Vụ Hồ Duy Hải: Người đối đầu với 17 thẩm phán ‘ngây ngô’ là ai? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Vụ Hồ Duy Hải: Người đối đầu với 17 thẩm phán ‘ngây ngô’ là ai?



Ông Lê Minh Trí. (Hình: Trích xuất từ kênh YouTube của Viện Kiểm sát)

Viện trưởng Viện kiểm sát Lê Minh Trí đã tái khẳng định việc cần thiết phải huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án Hồ Duy Hải để điều tra lại. Ngoài văn bản gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Quốc hội và các cơ quan khác, ông Trí cũng đã phát biểu trước các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò Đại biểu Quốc hội khoá 14.

Ông được báo Thanh Niên dẫn lời nói hôm 18/5: “Viện trưởng không nói là Hồ Duy Hải có tội hay không có tội. Nhưng thấy nó còn có nhiều sai sót, và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai, giữa thực nghiệm điều tra.

“Thế thì Viện trưởng thấy là cần thiết phải yêu cầu kháng nghị huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan và đảm bảo bảo vệ tính mạng của người dân chúng ta khi mà chúng ta chưa có một cái chứng cứ trực tiếp khẳng định việc có giết người hay không.

“[C]hắc chắn Viện trưởng kháng nghị không sai luật đâu.”

Quyết định của toàn bộ 17 thẩm phán bác kháng nghị của Viện kiểm sát do ông Lê Minh Trí dẫn đầu đã bị người đứng đầu Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển coi là “ngây ngô”. Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao nói với trên một triệu người xem Bàn tròn Thứ năm của BBC Tiếng Việt hồi giữa tháng Năm rằng chuyện Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao đã sai khi coi kháng nghị của Viện kiểm sát vi phạm luật vì đơn xin ân xá của ông Hồ Duy Hải đã bị chủ tịch nước bác.




Tiến sỹ Giao nói: “Thứ nhất kháng nghị là người ta kháng nghị anh để xem xét và điều tra lại… trong giai đoạn cuối cùng của tố tụng, tức là giám đốc thẩm, trong khi đó việc ân xá là ân xá với những người đã bị kết án, có bản án và nay vì những lý do nhân đạo xin được giảm án. Hai nội dung khác nhau, không liên quan gì cả nhưng mà Toà án tối cao, Hội đồng Thẩm phán lại lập luận cho rằng trái pháp luật. Tôi thấy nó ngây ngô quá.”

Tiến sỹ Giao cũng nói đây không chỉ là chuyện mạng sống của một con người mà còn là sự chính đáng của cả hệ thống tư pháp. Ông cũng nói vụ Hồ Duy Hải cho thấy chuyện Việt Nam bác bỏ đề nghị thành lập toà án hiến pháp từng được đưa vào dự thảo luật cách đây nhiều năm là điều sai lầm. Sự tồn tại của toà án hiếp pháp, theo ông, sẽ giúp giải quyết khủng hoảng hiện nay. Nhưng ông cũng nói Quốc hội Việt Nam vẫn có thể ra pháp lệnh về vấn đề này để tìm hướng giải quyết.

Ông Lê Minh Trí là ai?

Vậy người đang đối đầu với 17 thẩm phán “ngây ngô” ở Việt Nam là ai?

Chức vụ cấp thành phố đầu tiên mà ông Trí đảm nhiệm là vị trí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2009 sau hơn bốn năm làm chủ tịch Quận 1. Trong bài đưa tin về việc bổ nhiệm này, báo Pháp Luật cũng nói ông Trí từng là Trung tá an ninh, thư ký cho Bộ trưởng công an, phó chánh văn phòng uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và chủ tịch Quận 11. Cũng đưa tin về sự kiện này, VnExpress nói thêm ông Trí sinh năm 1960 tại Củ Chi. Các báo khác nói ông Trí tốt nghiệp Đại học An ninh và là cử nhân luật.




Ba năm sau, vào tháng 4/2013, ông Trí được cử giữ chức phó Ban nội chính trung ương. Trước đó hai tháng ông có chân trong Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, cùng vai trò uỷ viên như ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Ông Trí trở thành viện trưởng Viện kiểm sát hồi tháng 4/2016 thay ông Nguyễn Hoà Bình, người đứng đầu Hội đồng Thẩm phán mới đây, với sự tín nhiệm của gần 64% Đại biểu Quốc hội khoá 13. Trước đó, hồi tháng 1/2016, ông Trí được bầu vào Ban chấp hành trung ương của Đảng Cộng sản tại Đại hội 12. Một tháng sau khi trở thành viện trưởng kiểm sát, ông Trí cũng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá 14 và tái đắc cử chức viện trưởng kiểm sát hồi tháng 7/2016 với số phiếu chuẩn thuận lần này lên tới trên 90% tại Quốc hội.

Cũng giống như công lý ở Việt Nam, ông Trí dường như đang ở thế yếu hơn trong cuộc đấu với các chính trị gia trong đó có đối thủ Nguyễn Hoà Bình, người có chân trong Ban bí thư của Đảng cộng sản. Nhưng nếu ông Trí thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nguyên tắc suy đoán vô tội và chống lại sự cẩu thả trong điều tra và xét xử, công lý ở Việt Nam sẽ lấy lại được chút niềm tin mà chế độ đang rất cần.



© Nguyễn Hùng
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages