Chứng khoán Trung Quốc gượng dậy sau phiên mất gần 500 tỷ USD vốn hóa - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Chứng khoán Trung Quốc gượng dậy sau phiên mất gần 500 tỷ USD vốn hóa


Giới đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đại lục dường như chưa dám bắt đáy trong phiên giao dịch ngày thứ Ba...

Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc đang giữ quan điểm thận trọng - Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đại lục dường như chưa dám bắt đáy trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, dù thị trường đã trải qua phiên giảm mạnh nhất hơn 3 năm vào ngày đầu tuần, Bloomberg đưa tin.

Chỉ số Shanghai Composite Index chốt phiên với mức tăng gần 0,7%, sau khi "bốc hơi" gần 6% trong phiên ngày thứ Hai - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Cú giảm chóng mặt đã khiến 478 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, mà nguyên nhân là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật đăng hai dòng tweet đe dọa nâng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong ngày thứ Hai, Nhà Trắng đã chính thức xác nhận lời cảnh báo của ông Trump, cho biết sẽ nâng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ 10%, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần này.

Đồng Nhân dân tệ đã thu hẹp mức giảm và Shanghai Composite Index chuyển từ giảm sang tăng vào giờ cuối của phiên giao dịch, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington dự đàm phán thương mại vào ngày 9-10/5 theo lời mời của Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Trước đó, thị trường đã lo ngại khả năng Trung Quốc hủy vòng đàm phán tuần này.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu trên sàn Thượng Hải phiên ngày thứ Ba thấp hơn 27% so với mức trung bình của 30 ngày, cho thấy giới đầu tư còn thiếu tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường.

"Thị trường vào lúc này vẫn còn rất mong manh", ông Yu Yingbo, Giám đốc đầu tư thuộc Shenzhen Qianhai United Fortune Fund Management Co., nhận xét. "Vẫn đang có rất nhiều sự bấp bênh. Ông Trump đã tận dụng được nhân tố mà Chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát".

Trước phiên bán tháo vào ngày thứ Hai, chứng khoán Trung Quốc đã trở thành thị trường tăng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm nhờ hy vọng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, áp lực giảm đã xuất hiện đối với các chỉ số chứng khoán ở thị trường đại lục trong những phiên gần đây, khi giới đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ cắt giảm bớt các biện pháp kích thích tăng trưởng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như không xem phiên giảm ngày thứ Hai của chứng khoán nước này là điều gì nghiêm trọng. Các báo lớn của Trung Quốc ngày thứ Ba hầu như không đề cập gì đến phiên giảm điểm này. Nhật báo Chứng khoán Trung Quốc, một trong những tờ báo tài chính được phát hành rộng rãi nhất nước này, lập luận rằng thị trường giá lên (bull market) sẽ sớm được nối lại.

Shanghai Composite Index chốt phiên ngày thứ Ba ở mức 2.926 điểm, thấp hơn mức 3.000 điểm vốn là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn Thâm Quyến tăng 1,5% phiên này.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 0,54%. Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có mức giảm tương ứng 1,5% và 0,9%.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,1%. Phiên ngày thứ Hai, chỉ số này sụt 2%, xuống đáy của 5 tháng.

Theo một báo cáo của Jefferies Financial Group, khả năng Mỹ-Trung không đạt một thỏa thuận để kết thúc chiến tranh thương mại ít nhất là 30%. Các nhà phân tích của công ty này nhận định, điều nguy hiểm nhất nằm ở chỗ cả hai bên có thể đang tin rằng vị thế đàm phán của mình đã mạnh lên và không sẵn sàng nhượng bộ đối phương.

"Thị trường sẽ giao dịch yếu chừng nào còn chưa có những thông tin rõ ràng", chiến lược gia Zhang Gang thuộc Central China Securities nhận định. "Chắc chắn sẽ còn nhiều diễn biến giằng co cho tới khi các bên đạt một thỏa thuận thương mại làm hài lòng tất cả. Thị trường vẫn có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn".


Bình Minh
VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages