Kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) và DN về Dự thảo luật lao động sửa đổi có hợp lý? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) và DN về Dự thảo luật lao động sửa đổi có hợp lý?


Công nhân may tại một doanh nghiệp ở Hà Nội hôm 24/5/2019.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Trong kiến nghị VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ban ngành chính phủ nêu rõ, 5 vấn đề được cho là cấp thiết được quy định tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, các quy định này nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nên theo xu thế chung

5 vấn đề mà VCCI và 6 Hiệp hội kiến nghị gồm: giới hạn giờ làm thêm tối đa và cách tính lương làm thêm; quy định giờ làm việc trong tuần; thời hạn của giấy phép lao động; định nghĩa giờ làm thêm và cuối cùng là bố trí ngày nghỉ cho người lao động thực hiện quyền công đoàn.

Trong đó, vấn đề thứ nhất đối với các ngành nghề bình thường, VCCI, các doanh nghiệp đã đề nghị tăng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ. Trong một số trường hợp đặc biệt, để phục vụ nhu cầu kinh doanh chính đáng phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng, có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ…

Về tiền lương làm thêm giờ, doanh nghiệp kiến nghị không bắt buộc trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác(!?)

Trao đổi với RFA hôm 13/8, Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI, giải thích:

“Nếu bù trừ cho cả năm, và với điều kiện hiện nay của Việt Nam, để đảm bảo khả năng cạnh tranh và bảo đảm công việc cho người lao động, thì việc điều chỉnh số giờ làm thêm tăng lên trong một số ngành thì vẫn là cần thiết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh là cần cụ thể những ngành nào thì cho phép. Như những ngành lao động nặng nhọc thì không nên cho phép làm thêm giờ.”

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, kiến nghị của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra tùy theo ngành nghề là cũng phù hợp tình hình hình Việt Nam hiện nay.

Anh Nguyễn Đình Khôi, một người lao động ở Biên Hòa, Đồng Nai thì cho rằng, nếu phải tăng giờ làm thêm sẽ có một bộ phận công nhân tỏ ra bất mãn, nhưng vì thu nhập của công nhân thấp nên họ vẫn phải ráng làm thêm:

“Khí hậu nóng nực, làm việc trong môi trường đó, công nhân cũng đã mệt mỏi rồi. Nhưng đại đa số họ thấy mức lương thấp thì họ ráng làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Theo mình, nếu làm thêm thì lương bổng phải như thế nào cho công nhân, chứ đại đa số họ bất mãn nhưng họ vẫn phải cắn răng làm.”

Theo Bà Phạm Chi Lan, về mức trả thêm bao nhiêu, thì hiện nay Việt Nam cũng đang cố gắng thực hiện thỏa thuận giữa người lao động và người thuê về tiền lương. Theo bà, cũng nên để họ thương lượng với nhau, để đạt thỏa thuận thích hợp. Vì nếu chủ ép quá, thì người công nhân cũng không sẵn sàng làm.

Nhưng đứng ở góc độ người lao động, anh Nguyễn Đình Khôi cho rằng, nên quy định tính lương làm thêm theo lũy tiến, vì doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ muốn cái lợi cho họ.

Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc ông Đoàn Huy Chương, Phó chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt, và được ông cho biết ý kiến như sau:

“Là một người bảo vệ quyền lợi công nhân suốt 10 năm qua, thì tôi thấy đề xuất tăng giới hạn giờ làm thêm là không chính đáng. Còn vấn đề không tính lũy tiến cho giờ làm thêm cũng không được, bởi vì họ (doanh nghiệp-pv) có thể gây áp lực với công nhân, nếu công nhân nào không chịu thì cho nghỉ việc. Như trường hợp Chị Châu ở Bình Dương.”

Tuy nhiên, cũng có giới doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn giờ làm thêm là cần thiết và không ảnh hưởng lắm đến giá thành sản xuất, như ý kiến Ông Huỳnh Bửu Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty Kềm Nghĩa:

“Đứng về phía lợi ích công cộng của nhà nước thì việc đưa xuống 200 giờ làm thêm mỗi năm thì cũng là theo xu hướng chung của thế giới. Tôi nghĩ đây là một mức nên áp dụng. Còn về lương làm thêm thì nhìn về phía doanh nghiệp thì tất nhiên ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, đây cũng là một trong những đấu tranh giữa doanh nghiệp và người lao động. Tôi thì cho rằng do mức lương công nhân còn thấp nên mức lương tính theo lũy tiến là tương đối phù hợp. Bởi vì cho dù chi phí có tăng làm ảnh hưởng giá thành chung thì sự thay đổi tôi cho rằng cũng không lớn lắm.”

Công nhân tại một doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội hôm 24/5/2019. AFP
Đây không phải lần đầu, VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị về 5 vấn đề này. Trước đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam… VCCI và các Hiệp hội đã từng đưa ra các kiến nghị như trên.

Trong 5 vấn đề mà VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, thì việc giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là 48 giờ/tuần, chứ không giảm xuống 44 giờ/tuần, cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo Bà Phạm Chi Lan, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, năng suất còn thấp, cạnh tranh còn vất vả, thì chưa nên nghĩ đến việc giảm xuống 44 giờ làm việc. Theo bà, 44 giờ lao động cũng không khuyến khích được gì nhiều người lao động. Bà cho rằng, không những doanh nghiệp, mà có khi bản thân người lao động họ cũng sẽ không thoải mái nếu làm 44 giờ mà không mang lại lợi ích gì khác cho họ so với làm việc 48 giờ.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Bửu Sơn, đưa ra ý kiến của mình:

“Tôi thì vẫn thiên về ý càng giảm giờ lao động cho người công nhân trong tuần thì càng tốt. Từ 48 xuống 44, và cũng nên là 42, theo xu hướng chung của thế giới.”

Ông Đoàn Huy Chương, Phó chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt, cho biết, hiện nay các nước lân cận như Malaysia và Thái Lan ngày làm việc chỉ 5 ngày/tuần và mỗi ngày chỉ 7,5 tiếng. Trong khi Việt Nam làm việc 6 ngày/tuần, mỗi ngày 8 tiếng là quá nhiều. Theo ông Chương, nếu giữ nguyên giờ làm như hiện nay đã là thiệt thòi cho công nhân Việt Nam rồi nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay.

Cân bằng lợi ích cho DN & người lao động

Điểm thứ ba trong kiến nghị của VCCI và các doanh nghiệp, là về thời hạn của Giấy phép lao động tối đa 2 năm nên lên 3 năm, và được gia hạn không giới hạn số lần, thay vì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.

Kiến nghị này theo các chuyên gia là hợp lý, nhằm đơn giản hóa thủ tục cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ông Huỳnh Bửu Sơn, Phó Tổng giám đốc Kềm Nghĩa, nói:

“Để tránh phiền hà cho doanh nghiệp trong việc gia hạn thêm giấy phép làm việc cho lao động nước ngoài, thì tôi nghĩ ý kiến của VCCI đưa ra là cần được quan tâm.”

Điểm cuối cùng trong năm kiến nghị của VCCI và các doanh nghiệp, là Dự thảo Bộ Luật Lao động không nên quy định doanh nghiệp phải bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn.

Liên quan vấn đề này, Bà Phạm Chi Lan nhận định:

“Nếu cho nghỉ 1, 2 ngày cho công việc công đoàn thì tôi nghĩ là không nên, trên thực tế công đoàn là tổ chức của người lao động, về nguyên tắc là tự nguyện tham gia.

Theo Bà Phạm Chi Lan, nếu tự tham gia hoạt động thì các tổ chức công đoàn hoàn toàn có thể dùng ngày nghỉ để tổ chức vui chơi cho người lao động, chứ doanh nghiệp dùng ngày làm việc để công nhân tham gia hoạt động đó thì không thích đáng.

Ông Đòan Huy Chương cho rằng không nên chấp nhận đề xuất này của giới doanh nghiệp:

“Đối với các doanh nghiệp thì họ không muốn công nhân tham gia công đoàn, họ chỉ muốn công nhân làm ra nhiều sản phẩm và trả lương rẻ. Theo tôi thì nên bỏ những cái mà các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất.”

Cho đến hiện nay, Việt Nam vẫn chưa công nhận công đoàn độc lập, công đoàn hiện nay vẫn thuộc chính phủ Việt Nam.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Việt Nam 2019, lần đầu tiên bổ sung quy định về thành lập công đoàn độc lập của người lao động. Theo quy định mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về thành lập công đoàn độc lập thì người lao động có quyền thành lập, tham gia và hoạt động công đoàn độc lập (gọi là tổ chức đại diện của người lao động) ở cơ sở và công đoàn độc lập cơ sở được hoạt động hợp pháp chỉ khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages