là năm 2020, ở ngay thủ đô Hà Nội của nước mình lại có những điều trớ trêu như vậy,” An Nguyên tâm sự.
“Tôi thấy có quá nhiều sự im lặng, từ giới hoạt động, giới tri thức, báo giới. Bản thân tôi cũng tự thấy mình hèn khi không thể làm gì khác hơn. Những người cách mình chỉ vài chục cây số, sống cùng đất nước nhưng họ đang phải chịu cảnh bất công, tàn bạo“, An Nguyên nhìn nhận.
© Thu Thủy tổng hợp
Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét