Thầy giáo Đặng Nguyên Triết là giáo viên trường THPT Tôn Đức Thắng, ở tỉnh Ninh Thuận. Thầy là một trong những người phát động phong trào “rủ rê lượm rác“, giúp bảo vệ môi trường sạch, đẹp.
Nhiều học sinh của thầy Triết đã tham gia phong trào này. Những tưởng một phong trào lành mạnh sẽ được các nhà chức trách ủng hộ, nhưng ngược lại, có những em đã bị công an mời lên làm việc vì tham gia nhặt rác!
Thầy Triết vừa đăng tải một bài viết, kể về người học trò cũ của mình cùng các em học sinh khác tham gia nhặt rác ở bãi biển, đã bị công an tỉnh Ninh Thuận mời lên làm việc. Mời mọi người cùng đọc:
Họ, vẫn với chiêu trò cũ rích, nhưng rất thành công ở những năm trước.
Lúc mới nghe em kể, mình không bất ngờ, nhưng vẫn tức đến run người, mãi một lúc sau không nói được lời nào. Mình nghĩ lúc đó, có tên nào đứng trước mặt mình, chất vấn những điều này, mình sẽ chỉ thẳng mặt, mắng lớn “Các anh có phải con người nữa không?”.
Mình viết những dòng này khi mình đã đủ bình tĩnh lại, 2 tiếng sau đó.
Thì có khác gì lần trước đâu, vẫn là chiêu bài dọa dẫm, mời từng em học sinh, sinh viên tham gia nhặt rác ở biển lên, khủng bố tinh thần, khiến các em sợ mà ký cam kết không đi nhặt rác nữa.
Có em còn quá trẻ để phải chịu đựng trải nghiệm khủng khiếp này, trải nghiệm phải ngồi làm việc với công an vì “lỡ” có ý thức môi trường cao hơn những bạn bè cùng trang lứa xung quanh. Rồi đến một tuổi nào, các em mới có thể nhận ra, thật ra, lúc đó, mình không làm gì sai cả?
Hay sẽ mang trong mình nỗi ám ảnh tâm lý, nỗi mặc cảm từng bị mời lên đồn, và một nỗi khiếp nhược chính quyền đến suốt đời.
Nhưng họ cũng không biết rằng, năm đó, khi đàn áp được phong trào nhặt rác, một số em đã bắt đầu có cái nhìn khác về cách hành xử vô pháp vô thiên của chính quyền, mà mỗi khi nhắc tới, biểu cảm của các em, không gì hơn là một cái cười khẩy.
Mình tự hỏi, họ có lương tri không, có người thân không, có vợ con không? Hàng ngày, khi trút bỏ bộ sắc phục, về nhà, họ có dám nhìn thẳng mặt con mình và kể cho các bé nghe, họ đã làm những chuyện gì hôm nay không?
5, 10 năm sau, đứng trước bãi biển quê nhà, họ có dám nói với con mình, những núi rác này ở đâu mà có không, vì sao lâu nay chúng vẫn còn hiện diện ở đây không? Khi người thân họ bị bệnh tật vì môi trường ô nhiễm, họ có dám thú nhận, chính họ đã để mặc, thậm chí đã tiếp tay cho môi trường trở nên như vậy, từ vài chục năm nay hay không?
Những câu hỏi không bao giờ có lời đáp, như họ chưa bao giờ biết tự vấn lương tâm của mình. Nên mình lại tự hỏi, họ đã học được gì từ thầy cô, từ nhà trường.
Hãy hỏi bất kỳ học sinh nào mình dạy, cả ở lớp dạy thêm, về ý thức sử dụng điện, nước, giấy, túi nylon, về việc trồng cây xanh, về việc nhặt rác… để thấy cả đời, mình dành tâm huyết để nhắc nhở mọi người về môi trường ra sao.
Cuối buổi nói chuyện, mình hỏi em học sinh cũ “Em có sợ không?”. Em bảo “Không”. Mình hỏi “Em có làm gì sai không?”. Em bảo “Không”. Mình nói “Vậy thì em cứ tiếp tục nhặt rác ở bất kỳ đâu em gặp, bất kỳ khi nào em thấy cần thiết. Những ai ngăn cản em nhặt rác hôm nay thì tự tru, tự diệt, chắc chắn có kết quả không tốt. Nhân quả tuần hoàn, có chừa ai đâu bao giờ.”
Nhóm Rủ Rê Lượm Rác chỉ mới đi được 2 lần. Hôm đầu tiên, do một nhóm em nữ lớp 11 rủ nhau đi. Sau khi mình đăng để lan truyền ý thức gìn giữ môi trường, thì có thêm vài em nữa tham gia ở buổi thứ hai (trong đó có em học sinh cũ của mình).
Mình không tham gia cùng các em được hôm nào, nhưng mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về những bài đăng rủ các em chung tay nhặt rác. Nếu cần làm việc thì hãy làm việc trực tiếp với mình, đừng khủng bố tinh thần thêm bất kỳ em nào rất dễ thương như vậy nữa.
Sau bài viết này, đề nghị cơ quan chức năng có cách hành xử có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường hơn, và quan trọng nhất là không làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt người dân.
Đừng tự biến mình thành một con ngáo ộp!
(Còn nhiều chi tiết trong buổi làm việc này mà mình chưa kể ra ở đây, vì không muốn làm loãng vấn đề chính, sẽ dành sau).
Đặng Nguyên Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét