Các bé sơ sinh bị mắc kẹt trong thảm hoạ Virus Corona - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Các bé sơ sinh bị mắc kẹt trong thảm hoạ Virus Corona


...Trẻ thơ là báu vật mà Thượng Đế ban tặng cho loài người để xoa dịu những khổ đau và mất mát của thế gian. (Lâm Vũ)...
Nguồn: Lizzie Widdicombe, The Stranded Babies of the Coronavirus Disaster | The New Yorker, 20/7/2020. A Brooklyn couple’s daughter was due to be born in April, to a surrogate in Ukraine. Then the virus struck.


Con gái của một cặp vợ chồng tại Brooklyn (New York) được dự sinh vào tháng Tư, bởi một người mang thai hộ tại Ukraine. Rồi virus đã tấn công.

Chuyện tình của Ben và Abbie Rosenberg bắt đầu theo cách thật lỗi thời. Không phải cuộc gặp gỡ ban đầu của họ đã diễn ra trên ‘Jdate’ - một trang web hẹn hò của người Do Thái, mà sự tán tỉnh giữa họ diễn ra chủ yếu bằng văn bản. Cả hai đều sống ở New York vào thời điểm đó, nhưng Abbie - người lập kế hoạch cho các sự kiện, đang đi công tác, để mở một nhà hàng ở Miami, khi Ben lần đầu nhắn tin cho nàng. Sau đó Ben đi thăm gia đình ở Israel. Họ trao đổi tin nhắn qua trang Jdate, rồi chuyển qua e-mail, tin nhắn qua điện thoại, các cuộc gọi qua Skype và cuối cùng là các chế độ xem đồng bộ khi nói chuyện qua điện thoại. Một tháng sau, khi họ gặp nhau lần đầu ở ngoài đời, “chúng tôi đã là bạn bè và đang chuẩn bị yêu nhau”, Abbie nhớ lại. Ben đỗ xe cạnh Công viên Fort Greene rồi Abbie ngồi vào ghế phụ. Họ nắm tay nhau và nói chuyện rất lâu khiến động cơ chết máy.

Ba năm sau, họ kết hôn và cố gắng có con. Lúc đó, cả hai đều đã ba mươi tám. Mong muốn sinh con luôn thổn thức trong họ. Abbie, vóc người nhỏ nhắn với mái tóc nâu sẫm, đang điều phối các sự kiện tại Chelsea Market, một trung tâm mua sắm lạ mắt tại Manhattan. Ben, với bộ râu tỉa khéo, đang quản lý vài bất động sản ở Queens. Bạn bè của họ đã có con hết cả. Abbie nói: “Ngay lập tức, chúng tôi biết rằng đây sẽ là bước tiếp theo - trở thành cha mẹ”. Nhưng Abbie gặp khó khăn khi mang thai. Có một số vấn đề y tế, nàng đã cắt bỏ khối u xơ tử cung, và đã trải qua một loạt các phương pháp điều trị sinh sản, nhưng tất cả đều thất bại. Sau nhiều năm liên tục thử nghiệm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, những cuộc thăm khám bất tận của các bác sĩ, các ứng dụng theo dõi rụng trứng trên điện thoại, các cú điện thoại chỉ để chuốc lấy thất vọng, nàng đã quyết định ngừng cố gắng mang thai. “Tôi đã tự nhủ, ‘Hãy quên nó đi. Mình chỉ muốn làm mẹ. Hãy nhận con nuôi’", Abbie nói.




Một người bạn thân đã giúp họ liên hệ với một cơ quan nhận con nuôi ở Texas, và họ đã bay xuống đó vào cuối tuần để tìm hiểu. Ở đó, họ đã tìm hiểu về tính phức tạp của nỗ lực nhận con nuôi, bao gồm cả việc, trong một số trường hợp nhận con nuôi công khai, người mẹ đã tự chọn cha mẹ nuôi cho con ruột của mình. Tại một số tổ chức, toàn bộ quá trình cũng được gói gọn trong giáo lý ủng hộ sự sống của Kitô giáo. Họ đã xem một video về một cô gái tuổi teen khóc lóc khi cô trao đứa con của mình cho một cặp cha mẹ nuôi. Trên đường trở về New York, Ben nói: “Điều này không phù hợp với chúng mình. Mình đừng làm điều này nhé”. Họ vẫn muốn có con, nhưng bước tiếp theo của họ không rõ ràng. Bác sĩ của họ trước đó đã khuyên rằng họ nên thử nhờ người đẻ thuê, thuê một người phụ nữ khác mang thai hộ, nhưng quá trình này sẽ tốn hơn một trăm nghìn đô-la, nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Sau đó, chị gái một người bạn của họ đã đồng ý mang thai hộ với mức phí danh nghĩa là hai mươi nghìn đô-la. Họ đã tới tiểu bang New Mexico, nơi người chị gái kia đang sống, để làm các thủ tục y tế, nhưng hai chiếc phôi của họ đã thất bại trong việc cấy ghép.

Vào một đêm nọ, sau chuyến đi tới Texas, khi Abbie đang tổ chức một sự kiện tại Chelsea Market, một trong những vị khách, một người đàn ông gốc Latvia, nói chuyện với nàng về một người bạn của ông đang chuẩn bị có con nhờ một người mang thai hộ tại Ukraina, nơi mà quá trình này chỉ tốn kém một phần nhỏ so với Hoa Kỳ. Abbie rung động mãnh liệt. Nàng lớn lên ở Massachusetts, nhưng gia đình nàng có nguồn gốc Ukraine: “Mẹ tôi luôn nấu thịt gà theo kiểu Kiev”, nàng nói. Nàng đăng ký tham gia vào một nhóm trên Facebook có tên là ‘Intends Parent Surrogacy Support Ukraine’, nơi nàng tìm thấy các cặp vợ chồng hiếm muộn từ khắp nơi trên thế giới - Ấn Độ, Australia, Anh – tiến hành giao dịch. Vài tuần sau, vợ chồng nàng đã đăng ký với một cơ quan hỗ trợ sinh sản nhỏ tại Ukraina tên là ‘New Hope’ - tổ chức giúp họ tìm người mang thai hộ phù hợp, một phụ nữ ba mươi tuổi sống ở ngoại ô thành phố Kiev. Đó là lần thứ hai người phụ nữ kia làm việc này. Abbie nói: “Tôi thấy thật đáng khích lệ khi cô ấy quay trở lại để làm lại”. Đến tháng Tám năm 2019, người mang thai hộ đã mang thai đứa con của vợ chồng nàng, một bé gái mà họ đã quyết định đặt tên là Odessa, vừa mang tên một thành phố của Ukraina, vừa là tên người anh hùng trong trường ca “Odyssey’ của Homer. Mặc dù họ chưa bao giờ gặp nhau nhưng hai người phụ nữ đã thành bạn thông qua tin nhắn trên Facebook. Họ đã chia sẻ hình ảnh của những con mèo mà họ nuôi, và bức ảnh mẹ của họ - hai người mẹ đã cùng qua đời vào năm đó. Abbie nói: “Chúng tôi đã cùng nhau khóc khi nói chuyện với nhau”.

Bé Odessa đã được dự sinh vào ngày 24 tháng Tư, và vợ chồng nàng đã dự định đến sớm một tháng để chuẩn bị. Đến tháng Ba, COVID-19 đã choán những dòng tít lớn trên các mặt báo. Abbie và người mang thai hộ trao đổi những tin nhắn đầy lo lắng. “Tôi rất lo cho chị”, người phụ nữ Ukraina đã viết, sau khi xem một bản tin về virus tại New York. Nhưng các chuyến bay giữa New York và Kiev vẫn đang tiếp tục, và không ai chắc chắn tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Abbie nói: “Chúng tôi cảm thấy như, ‘Nó sẽ thành công’ ”. Thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra. Các cuộc tụ họp công cộng đã bị hủy bỏ. Vào ngày 9 tháng Ba, Abbie đã bị cho nghỉ việc, cùng với các thành viên còn lại trong nhóm của nàng, ngay trước khi lệnh cách ly xã hội của thành phố có hiệu lực. Các nước trên thế giới bắt đầu ban hành lệnh hạn chế đi lại. “Chúng tôi đã quan sát với tất cả sự kinh ngạc”, Abbie nói. Vào ngày 15 tháng Ba, Ukraina đã đóng cửa biên giới. Các chuyến bay đến Kiev đã bị hủy.




Vợ chồng nàng điên cuồng gửi email cho Julia Osiyevska, người điều hành tổ chức ‘New Hope’, nhưng, như mọi người khác, Julia cũng bất lực. Khi cô liên lạc với Bộ Ngoại giao Ukraine thay mặt cho vợ chồng nàng, cô nói với tôi: “Từ đầu tiên từ các quan chức là, ‘Có lẽ họ sẽ mở cửa biên giới vào tháng Chín’.” Những gì đã bắt đầu giống như một bi kịch nhỏ - vợ chồng nàng có thể không kịp có mặt vào ngày con gái họ ra đời, vì ngày đó đã rất gần. Theo luật pháp Ukraina, trẻ sơ sinh khỏe mạnh chỉ được phép ở lại bệnh viện trong hai mươi tám ngày. Sau đó, Osiyevska sẵn sàng đưa bé Odessa về nhà, nhưng bệnh viện phụ sản nói rằng bé chỉ có thể được xuất viện với cha mẹ hợp pháp của mình. Giám đốc bệnh viện đề nghị một kế hoạch thay thế: khi thời gian trong hợp đồng của cô kết thúc, bé Odessa sẽ được chuyển đến một trại trẻ mồ côi gần đó. Bệnh viện sẽ thuê một nơi có các y tá chăm sóc các em bé được sinh ra bởi những người mang thai hộ, và không có du khách nào được phép đến đó, do COVID-19. “Cuối cùng tôi cũng bắt đầu khóc”, Abbie nói với tôi. “Chị nghĩ gì về ‘một trại trẻ mồ côi’ dành cho bé Oddessa?”.

Vợ chồng nàng không phải là trường hợp cá biệt. Khi virus lây lan, và sự di chuyển bị phong tỏa, các cặp cha mẹ hiếm muộn trên toàn thế giới đột nhiên thấy mình bị cách biệt hàng nghìn cây số với những bé sơ sinh mà trên thực tế là con của họ. Mang thai hộ vì mục đích thương mại ngày càng phổ biến, nhờ một số yếu tố hội tụ: những tiến bộ trong công nghệ sinh sản, làn sóng của đạo luật hạn chế nhận con nuôi, sự gia tăng các quyền của người đồng tính, và thực tế là phụ nữ ở các nước phát triển ngày càng sinh con muộn hơn, dẫn đến nhiều vấn đề với khả năng sinh sản. Nhưng mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng bị coi là bất hợp pháp ở hầu hết các nơi trên thế giới, bao gồm hầu hết các quốc gia trên lục địa châu Âu. Những người phản đối việc này cho rằng nó khiến người mang thai hộ dễ bị lợi dụng, đặc biệt nếu họ nghèo, và tạo ra rủi ro cho trẻ em. (Một số quốc gia, chẳng hạn như Australia và Vương quốc Anh, cho phép mang thai vì mục đích phi thương mại.)


Kết quả là, hàng năm, hàng nghìn cặp cha mẹ hiếm muộn sẽ ra nước ngoài, đến một số quốc gia nơi việc mang thai hộ là hợp pháp. Một trong những điểm đến lớn nhất là Hoa Kỳ, nơi có công nghệ sinh sản tiên tiến và luật pháp dễ dãi nhất: cả những cặp đồng giới và những người chưa kết hôn đều có thể sinh con thông qua người mang thai hộ. Nhưng chi phí nằm ngoài tầm với của nhiều người, và, trong thập kỷ qua, Ukraina đã nổi lên như một sự thay thế rẻ hơn. Những người phụ nữ Ukraina mang thai hộ đã sinh ra vài nghìn em bé mỗi năm, phần lớn trong số các bé này có cha mẹ là người nước ngoài. Đất nước này có khoảng năm mươi phòng khám sinh sản và nhiều tổ chức đang hoạt động như người trung gian, kết nối các cặp vợ chồng hiếm muộn với người hiến trứng và người mang thai hộ.

COVID -19 đã đẩy hệ thống này vào hỗn loạn. Không có con số chính thức về số lượng trẻ sơ sinh bị mắc kẹt trên khắp thế giới do đại dịch. Robin Pope, một luật sư có trụ sở tại Oregon, đại diện cho các bậc cha mẹ sinh con bằng phương pháp mang thai hộ, ước tính rằng có ít nhất hai trăm trẻ sơ sinh bị mắc kẹt tại Mỹ, được chăm sóc bởi một mạng lưới thay thế ngẫu nhiên, người thân, y tá và các hội viên của những hội bác ái. Robin nói với tôi rằng con trai của một trong những khách hàng Trung Quốc của cô vẫn đang được chăm sóc bởi người phụ nữ mang thai hộ. Người cha của bé trai này không thể bay đến Mỹ được, và đứa con của anh ta đã gần năm tháng tuổi, Robin nói. Theo giám sát viên nhân quyền của Ukraina, ít nhất một trăm hai mươi lăm trẻ sơ sinh đã bị mắc kẹt lại Ukraina kể từ khi đại dịch bắt đầu.




Vấn đề này đã trở nên nóng hổi trên truyền thông khi tổ chức bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ lớn nhất tại Ukraina, BioTexCom, công bố một video cho thấy bốn mươi lăm trẻ sơ sinh đang la hét ầm ĩ được xếp thành hàng trong xe đẩy dưới đèn chùm của phòng khiêu vũ tại một khách sạn. Tổ chức này đã biến khách sạn mà nó sở hữu thành một nhà trẻ khổng lồ dành cho các trẻ sơ sinh đang chờ đợi cha mẹ chúng đón về nhà. Một số ít y tá chạy đi chạy lại giữa những đứa trẻ, cho chúng ăn và âu yếm chúng. “Chúng tôi cho cha mẹ xem các bé trực tuyến qua mạng và những nhà quản lý của chúng tôi sắp xếp các cuộc gọi video”, một trong những y tá nói trong một đoạn phim tường thuật không kèm chân dung người trả lời. “Thật đau lòng khi thấy các bậc cha mẹ nhớ những thiên thần bé bỏng này như thế nào”. Đoạn video đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt tại Ukraina về ngành công nghiệp mang thai hộ của đất nước. Một số chính trị gia kêu gọi cấm cung cấp dịch vụ này cho người nước ngoài. Mykola Kuleba, Ủy viên Hội đồng về Quyền trẻ em của đất nước, than thở rằng Ukraina đã trở thành một “cửa hàng trực tuyến quốc tế để bán trẻ em”. Đoạn video cũng làm sống lại những lời chỉ trích của BioTexCom: công ty này liên quan đến một vụ án đầy tai tiếng khi một cặp cha mẹ đã bỏ đứa con của họ lại Ukraine vì bé có vấn đề về sức khỏe sau khi sinh ra. Năm 2019, giám đốc của công ty, Albert Tochilovsky, bị quản thúc tại gia một thời gian ngắn, sau các cáo buộc buôn bán trẻ em, giả mạo tài liệu và tránh thuế. (Người phát ngôn của công ty lưu ý rằng giám đốc không bị kết án, nói rằng, “Ông bị buộc tội, nhưng cuộc điều tra đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào”).

Osiyevska, giám đốc tổ chức ‘New Hope’ đã sốc bởi video của BioTexCom. “Hình ảnh” – về ngành công nghiệp này – “thật sự tồi tệ”. Osiyevska điều hành một tổ chức nhỏ hơn nhiều so với BioTexCom, nhưng công việc trong tổ chức của cô vẫn luôn quá tải: ngoài bé Odessa, cô chịu trách nhiệm cho bốn em bé có ngày dự sinh vào tháng Tư và tháng Năm. Phải mất vài tháng để cha mẹ của các bé có thể đón con mình, do đại dịch. “Đó là một cơn ác mộng”, cô nói. "Tôi đã muốn chết." Cô không cảm thấy thoải mái khi đặt chúng trong sự chăm sóc của những người giữ trẻ, như một số tổ chức khác đang làm. “Nếu xảy ra vấn đề y tế nào đó, và đứa bé chết, liệu Chúa có tha thứ cho chúng ta không?”, cô nói. "Ai sẽ chịu trách nhiệm?" Cô đã đưa ra một kế hoạch dự phòng: nếu vợ chồng Rosenberg không thể đến Ukraine trong vòng hai mươi tám ngày, thì bé Odesssa sẽ được chuyển từ bệnh viện phụ sản đến một bệnh viện công ở Kiev. Điều này chỉ tốt hơn một chút so với trại trẻ mồ côi. Marjorie Rosenthal, bác sĩ nhi khoa tổng quát tại Trường Y của Đại học Yale, nói với tôi rằng hầu hết các em bé ở lại hàng tuần hoặc hàng tháng trong bệnh viện hoặc nhà trẻ sẽ có thể hoàn toàn ổn, đặc biệt nếu chúng về nhà với cha mẹ đầy tình yêu thương. Nhưng não trẻ sơ sinh phát triển thông qua sự tương tác với người chăm sóc. “Mọi người đều lo lắng rằng nếu một người chăm sóc phải lo cho quá nhiều bé, và nhu cầu của các bé không được đáp ứng, hoặc họ không tương tác với các bé, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ cho các vấn đề về sự phát triển của các bé”, Rosenthal nói.

Trên Facebook, các phụ huynh đang trao đổi tin nhắn với nhau trong hoảng loạn. Rào cản đầu tiên họ gặp phải là bộ máy quan liêu: xin visa vào Ukraine trong khi biên giới nước này bị đóng cửa. Điều này đã trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là một số quốc gia, chẳng hạn như Australia, đã đóng cửa văn phòng cấp thị thực của họ trong bối cảnh đại dịch. Các cặp cha mẹ hiếm muộn tại các quốc gia phản đối việc mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng cảm thấy khó khăn khi đến Ukraina. Vợ chồng Rosenberg không gặp phải vấn đề này, nhưng vẫn khó có thể vượt qua lệnh cấm đi lại. Vào tháng Tư, họ bắt đầu không ngủ được, thức suốt đêm để có thể gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ tại Kiev ngay khi nó mở cửa. Các quan chức đã thông cảm, nhưng không làm được điều gì hữu ích. “Họ không thực sự biết phải nói gì với chúng tôi”, Abbie nói. Họ đổ trách nhiệm cho nhau, liên lạc “với bất kỳ ai biết bất kỳ ai” trong chính quyền: một người bạn đã từng làm việc cho Chuck Schumer, một đồng nghiệp có mối liên hệ với Chelsea Clinton, một trong số những người họ hàng của Ben, người đã tuyên bố sẽ vận động hành lang cho Jared Kushner. Cuối cùng, Ryan Lehman, một nhân viên trong văn phòng của Sean Patrick Maloney, một thượng nghị sĩ của tiểu bang New York, đã thương xót cho họ và bắt đầu thay mặt họ để gọi điện cho các cơ quan của chính phủ.




Thử thách tiếp theo là vấn hậu cần. Ngay cả khi vợ chồng Rosenberg có được giấy tờ, họ cũng không biết làm thế nào để vào được Ukraine. Không có chuyến bay thương mại đi vào hoặc đi ra khỏi đất nước. Một cặp vợ chồng hiếm muộn người Thụy Điển trong nhóm Facebook, tên là Anneli và Navid Diehl, đã phát đi tin tức trên toàn quốc để nói về việc họ không thể đến được với con mình. Một người Thụy Điển giàu có đã đọc được câu chuyện và thuê cho họ một chiếc máy bay riêng. Abbie nhớ lại, vợ chồng nàng đã liên lạc với một số người thân giàu có của Ben ở Israel, những người rất nhiệt tình về việc bay riêng trong đại dịch. “Họ nói, ‘Cứ bay đi! Hai mươi nghìn đô-la nhé. Chúng tôi vừa bay đến một đám cưới ở Kiev’,” Abb Abbie nói. Đáng buồn thay, những người họ hàng đã không thuê được cho họ một chiếc máy bay riêng.

Cuối cùng, vợ chồng nàng nghe thấy về một người có thể giúp đỡ: một người đàn ông Australia tên là Sam Everingham, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Sydney có tên là ‘Grow Family’. Thông thường, Everingham tổ chức các hội nghị cho những người quan tâm đến việc mang thai hộ trên phạm vị quốc tế. Bây giờ ông đang đại diện không chính thức cho khoảng chín mươi cặp cha mẹ hiếm muộn - những người đang cố gắng để con mình được sinh ra nhờ những người mang thai hộ tại Ukraine, Gruzia, Canada, Mexico, Colombia và Hoa Kỳ. Một cặp cha mẹ, từ Australia, đã đến thủ đô Tbilisi của Gruzia vào tháng Hai, cùng với đứa con mười ba tháng tuổi của họ, để gặp lại người phụ nữ Gruzia mang thai hộ. Khi đại dịch xảy ra, cặp vợ chồng bị mắc kẹt trong một căn hộ được thuê từ ứng dụng Airbnb với cả bốn đứa trẻ trong ba tháng, cố gắng lấy giấy khai sinh của trẻ sơ sinh từ các văn phòng chính phủ đã đóng cửa. Các quy tắc cũng bắt buộc rằng phải có một người lớn đi kèm với trẻ sơ sinh, nhưng gia đình họ không thể bay từ Úc để giúp đỡ. Họ tìm thấy một cặp vợ chồng người Úc khác bay từ Tbilisi đến Melbourne, họ đồng ý đi du lịch với con cái. “Họ đã dành hai ngày trên không với những đứa trẻ trên tay”, người mẹ nói với tôi.

Để so sánh, Ukraine đã dễ dàng hơn. Everingham nói với vợ chồng Rosenberg rằng, mặc dù không có chuyến bay nào tới đất nước này, nhưng có một cách: đất nước có chung biên giới với Belarus, nơi đã trở thành một cái gì đó giống như vùng hoang địa của châu Âu trong đại dịch. Vị tổng thống đầy mạnh mẽ của đất nước này, Alexander Lukashenko, đã từ chối thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông chơi trong một trận khúc côn cầu công cộng, nơi ông nói với một phóng viên: “Ở đây không có virus. Bạn có thấy chúng bay xung quanh không? Tôi cũng không nhìn thấy chúng”, và khuyên mọi người nên giữ sức khỏe bằng cách đến các phòng tắm công cộng kiểu Nga và uống “bốn mươi đến năm mươi mili-lít” rượu vodka mỗi ngày. (Đất nước này sau đó đã có số ca nhiễm COVID -19 tăng vọt.)




Đối với các cha mẹ, đây quả là một tin tốt lành. Ukraina đã để lại một vài trạm kiểm soát trên biên giới đất liền. Everingham đã cho khách hàng của mình bay tới Minsk, nghỉ đêm tại một khách sạn ở Belarus và đi ô-tô đến biên giới, nơi, với những sự cho phép phù hợp, họ có thể vào Ukraina. Chỉ có một nhược điểm: các tài xế taxi không thể đưa họ qua biên giới. Các khách hàng của Everingham phải đi qua một đoạn đường cao tốc dài 1 km, một vùng đất hoang nằm giữa hai quốc gia. Đó là một hành trình khó khăn, nhưng Everingham nói rằng một số khách hàng của ông đã đến được Ukraina này theo cách này. Vợ chồng nàng đã trả cho anh hai nghìn đô-la để sắp xếp chuyến đi của họ. Một người Mỹ khác trong nhóm Facebook đang thực hiện hành trình trước họ: Joel Leinecke, từ Loomis, California, có đứa con thứ ba dự kiến sẽ được sinh ra bởi một phụ nữ Ukraine mang thai hộ vào cuối tháng Tư. Vào ngày 15 tháng Tư, Leinecke đã gửi email cho Rosenberg rằng anh đã vào Ukraine thành công. Anh đang mang theo đồ trẻ em và một khoản tiền mặt lớn thanh toán cho một người mang thai hộ, bí mật nhét tiền vào tất và đồ lót, cùng với đó, anh lưu ý trong e-mail, “mang theo một con dao thật lớn, chỉ để làm bản thân tôi cảm thấy yên tâm hơn”. Anh đã đến bệnh viện nơi sinh con gái. Vợ anh, Michelle, nói với tôi: “Chúng tôi thích phiêu lưu, nhưng, đây là cuộc phiêu lưu kỳ thú nhất mà chúng tôi từng có”.

Sáng sớm ngày 25 tháng Tư, vợ chồng nàng khởi hành từ căn hộ Fort Greene của họ trong thành phố tĩnh lặng vì cánh ly xã hội. Đại dịch đã gần đến đỉnh điểm. Giống như hầu hết người dân New York, họ hầu như không rời khỏi nhà trong gần một tháng. “Tôi đã cảm thấy sợ hãi khi đút tiền xu vào máy giặt trong khu chung cư của tôi”, Abbie nói. Nhưng họ phải lên máy bay. Bé Odessa đã được sinh ra một vài ngày trước đó, vào ngày 21 tháng Tư. Cứ sau vài giờ, họ lại lấy điện thoại ra để nhìn vào bức ảnh mà Osiyevska đã gửi, được các y tá trong bệnh viện phụ sản chụp. “Họ đã buộc một chiếc khăn nhỏ quanh đầu cô bé”, Abbie nói. Bé trông giống như một búp bê gỗ Nga nhỏ xinh.

Chỉ hai mươi bốn giờ trước khi họ rời đi, họ đã nhận được một e-mail với một tài liệu đáng mong đợi: một lá thư từ Bộ Ngoại giao Ukraina, cho phép họ được phép vào nước này qua ngả Belarus. Rất ít người Mỹ đã nhận được sự cho phép như vậy, và khi họ đến sân bay John F. Kenney vắng vẻ tại New York, một nhân viên của hãng hàng không Air France đã thực hiện một vài cuộc gọi trước khi kiểm tra họ. Chuyến bay đầu tiên của họ tới Paris gần như trống rỗng. Tại sân bay Charles de Gaulle, mọi người đang đi lại trong bộ quần áo bảo hộ trùm kín người mang nhãn hiệu Tyvek. Nhưng máy bay tới Minsk lại chật cứng người Belarus, những người, giống như Tổng thống của họ, dường như không quan tâm đến virus, đang hét lên trên các lối đi. “Nó giống như ở một bữa ăn tối gia đình mà chúng tôi không được mời”, Abbie.

Một trong những người lái xe của Everingham đã gặp họ ở Minsk và chở họ đến Novaya Guta, một trạm kiểm soát quân sự ở biên giới với Ukraine, được bao quanh bởi những khu rừng tươi tốt. Các cửa khẩu đã bị đóng cửa. Những người lính với chó nghiệp vụ đứng nhìn. Người lái xe đã cho vợ chồng nàng đỗ xuống chỗ cách cánh cổng vài bước chân, nơi họ gia nhập vào một nhóm nhỏ du khách với hy vọng đi bộ vào Ukraine. Một nhóm người Đông Âu ngay trước họ đã quay lưng lại. Các sĩ quan biên phòng đã kiểm tra giấy tờ nhập cảnh, hộ chiếu, bản sao giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng và vẫy tay cho họ qua. Họ đi bộ xuống đường cao tốc trống trơn dẫn vào Ukraine, kéo vali sau lưng. Họ trông giống như những vị khách du lịch đang đi vào tương lai sau ngày tận thế. Tiếng chim kêu vang lên từ những cây xung quanh. Sỏi lạo xạo dưới chân. Cả hai đều đeo mặt nạ phẫu thuật, và Ben có 7.500 đô-la – tiền thanh toán cho người mang thai hộ - nhét sau túi quần anh.




Ukraina đã thực thi kiểm dịch bắt buộc, yêu cầu mọi người tải xuống ứng dụng theo dõi mà nhà nước có thể theo dõi các sự di chuyển của họ. Vợ chồng nàng đã chờ đợi suốt hai tuần trong một khách sạn đặt trước từ ứng dụng Airbnb tại Kiev. Vào Chủ nhật, ngày 10 tháng Năm, “Ngày của Mẹ”, họ bắt taxi đến bệnh viện phụ sản. Hai y tá người Ukraine đã đẩy một chiếc xe đẩy màu hồng mang theo bé Odessa. Bé mới ba tuần tuổi, được bọc trong một tấm vải trắng và đội một chiếc mũ màu hồng. Bé háo hức nhìn quanh phòng. “Đó là thiên thần nhỏ của chúng tôi”, Ben nói. Abbie nói với tôi rằng, trong suốt hành trình đầy thử thách của họ, nàng đã không tự cho phép mình nghĩ về con gái quá nhiều. “Tôi đã phải giữ khoảng cảnh nhỏ với bé, nếu không tôi sẽ hóa điên”, nàng nói. “Ngay lúc tôi gặp con, nó giống như một mảnh ghép. Chúng tôi đã có con. Chúng tôi có thể thở hắt ra”. Vợ chồng nàng đã bay trở về nhà với bé Odessa mười ngày sau đó, trên một trong những chuyến bay thương mại đầu tiên rời khỏi Kiev. Trên máy bay, họ thấy Joel Leinecke, người đang trở về nhà cùng con mình, EmberRaine.

Trong những tuần gần đây, cuộc khủng hoảng đã bắt đầu giảm bớt. Ukraina đã mở lại biên giới với người nước ngoài, và vào ngày 10 tháng Sáu, BioTexCom, tổ chức của Ukraina, đã tiến hành một cuộc họp báo, mời các nghệ sĩ nhiếp ảnh chứng kiến mười một cặp vợ chồng, từ Tây Ban Nha và Argentina, lần đầu tiên gặp những đứa con của họ, tại khách sạn Venecia. Pope, luật sư người Mỹ, nói rằng nhiều khách hàng của cô đi du lịch đến Mỹ đã đón được con mình nhưng hiện không thể trở về nhà, vì họ không thể lấy hộ chiếu cho trẻ sơ sinh. Bộ Ngoại giao đang xử lý một lượng lớn các đơn đề nghị tồn đọng. “Tôi đang nói với mọi người rằng họ có thể phải đợi sáu tháng”, Pope nói.

Cho đến nay, Everingham đã giúp năm mươi trẻ sơ sinh đoàn tụ với gia đình của các con. Ông vẫn nhận được các cuộc gọi từ các bậc cha mẹ đang gần hóa điên, đặc biệt là người Mỹ, những người bị cấm nhập cảnh vì tỷ lệ lây nhiễm cao của Hoa Kỳ. “Sự mang thai hộ xuyên biên giới luôn luôn mong manh, cả về mặt hậu cần và mặt pháp lý”, ông nói. “COVID-19 đã biến nó thành một đống hổ lốn tồi tệ”. Ông đã hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ khiến các chính phủ phải suy nghĩ lại về luật thay thế của họ. “Chúng tôi rất hài lòng nếu họ ban hành luật để bạn có thể nhờ mang thai hộ trong nước và không buộc phải ra nước ngoài để sinh con”, ông nói. Nhưng, nếu không, ông dự đoán rằng các cha mẹ dự định sẽ tiếp tục đi du lịch để nhờ mang thai hộ, bất kể rủi ro. Ông đã bắt đầu một công việc kinh doanh phụ khác trong lĩnh vực hậu cần của việc vận chuyển phôi, dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hy vọng sẽ bắt đầu quá trình nhờ mang thai hộ vào mùa hè này. Ông nói với tôi: “Tôi luôn ngạc nhiên về những khoảng cách dài đến kinh ngạc mà con người phải đi để hình thành nên gia đình”.

Gia đình Rosenberg đang trải qua mùa hè ở Great Neck, với cha mẹ của Ben. Mới đây, Odessa bắt đầu biết mỉm cười. “Con có những ngón tay và ngón chân dài nhất”, Abbie nói. “Con rất hay hát. Con luôn làm ồn. Và con là một em bé phàm ăn”. Họ không chắc chương tiếp theo trong cuộc đời họ sẽ như thế nào - họ có tiếp tục sống ở New York hay không và liệu Abbie có tìm lại được công việc của mình không. Nhưng họ hy vọng sẽ có một kỳ nghỉ tại Ukraina vào một ngày nào đó, với thiên thần bé bỏng của họ. Họ muốn đến thăm thành phố Odessa và gặp người phụ nữ mang thai con họ, người mà họ vẫn giữ liên lạc. “Chúng tôi sẽ trở lại”, Abie nói. “Chúng tôi có người cần phải đến thăm. Chúng tôi có những công việc còn dang dở”./.

* Lizzie Widdicombe nhà văn, biên tập viên tại tạp chí ‘The New Yorker’.


© Lizzie Widdicombe
    Nguyễn Trung Kiên biên dịch
    Rething Our Future
Nguồn: Lizzie Widdicombe, The Stranded Babies of the Coronavirus Disaster | The New Yorker, 20/7/2020. A Brooklyn couple’s daughter was due to be born in April, to a surrogate in Ukraine. Then the virus struck.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages