Hàng trăm tấn cá chết trên sông La Ngà, dân Sài Gòn lo nước nhiễm độc - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Hàng trăm tấn cá chết trên sông La Ngà, dân Sài Gòn lo nước nhiễm độc


SÀI GÒN, Việt Nam – Tin hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị chết chỉ sau một đêm khiến nhiều người dân lo ngại về nước máy nhiễm độc, do đây cũng là nguồn nước chảy vào hồ Trị An–nơi cung cấp nước sạch cho Sài Gòn.

Hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà chết chỉ sau một đêm. (Hình: VietnamNet)

Báo VietnamNet hôm 18 Tháng Năm cho hay: “Bộ Tài Nguyên Môi Trường đề nghị tỉnh Đồng Nai truy tìm nguồn thải ra sông, tìm nguyên nhân cá chết trắng sông La Ngà thời gian qua. Trước đó, Công An tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Phòng Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường (PC05) phối hợp điều tra vụ cá chết hàng loạt trên sông La Ngà. Chi Cục Thủy Sản Đồng Nai đã lấy các mẫu cá chết để gửi phân tích, hiện đang chờ kết quả để làm rõ nguyên nhân.”

Tờ báo cũng dẫn nguồn tin từ Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Đồng Nai rằng có một số cơ sở sản xuất ở khu vực ven sông La Ngà được phép xả thải ra sông nhưng “được kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu về Sở Tài Nguyên-Môi Trường để giám sát.”

Trong khi nguyên nhân khiến hàng trăm tấn cá chết chưa được công bố, người dân Sài Gòn càng lo lắng thêm trước việc báo chí nhà nước đưa tin thiếu trách nhiệm.

Tờ Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Trần Kim Thạch, trưởng Phòng Quản Lý Chất Lượng Nước, thuộc Tổng Công Ty Cấp Nước Sài Gòn (Sawaco): “Vụ cá chết trên sông La Ngà nằm ở phía thượng nguồn của hồ Trị An. Đây chỉ là một nhánh nhỏ của sông Đồng Nai nên không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động cấp nước của Sawaco. Nước trên sông La Ngà lưu lại trong hồ Trị An rất lâu, có khi cả tháng mà không thể chảy về ngay trạm xử lý nước của công ty. Khi nước được lưu lại ở hồ Trị An thì hồ cũng có khả năng tự làm sạch nguồn nước này vì nước của sông La Ngà chỉ chiếm một phần nhỏ. Thời điểm này là mùa mưa nên lưu lượng nước đổ về hồ Trị An là rất lớn, lượng nước này có thể được pha loãng. Phòng Quản Lý Chất Lượng Nước vẫn phối hợp với phía đầu nguồn khi có vấn đề gì sẽ báo ngay với nhà máy. Vì vậy, người dân Sài Gòn cứ yên tâm sử dụng nguồn nước này.”

Vị đại diện công ty cấp nước cũng là nguồn tin duy nhất trong bài báo để tờ báo của Sở Tư Pháp thành phố ở Sài Gòn dẫn đến kết luận rằng cá chết trên sông La Ngà “không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước”.

Phát ngôn “hồ Trị An có khả năng tự làm sạch nguồn nước” của ông Thạch khiến người ta nhớ lại câu nói từng nhận nhiều chỉ trích của Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường CSVN Trần Hồng Hà trong vụ Formosa năm 2016: “Biển miền Trung có thể tự làm sạch chất ô nhiễm, đào thải độc tố.”

Thời điểm xảy ra vụ 1,500 tấn cá chết trên sông La Ngà vào Tháng Năm, 2018, báo VNExpress cho biết: “Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy mẫu nước tại hiện trường cá chết trên sông La Ngà có nồng độ NH4 (Amoni), NO2 (Nitrite) vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Lượng nước từ thượng nguồn chảy về có thể cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2… dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.”

Sông Đồng Nai, có một nhánh là sông La Ngà cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20 triệu người dân của sáu tỉnh thành: Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Nguồn nước này còn được dùng cho nuôi trồng trong nông nghiệp và nước dùng cho công nghiệp.

Hồi Tháng Năm, 2018, giới hoạt động xã hội dân sự từng dấy lên lời kêu gọi nhà chức trách phải lập tức điều tra và công bố nguyên nhân nguồn độc, nguồn ô nhiễm để ngăn chặn nạn cá chết trên sông La Ngà tái diễn. Theo họ, nguồn nước nuôi cá cũng là nước ăn uống của người dân, cá chết là nước có vấn đề, mà hàng triệu người phải ăn uống từ nguồn nước đó thì không thể chậm trễ, không thể coi là chuyện nhỏ. Tuy vậy, yêu cầu này đến nay không được hồi đáp và người ta chỉ thấy trên mặt báo lời biện minh, trấn an mang tính chiếu lệ của đại diện công ty cấp nước.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages