Chính sách quốc phòng "Bốn Không" của Việt Nam và thực tế ở Biển Đông - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Chính sách quốc phòng "Bốn Không" của Việt Nam và thực tế ở Biển Đông



Tầu sân bay Mỹ USS Nimitz từng tham gia tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông vào tháng 07/2020. Ảnh minh họa, chụp gần cảng Busan, Hàn Quốc, ngày 11/05/2013. AP - Lee Jin-man



Từ đầu năm 2020, Trung Quốc thúc đẩy cường độ và quy mô các cuộc tập trận ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng tăng cường các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải. Căng thẳng giữa hai cường quốc tăng thêm một bậc khi Washington bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.

Không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Sách trắng Quốc Phòng Việt Nam 2019 (công bố tháng 11/2029) đã lưu ý đến « các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực » (tr. 20).

Ngoài ra, Biển Đông hiện trở thành « điểm nóng » cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột. Trước sự cạnh tranh và đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, khối ASEAN từ chối chọn phe. Việt Nam duy trì chiến lược cân bằng giữa các cường quốc và chủ trương chính sách « Bốn Không » : không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.




Điểm « Không » thứ tư được chính thức đưa vào Sách trắng Quốc Phòng Việt Nam 2019. Trước đó, chính sách « Ba Không » xuất hiện lần đầu tiên năm 1998, sau đó được tiếp tục nêu trong sách trắng những năm 2004 và 2009.

Tình hình Biển Đông hiện nay với những căng thẳng Mỹ-Trung có tác động đến chính sách « Bốn Không » của Việt Nam không ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).


RFI : Theo ông, tình hình hiện nay ở Biển Đông có tác động đến chính sách « Bốn Không » của Việt Nam không ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là tình hình đang thay đổi thực sự. Bối cảnh hiện nay đã rất khác, trật tự hậu Chiến tranh lạnh bị suy yếu rõ ràng. Hiện nay, Trung Quốc phản đối hoàn toàn trật tự tồn tại ở châu Á từ cuối Thế Chiến II, về nền Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) mà Bắc Kinh coi là chiến lược vây tỏa. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể hiểu được sự thay đổi lập trường của Trung Quốc.

Yếu tố thứ hai cần nhắc đến, đó là giai đoạn hiện nay vô cùng bấp bênh bởi vì ba nước chính trong vùng đang trong bối cảnh chính trị nội bộ rất quan trọng. Tại Trung Quốc, đảng Cộng Sản kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2021. Đây là thời điểm rất quan trọng về mặt huy động quần chúng ủng hộ đảng Cộng Sản. Đối với chủ tịch Tập Cận Bình, khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng cho chính quyền Trung Quốc.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta biết là tổng thống Donald Trump vận động để tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào đầu tháng 11/2020. Vì thế, phải chứng tỏ được tinh thần dân tộc cao nhất có thể, đồng thời đây cũng là một thách thức chính trị nội bộ Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, Đại Hội đảng Cộng Sản XIII sắp diễn ra (dự kiến vào đầu năm 2021) với sự kiện bầu ra một dàn lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước. Vì thế, yếu tố yêu nước cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng để thể hiện rằng Đảng bảo vệ đất nước, Đảng cố gắng hết sức và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Việt Nam bằng mọi giá. Có thể nói bối cảnh hiện nay rất sôi sục và rất đặc biệt.

Ý thứ hai, để trả lời câu hỏi : Liệu chính sách « Bốn Không » còn thích hợp trong bối cảnh biến động này không - bối cảnh được coi là tái lập trật tự có từ sau Chiến tranh lạnh ? Cần phải biết là chính sách « lúc nóng, lúc lạnh » mà ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiến hành ở Đông Nam Á khá chệch với thực tế chính trị và lịch sử của đa số các quốc gia trong vùng. Tôi hơi ngạc nhiên là đội ngũ cố vấn của ngoại trưởng Mỹ đã không giải thích cho ông ấy rằng ở Đông Nam Á có truyền thống từ xưa là duy trì chính sách cân bằng giữa các cường quốc, cũng như là các nước trong vùng luôn bận tâm về nguy cơ một nước thứ ba gây ra một cuộc chiến trong khu vực.




Việt Nam như đang trở thành con tin trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài từ vài tháng nay, đầu tiên là căng thẳng thương mại, tiếp theo là quan hệ thương mại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và hiện giờ là chính sách ngày càng hiếu chiến hơn giữa các bên liên quan đến Biển Đông.

Có thể nói sự pha trộn các yếu tố bên ngoài đang đối đầu trực tiếp với những lợi ích và lịch sử của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, về vấn đề Biển Đông. Đây là điều cần phải lưu ý !

RFI : Trong bối cảnh hiện nay, chính sách « Bốn Không » có những lợi ích và bất lợi nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên, cần phải nhắc lại là hiện Việt Nam không có ý định xem xét lại chính sách « Bốn Không ». Thực ra, chính sách đối ngoại của đa số các nước trên thế giới cũng được xây dựng theo kiểu chiến lược này, trong đó có Việt Nam, quốc gia luôn có chuyện với nước láng giềng là một cường quốc, và không phải lúc nào cũng dễ dàng xử lý được.

Chính sách này được triển khai từ nhiều thập niên trước đây dựa trên thực tế chính trị, kể cả trong thời Chiến tranh lạnh. Nhưng thực tế chưa bao giờ để Việt Nam được tự do xác định chính sách đối ngoại, mà phải dung hòa với một ràng buộc, một nền độc tài trong vùng, như nhiều nhà phân tích vẫn nói, Việt Nam phải quản lý cả tính chất khó lường của Trung Quốc.

Do đó, Hà Nội không thể quyết định một sớm một chiều việc xem xét lại hoàn toàn chiến lược duy trì cân bằng hay nguyên tắc trung tâm của chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với tính hiếu chiến gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại vì, xét về khía cạnh kinh tế và chính trị, thậm chí là cả về chiến lược, hai nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nguyên lý này từng được nhà chính trị Nguyễn Trãi đề cập đến từ thế kỷ 15 rằng mối quan hệ với Bắc Kinh được lần lượt hình thành từ hợp tác và đối đầu. Thực tế đang diễn ra như vậy, và nhất là đang đến gần kỳ Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 (diễn ra 5 năm một lần). Cứ gần đến sự kiện này thì căng thẳng song phương lại nổi lên cùng với các cuộc đàm phán cũng được tổ chức liên tục.




Bối cảnh hiện nay còn đặc biệt hơn vì có các nhân tố nước ngoài can thiệp, có vẻ khiêu khích hơn như tôi đã đề cập ở trên, nhưng cũng vì đây là giai đoạn điều chỉnh lại, chuẩn bị bổ nhiệm các chức vụ và xem xét, đánh giá mối quan hệ Việt-Trung.

RFI : Trước sự đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày càng rõ nét với sự hiện diện của Mỹ, hiện Việt Nam « lách » chính sách « Bốn Không » như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : « Lách » thế nào ? Đây là một câu hỏi thực sự. Khi họp vào tháng 06/2020, khối ASEAN đã khó xác định được quan điểm rõ ràng trước diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Bản thông cáo của khối có vẻ thận trọng và mập mờ, chỉ nhấn mạnh vào thái độ quan ngại của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng quân sự trong vùng, và không đề cập nhiều đến những vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra giữa lực lượng tuần duyên hoặc ngư dân Trung Quốc và Việt Nam ở Hoàng Sa và Biển Đông. Chí ít, các bên ký thông cáo, trong đó có Việt Nam, cũng nêu lên rằng những gì đang xảy ra, nếu căng thẳng gia tăng, đó là do các nhân tố bên ngoài ASEAN.

Sau đó, có vẻ kín đáo hơn, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc và Việt Nam gặp nhau vào tháng 07/2020, để cố tìm ra một giải pháp. Sau sự kiện này, có một điểm có thể không được nói nhiều lắm, đó là phía Việt Nam ra quyết định chấp nhận đền bù khoảng 1 tỉ đô la cho các tập đoàn dầu khí quốc tế để hủy thăm dò ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh yêu cầu và mạnh mẽ gây sức ép. Sau đó, như có phép mầu, Ngân hàng Đầu tư châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, thông qua khoản tín dụng 100 triệu đô la cho một ngân hàng thương mại Việt Nam (VPBank). Kể từ khi ngân hàng AIIB được thành lập, lần đầu tiên một quyết định như vậy được đưa ra.

Chúng ta thấy rõ đây không phải là một kiểu công khai đối đầu mà là thương thuyết. Điều này cho thấy mong muốn tránh đối đầu trực diện.




RFI : Liệu Bắc Kinh có thể tận dụng chính sách « Bốn Không » của Việt Nam như một điểm yếu để áp đặt chính sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông vì biết rằng Hà Nội sẽ không tham gia liên minh quân sự ?

Benoît de Tréglodé : Thách thức nằm ở khối ASEAN. Vấn đề nằm ở chỗ phải thực sự cân nhắc vấn đề Biển Đông, cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cho tương lai của chính sách « Bốn Không » của Việt Nam và phần nào đó, cho tương lai của các chính sách ngoại giao, quốc phòng của các nước ASEAN với Bắc Kinh và Washington. Một lần nữa cần phải nhắc lại là sẽ không có khả năng xem xét lại hoàn toàn trật tự đã được thiết lập trong quan hệ giữa các cường quốc. Đây là điểm rất quan trọng !

Vấn đề tiếp theo là những căng thẳng hiện nay, đôi khi do Mỹ và Trung Quốc khích động, chưa có được giải pháp trên thực địa, ngay cả giữa các bên có liên quan, về những tranh chấp hàng hải, chủ quyền ở Đông Nam Á, có nghĩa là giữa Việt Nam với Philippines, với Malaysia hay Brunei.

Có nghĩa là có hai vấn đề cùng lúc khiến chính sách « Bốn Không » khó có thể bị từ bỏ bởi vì không có nhiều giải pháp rõ ràng được đề xuất thay thế. Những mối liên hệ đan xen về kinh tế, chính trị và chiến lược giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn hiện hữu, vì thế không phải Việt Nam có thể thay đổi đối tác và đổi hướng, như phía Washington thỉnh thoảng vẫn thích nhắc đến. Theo tôi, khả năng này khó xảy ra và quá nguy hiểm về mặt chính trị cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp.


© Thu Hằng
    RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages