Lãnh đạo và nhân dân kiếp này đồng sàng dị mộng, không chung nhau niềm vui nỗi buồn - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Lãnh đạo và nhân dân kiếp này đồng sàng dị mộng, không chung nhau niềm vui nỗi buồn



Hôm qua Việt Nam ký EVFTA, dạo nhiều vòng trên facebook thấy im hơi lặng tiếng, trong khi báo chí quốc doanh đưa tin dày đặc, tin chạy trang nhất hoành tráng suốt cả ngày với những dòng mô tả niềm vui lớn, hình chụp các lãnh đạo cao cấp với nét mặt hân hoan nói cười hể hả mang tính cách ngày đại hỷ của đất nước của dân tộc.

Nhưng chẳng một status nào của nhân dân chúc mừng chính phủ làm được việc ấy.

Vì sao lại như vậy?

Có phải vì EVFTA không mang đến cái gì cho Việt Nam?

Thưa không, nó có thể làm được một số chuyện khá quan trọng về kinh tế.

Có phải nhiều người không hiểu EVFTA là cái chi chi?

Thưa không, người ta rất hiểu về nó là khác.

Vậy thì vì sao nhân dân không chung vui sự kiện này với lãnh đạo?

Đó là vì lãnh đạo và nhân dân lâu rồi không cùng chung niềm vui nỗi buồn. Hay nói cách ví von, hai bên kiếp này đồng sàng dị mộng.

Lâu rồi việc gì chính phủ muốn chính phủ làm, không hỏi nhân dân bao giờ nên khi có niềm vui gì thì tự sướng với nhau, có nỗi buồn thì tự chia với nhau, nhân dân coi như không liên quan tới mình.

Nói một cách chính xác, có 2 nước Việt Nam, một nước của lãnh đạo và một nước của nhân dân.

Nước Việt Nam của lãnh đạo hôm qua vừa ký được EVFTA.

Nước Việt Nam của nhân dân mấy hôm trước vừa bị Trung quốc kéo tàu đi ngang Hoàng Sa.

Nước Việt Nam của lãnh đạo hôm qua có ông thủ tướng vừa đi G20 về.

Nước Việt Nam của nhân dân tháng rồi mới bị tăng giá điện vô tội vạ, tuần rồi có một trận dịch heo chết tràn lan và hôm kia khởi phát đám cháy rừng khủng khiếp có người chết mà đến nay chưa dập tắt được.

Thế đấy! Có 2 nước Việt Nam khác nhau của 2 cộng đồng khác nhau, cộng đồng lãnh đạo và cộng đồng nhân dân.

Có hai nước Việt Nam đối nghịch nhau tồn tại trong tâm thức hai cộng đồng ấy từ lâu lắm rồi.

Thế nên không thể chung nhau niềm vui nỗi buồn.

Ngày xưa, khi quân Nguyên chuẩn bị tràn vào Việt Nam lần thứ 2, vua Trần triệu tập Hội nghị Diên Hồng ở Thăng Long để hỏi ý muôn dân và truyền đạt lời kêu gọi cùng nhau chống giặc. Ngày nay trong Tòa nhà quốc hội ở Hà Nội có phòng họp chính được đặt tên “Phòng họp Diên Hồng” nhưng ở phòng họp đó chưa bao giờ có chuyện hỏi ý dân đã đành mà còn thường bàn những chuyện đi ngược lòng dân. Từ việc đòi thông qua Luật đặc khu đến việc muốn giao cho Trung quốc làm đường cao tốc.

Phòng họp Diên Hồng ngày nay không có những đại diện do nhân dân bầu lên ngồi vào đó để nói lên tiếng nói nhân dân như phòng họp Diên Hồng ngày xưa vua mời các bô lão từ khắp mọi miền đất nước tụ về đem theo ý nguyện toàn dân.

Cho nên vua tôi ngày xưa tuy hai mà một, lãnh đạo nhân dân ngày nay không có một mà chỉ có hai.

Vì thế niềm vui EVFTA ngày hôm qua nhân dân không muốn hưởng.

Nhưng câu chuyện ngày hôm qua không chỉ có thế. Lẽ ra nhân dân có thể vui cùng EVFTA nếu nhà nước không cố tình tước đi phần mà nhân dân mong đợi.

Hiệp định EVFTA Châu Âu đã dự liệu nguyên một gói, có phần dành cho phát triển kinh tế nhưng cũng có phần dành cho phát triển xã hội thông qua các yêu cầu về mở rộng nhân quyền, về phát triển hội đoàn giúp cho người lao động có tiếng nói chính đáng. Gói tổng hợp đó khi đến Việt Nam thì chính phủ lột mất phần của xã hội bằng cái hẹn với Châu Âu lùi lại 5 năm sau sẽ đưa vào. Nên nhân dân chẳng buồn chia sẻ niềm vui với chính phủ là như thế.

Không chia vui không sẻ buồn với nhau lâu rồi.

Khi nợ công tăng cao ông thủ tướng lo lắng kêu gọi nhân dân sát cánh cùng chính phủ trả nợ công, không một bức tâm thư nào từ cộng đồng gửi đi. Khi ông nghị sĩ quốc hội lo lắng phát biểu về nợ công ở diễn đàn quốc hội, không một status nào lên tiếng ủng hộ.

Thế đấy!

Sống cùng nhau trên một mảnh đất hình chữ S, cùng gọi Việt Nam là tổ quốc, nhưng hai cộng đồng không chung nhau một lý tưởng cùng vun đắp cho non sông này rồi.


Trần Đình Thu
FB Trần Đình Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages