Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: “Chết mà không chôn được”! - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: “Chết mà không chôn được”!



Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: “Chết mà không chôn được”!. Hình minh họa. Công ty Gang Thép Thái Nguyên



Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Việt Nam hôm 16/9 khi lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho biết, số lượng DNNN trong tình trạng phải bị phá sản theo luật định là rất lớn, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp nhà nước bị phá sản trên thực tế rất thấp.

Trong khi Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 đã khẳng định DNNN phải bị giải thể, phá sản theo pháp luật về giải thể, phá sản. Pháp luật về giải thể và phá sản của Việt Nam, được áp dụng chung, không phân biệt DNNN hay doanh nghiệp tư nhân.

Vì sao DNNN thua lỗ không thể phá sản?

Vậy vì sao chính phủ không để doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, có thể phá sản?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 liên quan vấn đề này, nhận định:

Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là ‘chết mà không chôn được’... Tại vì nhiều khi họ thua lỗ đến mức phải cho phá sản, nhưng mà bởi vì những quyết định, công việc kinh doanh của họ còn tồn tại quá nhiều.-Phạm Chi Lan




Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là ‘chết mà không chôn được’... Tại vì nhiều khi họ thua lỗ đến mức phải cho phá sản, nhưng mà bởi vì những quyết định, công việc kinh doanh của họ còn tồn tại quá nhiều. Điển hình như 12 đơn vị kinh doanh thua lỗ mà họ đưa ra để xử lý, mà mãi có xong được đâu. Tất cả những chuyện đó còn nhùng nhằng quá nhiều giây mơ rễ má về nợ phải trả, phải đòi, và bao nhiêu quan hệ hợp đồng khác chưa giải quyết... Kể cả phần tài sản của nhà nước, đánh giá như thế nào, thu hồi như thế nào, giải quyết như thế nào? Thí dụ như phá sản thì giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ra sao?”

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương điển hình như: Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng; DAP số 2-Lào Cai; Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Nhà máy thép Việt-Trung; Nhà máy Đình Vũ; Công ty Gang thép Thái Nguyên... Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.


Theo bà Phạm Chi Lan, đối với doanh nghiệp nhà nước thì bao giờ cũng có quá nhiều thứ phức tạp và nếu phải giải quyết thì mất rất nhiều thời gian, cho nên tình trạng doanh nghiệp nhà nước ‘chết mà không chôn được’ cũng khá phổ biến ở Việt Nam và kéo dài cũng đã lâu. Bà cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước, đúng ra phải cố gắng trong đổi mới sáng tạo để làm sao nâng hiệu quả của chính mình và lôi kéo các ngành hàng cùng đổi mới theo hướng sáng tạo sao cho phù hợp với xu hướng chung của Việt Nam. Lâu nay nhà nước cũng nói nhiều tới việc đổi mới nhưng chưa có gì rõ rệt. Thậm chí có khi những hình ảnh không đẹp về doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói:

“Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do có lẽ là do có sự trợ giúp của bộ máy nhà nước bằng nhiều cách. Một là trợ giúp về pháp lý, quyền kinh doanh, cũng có thể là trợ giúp về ngân sách. Thứ hai nữa là một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ có thua lỗ nhưng khó phá sản bởi vì họ kinh doanh những ngành nghề chủ lực, thí dụ như logistics, hàng không, hay đường sắt... tất cả những lĩnh vực đó rất khó để phá sản. Còn một điều nữa, một số các doanh nghiệp như vậy có quy mô rất lớn, cho nên nếu để cho các doanh nghiệp đó phá sản thì tác động về mặt kinh tế xã hội sẽ rất lớn. Cho nên tôi nghĩ vì nhiều lý do kinh tế và xã hội thì cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều tránh làm thủ tục phá sản.”

Theo Bộ KHĐT, một trong những nguyên nhân thua lỗ là do việc quản trị DNNN trên thực tế còn có khoảng cách so với thông lệ quốc tế, do đó DNNN chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tại các DNNN, mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước chưa thực sự rõ ràng, chưa nhất quán với mục tiêu đầu tư vốn nhà nước. Như việc dùng vốn nhà nước ngoài ngành, ngoài lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước theo quy định số 69 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước.




Ảnh hưởng nền kinh tế như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng việc để cho DNNN thua lỗ kéo dài có thể còn gây thiệt hại nhiều hơn những thiệt hại do phá sản gây ra:

“Càng kéo dài thì thua lỗ có giải quyết được đâu, càn kéo dài thì thua lỗ lại càng tăng lên, nhiều khi nhà nước phải bỏ tiền ra bao cấp cho họ sống... Chi phí để giữ cho họ tồn tại nhiều khi lớn hơn rất nhiều so với những chi phí ví dụ như bán rẻ doanh nghiệp đó đi để giải tán nó, những tài sản của nó để lại cho người khác sử dụng có hiệu quả hơn. Dù bán lỗ doanh nghiệp nhà nước thì cũng tốt hơn là duy trì tiếp nó. Bởi vì càng duy trì thì càng phải đổ tiền đổ của vào, đó là một thất thoát của nhà nước khi phải nuôi doanh nghiệp thua lỗ kéo dài mà không phục hồi được nữa.”


Hình minh họa. Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai Courtesy of daplaocai.com.vn

“Càng kéo dài thì thua lỗ có giải quyết được đâu, càn kéo dài thì thua lỗ lại càng tăng lên, nhiều khi nhà nước phải bỏ tiền ra bao cấp cho họ sống... Chi phí để giữ cho họ tồn tại nhiều khi lớn hơn rất nhiều so với những chi phí ví dụ như bán rẻ doanh nghiệp đó đi để giải tán nó, những tài sản của nó để lại cho người khác sử dụng có hiệu quả hơn. Dù bán lỗ doanh nghiệp nhà nước thì cũng tốt hơn là duy trì tiếp nó. Bởi vì càng duy trì thì càng phải đổ tiền đổ của vào, đó là một thất thoát của nhà nước khi phải nuôi doanh nghiệp thua lỗ kéo dài mà không phục hồi được nữa.”

Thứ hai theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tất cả những tài sản, tài nguyên mà DNNN thua lỗ đang nắm giữ, do không khai phá sản nên không thể nào giải tỏa cho đơn vị khác cần dùng và có thể chủ thể khác có thể dùng hiệu quả hơn. Bà nói tiếp:




“Đây cũng là một bế tắc lớn của nền kinh tế, nó làm kém hiệu quả sử dụng tài nguyên, tài sản của nhà nước. Bởi vì tài sản mà cứ giao cho những người không sử dụng được mà để chết ở đấy, thì nó cũng là cho tài sản càng ngày càng mất giá. Trong khi đó có những người cần tài sản đó để mà sử dụng như doanh nghiệp tư nhân, kể cả cho đầu tư nước ngoài, hoặc sử dụng vào mục đích khác thì đều không giải tỏa được. Ví dụ như nguồn lực đất đai, nếu họ dở nhà máy đi thì có thể xây dụng trường học, bệnh viện, hay làm các mục đích dân sự khác, chứ không nhất thiết là kinh doanh. Nhưng làm cái gì thì cũng tốt hơn nhiều cho xã hội, cho nền kinh tế, thay vì cứ để những mảnh đất nằm trong tay họ như thế.”

Hiến pháp1992 ghi rõ chủ đạo nền kinh tế giao cho Tập đoàn Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, khu vực kinh tế Nhà nước. Vào năm 2013, trong quá trình thảo luận về Hiến pháp sửa đổi thì có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho là không nên đưa ‘kinh tế Nhà nước là chủ đạo’ vào Hiến pháp. Bởi vì như vậy sẽ được hiểu là doanh nghiệp Nhà nước là thành phần nòng cốt, đứng đầu nền kinh tế, tức là đặt cho nó rất nhiều vai trò mà nó không thể nào đảm đương hết được.

Tuy nhiên Hiến pháp sửa đổi 2013 vẫn quy định ‘kinh tế Nhà nước là chủ đạo’.

Theo kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tôi nghĩ trong một số trường hợp nhất định, chúng ta nên để cho doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện một sự tàn phá sáng tạo như thế. -TS. Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài Chính, khi trả lời RFA nhận định:

“Hiện với tỷ trọng của doanh nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả so với các thành phần kinh tế khác thì đây là vấn đề cấp bách. Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nhìn chung thường làm ăn không có hiệu quả bởi rất nhiều vấn đề. Ngoài vấn đề mục tiêu kinh doanh còn vấn đề về mặt chính trị. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Còn để những tập đoàn của nhà nước mà làm ăn kém hiệu quả thì coi như là gây thất thoát, lãng phí, coi như của cải xã hội sẽ mất dần mà cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi của ngân sách nhà nước. Rất nhiều tập đoàn làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, có nghĩa là tiền thuế của dân đội nón ra đi.”




Nhiều người cho rằng, khả năng cải cách, cơ hội cải cách thì bao giờ cũng có. Tuy nhiên những người lãnh đạo có đủ quyết tâm chính trị để làm hay không, và có làm tới nơi tới chốn hay không? Nếu Việt Nam làm công khai minh bạch, xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách, thì có lẽ sẽ không có chuyện Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: “Chết mà không chôn được”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm:

“Theo kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là người lao động vẫn còn, máy móc vẫn còn, bây giờ phải có ông chủ mới đầu tư vào đó, thì lúc bấy giờ có thể sẽ có một con phượng hoàng từ đống tro tàn bay lên. Cho nên tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn khó khăn, cũng có thể có đau đớn, giám đốc cũ có thể bị sa thải, phải chịu trách nhiệm, nhưng nhà máy có thể sẽ hồi sinh. Tôi nghĩ trong một số trường hợp nhất định, chúng ta nên để cho doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện một sự tàn phá sáng tạo như thế.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lãng phí về nhân tài vật lực của doanh nghiệp nhà nước, khi đáng lẽ phá sản mà không cho phá sản được, cũng đã góp một phần vào việc gây kém hiệu quả của kinh tế Việt Nam lâu nay, nhất là những nguồn lực cần thiết. Đồng thời nó cũng làm cản trở các doanh nghiệp hoặc đối tác khác trong xã hội có thể phát triển, vì không có nguồn lực để sử dụng.


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages