Hôm 30/6 vừa qua, EU và Việt Nam đã chính thức ký EVFTA tại Hà Nội sau nhiều lần trì hoãn vì các lý do kỹ thuật kể từ sau khi hai bên kết thúc đàm phán hiệp định vào tháng 12/2015.
“Hiệp định đi cùng với một thỏa thuận rộng hơn – một thỏa thuận liên quan – có bao gồm những yêu cầu mạnh về nhân quyền, và trong ngữ cảnh đó chúng đã thiết lập một đối thoại về nhân quyền. Chúng tôi quan ngại về một số tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, và tất nhiên, một thỏa thuận về thương mại không bỏ đi tất cả những điều đó”, bà Cecilia Malmstrom nói với Đài Á Châu Tự Do.
Ba Malmstrom cũng cho biết EU đã luôn gây sức ép với Việt Nam về vấn đề quyền của người lao động và môi trường khi hai bên đàm phán hiệp định.
Theo hiệp định, Việt Nam phải thông qua cả 8 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Cho đến thời điểm này, Việt Nam mới thông qua 6 công ước. 2 công ước còn lại là Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động.
Trước khi hai bên ký Hiệp định, vào ngày 14/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua công ước thứ 6 là Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể cho người lao động.
Bà Cecilia Malstrom thừa nhận EU đã thấy những vấn đề nhân quyền còn tồn tại ở Việt Nam nhưng cho rằng Hiệp định sẽ giúp tạo cơ hội cho EU làm việc với Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Bà nói: “Với Việt Nam, chúng tôi biết vẫn còn những vấn đề nhân quyền. Không ai phủ nhận điều này. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là một thỏa thuận thương mại là tốt về mặt kinh tế. Nó cũng là một cơ hội cho chúng tôi làm việc với quốc gia đó để thúc đẩy nó….Chúng tôi luôn có sự tham gia mạnh mẽ khi có liên quan đến những vấn đề về giá trị của chúng tôi trong các thỏa thuận thương mại”.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam về vấn đề nhân quyền đang xấu đi trong 2 năm trở lại đây, đồng thời thúc giục EU tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Theo Ân Xá Quốc Tế, hiện Việt Nam vẫn còn giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm, tăng hơn 30 trường hợp so với năm trước đó.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại hai bên khoảng hơn 49 tỷ Euro, kim ngạch dịch vụ hai chiều khoảng hơn 3 tỷ Euro.
Sau khi ký kết, EVFTA vẫn phải chờ Nghị viện Châu Âu phê duyệt chính thức và sẽ đi vào hiệu lực vào năm 2020.
Ngoài EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA giữa hai bên cũng đã được ký kết đồng thời nhưng sẽ mất thời gian lâu hơn để có thể đi vào hiệu lực vì còn phải chờ từng quốc gia trong EU chấp thuận.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét