Ngày 31/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu nhấn mạnh rằng, giai đoạn đầu tiên của quá trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC – Code of Conduct), quy định về hoạt động của các quốc gia trên Biển Đông, đã được hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch.
Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý tham gia các cuộc đàm phán toàn diện Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông vào tháng 5/2017 và bản dự thảo liệt kê các yêu sách của từng quốc gia cũng đã thành hình tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 8/2018. Sau đó, các bên đã thảo luận từng điều khoản của bản dự thảo ở cấp độ hành chính và tiến hành thống nhất các phần còn chồng chéo. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 31/7/2019 vừa qua, văn kiện này đã được phê duyệt.
Tới thời điểm này, Bộ Quy tắc Ứng xử này đã được hoàn thành sớm hơn gần nửa năm so với dự định ban đầu là cuối năm 2019. Tuy nhiên, việc điều chỉnh các điều khoản đơn thuần chỉ là công việc mang tính hình thức, nên vốn dĩ chuyện “rút ngắn” thời gian không khó. Việc Trung Quốc cố tình khoe khoang điều này làm dấy lên một bầu không khí lạnh lẽo bao trùm khắp ASEAN.
Tại sao lại như vậy? Vì trong quá trình đàm phán COC, Trung Quốc đã nhiều lần thị uy trên Biển Đông như thể điều đó là phù hợp với nghị trình của ASEAN.
Ngay trước khi diễn ra cuộc họp hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 4/2018, Tập Cận Bình đã chỉ đạo tiến hành một cuộc duyệt binh hải quân ở quy mô lớn. Năm nay, trước khi diễn ra Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), có sự tham gia của các bộ trưởng từ Mỹ, Nhật, Úc, Hàn; Trung Quốc cho tiến hành thử sáu tên lửa đạn đạo chống hạm. Hay trong Sách trắng Quốc phòng được công bố vào ngày 24/7, Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng rằng Biển Đông là lãnh thổ của riêng Trung Quốc, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị là sự thực thi chủ quyền quốc gia.
Dù trên thực tế, vẫn chưa có dấu hiệu Trung Quốc bồi đắp hoặc xây dựng thêm cơ sở quân sự, nước này đã bắt đầu tăng cường trang bị các cơ sở radar và kho ngầm để lưu trữ đạn dược và nhiên liệu tại những căn cứ cũ tại bãi Xu Bi, bãi Vành Khăn, và đá Chữ Thập (nơi có đường băng quân sự dài khoảng 3.000 mét), cho thấy tiến trình quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn đang tiến triển đều đặn.
Trong bối cảnh chi phối quyền lực như thế, Trung Quốc cũng bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào tháng Bảy này. Tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vào tháng 6/2019, một vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Philippines và Trung quốc khiến thủy thủ đoàn 20 người Philippines rơi xuống biển.
COC vốn dĩ là một khuôn khổ để giải quyết những xung đột tương tự như trên thông qua biện pháp đàm phán, đối thoại. Ban đầu chỉ có bốn nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, nhưng phía ASEAN đưa ra lời kêu gọi thúc đẩy sớm việc xây dựng COC như là một vấn đề chung của khu vực. Đáp lại, Trung Quốc cho rằng quyền lãnh thổ chỉ là vấn đề song phương giữa hai quốc gia có tranh chấp với nhau. Họ một mặt lên kế hoạch trì hoãn tiến trình đàm phán chung, một mặt lại luân phiên áp dụng biện pháp công thủ tương ứng.
Tại sao Trung Quốc lại có đối sách như vậy?
Bước ngoặt cho thái độ tích cực của Trung Quốc đối với COC là phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế được đưa ra vào tháng 7/2016 về vụ kiện của Philippines. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Toà Trọng tài đã bác bỏ đường biên giới mà phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, hay còn gọi là “đường chín đoạn”, cho rằng tuyên bố chủ quyền này không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế.
Mặc dù đã một mực phớt lờ phán quyết này, Trung Quốc biết rằng làm như vậy sẽ khiến mình trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật, dù đã tự nguyện phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. COC là cách tốt nhất để Trung Quốc “ghi đè” lên phán quyết của Tòa Trọng tài. Mọi thứ sẽ được tính lại từ đầu.
Trung Quốc vì vậy rất tích cực kêu gọi các bên ra quyết định sớm liên quan đến COC. Thêm nữa, trong khi tình hình Đài Loan đang trở nên căng thẳng do hậu quả của cuộc xung đột Mỹ – Trung, Trung Quốc muốn đẩy nhanh COC trước khi nguy cơ xung đột vũ trang với Đài Loan trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, không phải vì muốn đẩy nhanh COC mà chúng ta có thể cho rằng Trung Quốc sẽ có thái độ nhượng bộ. Việc tính toán làm sao có lợi cho nước mình là điều thường được thấy rõ ở Trung Quốc thông qua khuôn khổ các cuộc đàm phán. Có thể đánh giá được điều này qua các điểm sau đây.
Thứ nhất, Trung Quốc không đàm phán với toàn thể ASEAN, mà là đàm phán riêng rẽ với từng quốc gia thành viên của ASEAN. Đó là lý do tại sao dự thảo COC của giai đoạn đầu tiên không phải là hai bản đề xuất giữa Trung Quốc và ASEAN, mà tổng cộng có đến 11 bản của 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc.
Thứ hai, mục tiêu thời hạn xây dựng COC là trong vòng ba năm. Đó là đề xuất đơn phương của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2018. Tại sao lại có dấu mốc là ba năm?
ASEAN chọn một quốc gia phụ trách đối thoại với các quốc gia ngoài khu vực, và luân phiên thay đổi ba năm một lần. Nước phụ trách đối thoại sẽ là đồng chủ tịch ở hội nghị. Philippines là nước phụ trách đối thoại với Trung Quốc kể từ năm ngoái. Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino theo đuổi chính sách cứng rắn ở Biển Đông, chủ động khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực, nhưng dưới thời của chính quyền Duterte hiện nay, nước này đã hoàn toàn thay đổi chính sách ngoại giao bằng cách ưu tiên nhận hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc.
Theo bảng chữ cái, nước phụ trách đối thoại tiếp theo là Malaysia. Thủ tướng Mahathir Mohamad là chính khách có thái độ nghiêm khắc đối với Trung Quốc. Vậy nên, có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành COC trong khi Philippines đang cố gắng đóng vai trò nước phụ trách đối thoại với thái độ thân thiện.
Một tin nguồn tin ngoại giao cho hay, Trung Quốc đang chủ trương ba điều sau đối với COC:
(1) Không áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển;
(2) Cần có sự đồng ý trước của các nước liên quan về các cuộc tập trận quân sự chung với nước ở ngoài khu vực;
(3) Không hợp tác khai thác tài nguyên với nước ngoài khu vực.
Phía ASEAN khó có thể “thông qua” nội dung loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu ở COC, cũng như việc Trung Quốc tiếp tục phớt lờ quyết định của Tòa Trọng tài. “Phía ASEAN không cần phải vội và không có ý định thỏa hiệp để xây dựng hoành chỉnh COC” (trích nguồn tin ngoại giao). Không giống như giai đoạn đầu tiên, vốn chỉ đơn giản là đọc và trao đổi văn bản dự thảo, giai đoạn tiếp theo được cho là sẽ diễn ra các cuộc đàm phán gắt gao trong việc giải quyết những mâu thuẫn khó được hoá giải.
Tuy nhiên, dù cho ASEAN đang cố gắng thống nhất thành một khối, vẫn xuất hiện rào cản cho sự thống nhất này, đó là luôn tồn tại thành viên thân Trung, hành động như thể là đại diện phát ngôn của Trung Quốc trong ASEAN, như trường hợp của Campuchia. Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông vốn dĩ chỉ ràng buộc phía ASEAN, nhưng Trung Quốc lại luôn cố gắng đưa ra các các thỏa thuận cứng nhắc và xem chúng như thể là luật của mình. Việc chờ đợi thoả hiệp nhằm chỉ có lợi một phía như thế báo hiệu một tương lai u ám trên Biển Đông vào thời gian tới. Làm thế nào các quốc gia thành viên có thể đoàn kết và vượt qua các cuộc đàm phán với các nước lớn mà không phải chui vào họng súng? Có vẻ như ASEAN đang cảm thấy cần thay đổi đường lối hoạt động để trở thành một khối liên kết thực sự có ý nghĩa trong khu vực. Khi ấy, cục diện trên Biển Đông chắc chắn sẽ chuyển hướng bất ngờ.
Ánh Hiền
Luật Khoa
Lược dịch từ “南シナ海「行動規範」、中国が積極派に転じた理由” của Takahashi Toru, đăng trên Nikkei ngày 7/8/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét