Việc điều chỉnh giá lên/xuống của mỗi ngành tuy là chuyện bình thường, nhưng tăng giá quá đà các loại nhu yếu phẩm vào đúng lúc này là bất bình thường, có thể gây ra phản ứng dây chuyền trong nền kinh tế (dễ bị tổn thương), dẫn đến khủng hoảng thể chế. Thật bất hạnh nếu những ai điều hành quốc gia lúc này vô cảm, không thấy nguy cơ tiềm ẩn để tránh.
Thứ nhất, dư luận rất bức xúc trước các biểu hiện lợi ích nhóm thân hữu và tham nhũng chính sách chưa được kiểm soát (tuy một loạt quan chức tham nhũng đã vào lò).
Thứ hai, dư luận rất nhạy cảm về năng lực quản trị/điều hành còn kém của “chính phủ kiến tạo và liêm chính” (qua các bê bối gây thua lỗ khủng của các “quả đấm thép”).
Thứ ba, tình hình quốc tế và chính trị trong nước hiện đang diễn biến khó lường, nên quyết định tăng giá điện quá đà và không đúng lúc có thể là “giọt nước làm tràn ly”.
Bức tranh toàn cảnh về giá điện
Theo thống kê, giá điện của Việt Nam là $7,58 cent/kWh (2015), của Mỹ là $10,2 cent/kWh, của Trung quốc là $7,5-10,7 cent/kWh, của Pháp là $15,85cent/kWh, của Na Uy là $16,58cent/ kWh… Bộ Công thương và Điện lực hay dùng cách so sánh giá (tuyệt đối) làm cơ sở để tăng giá mà không tính đến điều kiện sản xuất (cụ thể) và giá thành (thực tế).
Theo các chuyên gia, đó là một cách tính “hồ đồ và phản khoa học”. Lẽ ra, họ phải dùng cách so sánh chi phí để tạo ra một đơn vị điện năng (của từng nước). Trên thực tế, giá thành điện của Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 0,7 lần nhưng chi phí để làm ra 1 kWh điện của Việt Nam thấp hơn Mỹ hàng chục lần. Ví dụ, mức lương (trung bình) của kỹ sư điện Việt Nam là $800/tháng, trong khi mức lương (trung bình) của kỹ sư điện Mỹ là $7.000/tháng.
Nói cách khác, để sản xuất ra 1 kWh điện, các khoản chi phí của Việt Nam thấp hơn Mỹ nhiều lần, trong khi giá thành điện chỉ thấp hơn 0,7 lần. Vì vậy, giá điện của Việt Nam là siêu cao chứ không thấp như Bộ Công thương và Điện lực lý giải để đòi tăng giá. Họ chỉ lấy bảng giá điện của các nước để so sánh (tuyệt đối) mà không lấy chi phí (thực tế) của các nước và của Việt Nam làm cơ sở để so sánh, nên đây là “một cách làm hồ đồ và gian dối”.
Tập đoàn Điện lực (EVN) chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh là vội vã tăng giá điện ngay để “bù giá vào dân”. EVN được quyết tăng giá điện 2 lần/năm với mức từ 3%-5%, trong khi Bộ Công Thương được quyết tăng 5%-10%. Chính EVN đã gây ra thua lỗ khủng (30.000 tỷ VNĐ) khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Theo Delotte Việt Nam (kiểm toán cho EVN), tổng nợ của EVN là 487.000 tỷ VNĐ (khoảng 23 tỷ USD).
Thủy điện ở Việt Nam chiếm gần 35% tổng sản lượng điện, và giá thành của thủy điện ở Việt Nam chỉ bằng 15-20% giá thành của nhiệt điện. Gần đây, Việt Nam sử dụng khoảng 30- 35% nhiệt điện chạy bằng khí đốt từ nguồn khai thác tại chỗ, nên giảm giá thành điện. Về cơ sở vật chất của ngành điện lực (như đất đai, nhà xưởng, đường truyền tải điện) vẫn được nhà nước bao cấp nên EVN không mất tiền đầu tư. Vậy EVN đã làm gì để giá thành điện của Việt Nam cao gần bằng giá thành điện của Mỹ, mà vẫn tiếp tục đòi tăng giá điện?
Theo Karl Marx, một trong những cách “tiết kiệm thô thiển nhất” của Chủ nghĩa Tư bản là bóc lột nhân công. Nếu điều đó đúng với CNTB (hoang dã) thì còn đúng hơn với “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Thực chất đó là mô hình để các nhóm lợi ích thân hữu (cronyism) thao túng vì họ được nhà nước bảo kê nên không kiểm soát được quyền lực.
Trong khi ngành bưu chính viễn thông (VNPT) đã xóa bỏ độc quyền từ lâu, ngành điện và nước là hai con khủng long còn sót lại từ thời bao cấp, vẫn bám giữ độc quyền, làm đất nước trì trệ và người dân khổ sở. Không thể có chính phủ kiến tạo và liêm chính nếu vẫn kéo dài như vậy. Tuy điện, nước, xăng dầu là nhu yếu phẩm mà hàng ngày người dân phải dùng, nhưng không vì vậy mà bắt chẹt họ như những đàn cừu. Năm 2013, hàng vạn người Bulgaria đã xuống đường biểu tình phản đối tăng giá điện, làm Bulgaria lâm vào khủng hoảng chính trị.
Nhiệt điện và ô nhiễm môi trường
Tập đoàn Điện lực (EVN) vận hành nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than (như Vĩnh Tân tại Bình Thuận). Nếu các dự án thủy điện có nguy cơ gây lũ lụt, thì các dự án nhiệt điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (nếu dùng công nghệ cũ và không tôn trọng các quy chuẩn bảo vệ môi trường). Theo các chuyên gia, nhiệt điện thải ra tro xỉ có nhiều độc tố, thậm chí có cả đồng vị phóng xạ. Những độc tố này rất mịn và thậm chí siêu mịn (nhỏ hơn 1/620 đường kính sợi tóc) có thể trực tiếp xuyên qua mao mạch đi vào mạch máu người và động vật.
Tiền xử lý tro xỉ mà các nhà máy nhiệt điện bắt buộc phải trả là 600.000 đồng/tấn. Tuy nhiên không một đơn vị nào được phép xử lý chất thải rắn (do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp) lại thực sự xử lý tro xỉ theo quy định. Trước đây, họ thường chôn lấp tro xỉ một cách công khai và trái phép. Gần đây, họ dùng tro xỉ để san lấp công trình xây dựng và san lấp đường giao thông, hay “hoàn nguyên mỏ”. Thực chất “hoàn nguyên mỏ” là một cách chơi chữ dối trá, vì đem tro xỉ đổ xuống các mỏ đất, mỏ đá đã khai thác không thể gọi là hoàn nguyên.
Một số đơn vị (rất hiếm) có năng lực xử lý được tro xỉ nhiệt điện ở mức an toàn theo chỉ tiêu xuất khẩu, đã bị EVN bắt chẹt bằng hợp đồng bán tro xỉ với “giá 0 đồng”. Nghĩa là người có khả năng xử lý chất thải bị “nẫng tay trên” 600.000 đồng/tấn, còn kẻ gây ô nhiễm thì vẫn nhởn nhơ đút túi khoản tiền xử lý tro xỉ ‘đúng quy trình” (mà không phải làm gì).
Không chỉ có Bộ Công thương (là chủ quản của ngành điện lực) mà các bộ khác cũng phải chịu trách nhiệm (liên đới). Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án nhiệt điện, nhưng không công khai các ĐTM nhiệt điện để người dân giám sát. Trên thực tế, các điểm ô nhiễm môi trường do nhiệt điện gây ra thật khủng khiếp. Các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân (tại Bình Thuận) chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bộ Xây dựng cho phép các doanh nghiệp đem tro xỉ nhiệt điện đi san lấp theo “tiêu chuẩn Việt Nam” về vật liệu xây dựng. Nhưng các chuyên gia về môi trường có thể chứng minh sự tồn tại của các độc tố và đồng vị phóng xạ trong tro xỉ từ nhiệt điện. Tiêu chuẩn mới của Việt Nam về việc sử dụng tro xỉ để san lấp hạ tầng vẫn còn thiếu nhiều chỉ số kiểm định.
Đây là một lỗ hổng của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài nguyên-Môi trường. Trong Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia(giai đoạn 2011 2020), EVN vẫn tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện (dù phải nhập nhiều than và gây ô nhiễm môi trường). Trong khi đó, EVN vẫn tìm cách gây khó dễ cho các dự án điện chạy bằng năng lượng gió và mặt trời. Có thể nói cách tiếp cận của EVN không phù hợp với tầm nhìn công nghệ 4.0 của chính phủ.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, tuy Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, nhưng người ta không thấy có bất cứ kế hoạch cải cách nào để xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN hiện nay. Dư luận cho rằng tiếp tục duy trì độc quyền là “nối giáo” cho ngành điện lực và xăng dầu để tiếp tục tăng giá phi mã, bất chấp phản ứng của dư luận.
Lý giải của Bộ Công thương và EVN
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lý giải sức khỏe tài chính của EVN hiện đang “rất nguy cấp”. Nếu không được tăng giá điện thì “EVN sẽ đứng trước nguy cơ phá sản vì các khoản nợ khủng”. Theo ông Hải, “nếu không tăng giá điện thì EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”. Ông cho rằng “giá điện tăng mọi người đều được lợi”, tuy “những người dân thu nhập thấp nên dùng ít điện hơn”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, nói tại buổi tọa đàm với báo chí (21/3/2019), “giá điện Việt Nam thấp nhất thế giới”, cần tăng cho “bằng giá thị trường”.
Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, không thể so sánh giá điện của Việt Nam với giá điện của thế giới bằng cách quy giá VNĐ ra USD (theo tỷ giá hối đoái), vì ngay cả việc quy theo PPP để so sánh cũng không thể chính xác. Không có chuyên gia kinh tế nào lại làm cái việc so sánh một cách ngụy tạo thô thiển như vậy. Nói cách khác, nếu không kiểm soát được chi phí để tính giá thành điện, thì EVN biết lấy cái gì dể nói là giá cao hay giá thấp?
Không biết EVN đã mang bao nhiêu vốn của nhà nước đầu tư trái ngành bị thua lỗ, và có bao nhiêu khoản lỗ đã được tính vào giá thành điện? Có bao nhiêu đoàn cán bộ EVN đã ra nước ngoài tham quan giải trí, và bao nhiêu chi phí đó được tính vào giá điện? Có bao nhiêu trụ sở hoành tráng đã được EVN xây dựng để phục vụ cho ngành mình, rồi tính vào giá điện? Và trong tỷ lệ thất thoát điện có bao nhiêu phần trăm là do thiết bị lạc hậu?
Điện là sản phẩm độc quyền, do nhà nước áp đặt giá, nhưng nhà nước không kiểm soát được chi phí. Báo cáo tài chính cũng không được kiểm toán định kỳ như các công ty đại chúng, nên việc lời hay lỗ, lời ít hay lời nhiều, lỗ ít hay lỗ nhiều, chỉ có EVN biết. Các chuyên gia và nhà báo dựa vào đâu để nói rằng giá điện thấp nên không thu hút được vốn đầu tư?
EVN đã đầu tư trái ngành lên đến 121.000 tỷ VNĐ (vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, và giáo dục) trong khi vốn điều lệ của EVN chỉ có 77.000 tỷ VNĐ. Số nợ khủng của EVN (tới 396.590 tỷ VNĐ) không phải ngẫu nhiên có, mà do tích lũy qua nhiều năm, từ hàng loạt sai phạm của tập đoàn này (chắc Thanh tra Chính phủ đã biết). Việc EVN đầu tư trái ngành hàng trăm ngàn tỷ VNĐ, vượt mức vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ VNĐ, và thua lỗ đến 2.195 tỷ VNĐ, rõ ràng vi phạm quy định của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần giá mua trong nước (1.500 đến 1.600 VND cho mỗi KW), đồng thời ép giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước (chỉ từ 800 đến 900 đồng cho mỗi KW). Cách kinh doanh ngược đời này của EVN đã đẩy các nhà máy thủy điện trong nước vào cảnh “sống dở chết dở”, và người dân phải chịu đựng cảnh tăng giá điện để bù lỗ cho EVN nhập điện với giá cao.
Dư luận đã bức xúc đặt dấu hỏi về động cơ thực sự của EVN là gì? Phải chăng là do tiền “lại quả” mà phía Trung Quốc đã trả cho một số lãnh đạo EVN để ký những hợp đồng bất thường đó, khiến các vị này sẵn sàng bán đứng các doanh nghiệp trong nước và đẩy người dân vào cảnh cùng quẫn? Nếu đúng vậy thì đây là một nghịch lý không thể chấp nhận.
Với đặc quyền kinh doanh “một mình một chợ” không bị cạnh tranh, EVN đã thao túng giá ở tất cả các khâu (như nguyên liệu, sản xuất và phân phối). Trong khi PVN (Tập đoàn Xăng dầu) phải giảm giá xăng, thì EVN vẫn giữ giá điện cao ngất ngưởng. Không những thế, EVN còn dọa sẽ tiếp tục tăng giá chứ không chịu giảm giá điện. Mục tiêu chính của việc leo thang tăng giá là để EVN bù vào số lỗ khủng mà họ đã bị mất trắng khi đầu tư trái ngành.
Nhưng nhờ cách đi đêm trót lọt, thay vì tăng giá điện mỗi lần 7% và phải báo cáo chính phủ, gần đây EVN còn được trao quyền “tiền tăng hậu tấu” bằng cách xé lẻ giá điện ra thành 3% -5% để tăng làm nhiều lần. Việc EVN được trao quyền này đồng nghĩa với việc sắp tới họ sẽ tăng giá điện nhiều lần hơn so với trước (dù mỗi lần cách nhau ít nhất là 6 tháng).
Nhận xét của các chuyên gia và báo chí
EVN là một mô hình lãng phí công quỹ vì đầu tư sai (gây thua lỗ), quản trị/điều hành kém (gây thất thoát), sử dụng nhân sự thân hữu (là con cha cháu ông). EVN hội tụ đủ điều kiện cơ bản của một nhóm lợi ích thân hữu là doanh nghiệp nhà nước và kinh doanh độc quyền. Khi làm phương án tăng giá điện, EVN muốn đóng dấu “mật” để dư luận không biết được họ chi phí những gì. Tại sao EVN không dám công khai minh bạch cho người dân (là khách hàng) biết, mà phải giấu giếm bằng văn bản có dấu “mật” để lý giải giá điện Việt Nam “thấp”?
Theo PGS Ngô Trí Long, “Đối với 2 mặt hàng sát sườn với người dân là điện và xăng thì nên có sự công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát. Nếu đề xuất đóng dấu mật vào các tài liệu của hai ngành hàng này, sẽ gây ra sự bất bình trong nhân dân”. Theo quyết định số 34 (25/7/2017) về khung giá bán lẻ điện (giai đoạn 2016 – 2020), thủ tướng đã đóng dấu ‘MẬT’, trong đó duyệt mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Theo nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, “EVN dọa thiếu điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắt, ‘Để thiếu điện sẽ có đồng chí mất chức’. EVN chỉ chờ có vậy để thò ra văn bản xin tăng giá điện, nhưng văn bản xin tăng giá của EVN được công bố không có chi tiết tăng lũy kế. EVN đã đưa Chính phủ và nhân dân vào thế đã rồi. Đó chính là sự lừa đảo nhân dân”.
Theo báo Lao Động, Bộ Công thương thông báo giá điện tăng 8,36%, nhưng “sau khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện, người dân mới ngỡ ngàng khi con số không chỉ 8,36% mà tới 50-70%”. Theo VietNamNet, một nguyên nhân chính để EVN tăng giá là cách họ chia mức giá điện ra để dễ “móc túi” người dân. Đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt, biểu giá điện vẫn chia thành 6 bậc, trong đó bậc thấp nhất là 0-50 kWh, bậc cao nhất là từ 401 kWh…
Theo báo Thanh Niên, giá điện chỉ bao gồm những chi phí vận hành và cung ứng điện. Nhưng có những khoản chi “trên trời” vẫn được đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện. Đó là chi cho tuyên truyền tại các công ty điện lực, chi cho các đoàn của ngành điện lực đi tham quan nước ngoài. Các khoản lỗ (hàng chục ngàn tỉ đồng) do đầu tư trái ngành của EVN, đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện vẫn còn treo đó, nay được tính vào giá điện.
Theo báo Lao Động, EVN đã vay khoảng 374,825 ngàn tỷ VNĐ (dài hạn) và 22 ngàn tỷ VNĐ (ngắn hạn). Ngay cả với nguồn lực tài chính khủng của mình (như thông báo), nhưng EVN vẫn có kết quả thu thuần bị âm ngày càng lớn từ hoạt động tài chính. Dư luận đặt câu hỏi trước tình hình giá điện ngày càng tăng, nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng, liệu đã đến lúc phải xóa bỏ độc quyền của EVN (như VNPT hay Vietnam Airlines).
Trong một nền kinh tế thị trường (thực sự) doanh nghiệp nào tùy tiện tăng giá là tự sát. Tuy “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một ngoại lệ (không giống ai), nhưng “định hướng XHCN” không có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước được tùy tiện tăng giá để phục vụ lợi ích nhóm. Làm như vậy chứng tỏ họ đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Đến nay, ngành điện lực vẫn chưa có cạnh tranh, vì Việt Nam vẫn theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Tuy Việt Nam mang tiếng là “kinh tế thị trường” (và đòi thế giới công nhận), nhưng nhà nước vẫn kiểm soát và thao túng giá cả các mặt hàng chính yếu (như điện nước và xăng dầu). EVN vẫn giữ cái đuôi XHCN, nên không có đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, muốn chống tham nhũng, phải kiểm soát quyền lực và đổi mới thể chế.
EVN điển hình cho “ngạo mạn quốc doanh”, vì họ coi thường người dân (là khách hàng). Cách thức kinh doanh của EVN không khác gì cách phục vụ của những cửa hàng quốc doanh thời bao cấp, quen thói “xin-cho”. Tại sao EVN lại muốn đóng dấu “mật” vào phương án tăng giá điện? Người dân bức xúc phản ứng không chỉ vì hóa đơn tiền điện tăng vọt, mà vì thái độ ngạo mạn của EVN (là “đầy tớ”) đã coi thường và qua mặt dân (là “thượng đế”).
Thay lời kết
Không chỉ có EVN mà còn nhiều “quả đấm thép” khác như PVN (tập đoàn dầu khí), TKV (tập đoàn than-khoáng sản), cũng đều bê bối và lỗ khủng. Không hiểu chính phủ kiến tạo và liêm chính có xem xét và giám sát việc xử lý tập thể hay cá nhân nào đã gây ra thất thoát hàng ngàn tỷ VNĐ hay không. Nhưng đến nay, hầu hết những người trực tiếp điều hành các “quả đấm thép” gây ra lỗ khủng (như EVN) vẫn lên chức, hay hạ cánh an toàn.
Ông Đào Văn Hưng, cựu CEO/Chairman, EVN (1995-2000/2006-2012) là tác giả của mệnh đề “lỗ lũy kế” của ngành Điện lực. Dưới quyền ông, EVN thua lỗ nặng nề vì đầu tư trái ngành, xây nhiều biệt thự, chung cư, bể bơi, sân tennis, làm EVN phải trả lãi $1,5 triệu/ngày cho khoản vay 475.357 tỷ VNĐ. Nhưng ông Hưng đã được điều về Bộ Công thương (để hạ cánh an toàn), trong khi EVN vẫn áp dụng “lỗ luỹ kế” để tính vào giá điện cho người tiêu dùng.
Để kỷ niệm “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” (20/3/2019) tại Việt Nam, EVN và Bộ Công thương đã quyết định tăng giá điện thêm 8,36% (như “đánh úp” người dân). Trong khi thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đạo đức giả: “giá điện tăng làm mọi người đều có lợi”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đã nói thẳng việc tổ chức tăng giá điện kiểu này là vô nguyên tắc, vô trách nhiệm, gây ra lộn xộn, “làm chúng ta mắc kẹt, như là con tin của EVN”.
Dư luận cho rằng đợt tăng giá điện lần này đã làm bộc lộ EVN-BCT là một nhóm lợi ích, “bên trình bên duyệt phối hợp nhịp nhàng, cùng bắt tay nhau làm xảo thuật để nâng giá điện”, thậm chí định qua mặt cả quyết định của Thủ tướng. Liệu Thanh tra Chính phủ có làm rõ đúng, sai việc tăng giá điện hay không vẫn còn để ngỏ, phụ thuộc vào việc họ có thực sự lắng nghe dự luận, để làm minh bạch những góc khuất trong vụ việc này hay không.
Việc EVN tăng giá điện không chỉ gây ra phản ứng dây chuyền ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế, mà còn có thể dẫn đến khủng hoảng về thể chế. Người dân và doanh nghiệp không chỉ phản ứng về giá điện cao hay thấp, mà còn bức xúc trước việc EVN được Bộ Công thương bảo kê, vẫn tiếp tục tăng giá điện một cách thiếu minh bạch (như lừa gạt họ) bất chấp hệ quả khó lường như “giọt nước làm tràn ly”. Đã đến lúc phải xóa bỏ độc quyền của EVN (cũng như VNPT) thì mới hy vọng khắc phục được nguyên nhân cũng như hệ quả khó lường.
Nguyễn Quang Dy
Viet-Studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét