Lập ‘túi’ trữ nước cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Lập ‘túi’ trữ nước cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long


Hai túi nước đóng vai trò cốt yếu cho sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)là Đồng Tháp Mười (ĐTM) – 700.000ha và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) – 590.000ha.

Rạch Xá No bị thiếu nước trong đợt hạn hán. Ảnh: Ngọc Bích.

Tuy nhiên, do duy trì hệ thống đê bao khép kín quá lâu nên nguồn nước từ thượng nguồn đổ về hàng năm đã bị từ chối, bị đẩy ra biển. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, cần phải lập vùng trữ nước đểcứu ĐBSCL…

Hậu quả từ việc làm không thuận thiên

PGS.TS Lê Anh Tuấn nói sai lầm lớn nhất khi quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là xây dựng hệ thống đê bao để phát triển ba vụ lúa/năm, với mục đích gia tăng sản lượng. Chính việc làm này đã làm mất đi không gian chứa nước tại các vùng trũng, mất đi nguồn phù sa và hệ sinh thái. Chưa kể, theo GS.TS Lê Anh Tuấn, từng có thời gian chúng ta lại coi lũ là thiên tai, nên nhiều địa phương đã cố làm cống đẩy nước ra biển, khiến nguồn nước ngọt dần bị suy kiệt, tạo điều kiện cho mặn lấn sâu hơn.

Sớm nhận thấy sai lầm, tuy gần đây có một số địa phương cũng muốn chuyển đổi cây trồng. Một số nơi trong vùng đê bao làm lúa chuyển đổi sẽ dễ, nhưng nếu trồng cây ăn trái thì cũng là thách thức và hoàn toàn không dễ dàng, do chất lượng môi trường trong đê đã trở nên quá tệ.

“Việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng, nên khi chuyển từ làm ba vụ thành hai vụ thì cần có sự chuyển đổi đồng bộ trong vùng đê bao. Thí dụ, một ông đang làm ba vụ lúa cần chuyển đổi thì ông kia cũng phải chuyển theo, vì nó liên quan tới sử dụng nguồn nước”, ông Tuấn phân tích, đồng thời khẳng định, nếu không làm đồng bộ thì sâu bệnh sẽ khó giải quyết.

Vừa qua, để đối phó với biến đổi khí hậu, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tính đến kế hoạch chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất lúa ở ĐBSCL sang cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, khi chuyển đổi thì người dân cần được tư vấn trồng cây gì, bán ở đâu? Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các tỉnh ven biển có thể bỏ lúa, còn vùng ĐTM chọn cách trồng sen, lúa, nuôi thuỷ sản; thay vì chuyên canh lúa ba vụ, nhưng chính quyền phải cảnh báo, đừng để người dân chạy theo lợi nhuận mà làm một cách ào ạt, tới khi không kiểm soát được lại nguy.

Khôi phục lại tự nhiên

Trong khi chưa có động thái khởi động nguồn tài chính 1 tỷ USD để thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, các chuyên gia của Việt Nam đã “tranh thủ” được 40 triệu USD từ gói hỗ trợ 2 tỷ USD thuộc quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên hiệp quốc.

“Ban vận động tài trợ đã xin cho ĐBSCL 40 triệu USD”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nói và cho biết đang chờ Chính phủ phê duyệt để triển khai dự án này càng sớm càng tốt. Theo ông, mục tiêu của dự án là hướng đến việc sản xuất thuận thiên, nhưng vẫn đảm bảo đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Dự kiến, dự án sẽ tập trung vào các tỉnh vùng ĐTM và TGLX, nhằm tạo ra sự liên kết vùng, liên kết các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông thuỷ sản; nhưng không phải tăng diện tích và tác động chủ quan đến môi trường (như xây dựng hệ thống đê bao).

“Chúng tôi đưa phát triển thuỷ sản lên hàng đầu, sau đó là hoa màu. Cây lúa xếp ưu tiên thứ ba”, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn. Để làm được việc này, ông Tuấn nêu quan điểm trước hết phải tăng không gian trữ nước cho toàn vùng. Hiện nay, nhóm đề tài đã làm việc với các địa phương vùng ĐTM gồm Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và vùng TGLX gồm An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Cần Thơ, để kiến nghị các tỉnh lập ra kế hoạch nhằm giảm thiểu sự xung đột sử dụng nguồn nước. Đồng thời, cũng lên kế hoạch khảo sát để coi lại vùng trũng nào còn có thể trữ nước được, thì dùng nó làm nơi trữ nước cung cấp nước ngọt cho toàn vùng, chứ không để tiếp tục xây dựng đê bao khiến tình hình thêm xấu đi nữa. Bên cạnh đó, các địa phương phải đẩy mạnh nạo vét kênh rạch trữ nước mùa lũ.

“Vùng nào làm lúa ba vụ không hiệu quả thì nên khuyến cáo giảm còn hai, thậm chí là một để mùa lũ có thể mở đê bao trữ nước.Chúng tôi sẽ đưa ra bản kế hoạch phát triển cho từng vùng. Vùng ngập sâu, ngập cạn, ngập trung bình đều có giải pháp khác nhau và hướng đến phát triển thuận thiên, chứ không can thiệp thô bạo như lâu nay nữa”, ông Tuấn cam kết về dự án.


Ngọc Bích – Hoàng Lan
TGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages