The New York Times: Người dự báo đúng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

The New York Times: Người dự báo đúng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân


The New York Times: Người dự báo đúng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. 

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân, bắt đầu cách đây 50 năm và được ghi nhận là bước ngoặt của cuộc Chiến tranh Việt Nam, đã gây bất ngờ cho người Mỹ. Một trong số ít người nhìn thấy trước những gì sắp xảy ra là Edward Lansdale, viên tình báo huyền thoại và là tướng không quân về hưu, người đã giúp tạo dựng nhà nước Nam Việt Nam sau khi người Pháp rút lui. Năm 1965, ông trở lại Sài Gòn với tư cách là một nhân viên của Đại Sứ Quán Mỹ, cố gắng sử dụng những mối quan hệ gần gũi với người miền Nam Việt Nam để cứu vãn một ít từ cuộc tham chiến thất bại.

Vào thời điểm mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra lạc quan về cuộc chiến, ít nhất là công khai, Lansdale đã đưa ra nhiều lời cảnh báo. Vào cuối tháng 10 năm 1967, ông viết cho Ellsworth Bunker, Đại sứ tại Sài Gòn, “Tôi tin rằng Hà Nội đang đặt cược vào đỉnh điểm của cuộc chiến sắp diễn ra trong năm 1968.” Ông tiên đoán rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ cố gắng lặp lại thành công chống Pháp của họ: “Các nhà hoạch định chính sách và các sử gia Hà Nội cho rằng sự thất bại của quân đội Pháp đã đi đến điểm quyết định là nhờ vào tinh thần chống chiến tranh trong các thành phố lớn của Pháp nhiều hơn là trên chiến trường ở Việt Nam; Việt Minh đánh trận Điện Biên Phủ hầu như chỉ để định hình ý kiến công chúng ở Paris, một ít tính bi kịch thay vì chiến lược quân sự hợp lý. Điều đó đã thành công.” Bây giờ, ông cảnh báo, Hà Nội sẽ thực hiện một kế hoạch tương tự để “làm cho người Mỹ đau đớn” và “khiến cho công chúng Mỹ buộc Hoa Kỳ phải rút quân”, bởi vì “họ tin rằng công chúng Mỹ dễ bị thao túng tâm lý vào năm 1968.”

Đó là một dự đoán chính xác một cách phi thường, nhưng giống như hầu hết những gì Lansdale đã nói, nó không được những người nắm quyền lưu tâm đến. Ông đã cảnh báo vào năm 1963 rằng đó là một sai lầm khi lật đổ người bạn và người được ông bảo hộ, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông đã bị phớt lờ, và sau cái chết của Diệm trong một cuộc đảo chính quân sự, miền Nam Việt Nam rơi tự do, dẫn đến việc Lyndon Johnson đưa quân đội Mỹ vào chiến đấu để ngăn chận một chiến thắng của Cộng sản. Sau đó Lansdale đã cảnh báo rằng không có cách nào thoát khỏi vũng lầy chỉ bằng hành động quân sự; Hoa Kỳ, ông nói, phải kiến tạo một chính phủ hợp pháp ở Sài Gòn, một chính phủ mà có thể giành được sự ủng hộ của người dân. Ông đã bị phớt lờ một lần nữa khi nước Mỹ mở nắp chiếc hộp Pandora của những khu vực tự do bắn phá và các chiến dịch tìm và diệt. Tướng William Westmoreland tin chắc rằng ông có thể giết Việt Cộng nhanh hơn họ có thể được thay thế.

Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, bùng nổ vào ngày 30 và 31 tháng 1 năm 1968 đã lột trần những cam đoan nhẹ dạ của Westmoreland hồi cuối mùa thu 1967, rằng ông đã nhìn thấy một “ánh sáng ở cuối đường hầm”, như là những gì không khác hơn sự mơ tưởng nhiều cho lắm. Tám mươi nghìn quân Việt Cộng đã tấn công 36 trên 44 tỉnh lỵ, 64 trên 242 huyện lỵ, năm trong số sáu thành phố tự trị và nhiều thôn, làng. Một trận chiến giành quyền kiểm soát Huế, cố đô cũ, đã kéo dài hơn một tháng. Ngay cả khu ngoại vi của đại sứ quán ở Sài Gòn cũng bị một đội biệt động Việt Cộng xâm nhập.

Lansdale đến thăm đại sứ quán ngay sau khi nhóm Việt Cộng tấn công đã bị giết chết hoặc bị bắt sống. Ông lái xe đi trên những con đường vắng vẻ, chạy ngang qua những chiếc xe đầy vết đạn bắn thủng – “trong một chiếc xe đó, một chiếc xe mui kín cửa khép hờ, có một xác chết nằm nửa trên ghế ngồi nửa trên vỉa hè”, ông ghi nhận. “Một người Mỹ mặc quần áo dân sự, đã chết.” Tại chính đại sứ quán, ông nhận thấy rằng “kính vỡ và các mảnh tường vỡ kêu lạo xạo dưới chân. Bên cạnh những lỗ hổng trên ngôi nhà mới của sứ quán và trên tường xuất phát từ hỏa tiển của VC và chất nổ”, những chiếc xe ở bên ngoài “bị đập vỡ kính, thủng lốp và lỗ đạn bắn.”

Khi chiến sự tiếp diễn, biệt thự của Lansdale tại 194 đường Công Lý, theo từ ngữ của ông, đã có một “bầu không khí Di-gan”. Phần lớn người Việt phụ giúp việc nhà đã nghỉ Tết, vì thế nên Landale và hai người Mỹ phụ tá đã phải tìm cách xoay xở lấy thực phẩm và nấu ăn cho họ. Một trong những người của ông đã lấy đi một lượng bánh mì dự trữ ở khách sạn Brinks, là nơi cư ngụ của các sĩ quan độc thân Mỹ. Lansdale và người của ông đã đến thăm những người bạn Việt Nam bị mắc kẹt trong nhà của họ, để mang đến cho họ những bánh mì lậu đó.

Đại sứ Bunker, được người Việt gán cho biệt danh Ông Già Tủ Lạnh vì thái độ lạnh lùng của ông ấy, đã đến nhà của Landsdale với nhóm cận vệ của ông để ở một đêm, sau khi nơi cư ngụ của ông ấy bị cho là không an toàn. Lansdale ghi nhận rằng ông đại sứ, sau khi chợp mắt một chút, “đã làm quen lần đầu tiên với loại F.O.V. cognac từ Hongkong của chúng tôi”. Landale cũng nhận một vài người Việt tỵ nạn đã mất nhà cửa bởi chiến sự – một ông nấu bếp trước đây với con gái và cháu gái. Để chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Lansdale vào ngày 6 tháng 2, bạn bè và gia đình đã gửi thức ăn để chúc mừng, từ xúc xích salami cho tới bia San Miguel. “Vì thế” Lansdale viết, “mà vài cuộc họp ở đường Công Lý đã thiếu tinh thần đại bi kịch thông thường của người Việt, chúng trông giống như những buổi dã ngoại kiểu cũ nhiều hơn.”

Cuối cùng, cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân đã không thành công trong việc châm ngòi nổ cho một cuộc tổng nổi dậy như giới lãnh đạo Cộng sản đã hy vọng. Thống kê chính thức của Mỹ cho thấy đã có 58.373 quân địch chết trong khoảng thời gian từ 29 tháng 1 đến 1 tháng 3 năm 1968, so với 3.895 người Mỹ chết trong chiến đấu, 4.954 quân Nam Việt và 14.300 thường dân Nam Việt Nam. Các tướng lĩnh Mỹ tuyên bố đây là một thất bại mang tính quyết định đối với Việt Cộng. Lansdale, tất nhiên, nhìn mọi thứ khác đi.

Ông thừa nhận rằng quân địch “đã bị nghiền nát về mặt quân sự”, nhưng cảnh cáo vào ngày 27 tháng 3 năm 1968 rằng đợt tổng tấn công này có khả năng đạt được các mục tiêu của Hà Nội: Nó có thể mang “nỗi sợ hãi vào trong con tim của người dân thành phố bằng cách chứng minh sự bất lực của chính phủ trong việc bảo đảm an toàn thỏa đáng,” và nó có thể làm tăng “áp lực rút quân lên Hoa Kỳ ở trong và ngoài nước, bằng cách chứng minh sự vô vọng của một chiến thắng và tính phi đạo lý của công việc chúng ta (ví dụ như hình ảnh hỏa lực Hoa Kỳ hủy diệt các thành phố Việt Nam).” “Yếu tố cảm xúc trong Chiến tranh Việt Nam tăng lên thật to lớn từ cú sốc của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân”, Lansdale cảnh báo. Trong những tháng tới đây, “nó hứa hẹn sẽ trở thành yếu tố trụ cột thật sự.”

Thêm một lần nữa, Lansdale đã nhận thấy được nhiều hơn là phần lớn đối thủ của ông ở Sài Gòn và Washington, nơi đã loại ông ra như là một kẻ mơ mộng và người hết thời. Cú sốc của Tết Mậu Thân đã thuyết phục được Tổng thống Johnson từ chối yêu cầu thêm 200.000 quân của Westmoreland và mang Westmoreland về nước làm tham mưu trưởng Lục quân. Sau đó, trong một bài diễn văn đầy kịch tính trên truyền hình vào ngày 31 tháng 3, Johnson tuyên bố không tái tranh cử và sẽ dùng mọi sức lực của mình để đưa cuộc chiến đi đến kết thúc.

Cuộc tìm kiếm chiến thắng của người Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc; câu hỏi duy nhất bây giờ là tốc độ rút quân. Nhưng sẽ còn nhiều cuộc giao tranh sẽ xảy ra – sau Tết, người Mỹ chết nhiều hơn là trước đó – và Lansdale đã chứng kiến phần của mình trong vòng những tháng hoạt động cuối cùng của ông ấy.

Vào ngày 4 tháng 5 năm 1968, Việt Cộng lại tấn công khắp miền Nam trong cái gọi là Tết Mini. “Giống như trong cuộc tấn công lúc Tết”, Lansdale viết, “tất cả những cây cối ra hoa vẫn tiếp tục nở hoa. Như thế nào đó, vẻ đẹp của chúng chỉ khiến cho phần còn lại thêm xấu xí hơn bao giờ hết.” Đợt tấn công này cũng bị đẩy lùi với tổn thất nặng nề. Nhưng Lansdale đã kinh sợ trước mức độ phá hủy do cuộc phản công của người Mỹ gây ra.

Trợ lý của ông, Charlie Sweet, đã đến thăm một khu vực thuộc giới lao động ở Sài Gòn, được gọi là Quận Tám và đã giật mình trước “sự giận dữ sâu sắc đối với mọi người Mỹ” vì hỏa lực lớn mà quân đội Mỹ đang sử dụng để chống lại khoảng 200 du kích Việt Cộng đã thâm nhập vào khu phố của họ. “Hai trăm căn nhà đã bị phá hủy cho mỗi một Việt Cộng bị giết chết”, một người đàn ông phàn nàn. Chiến sự ở Quận Tám sẽ phá hủy hơn 5.000 căn nhà và tạo ra 40.000 người tỵ nạn. “Tôi hy vọng là chúng ta sẽ không bao giờ dùng những chiến thuật này ở các cuộc bạo động trong nước Mỹ”, Lansdale viết, “nếu không thì chúng ta sẽ mất tất cả các thành phố của chúng ta.”

Ghi nhớ của Sweet về Quận Tám đã “gây tiếng vang”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Clark Clifford viết sau đó, và nó đã khiến cho người kế nhiệm Westmoreland, Tướng Creighton Abrams, ngăn chặn việc sử dụng không kích và pháo binh. Đây là một phần trong nỗ lực của Abrams, để tiến hành những gì mà một nhà sử học gọi là một “cuộc chiến tốt hơn”, nhưng đã quá muộn: Công chúng Mỹ đã quay lưng lại với cuộc chiến.

Đến giữa tháng 6 năm 1968, khi Lansdale chuẩn bị rời Việt Nam lần cuối, Sài Gòn vẫn là một thành phố bị bao vây. Ông ghi nhận: “Hàng đống dây kẽm gai, bây giờ đang rỉ sét dưới những cơn mưa đến từ tháng Năm, làm tắc nghẽn đường xá đây đó trong thành phố. Rác rưởi và những thứ vứt đi bị chất đống trên vỉa hè, khi các dịch vụ công cộng bị giảm thiểu.” Hỏa tiển Việt Cộng bắn vào thủ đô, giết chết và làm bị thương hàng trăm người. “Tính khí mù quáng của những tay súng địch quân”, ông thêm vào, “đã để cho từng người dân có cảm giác rằng anh ta có thể là mục tiêu kế tiếp.”

Khi rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhứt vào ngày 16 tháng 6 năm 1968, Lansdale đã cố gắng thể hiện một bộ mặt dũng cảm, nhưng ông biết là đã thua cuộc chiến rồi. Nhiều năm sau, ông bày tỏ: “cảm thấy thật đau buồn, vì trong thời gian phục vụ của tôi từ 1965 đến 1969 đã không thành công cho đủ để giúp đỡ người dân ở đó ngăn chận tấn bi kịch mà cuối cùng đã ập vào họ.”

Lansdale sống cho tới năm 1987, và cho tới ngày cuối cùng ông vẫn tin rằng nếu như người ta nghe theo những lời khuyên của ông – tập trung vào chính trị nhiều hơn là vào hỏa lực – thì nước Mỹ đã có thể tránh được một vũng lầy. Không có cách nào để biết được ông ấy có đúng hay không, và chắc chắn rằng Bắc Việt sẽ là một kẻ thù đáng gờm trong mọi tình huống, với ý chí chiến thắng lớn hơn Hoa Kỳ. Nhưng thật khó mà tưởng tượng rằng con đường nước Mỹ đã đi – một thất bại bao gồm cái chết của 58.000 người Mỹ và hàng triệu người Việt Nam – là một thay thế vượt trội.

Max Boot là một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết này xuất phát từ cuốn sách mới của ông, “The Road Not Taken: Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam.” (“Con đường không đi: Edward Lansdale và Bi kịch Mỹ ở Việt Nam“).


Max Boot Tác giả
Phan Ba lược dịch
Blog Phan Ba
Nguồn: Max Boot, The American Who Predicted Tet - The New York Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages